Vấn nạn buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả trên vùng biển phía Nam
Bắt giữ hàng triệu lít xăng dầu lậu trên biển
15 giờ ngày 8-3-2021, trong quá trình tuần tra trên vùng biển Côn Đảo, tổ tuần tra thuộc Hải đội 2 phối hợp với Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát hiện tàu cá BT 99889 TS có biểu hiện nghi vấn nên tổ chức truy đuổi. Tổ tuần tra đã liên tục phát tín hiệu yêu cầu dừng để kiểm tra nhưng tàu vẫn không chấp hành.
Bắt quả tang tàu cá hoán cải để vận chuyển trái phép dầu. |
Đến 16 giờ 40 phút cùng ngày, tại vị trí vùng biển cách Côn Đảo khoảng 61 hải lý về hướng Tây Nam, tổ tuần tra đã tiếp cận được con tàu này. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện thuyền trưởng Nguyễn Văn Trí, sinh năm 1984, ngụ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cùng 4 thuyền viên đang vận chuyển 180.000 lít dầu DO nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng.
Qua khai thác, ông Trí khai nhận làm thuê ăn lương cho chủ tàu là bà Lê Thị Thuận, trú tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Con tàu này được đăng ký là tàu đánh bắt thủy sản nhưng đã được chủ tàu cho hoán cải để mua xăng dầu trôi nổi mang vào đất liền tiêu thụ.
Ngày 13-3-2021, trong khi tuần tra trên vùng biển Côn Đảo, Hải đội Biên phòng 2 phối hợp với Đồn Biên phòng Côn Đảo và đội phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện tàu cá ST 92627 TS do ông Lê Thanh Tú, sinh năm 1992, ngụ tại xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng có biểu hiện nghi vấn.
Khi thấy tàu biên phòng, tàu TS 92627 TS đã tăng tốc bỏ chạy. Lực lượng chức năng phải truy đuổi và nổ súng chỉ thiên cảnh báo thì tàu cá này mới chịu dừng lại. Tàu cá này đang vận chuyển khoảng 3.000 lít dầu DO nhưng thuyền trưởng Tú không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số dầu trên nên tổ tuần tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ra, ông Chính còn bị phạt thêm hành vi không chấp hành tín hiệu dừng để kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với phương tiện trong các trường hợp pháp luật quy định.
Cảnh sát biển nổ súng yêu cầu tàu cá vận chuyển trái phép 3.000 lít dầu dừng lại để kiểm tra. |
Trước đó, ngày 31-10-2020, sau khi nắm bắt thông tin cơ sở, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập một tổ công tác tiến hành kiểm tra kho của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu 89 tại số 7/35 Phước Thắng, phường 12, TP. Vũng Tàu, phát hiện trong kho hàng đặt sát mép biển có 24 bồn đang chứa 81.226 lít chất lỏng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra, tổ công tác bắt quả tang Nguyễn Đình Ngọc, sinh năm 1975, tại huyện Long Điền, đang bơm hút chất lỏng từ bồn loại 60m3 sang bồn của xe BKS: 84C-033.72. Sau khi giám định, xác định trong số này có 11.340 lít chất Toluen và 3.005 lít chất Methyl tert - butyl ether có thể dùng làm chất cải thiện chỉ số Octane (chỉ số cháy nổ) của xăng, 61.808 lít xăng có chất lượng không phù hợp với quy định đối với xăng không chì RON95.
Tổ công tác đã lập biên bản về hành vi tàng trữ hàng hóa trong khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Ngay sau đó, vụ việc đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ. Bước đầu xác định đây là vụ tổ chức sản xuất xăng giả nên tháng 1-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn Đình Ngọc, Đỗ Hồng Sơn, Lê Văn Nguyên về tội sản xuất buôn bán hàng giả.
Đại tá Nguyễn Văn Tiến - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, những năm qua vùng biển có bán kính 100 hải lý quanh Côn Đảo luôn là điểm “nóng” về vận chuyển xăng dầu trái phép và buôn lậu. Tàu chở dầu có khi là tàu của các tỉnh ven biển ở Việt Nam, tàu quốc tịch nước ngoài, thậm chí có cả tàu quốc tịch... Mông Cổ.
Kiểm tra một tàu cá hoán cải thành táu chở dầu. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 đã phát hiện và bắt giữ gần 2,8 triệu lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Không chỉ tại vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bộ đội biên phòng các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cũng liên tục bắt giữ tàu chở xăng dầu trái phép. Đặc biệt, Cảnh sát biển vùng 3 chỉ trong thời gian từ quý II-2020 đến nay đã phát hiện hàng chục vụ, thu giữ trên 2,3 triệu lít xăng dầu mà chủ tàu không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, trong đó có cả tàu nước ngoài.
