Vấn nạn buôn người tại Nigeria

Thứ Sáu, 15/06/2018, 20:10
“Chúng tôi sẵn sàng mua các bé trai hay bé gái, kể cả lớn và nhỏ” - đó là những đề nghị mà người ta thường nghe thấy từ miệng những kẻ kinh doanh trái phép tại Nigeria.

Tại quốc gia châu Phi này đang nảy sinh rất nhiều những "nhà máy trẻ em" đặc biệt là nơi chuyên nuôi trẻ em giống như… vật nuôi trong nhà. Bị lôi kéo vào đây còn có các nữ thanh thiếu niên, trước khi họ bị cưỡng hiếp và mang thai để sau đó sinh ra cho ông chủ đem bán.

Sản xuất theo quy trình

"Tôi có gặp một nữ y tá. Cô ta hứa rằng sẽ chăm sóc tôi đầy đủ, cho tôi tất cả những gì tôi muốn. Còn sau khi tôi sinh, cô ta sẽ lấy đi đứa con của tôi" - cô gái có tên Hanna đã kể với phóng viên như vậy. Vài năm trước, Hanna là một trong số không ít những trẻ vị thành niên bỏ nhà chạy tới thành phố, sau khi phát hiện mình đã mang thai.

 Tại đây, cô đã sa vào mạng lưới của bọn buôn người và trên thực tế đã trở thành con tin của chúng. Cô gái trẻ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là bị đuổi ra ngoài đường, hoặc tiếp tục được bảo hộ chăm sóc, chỉ có điều sau đó phải trao lại đứa con của mình. Chưa hết, cô còn liên tục bị gây áp lực và đe dọa: nếu đòi lại con sẽ bị bắt giữ và tống vào tù. Theo luật pháp Nigeria thì điều này là không thể, nhưng đối với một thiếu niên đang hoang mang lo sợ thì cô ta không thể nhận thức được điều này. May mắn là trường hợp của Hanna có kết cục tốt đẹp: một bác sĩ nhi đã phát hiện ra vụ này và báo cho nhà chức trách. Cha mẹ cô đã tìm được cô và đứa con sinh ra được ở lại với mẹ.

Trong phần lớn những trường hợp tương tự, mọi chuyện chỉ được biết đến sau các vụ bố ráp của cảnh sát. Thông thường, các "nhà máy trẻ em" được ngụy trang dưới vỏ bọc các tổ chức từ thiện hay phi chính phủ, bố trí tại các phòng khám, nhà hộ sinh, nhà trẻ hay trại tế bần. 

Trẻ em vẫn là nạn nhân đem lại lợi nhuận cho những tên buôn người tại Nigeria.

Những kẻ đứng đầu tại đây luôn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ những người gặp khó khăn, kể cả những phụ nữ đang mang thai. Nhưng đôi khi bọn buôn người cũng chẳng cần phải tìm kiếm những vỏ bọc như vậy: trong nhiều bệnh viện, con của những bà mẹ có thai ngoài ý muốn thường được thông báo là đã chết, trước khi chúng được bí mật đưa ra ngoài để bán.

Mới đầu năm 2018 vừa rồi, cảnh sát đã cứu được từ các "nhà máy" trái phép trên 100 bé gái và 62 bé trai, nhiều nạn nhân thường xuyên bị cưỡng bức tình dục. Lợi nhuận từ ngành kinh doanh này còn hình thành thêm không ít những "nhà máy mini" với việc điều hành không phải của một đường dây hay tổ chức, mà thậm chí chỉ một gia đình. Một nhà máy như vậy khi bị phát hiện vào năm 2013 đã gây rúng động công luận Nigeria: tại một ngôi nhà ở bang Imo đã phát hiện 17 thiếu niên đang mang thai và 11 trẻ nhỏ. Tất cả những cô gái này đều khai, họ chỉ bị duy nhất một người đàn ông cưỡng hiếp để sinh con trước khi đem bán. Trong một trường hợp khác, một cặp vợ chồng "kiếm thêm" bằng cách nuôi vài cô gái mang thai trong nhà, tự đỡ đẻ cho họ và tất nhiên đứa trẻ sinh ra sau đó bị lấy đi đem bán.  

Như đã nói ở trên, rơi vào cạm bẫy của những "nhà máy trẻ em" không chỉ có các thiếu niên, mà còn những phụ nữ trẻ. Họ thường là những cô bé mồ côi tuổi từ 14 đến 17, hoặc từ những gia đình nghèo ít được sự quan tâm, bị bắt buộc trở thành những "chiếc máy ấp trứng": bị cưỡng hiếp hay bắt thụ tinh nhân tạo. Thông thường những nạn nhân này không có tiền bạc và khả năng nuôi con, vì vậy họ buộc phải chấp nhận vì các mưu cầu khác...  

