Vấn nạn hàng giả: Khi đồng tiền đè bẹp đạo đức kinh doanh

Thứ Ba, 31/10/2017, 14:29
Vụ việc chiếc khăn lụa của Khaisilk mang 2 nhãn mác “Made in Vietnam” và “Made in China” và vụ kinh doanh sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư giả nhãn hiệu Vidatox đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Hành vi gian dối, bất chấp tất cả để thu lợi nhuận từ 2 vụ việc đã gióng lên hồi chuông về đạo đức trong kinh doanh...

Những hành vi này cần được xử lý nghiêm minh vì môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

1. Những ngày qua, cộng đồng mạng và rất nhiều khách hàng của thương hiệu Khaisilk hết sức bất bình trước sự việc một khách hàng phát hiện, phanh phui sản phẩm khăn lụa của thương hiệu nổi tiếng này có tới 2 nhãn mác là “Khaisilk - Made in Vietnam” và “Made in China”.

Ngay sau đó, bản thân ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã lên tiếng xin lỗi khách hàng và thừa nhận sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại hệ thống Khaisilk. Hành vi lừa dối khách hàng này khiến dư luận hết sức phẫn nộ bởi  từ hàng chục năm nay, thương hiệu Khaislk vốn là niềm tự hào của lụa Việt Nam, nhất là  những làng nghề, được nhiều người lựa chọn là món quà tặng “Made in Vietnam” cho người thân, đối tác trong và ngoài nước. Thậm chí sản phẩm của Khaisilk còn được sử dụng làm quà biếu trong một số nghi lễ ngoại giao. 

Theo những thông tin trên trang Facebook cá nhân của anh Đặng Như Quỳnh, ngày 17-10, công ty của người em anh Quỳnh có đặt mua 60 chiếc khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khaisilk (kích thước 50x50cm) với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Hanoi Main Store 113 Hàng Gai (Hà Nội) thuộc hệ thống Khaisilk Premier.

Chiều 17-10, nhân viên cửa hàng đến giao hàng. Khi kiểm tra lô hàng này, bên mua phát hiện 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác “Made in China” và “Khaisilk-Made in Vietnam”. 59 chiếc còn lại thấy rõ việc cắt mác cùng màu với mác có chữ “Made in China”.

Sản phẩm khăn lụa Khaisilk 2 nhãn mác (ảnh trái); Cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai.

Phía công ty mua hàng đã tiến hành lập biên bản sự việc, sau đó gửi văn bản phản hồi tới lãnh đạo của hệ thống Khaisilk, yêu cầu làm rõ các vấn đề như: Khăn lụa này có thuộc thương hiệu Khaisilk hay xuất xứ từ Trung Quốc? Khăn thực chất làm từ chất liệu thế nào? Tại sao trên một chiếc khăn lại có 2 mác, một Made in China và một mác mang thương hiệu Khaisilk?

Đến ngày 19-10, bên công ty mua hàng nhận được văn bản trả lời của ông Trần Văn Cương (phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội), trong đó khẳng định 60 chiếc khăn đã giao cho công ty mua từ cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai là thuộc thương hiệu Khaisilk, chất liệu 100% lụa tơ tằm. Chiếc khăn chứa 2 nhãn là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng do thiếu 1 chiếc đã lấy trên máy may mà lô đang sản xuất tại máy may này là của đơn hàng cho khách hàng tại Hong Kong và đối tác này yêu cầu Khaisilk may riêng nhãn mác “Made in China” vì lý do thủ tục nhập khẩu của đối tác. Khaisilk thừa nhận đây là sự thiếu chuyên nghiệp trong việc giao hàng đã ảnh hưởng đến sự tin tưởng của khách hàng.

Sau khi anh Quỳnh đăng tải bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng đặt câu hỏi nghi vấn về việc kinh doanh khăn lụa kiểu “lập lờ đánh lận con đen” của Khaisilk. Một khách hàng khác cũng chia sẻ tình trạng mua khăn có dấu hiệu cắt mác cũ, thay mác mới.

Chiều 25-10, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã chính thức lên tiếng về sự việc 1 chiếc khăn lụa 2 nhãn mác, trong đó có nhãn mác xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, ông Khải đã “cúi đầu xin lỗi khách hàng vì định vị không rõ ràng về sản phẩm”.

Cũng theo ông này giải thích thì vào những năm 1990 khi ngành dệt lụa của Việt Nam suy thoái, ông thấy sản phẩm lụa của Trung Quốc cũng rất đẹp nên tính chuyện mang về Việt Nam kinh doanh giống như các thương hiệu lớn khác của thế giới vẫn đặt hàng từ Trung Quốc và bán khắp nơi trên thế giới dưới thương hiệu của họ. Vì vậy sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk.

