Xung quanh những vụ trộm tiền trong xe hơi tại TP HCM:

Tuyệt chiêu… của “đạo chích” ngoại

Thứ Tư, 29/07/2009, 07:50
Liên tiếp trong những tháng gần đây, hàng loạt vụ mất tiền trong xe hơi đã diễn ra ngay tại quận 1 và quận 3, quận trung tâm của TP HCM. Đã có lúc, dư luận rộ lên tin đồn về nhóm cướp bí ẩn chuyên dùng súng bắn đinh do Đài Loan sản xuất, bắn vào lốp xe hơi của khách mới rút tiền từ ngân hàng ra. Sau đó, tranh thủ khi người điều khiển xe hơi loay hoay thay lốp xe mới, bọn chúng sẽ nhanh tay cạy cửa xe và... thoải mái nẫng hàng trăm triệu cho đến vài tỉ đồng được để trong xe hơi.

Tuy nhiên, từ lời đồn cho đến "hiện thực của vụ án" là một khoảng cách rất xa.

Các “vị khách” đến từ Indonesia

Sự bất an của khách hàng đến rút một lượng tiền mặt lớn tại các ngân hàng bắt nguồn từ vụ "bỗng dưng thủng lốp xe" bị mất 2,4 tỉ đồng tại khu vực giao lộ Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa vào ngày 4/6/2009. Liên tiếp các ngày sau đó, hàng loạt vụ xe bỗng dưng thủng lốp xuất hiện và tổng số tiền bị mất ngày càng nhiều lên. Gần như là mỗi tuần, trên các phương tiện truyền thông đều có tin phản ánh chuyện "lốp xe thủng mất tiền", một cảm giác bất an bao trùm lên toàn bộ đời sống của người dân TP HCM.

Nhận định đây là băng nhóm tội phạm, đặc biệt nguy hiểm, Ban giám đốc Công an (CA) TP HCM đã chỉ đạo cho Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH (PC14) phải tập trung lực lượng để điều tra các vụ việc này. Trong lúc PC14 đang điều tra thủ đoạn, địa bàn gây án của nhóm tội phạm, phân loại đối tượng nghi vấn... thì trên địa bàn quận 1 và quận 3 lại tiếp tục xảy ra các vụ "thủng lốp xe mất tiền" tương tự.

Nghiên cứu kỹ hồ sơ của các vụ mất tiền trong xe hơi diễn ra trên địa bàn cả nước, cán bộ PC14 phát hiện ra một chi tiết vô cùng quan trọng. Có thể, đó chính là mấu chốt lớn nhất của việc phá án. Năm 2008, trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã xảy ra 2 vụ "bỗng dưng thủng lốp ôtô" với diễn biến vụ việc hệt như tại TP HCM, số tiền bị mất là 400 triệu đồng. Và sau khi kết thúc chuyên án, CATP Hà Nội đã bắt giữ 5 đối tượng là thủ phạm của hai vụ án trên, chúng đều là người Indonesia. Khai nhận tại Cơ quan CATP Hà Nội, các đối tượng này cho biết chúng không dùng súng bắn đinh bắn trực tiếp vào lốp xe ôtô mà vật để khiến ôtô thủng lốp chính là mẩu sắt nhọn được giấu trong vỏ bao thuốc lá.

Sau khi phân tích tài liệu do CATP Hà Nội cung cấp, lãnh đạo PC14 CATP HCM nhận định, nhiều khả năng bọn tội phạm gây ra các vụ trộm tiền trong xe ôtô trên địa bàn quận 1 và quận 3 cũng là người Indonesia. Từ đó, lãnh đạo PC14 chỉ đạo các trinh sát túc trực tại các cửa khẩu từ đường hàng không cho đến đường bộ, sàng lọc hành khách nhập cảnh vào TP HCM từ Indonesia. Đến đầu tháng 7/2009, trinh sát đã báo cáo đầy đủ nhân thân của các đối tượng nghi vấn về lãnh đạo PC14 CA TP HCM.