Chưa kể thủ đoạn của những tên buôn người cho nạn nhân dùng ma túy để họ về sau hoàn toàn phụ thuộc vào chúng, dễ sai bảo hơn. Theo các nguồn tin, trẻ em từ các "nhà máy" được bán với giá từ 4 đến 5 ngàn USD, và bé trai thường được giá hơn. Trong đó những người mẹ thường được chi trả tối đa không quá một ngàn USD.

Bất cập về luật pháp và xã hội

Đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tại Nigeria, họ có thể dễ dàng kiếm được một người con nuôi cho mình. Việc mua một đứa trẻ đơn giản hơn nhiều so với các thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm đắt đỏ.

Thông thường các "nhà máy trẻ em" được ngụy trang dưới vỏ bọc các tổ chức từ thiện, bệnh viện hay trại tế bần.
Những cuộc hôn nhân không con cái tại Nigeria thường được coi là bất hạnh, một phần nào đó bị coi là có ma ám. Người chồng cũng dễ dàng bỏ rơi những người vợ được coi là không thể sinh con để có thể hưởng quyền thừa kế từ gia đình. Ngay cả khi hai vợ chồng hài lòng với cuộc sống không con cái, họ cũng chịu sức ép rất lớn từ họ hàng đòi phải ly hôn.

Ngoài ra, những bà mẹ đơn thân tại Nigeria, đặc biệt là những tầng lớp thấp kém trong xã hội, thường được coi là điều sỉ nhục đối với người thân của họ. Nếu một cô gái đột nhiên mang thai, cô gần như chắc chắn phải chịu sự ghẻ lạnh của cha mẹ cũng như mọi người xung quanh.

Nigeria có những điều luật khá nghiêm khắc đối với chuyện phá thai, dù có những mức độ khác biệt ở hai miền Bắc Nam. Ở miền Bắc, có thể nộp một khoản tiền phạt để được phá thai hợp pháp, nhưng chỉ với điều kiện việc mang thai đe dọa tới sinh mạng của người mẹ. 

Còn tại các bang miền Nam, điều kiện nghiêm ngặt hơn nhiều: cả người phụ nữ dám phá thai, bác sĩ và những người giúp đỡ họ đều bị coi là tội phạm với các mức án tương ứng là 7, 14 và 3 năm tù giam. Chính vì những điều luật như vậy, các cô gái Nigeria đơn giản là không thể công khai "khắc phục hậu quả" khi mang thai. Họ buộc phải liên hệ các phòng khám chui, và tất nhiên các thủ thuật phá thai trong những điều kiện lạc hậu thủ công như vậy sẽ dẫn theo nhiều hậu quả biến chứng về sức khỏe. T

heo tính toán, sau những vụ phá thai chui như vậy đã có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng, làm gia tăng đáng kể tỉ lệ 13% cái chết của các bà mẹ nói chung tại Nigeria.  Tình hình trên có vẻ như sẽ giúp cho việc nhận con nuôi sẽ thuận lợi hơn nhiều tại quốc gia này: các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ được kết nối để tránh những vụ phá thai trái phép. 

Tuy nhiên trên thực tế, việc trở thành bố mẹ nuôi được pháp luật công nhận tại Nigeria là rất khó khăn. Họ phải hoàn thành một loạt các thủ tục lựa chọn rườm rà khiến không ít cặp vợ chồng phải từ bỏ. Chưa kể ngay cả khi đã nhận được con nuôi, hai bố mẹ nuôi không được phép đi đâu xa trong suốt vài năm cùng đứa bé vì vẫn đang phải chịu sự giám sát kiểm tra thường xuyên của các nhân viên xã hội.

Những bà mẹ trẻ cũng là nạn nhân của các "nhà máy trẻ em".

Tất cả những điều này đã khiến người dân Nigeria phải tìm kiếm những giải pháp không chính thống. Tất nhiên bọn buôn người đã lợi dụng triệt để chuyện này để thu những món lợi kếch xù từ những cặp vợ chồng hiếm muộn và những cô gái mang thai ngoài ý muốn. 

Điều chúng quan tâm tất nhiên chỉ là tiền, còn lại không cần biết đứa trẻ sẽ được đưa tới đâu, có điều kiện sống như thế nào. Cần nhớ là không chỉ những cặp vợ chồng hiếm muộn mà ngay những tên tội phạm khác cũng có nhu cầu về loại "hàng hóa đặc biệt" trên: những đứa trẻ có thể được mua để làm nô lệ, thiếu niên thì chuyển sang châu Âu làm gái điếm...

Nguồn cung sẽ tăng khi có nhu cầu, những ổ buôn người mọc lên nhanh chóng với muôn hình vạn trạng. Những tên tội phạm hiếm khi bị sa lưới dù chính quyền mỗi năm đều phát hiện ra một vài "nhà máy" mới. Và dù cho chính quyền có quyết tâm triệt phá, họ rất khó có thể giải quyết triệt để vì những nguồn lợi quá lớn mà bọn chúng có thể thu được.

