Tung tin thất thiệt trên facebook và cái giá phải trả

Thứ Năm, 24/12/2015, 11:45
Mạng xã hội Facebook với tốc độ phát triển, lan truyền như vũ bão trong thời gian qua đã góp phần quan trọng kết nối cộng đồng, chia sẻ những thông tin hữu ích cho người sử dụng. Thế nhưng bên cạnh đó, đã xuất hiện một bộ phận người dùng Facebook lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù cuộc sống trên mạng xã hội là "ảo" nhưng những hành vi này đã và đang gây ra những hậu quả thật…

Diễn viên tung clip bị thôi miên để được nổi tiếng

Vụ việc một nhóm học sinh tuổi vị thành niên sử dụng tài khoản Facebook mạo danh thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đe dọa, kích động khủng bố bị cơ quan chức năng làm rõ, xử lý vào cuối tháng 11 vừa qua chưa kịp lắng xuống, thì những ngày đầu tháng 12 này, trên mạng xã hội Facebook lại xôn xao trước clip chia sẻ bị thôi miên tại cây ATM trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) của tài khoản có tên Nguyễn Trọng H., một thanh niên đẹp trai, đang theo học một trường nghệ thuật tại Hà Nội.

Clip dài khoảng 5 phút, do Nguyễn Trọng H. tự quay bản thân kể lại câu chuyện H. bị thôi miên khá ly kỳ vào ngày 6-12. Theo lời của H., chuyện xảy ra vào khoảng 7 giờ ngày cuối tuần, cậu ta ra cây ATM gần dốc Ngọc Hà rút tiền, bình thường giờ đó rất vắng nhưng không hiểu sao hôm đó lại rất đông người nên phải xếp hàng. Khi đến lượt H. thì có một "bác" khoảng trên 50 tuổi đeo khẩu trang chen vào. Người này nhìn H. nên theo phản xạ, cậu ta lấy tay che bàn phím để nhập mật khẩu.

Quá trình rút tiền, H. thấy bác đó loay hoay nhập mật khẩu ở cây ATM bên cạnh nhưng không được. Khi H. lấy được tiền, bác đó nhờ H. xem giúp vì thẻ mới đã nhập đúng mật khẩu mà không vào được. Nghĩ người già cần giúp đỡ nên H. đồng ý giúp.

Tuy nhiên khi người đó mở khẩu trang ra, H. ngửi thấy một mùi lạ rất khó chịu khiến cậu ta bủn rủn chân tay, mặt mũi tối sầm lại. Lập tức H. lao ra khỏi cây ATM, vào quán nước gần đó nhúng cả đầu vào xô nước. H. chạy ra chốt Cảnh sát bảo vệ gần đó nói "Anh giúp gọi điện về cho bố mẹ em", sau đó chỉ tay về chỗ cây ATM nhưng không nhìn thấy bác kia đâu nữa.

Clip bị thôi miên tại cây ATM do Nguyễn Trọng H. đưa lên facebook nhằm mục đích muốn "nổi tiếng".

Vẫn theo lời kể của H., khoảng 30-40 phút sau cậu ta mới đứng lên được. "Mình thề, mình to con thế này, sức như con trâu thế này nhưng không hiểu sao có một tí hơi gì đấy thôi mà làm cho mình chân tay bủn nhủn, ai hỏi cũng chỉ biết gật đầu ừ" – H. kể trong clip. Khi H. tỉnh lại thì được người phụ nữ bán nước kể lại hiện tượng cậu ta "như người say rượu, chạy đến và gục đầu vào xô nước rửa chén của cô".

Cuối clip, H. nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác khi đi rút tiền tại cây ATM và kêu gọi "mong mọi người hãy share clip này vì sắp Tết rồi, có rất nhiều hiện tượng lừa đảo". H. cảnh báo mọi người chú ý đeo khẩu trang thậy dày khi đi xe máy, ai hỏi gì cũng đừng trả lời, ai nhờ rút tiền ATM hoặc những việc liên quan đến tiền thì đừng giúp, hãy từ bỏ ý nghĩ giúp đỡ mọi người đi vì có thể mắc bẫy lừa đảo.

Ngay sau khi đăng trên Facebook cá nhân, đoạn clip của Nguyễn Trọng H. lập tức nhận được hàng chục ngàn lượt like và chia sẻ. Clip này còn được đưa lên trang Youtube với hàng triệu lượt xem. Các báo điện tử cũng đưa thông tin và đặt ra nhiều giả thuyết rằng nhiều khả năng chàng trai này đã bị thôi miên bởi một loại khí độc có tên "hơi thở của quỷ". Các ý kiến của những người xem clip đều tỏ ra lo lắng, sợ hãi trước thủ đoạn của tội phạm mà Nguyễn Trọng H. nêu ra nhắc nhở mọi người cảnh giác.