Nắm được nguồn tin quan trọng này, lãnh đạo PC14 đã báo cáo về Ban giám đốc CATP HCM. Và ngày 9/7/2009, Đại tá Phan Anh Minh - Phó GĐ CATP HCM đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo PC14, CA quận 1 và quận 3 thành lập chuyên án truy xét mang bí số 907T với quyết tâm sớm triệt phá băng nhóm tội phạm người nước ngoài này. "Chủ lực quân" của chuyên án sẽ là Đội Đặc nhiệm hình sự trực thuộc PC14 CATP HCM. Lúc này, bọn tội phạm đã 7 lần gây án thành công, trộm được số tiền mặt và ngoại tệ tương đương 10 tỉ đồng.

Một ngày sau khi chuyên án được thành lập, các trinh sát đã xác định được 8 đối tượng nghi vấn là người Indonesia đang lưu trú tại hai khách sạn thuộc quận 1 trên đường Lê Thánh Tôn và Lý Tự Trọng. Ngay lập tức, Ban chỉ đạo chuyên án đã yêu cầu các trinh sát bí mật giám sát và đón lõng 8 đối tượng này 24/24 giờ.

Trong thời gian bí mật giám sát, trước khi các đối tượng sa lưới vào trưa 14/7, trinh sát phát hiện nhóm tội phạm này đã nhiều lần bám theo "con mồi", sử dụng chiêu thức quẳng đinh để "bẫy" lốp xe nhưng đều không thể gây án được. Lý do là khách rút tiền ngân hàng đã nâng cao cảnh giác sau hàng loạt vụ mất tiền do... cái lỗ thủng của lốp ôtô.

Điển hình là vào ngày 13/7, trinh sát phát hiện 8 đối tượng này theo "con mồi" từ Ngân hàng HSBC, chi nhánh Đồng Khởi về đến ngã tư Nguyễn Thái Học và Phạm Ngũ Lão thì bọn chúng bắt đầu quẳng đinh làm thủng lốp xe ôtô. Tuy nhiên, khi người trên ôtô được một "người tốt" ra ám hiệu chỉ xe bị thủng lốp, chỉ có mình tài xế xuống xem xét và thay bánh "sơ-cua", trên xe vẫn có người trông coi bao tiền. Không có cơ hội gây án, bọn tội phạm đành bỏ rơi "con mồi".

Các đối tượng người Indonesia trong vụ án trộm tiền bị bắt giữ.

Ngay trong ngày, Đội Đặc nhiệm hình sự PC14 CATP HCM truy bắt trọn băng nhóm tội phạm này, bọn chúng cũng đã "hụt ăn" thêm lần cuối trước lúc sa lưới. Khoảng 10h ngày 14/7, trinh sát phát hiện nhóm tội phạm này theo một xe ôtô loại 7 chỗ từ ngân hàng ở quận 1 về đến đường Lương Định Của, quận 2 thì bắt đầu sử dụng chiêu thức cũ để làm thủng lốp xe. Lần này cũng như lần trước, do có sự cảnh giác từ các khách hàng rút tiền, nên chỉ có tài xế xuống kiểm tra tình trạng xe, người còn lại vẫn ở trong xe hơi để canh chừng bao tiền. Kế hoạch "giăng bẫy" của bọn chúng hoàn toàn phá sản.

Tức tối sau lần hụt ăn, bọn chúng quyết định tập trung tại khu vực đường Tôn Đức Thắng, quận 1 gần Ngân hàng Quốc tế Mega ICBC để "rình mồi". 11h30', chúng bám theo xe của một doanh nhân Đài Loan vừa rút tiền rời ngân hàng. Khi chúng di chuyển, các trinh sát cũng lặng lẽ bám theo.