Nổi cộm nhất là vụ bắt tàu mang quốc tịch Thái Lan đưa dầu DO trái phép vào vùng biển Việt Nam tiêu thụ diễn ra vào ngày 25-5-2020. Trong khi làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 đã phát hiện, tạm giữ tàu Siam Varich, số IMO 753440, do ông Phirom Sukpheng, sinh năm 1963, quốc tịch Thái Lan làm thuyền trưởng. Vào thời điểm trên, tàu Siam Varich đang vận chuyển 1,7 triệu lít dầu DO nhưng thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp. Ông Phirom Sukpheng cùng 11 thuyền viên cũng khai nhận do chênh lệch giá rất cao nên đã đưa số dầu này vào bán lại cho một số tàu của người Việt Nam.
Cần bít kín những kẽ hở chính sách
Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, mặc dù xác định việc phối hợp với các đơn vị chức năng khác trong đấu tranh phòng, chống nạn mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu và sản xuất xăng giả trên biển luôn được đơn vị ưu tiên và đẩy mạnh, song muốn kéo giảm thì nhất thiết phải có cơ chế, chính sách hợp lý. Thực tế trong thời gian vừa qua, lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế và một số chính sách ưu đãi khác nhằm phát triển ngành thủy sản theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ, rất nhiều chủ tàu mặc dù có thể bám biển đến nửa năm mới trở về đất liền một lần nhưng họ chỉ nạp một lượng nhiên liệu vừa đủ để tàu chạy ra đến đường cơ sở.
Mỗi chuyến ra khơi, họ thường tổ chức đội tàu từ 4-10 chiếc rồi cắt cử 1 đến 2 tàu không làm nhiệm vụ đánh bắt thủy sản mà liên hệ với những đối tượng ở bên ngoài đường cơ sở mua dầu trôi nổi của những tàu nước ngoài hoặc tàu vận chuyển trái phép với giá rẻ hơn rất nhiều vì không phải chịu thuế, phí về cung cấp cho các tàu còn lại. Chỉ trong thời gian từ nửa cuối năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý hàng chục vụ nhưng chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính chứ không thể xử lý hình sự được.
Tàu vỏ sắt được thiết kế bồn chứa để vận chuyển trái phép xăng dầu. |
Thời gian gần đây có hiện tượng các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có chức năng cung cấp nước ngọt, đá, thực phẩm cũng lợi dụng để buôn bán xăng dầu ngay trên biển. Việc làm này vô hình trung đã góp phần làm gia tăng hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển. Một số chủ tàu đã bị đầu nậu dùng tiền lôi kéo nên sẵn sàng hoán cải tàu đánh bắt xa bờ để vận chuyển xăng dầu thuê từ bên ngoài đường cơ sở vào đất liền.
Xăng lậu, xăng giả từng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, xăng lậu, xăng giả đã tràn ra thị trường từ vài chục năm nay gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng và làm thất thu ngân sách. Trước đây, giá xăng trong nước thường thấp hơn một số nước lân cận thì dòng chảy lậu từ trong ra ngoài biên giới và từ khi Nhà nước tăng thuế, phí các loại thì dòng chảy quay ngược từ ngoài vào trong nội địa vì chênh lệch giá khá cao.
Do giá xăng dầu trong nước cao hơn bên ngoài nên tình trạng buôn lậu, làm giả xăng dầu xảy ra là điều có thể lường trước được. Mặt khác, Nghị định 83/2014 cho phép thương nhân phân phối xăng dầu không những được nhập khẩu trực tiếp về bán mà còn được mua từ các thương nhân phân phối khác cũng là môi trường để một số thương nhân thiếu đạo đức lợi dụng mua xăng dầu lậu, giả về đưa vào hệ thống tiêu thụ để thu lợi bất chính. Hơn nữa, xăng dầu thường được vận chuyển bằng đường biển nên việc làm này của các đầu nậu đương nhiên đẩy tình trạng buôn lậu trên biển trở nên phức tạp, khó lường.
Để ngăn chặn tình trạng xăng giả, xăng lậu, không chỉ phó mặc cho Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Công an... bởi không thể suốt ngày đêm “dàn hàng ngang” trên biển để kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền để phát hiện, xử lý được bởi những lực lượng này còn phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác, mà cần phải có chính sách nhập khẩu, chính sách thuế, phương pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát hợp lý, giám sát chặt chẽ.