Tuy nhiên, hoài nghi về tính xác thực của clip, nhiều người đã đến khu vực dốc Ngọc Hà kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều điểm vô lý, như 2 cây ATM được ngăn bởi một vách kính, vì vậy việc thôi miên bằng khí độc không thể thực hiện được. Cũng không có chủ quán nước nào xác nhận việc H. chạy đến vục đầu vào xô nước. Mặt khác, trụ sở Công an phường Đội Cấn ở rất gần đó. Cơ quan Công an xác nhận không có ai trình báo và kiểm tra cũng không có sự việc nào như vậy.

Nguyễn Trọng H. đã được Phòng PC50 Công an Hà Nội mời lên làm việc. Ban đầu, cậu ta vẫn cố khẳng định những điều kể trong clip là có thật. Nhưng khi Cơ quan Công an chỉ ra những điều bất hợp lý, H. đã thừa nhận sự việc bị thôi miên là không đúng sự thật. Bản thân H. là sinh viên trường nghệ thuật nên với tài diễn xuất, cậu ta đã "diễn" khá đạt, khóc lóc, hoảng hốt kể chuyện với gương mặt biểu cảm. Lý do bịa ra câu chuyện "thôi miên", theo H. là muốn nổi tiếng trên mạng. H. khai trước đó cũng đã xem một số clip tự kể chuyện tương tự trên mạng nên cũng học theo.

Nghe lỏm trên taxi, bà mẹ đưa tin vụ bắt cóc trẻ em

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội, thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện khá nhiều trường hợp đưa thông tin không có thật, thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Có người đưa tin do vô ý thức, nhưng cũng không ít người, nhất là giới trẻ với lối sống "ảo", muốn tăng like, muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng đã tung tin thất thiệt mà không lường hết hậu quả xảy ra.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trong thời gian qua, còn xuất hiện việc đưa tin không đúng sự thật trên Facebook nhằm mục đích trục lợi như lấy tiền quảng cáo hoặc để phục vụ việc bán hàng online… 

Mới đây nhất, đơn vị vừa phối hợp cơ quan chức năng làm rõ, xử phạt hành chính một phụ nữ tung tin bắt cóc trẻ em không đúng sự thật trên mạng  Facebook, gây hoang mang trong dư luận.

Trước đó, ngày 23-9-2015, trên mạng xã hội Facebook "rúng động" bởi thông tin bắt cóc trẻ con trắng trợn giữa ban ngày được đăng  trên trang Facebook cá nhân của một phụ nữ có tên Vũ Thị M., làm nghề kinh doanh quần áo online ở quận Đống Đa, Hà Nội.

Thông tin về vụ bắt cóc trẻ em ở Văn Quán, Hà Đông do chị Vũ Thị M. đưa lên facebook là sai sự thật.

Chị M. viết: "Ôi trời ơi sợ quá đi mất, vào đến nhà rồi mà vẫn run sởn hết gai ốc lên. Bình thường đọc trên mạng mấy vụ bắt cóc trẻ con mình cũng chỉ đọc để biết thôi. Ai dè hôm nay biết chuyện có thật luôn, lại còn  ngay gần khu mình ở. Hu hu. Có mẹ nào cho con học trong khu Văn Quán cẩn thận nhé. Vừa có vụ bắt cóc trẻ con ngay tại vườn hoa gần 1 trường tư thục trong khu Văn Quán. Cô giáo cho các con ra vườn hoa dạo xong tự dưng có 2 đứa đi xe máy phóng vèo đến ôm luôn 1 bé đi mất dạng, cô còn không kịp kêu cứu. Khu đấy thì vắng người nên chả ai bắt được nó luôn. Sợ quá đi mất…".

Trên Facebook của chị M., một số người bình luận, tỏ ý hoài nghi về thông tin thì được chị M. trả lời: "Thật đấy không đùa đâu. Trước cũng không tin nhưng hôm nay chứng kiến sợ quá, chiều đi đón con phải dặn cả cô giáo và ban giám hiệu nhà trường mới được, mà trong khu Hà Đông còn mấy vụ rồi…".

Lời khẳng định của chị M. trên phần bình luận khiến nhiều người tin vụ bắt cóc trẻ em là có thật. Vì vậy chỉ 2 giờ sau khi đăng tin, status trên đã nhận được 435 lượt like, 50 bình luận và 460 lượt chia sẻ. Thông tin vụ bắt cóc trẻ em táo tợn lan truyền một cách chóng mặt khi nhiều tờ báo, trang tin điện tử trong và ngoài nước cũng đăng thông tin trích từ Facebook của chị M., gây xôn xao dư luận và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Trước sự việc trên, Công an quận Hà Đông đã tổ chức xác minh, rà soát toàn bộ địa bàn, các khu vực có trường mầm non, nhà giữ trẻ. Tuy nhiên không ai xác nhận thông tin trên, cũng không có ai đến Cơ quan Công an trình báo sự việc như vậy. Phòng PC50 Công an Hà Nội cũng vào cuộc điều tra, mời chị Vũ Thị M., người đã đăng status nêu trên đến làm việc.