Đến đường Trần Hưng Đạo, bọn chúng sử dụng chiêu thức cũ để gây án và lần này vị thương nhân Đài Loan vừa rút 22.900 USD từ Ngân hàng Mega ICBC và tài xế đã không đủ cảnh giác. Trong lúc tài xế loay hoay thay bánh xe với sự giúp sức của thương nhân Đài Loan, một tên trong nhóm tội phạm này đã nhanh chóng cạy cửa xe, lấy trộm bao tiền trong xe và một vài vật dụng khác. Phát hiện thấy bọn tội phạm đã "ăn hàng", các trinh sát quyết định đánh án.

Rất nhanh chóng, 4 tên đã bị bắt tại chỗ. 4 tên còn lại thấy động, lập tức rú ga tháo chạy. Theo đúng kế hoạch truy bắt khi bọn tội phạm đào tẩu, Thượng úy Nguyễn Xuân Lành và Thượng sĩ Võ Thành Dung, hai trinh sát giỏi võ và điều khiển xe máy rất "chuẩn", lập tức phóng xe đuổi theo hướng chiếc xe máy có chở tên giữ tiền vừa trộm được. Sau cuộc truy đuổi từ quận 1 sang quận 4 rồi quận 7, cuối cùng hai tên tội phạm đành thúc thủ tại cầu Tân Thuận.

Sau khi đánh án thành công, một cuộc truy xét nhanh đã diễn ra tại khách sạn mà băng nhóm tội phạm này lưu trú, Cơ quan Công an đã phát hiện ra nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Qua đấu tranh nhanh, bọn chúng khai nhận tất cả đều là người Indonesia, sinh sống chung ở một hòn đảo tại Indonesia. Thủ đoạn bẫy xe trộm tiền của chúng rất đơn giản. Bọn chúng dùng một đoạn sắt nhọn được mài giũa cho bén, đặt trong bao thuốc lá. Sau đó, cả nhóm đến các ngân hàng "rình" những khách hàng đi xe ôtô vừa rút một lượng tiền lớn và bắt đầu bám theo. Đến ngã tư có tín hiệu đèn giao thông, một tên trong nhóm sẽ bí mật đặt bao thuốc lá trong có sắt nhọn vào vị trí di chuyển của bánh sau xe ôtô phía bên phải.

Ngay khi xe di chuyển, cũng là lúc đoạn sắt "ăn" vào bánh xe làm thủng lốp. Tiếp đến, bọn chúng sẽ đóng vai "người tốt" ra hiệu cho tài xế biết lốp xe bị thủng. Và lợi dụng khi tài xế cùng những người trên xe xuống thay lốp xe, bọn chúng sẽ dùng đoản nạy cửa xe và cuỗm tiền.

Với lời khai ban đầu, có cả thực nghiệm nhanh ngay tại sân để xe của PC14 CATP HCM, thì tin đồn "súng bắn đinh cướp tiền" là hoàn toàn không có cơ sở. Qua quan sát thực nghiệm nhanh, PV Chuyên đề ANTG  nhận thấy thủ đoạn của băng nhóm tội phạm này rất đơn giản. Đơn giản đến bất ngờ, ấy vậy mà, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của khách hàng rút tiền, bọn chúng vẫn "nẫng" được gần 10 tỉ đồng chỉ với "số vốn kinh doanh" là cái bao thuốc lá có đoạn đinh bên trong.

Thêm một chiến công nữa của Đội Đặc nhiệm hình sự  PC14 CATP HCM trong việc "đánh sập" băng nhóm tội phạm nguy hiểm này, trấn an được dư luận về nhóm cướp "bắn đinh" bí ẩn...

Trước chiến công mới của PC14 CATP HCM, chiều ngày 16/7, đại diện UBND TP HCM, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài đã đến trụ sở (PC14) Công an TP HCM để khen thưởng "nóng" Ban chuyên án 907T với số tiền 10 triệu đồng.

