Uganda: Làn sóng bắt giết trẻ em để hiến tế

Thứ Sáu, 20/01/2012, 05:15

Khoảng 9.000 đứa trẻ mất tích ở uganda trong 4 năm qua, theo một báo cáo của Mỹ. Còn theo số liệu có được của BBC, trong 4 năm qua có ít nhất 400 trẻ em châu Phi bị bắt cóc bán sang nước Anh sau đó được chính quyền nước này giải cứu. Có bằng chứng cho thấy giới thầy lang tâm linh của châu Phi liên quan đến những vụ bắt cóc trẻ em này.

Theo Christine Beddoe, Giám đốc tổ chức từ thiện chống buôn người Ecpat UK của Anh, chính thứ tín ngưỡng kỳ quái tin vào sức mạnh của máu người trong những nghi lễ gọi là juju là tác nhân tạo nên nhu cầu về trẻ em châu Phi. Beddoe giải thích, bọn buôn trẻ em sang Anh để thực hiện hiến tế có thể là bất cứ ai, người có quyền lực hay người thuộc giới thầy lang tâm linh châu Phi. Sau khi bị bắt cóc bán sang nước Anh, nhiều đứa trẻ châu Phi bị ngược đãi và thường bị cưỡng ép chích máu để thực hiện nghi lễ juju cho khách hàng của những kẻ đồng cốt bệnh hoạn này.

Theo lời kể của một bé trai nạn nhân, bọn buôn người hay thầy lang cắt da chân tay, đầu và cơ quan sinh dục; có khi còn xuống tay giết chết nạn nhân để lấy máu làm nghi lễ hiến tế juju. Những nạn nhân nhỏ tuổi nếu muốn toàn mạng thì phải tuyệt đối im lặng. Giới thầy lang tâm linh đang hoạt động mạnh ở nước Anh. Nhiều người quảng cáo những "nghi lễ thay đổi cuộc sống" với hình thức cầu nguyện kết hợp với thảo dược, nhưng cũng có người hành lễ với máu người.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Uganda đang là một trong những quốc gia chính cung cấp trẻ em để bán và bí mật đưa sang nước Anh phục vụ cho nghi lễ của giới thầy lang. Một đứa trẻ có thể được bán cho bọn buôn người với giá khoảng 15.600 USD.

Những ngôi làng và nông trại xung quanh thủ đô Kampala của Uganda luôn sống trong lo sợ trẻ con bị bắt cóc. Thầy cô và cha mẹ luôn phải giám sát các em thật chặt mỗi khi chúng tan trường về nhà. Tại những khu vui chơi và trên hè phố đều dán đầy những poster cảnh báo về mối đe dọa trẻ em bị bắt cóc. Người châu Phi tin rằng, nghi lễ juju mang lại sức khỏe và sự giàu có cho con người. Nhiều người tin rằng giới quan chức mới của Uganda là thân chủ của đám thầy lang. Họ thường xuyên và sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để được thực hiện nghi lễ hiến tế.

Mục sư Peter Sewakiryanga ở Uganda cho biết, ông và giáo dân của ông đang cố gắng vận động chính quyền có chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động của giới thầy lang đồng thời thúc đẩy lực lượng cảnh sát tiến hành điều tra loại tội ác này. Theo số liệu của Cảnh sát Uganda, năm 2006 có 1 vụ giết hại trẻ em để hiến tế, năm 2008 có 25 vụ và năm 2009 có 29 vụ. Nhưng theo mục sư Sewakiryanga thì số vụ thực tế cao hơn nhiều.

Trong một báo cáo, Tổ chức từ thiện Anh Jubilee Campaign cho biết số vụ bắt cóc và sát hại trẻ em để phục vụ hiến tế lên đến hàng trăm và có đến 900 vụ chưa được điều tra đến nơi đến chốn vì nạn tham nhũng và thiếu nguồn thông tin của Đội cảnh sát đặc nhiệm chống lễ hiến tế juju của Uganda.

Thanh tra Bignoa Moses, lãnh đạo Đội Cảnh sát đặc nhiệm, tuyên bố lực lượng đã làm hết sức có thể để điều tra xử lý tội phạm và cho biết đôi khi có những vụ không thể chứng minh được để truy tố ra tòa án. Nhưng vẫn có nhân chứng tố cáo sự vô trách nhiệm của cảnh sát. Tepenensi đã dẫn phóng viên báo chí đến gần căn nhà của bà, nơi tìm thấy xác của đứa cháu trai 6 tuổi tên Stephen bị vứt trong bụi cây.

Tepenensi cho biết xác Stephen mất tích trong 24 giờ và sau đó người ta tìm thấy xác đứa bé bị chặt đầu. Tepenensi giải thích mặc dù thầy lang địa phương thừa nhận đã hiến tế Stephen nhưng cảnh sát vẫn không muốn truy tố vụ án mà còn giúi tiền vào tay bà để yêu cầu sự im lặng! Trong khi đó không ai trong chính quyền địa phương đồng ý trả lời phỏng vấn về vụ việc.

Tại bệnh viện thủ đô Kampala, chuyên gia phẫu thuật thần kinh Michael Muhumuza tiết lộ những bức ảnh chụp X-quang cho thấy những vết thương khủng khiếp mà đứa bé 9 tuổi tên Allan phải chịu đựng. Một phần xương sọ của đứa bé bị mất, một phần não bị tổn thương do bọn thầy lang dùng dao rựa chém vào đầu với ý định chặt đầu đứa bé.

Bọn thầy lang còn cắt cơ quan sinh dục của Allan. Nhưng Allan may mắn được cứu sống sau một tháng hôn mê. Allan cho biết trong bọn người tấn công mình có một người tên là Awali. Mặc dù vậy cảnh sát vẫn tuyên bố lời khai của Allan không có giá trị.

Allan may mắn sống sót với vết thương nặng ở đầu.

Sau thảm họa xảy ra với Allan, cha của cậu bé đã bán nhà để lo tiền chạy chữa cho con trai và chuyển đến ở trong một khu ổ chuột gần thủ đô Kampala của Uganda.

Trở lại nước Anh, bất chấp chứng cứ của quá nhiều nạn nhân, niềm tin vào quyền lực của juju đang là thách thức lớn cho chính quyền nước này. Thám tử cảnh sát Richard Martin ở London giải thích, tội ác không thể ngăn chặn một phần cũng do sự im lặng của nạn nhân. Bởi vì niềm tin vào juju quá mạnh cho nên không ai dám đề cập công khai đến nó vì sợ điều xấu sẽ xảy đến cho bản thân

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.