Chị M. trình bày buổi sáng ngày 23-9, chị thuê taxi đi giải quyết công việc. Trên xe, chị nghe được cuộc điện thoại nói chuyện giữa hai vợ chồng cậu lái xe, nội dung về vụ bắt cóc trẻ em ở Hà Đông. Vậy là từ câu chuyện nghe bập bõm trên xe, không cần biết có thật hay không, về nhà, chị M. lao vào viết status kể lại câu chuyện "như đúng rồi" rồi đăng trên Facebook cá nhân, để chế độ public cho tất cả mọi người trên cộng đồng mạng xem được.

Tại Cơ quan Công an, chị M. khai mục đích đăng status là để cảnh báo mọi người cẩn thận khi trông nom con cái, bởi bản thân chị cũng đang có con nhỏ. Chị M. tỏ ra rất hối hận về hành vi đăng thông tin chưa có kiểm chứng của cơ quan có thẩm quyền.

Sau khi làm việc, Phòng PC50 đã yêu cầu chị M. phải tự gỡ bỏ status trên, đồng thời chuyển Phòng PC45 xử lý. Phòng PC45 đã ra quyết  định xử phạt hành chính đối với chị Vũ Thị M. về hành vi chủ động đưa thông tin sai sự thật, với mức phạt 12,5 triệu đồng theo điểm a. khoản 3, Điều 64 Nghị định 174 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Tương tự như trường hợp chị M., chỉ là "nghe hơi nồi chõ" nhưng hai vợ chồng anh Vương Bá Huy và chị Đỗ Thùy Linh đã "sáng tác" ra thông tin dịch bệnh Ebola tại Việt Nam rồi tung lên Facebook, gây hoang mang trong xã hội. Vào thời điểm đầu tháng 8-2014, khi dịch Ebola đang hoành hành tại các nước châu Phi, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh.

Thế nhưng ngày 11-8, trên Facebook cá nhân, chị Đỗ Thùy Linh tung lên status: "Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến Việt Nam rồi nhé, tại bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ nên không để lộ ra ngoài. Các mẹ biết và phòng tránh cho gia đình và bé con nhé". Thấy vợ đăng tin, ngay lập tức, anh Vương Bá Huy cũng "ăn theo" vợ.

Anh này vội vã dùng điện thoại di động đăng nhập Facebook đưa thông tin về virus Ebola với nội dung: "Thông báo: Dịch Ebola đã về Việt Nam, mình biết tin này qua bác sĩ người nhà, gọi điện về thông báo cho các con. Việc này rất nguy hiểm, mọi người cố gắng sát khuẩn sạch sẽ bằng cách cho cồn 70 độ hòa vào chai Betadine, xịt vào tay và quần áo. Cầu mong dịch này mau qua đi vì sợ quá rồi. Mình thông báo tin này cho mọi người cố gắng tự ý thức để dịch bệnh không lây lan rộng".

Mặc dù mục đích của anh Huy, chị Linh chỉ là cảnh báo mọi người đề phòng dịch bệnh, nhưng với hành vi tung tin không đúng sự thật, Phòng PC45 Công an Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính cặp vợ chồng này 20 triệu đồng.

Ngồi tù vì tung tin sai sự thật

Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng với những trường hợp chưa gây hậu quả. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự. Điển hình như vụ 2 đối tượng Ngô Bá Sơn (31 tuổi, quê Nam Định) và Vũ Văn Bằng (27 tuổi, quê Hòa Bình) với chiêu thức mua các tài khoản Facebook bị hack đã tạo ra hàng trăm tên miền nhằm đăng tin sai sự thật lên các group Facebook, khi người dùng click vào đường dẫn này sẽ chuyển hướng đến các website cần tăng lượng người truy cập. Nhờ đó, các đối tượng sẽ được hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo trên các trang web này.

Ngày 10-4-2015, các đối tượng đã dùng Facebook có tên Phạm Anh Tuấn đưa status tung tin một nữ sinh viên Đại học Công nghiệp - Hà Nội bị hiếp dâm chết lõa thể, kèm theo bức ảnh một cô gái nằm bất tỉnh trên nền đất và tấm ảnh có bố trí giống như một cuộc khám nghiệm hiện trường. Thông tin trên lập tức được chia sẻ tới tấp trên cộng đồng mạng, khiến cho sinh viên và người dân trong khu vực hết sức hoảng sợ, lo lắng.

2 đối tượng bị bắt giữ về hành vi tung tin nữ sinh viên Đại học Công nghiệp bị hiếp, giết.

Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp Sơn và Bằng về hành vi "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet", đồng thời làm rõ trước đó 2 thanh niên này đã đăng các thông tin khác nhau có nội dung gây sự chú ý như khiêu dâm, cướp, giết, hiếp lên hàng trăm group Facebook khác.

Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng, công dân có quyền tự do ngôn luận qua các việc đưa thông tin lên mạng xã hội nhưng những thông tin đó phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Với sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của mạng xã hội Facebook hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật… đã và đang  gây những hậu quả xấu cho tình hình an ninh xã hội.

Việc đưa thông tin như vậy là hành vi vi phạm pháp luật và cho dù người đưa tin có cố tình lợi dụng công nghệ cao, đưa tin ẩn danh thì cũng bị Cơ quan Công an làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Hương Vũ
.
.