Tuyên dương Tổ Chuyên án, ông Nguyễn Thành Tài phát biểu: "Việc phá, bắt băng tội phạm người Indonesia đã giải tỏa áp lực; làm cho người dân bớt bức xúc, lo lắng và tin tưởng hơn vào khả năng tác chiến của lực lượng công an". Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ban giám đốc CATP HCM cũng đã trao thư khen và số tiền 3 triệu đồng cho Ban chuyên án. 2 tên còn lại đã kịp thời tẩu thoát về nước chỉ sau đó gần 2 giờ bằng loại thẻ ưu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đại tá Phan Anh Minh, Trưởng ban chuyên án cho biết thêm, hiện nhóm nghi can đã thừa nhận là "tác giả" gây ra 3 vụ làm xẹp lốp xe ôtô để cướp tiền. Tuy nhiên, trước sự lì lợm của các đối tượng, việc mở rộng điều tra cũng gặp ít nhiều khó khăn, như: nhóm tội phạm này đã yêu cầu Cơ quan CSĐT thực hiện quy trình tố tụng theo ngôn ngữ Indonesia. Việc truy thu số tài sản của người dân bị trộm cũng đặt Cơ quan CA vào tình huống khó vì hầu như băng nhóm tội phạm này đã chuyển tiền của những vụ "ăn hàng" thành công về Indonesia...

Liên quan đến tình tiết, 2 đối tượng bỏ trốn khỏi Việt Nam bằng đường hàng không với thẻ ưu tiên, lãnh đạo PC14 CATP HCM cho biết hiện Cơ quan CSĐT đang phối hợp với Cảnh sát Indonesia và Interpol quyết tâm truy bắt bằng được 2 đối tượng còn lại trong vụ án "bẫy lốp ôtô, trộm tiền tỉ" này.

Tiền mặt  - Không phải là giao dịch duy nhất (!)

Thực hiện giao dịch bằng tiền mặt với giá trị lớn gần như là thói quen đối với người dân Việt Nam. Thế nên, có ý kiến cho rằng ngân hàng cần có những biện pháp đảm bảo tiền cho khách hàng khi vận chuyển khối lượng tiền mặt lớn đem gửi vào ngân hàng hoặc rút từ ngân hàng về. Tuy nhiên, qua trao đổi với chúng tôi, một cán bộ phòng tín dụng công tác tại một ngân hàng ở TP HCM, phân tích: "Đây là vấn đề còn khá nhiều bất cập khi chưa thể xác định được trách nhiệm rủi ro ở vấn đề con người".

Đơn cử, khi ngân hàng cử cán bộ đến nhà khách hàng thu tiền và chính cán bộ ngân hàng là người biển thủ, tạo dựng nên cướp giả rồi báo cáo mất. Hoặc giả sử nếu xảy ra một vụ cướp thật, thì lúc này ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro có liên quan đến quy chế của Ngân hàng Nhà nước. Song, hiện nay mức trích lập rủi ro tín dụng, trong đó chỉ có nợ xấu, khoản nợ quá hạn... chứ chưa có quỹ dự phòng rủi ro đơn thuần là yếu tố con người. Cũng theo cán bộ này khẳng định: "Các ngân hàng thương mại nếu làm được điều này phải dựa trên văn bản cho phép của Ngân hàng Nhà nước".

Trong một văn bản gửi các ngân hàng lớn tại quận 1, Trung tá Nguyễn Hoàng Thắng, Phó trưởng CA quận 1 cảnh báo: "Lãnh đạo các ngân hàng cần nhắc nhở cho các nhân viên thu ngân, bảo vệ chú ý cảnh giác các đối tượng nghi vấn bên trong và bên ngoài ngân hàng, nhất là các đối tượng sử dụng xe hai bánh đeo bám các ôtô chở tiền từ ngân hàng ra để kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an".

Có lẽ, đã đến lúc người dân cần vận dụng cách thức chuyển khoản giữa các ngân hàng để tránh lâm vào tình trạng "bỗng dưng xe thủng lốp và tiền biến mất"

K.Hữu - Đ.Hưng
.
.