Ông Khải giải thích rằng do cửa hàng ở xa, hoạt động dưới pháp nhân khác nên việc quản lý chưa được chặt chẽ. Bên cạnh đó, sau này Tập đoàn Khaisilk có rất nhiều lĩnh vực kinh doanh khác, khăn lụa chỉ còn là một phần nhỏ trong kinh doanh nên bản thân ông có phần lơ là. Đặc biệt việc không tách bạch sản phẩm đặt hàng từ Trung Quốc với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã tạo nên sự cố này.

Ngày 26-10, Văn phòng Bộ Công thương đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin  trên, nếu có dấu hiệu liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng thì các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.

Nhận được chỉ đạo hỏa tốc của Bộ Công thương, ngay đầu giờ chiều ngày 26-10, đoàn thanh tra liên ngành gồm Cục Quản lý thị trường, Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) và Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 phố Hàng Gai (Hà Nội). Tại đây, đoàn đã lập biên bản kiểm tra toàn bộ hàng hóa, hóa đơn nhập hàng, bán hàng và tạm giữ 52 mẫu khăn, cà vạt lụa tại cửa hàng để phục vụ công tác điều tra.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khách hàng thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm có thể làm đơn gửi Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng là đơn vị có trách nhiệm giải quyết sự việc này. Trong trường hợp giải quyết không thỏa đáng, không thỏa mãn với những thiệt hại mà mình đưa ra, kể cả đền bù thời gian và công sức đã bỏ ra thì có thể chuyển sang khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, những nhà cung cấp nguồn hàng cho Khaisilk suốt 30 năm qua cũng có thể khởi kiện ông chủ của  Khaisilk về việc đã gian dối không cung cấp đầy đủ thông tin hàng của họ đến với người tiêu dùng. Thậm chí những làng lụa mà trước đây ông Khải có lấy hàng cũng có thể khởi kiện, chứng minh thiệt hại do hành động “trộn hàng” nơi khác vào lấy danh tiếng làng nghề của họ, dán nhãn mác để kinh doanh.

Về việc trên cùng 1 chiếc khăn lụa có gắn 2 nhãn mác xuất xứ sản phẩm, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng đây là dấu hiệu gian lận thương mại, cụ thể là lừa dối khách hàng - những người đang mang lại doanh số cho Khaisilk. Trường hợp nếu đúng như phía Khaisilk thông tin chiếc khăn 2 nhãn mác trên thuộc lô hàng sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác Hong Kong vì lý do thủ tục nhập khẩu thì trách nhiệm thuộc về cơ quan hải quan phải kiểm tra, kiểm hóa lô hàng này vì hàng xuất đi từ Việt Nam thì buộc phải ghi xuất xứ từ Việt Nam, trong khi lại có thêm mác “Made in China” thì rõ ràng có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Việc ông Hoàng Khải thừa nhận  sản phẩm khăn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm 50% sản phẩm khăn lụa đang kinh doanh tại các cửa hàng hệ thống Khaisilk chính là một căn cứ để các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và làm rõ các sản phẩm tại Khaisilk, nếu sự thật đúng như vậy thì là vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

Sự việc chiếc khăn lụa mang 2 nhãn mác và thừa nhận “50% khăn lụa kinh doanh tại hệ thống là nhập khẩu từ Trung Quốc” của ông chủ Khaisilk đã dấy lên làn sóng bất bình trên cộng đồng mạng bởi hành vi cắt hết nhãn xuất xứ “Made in China” để thay bằng nhãn “Made in Vietnam” là lừa đảo khách hàng. Trong khi giá khăn lụa  thương hiệu Khaisilk không hề rẻ, từ hàng trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/chiếc thì việc Khasilk kinh doanh gần 30 năm nay rõ ràng là hành vi gian dối có hệ thống và thiệt hại của người tiêu dùng sẽ là không hề nhỏ. Niềm tin của khách hàng bị phản bội!

Ông Đặng Như Quỳnh, vị khách đã mua lô hàng có chiếc khăn 2 nhãn mác chia sẻ: “Những gì đo đếm bằng tiền thì quá nhỏ so với những thiệt hại về uy tín của chúng tôi khi tặng cho khách hàng những sản phẩm gian lận này. Chúng tôi cảm thấy buồn, danh dự bị tổn hại khi đã tôn vinh một sản phẩm Việt như Khaisilk. Đây là điều các cơ quan chức năng cần làm rõ để người tiêu dùng không rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười như vậy”.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội, người Việt tin tưởng và ủng hộ lụa Khaisilk nhưng lại bị mua hàng giả bao nhiêu năm nay thì lời xin lỗi của ông chủ Hoàng Khải là chưa đủ. Chưa nói đến việc Khaisilk là một thương hiệu lớn mà gian lận thì còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hàng Việt trong mắt bạn bè thế giới, gây thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng Việt Nam.  