Bác sĩ lừa đảo

Trong mạng lưới của bọn buôn người Nigeria còn có một trò lừa đảo đáng chú ý khác liên quan tới những đối tượng gọi là "bác sĩ-ảo thuật gia". Những kẻ này "nổi danh" bằng cách nào đó khiến những người phụ nữ mang thai và sinh con chỉ sau một thời gian ngắn. Tay bác sĩ hứa hẹn với hai vợ chồng hiếm muộn rằng, họ cần phải áp dụng những thủ thuật tốn kém, phải thụ tinh trong ống nghiệm nhờ có người hiến tinh trùng.

Hơn nữa nhờ những loại thuốc đặc biệt, quá trình mang thai sẽ diễn tiến rất nhanh, khiến đứa bé được sinh ra khỏe mạnh chỉ… sau vài tuần. Trên thực tế, những người phụ nữ được tiêm những loại hóc môn và chế phẩm nào đó khiến cho bụng họ to nhanh chóng. Đến một ngày cần thiết, nạn nhân được đưa tới một bệnh viện để "sinh con", được làm vài thủ tục như kiểu mổ tử cung. Người mẹ sau một thời gian mê man sẽ hạnh phúc đón nhận đứa con của mình, dù thực chất là một đứa trẻ vừa được đưa tới từ một "nhà máy trẻ em". Tất nhiên, trò lừa này thường chỉ thành công tại những nơi có trình độ dân trí thấp ở đất nước Nigeria. 

Một vụ việc tương tự từng bị các phóng viên kênh truyền hình Al Jazeera vạch trần vào năm 2015. Hai phóng viên giả dạng cặp vợ chồng hiếm muộn đã tới một hiệu thuốc, gặp một "bác sĩ-ảo thuật gia" nổi tiếng. Sau một loạt thủ thuật khám qua loa, viên bác sĩ khẳng định cả hai vợ chồng đều gặp vấn đề về sinh sản, giải pháp duy nhất chỉ là thụ tinh nhân tạo. Trong khi trên thực tế cả hai phóng viên trên đều đã có gia đình và con cái bình thường. Đây chỉ là một thủ đoạn của tay bác sĩ - ảo thuật gia nhằm moi tiền của những khách hàng nhẹ dạ và tiêu thụ "hàng" từ những nhà máy trẻ em.

Vấn đề toàn cầu

Thế giới lần đầu tiên được biết về vấn nạn buôn người tại Nigeria từ những công bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Theo số liệu của tổ chức này, nạn buôn người cho tới giờ vẫn đang chiếm vị trí thứ ba trong danh sách các loại hình tội phạm phổ biến nhất tại Nigeria sau lừa đảo tài chính và buôn ma túy. UNESCO còn cho biết, cứ mỗi ngày có trung bình 10 đứa trẻ bị mua đi bán lại tại quốc gia này. Trước đó, phần lớn các "nhà máy trẻ em" đều được phát hiện tại miền nam, dù thời gian gần đây chúng đã xuất hiện nhiều hơn tại miền Bắc.

Người ta còn ghi nhận những "nhà máy" tương tự, là nơi phụ nữ bị bắt buộc phải mang thai và sinh con, tại Sri-Lanka. Tại Ethiopia và Ấn Độ, trẻ em được mua trực tiếp từ cha mẹ chúng trước khi đem bán lại. Còn tại Mexico, bọn tội phạm xây dựng những khu trú ngụ thu hút những người cơ nhỡ, trước khi rao bán tạng của những nạn nhân.

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, tình hình tại Nigeria cho tới giờ vẫn chưa có gì cải thiện để có thể giải quyết vấn nạn buôn người: những thủ tục nhận con nuôi và cha mẹ nuôi vẫn còn phức tạp, chưa có hy vọng về khả năng gỡ bỏ qui định cấm phá thai, tình trạng nghèo đói và tham nhũng trong hệ thống y tế, tỉ lệ người dân thiếu các kỹ năng ngừa thai vẫn còn phổ biến v.v... Chính phủ nước này đã cho phép đưa giáo dục giới tính vào trường phổ thông nhưng vẫn bị cản trở nhiều vì những định kiến về văn hóa và tôn giáo.  

Trong vài năm gần đây, Nigeria đang ghi nhận một cuộc khủng hoảng về tình trạng mang thai của thiếu niên. Như riêng trong năm 2013, có tới 1/4 số em gái có tuổi từ 15 đến 19 tại quốc gia này đã trở thành mẹ hoặc đang mang thai. Đây là vấn nạn nhức nhối mà Chính phủ Nigeria đang phải đau đầu tìm cách giải quyết.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.