2. Trong lúc dư luận nhân dân còn chưa hết bức xúc trước thông tin Công ty VN Pharma nhập thuốc điều trị ung thư giả thì mới đây, lực lượng cảnh sát kinh tế vừa điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Công Doanh - đối tượng thành lập một loạt trang web để quảng cáo, bán thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả mạo nhãn hiệu Vidatox nhằm thu lời bất chính hàng triệu đồng/lọ thuốc. Hành vi  kiếm tiền trên nỗi đau của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo này được ví như vụ “VN Pharma 2”.

Đối tượng Nguyễn Công Doanh và sản phẩm Vidatox giả bị thu giữ.

Theo cơ quan điều tra,  Nguyễn Công Doanh (36 tuổi, quê Nam Định, HKTT tại tổ 6 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội), từng là cộng tác viên bán sản phẩm thực phẩm chức năng nhãn hiệu Vidatox cho Công ty CPTM&XNK Hưng Thắng - đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền Vidatox Plus - sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư do Tập đoàn Labiofam (Cộng hòa Cuba) sản xuất. Sau một thời gian bán sản phẩm cho công ty, nhận thấy nhu cầu của thị trường với loại thực phẩm chức năng này rất lớn nên Nguyễn Công Doanh đã tìm hiểu và đặt hàng sản phẩm giả nhãn hiệu Vidatox để kinh doanh trục lợi.

Để việc kinh doanh hàng giả được thuận lợi, Nguyễn Công Doanh đã thành lập Công ty Bidu Việt Nam. Mặc dù công ty này chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh dược phẩm nhưng Doanh đã thuê địa điểm lập văn phòng tại ngõ 84 phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), ký hợp đồng với một công ty dịch vụ truyền thông để thiết kế, thành lập một loạt trang web, trong đó có trang “Bidu pharma” để giới thiệu các sản phẩm tân dược, trong đó có thực phẩm chức năng nhãn hiệu Vidatox Plus.

Theo khai nhận của Nguyễn Công Doanh, từ tháng 4-2017, anh ta liên hệ với các đối tượng quen biết trên mạng đặt mua sản phẩm giả nhãn hiệu Vidatox Plus và Vidatox 30CH với giá từ 950.000 đồng đến 1.150.000 đồng/sản phẩm. Sau khi nhận được hàng giả, Doanh đặt in vỏ hộp, tem sản phẩm, tem chống hàng giả và tự in tờ hướng dẫn sử dụng theo mẫu mã của sản phẩm thật.

Trên trang web Bidu pharma và các trang web khác mà Doanh thuê thiết kế, sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư giả nhãn hiệu Vidatox được rao bán với giá niêm yết là 4.890.000 đồng/1 hộp (trong khi giá bán sản phẩm thật do Công ty Hưng Thắng phân phối là 5.950.000 đồng/hộp).

Sau một thời gian hoạt động, hành vi kinh doanh thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả của Nguyễn Công Doanh đã bị Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội) phát hiện. Hồi 10h ngày 17-5, tại khu vực ngã tư B1 Đầm Trấu (quận Hai Bà Trưng), tổ công tác Đội Chống buôn lậu và đại diện Công ty Hưng Thắng tiến hành kiểm tra đối với Nguyễn Công Doanh đang có hành vi mang bán 10 hộp thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả nhãn hiệu Vidatox.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, chỗ làm việc của Doanh tại các địa chỉ số 52 ngõ 140 phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng và ngõ 84 phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), cơ quan điều tra thu giữ thêm 40 hộp thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư giả nhãn hiệu Vidatox Plus và Vidatox 30CH, 680 vỏ hộp, gần 1.800 tem chống hàng giả.

Theo cơ quan điều tra, bản thân Nguyễn Công Doanh đã có 10 năm làm nhân viên trong một công ty dược phẩm, lại có thời gian làm cộng tác viên bán sản phẩm Vidatox cho Công ty Hưng Thắng nên Doanh có hiểu biết và trình độ về y dược, nhận thức rõ sản phẩm Vidatox mà anh ta bán ra thị trường là hàng giả nhưng vì lợi nhuận nên Doanh vẫn bất chấp.

Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị truy tố Nguyễn Công Doanh về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Hình sự. Dư luận đang chờ đợi việc xét xử nghiêm minh của pháp luật đối với Nguyễn Công Doanh bởi kinh doanh thuốc điều trị ung thư giả là tội ác của những kẻ nhẫn tâm trục lợi trên nỗi đau và sự khốn khó của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Duy Trần
.
.