Vấn nạn lao động trẻ em tại Uzbekistan

Thứ Sáu, 12/11/2010, 14:55
Mỗi mùa thu đến, trẻ em tại Uzbekistan phải nai lưng ra làm công việc thu hoạch bông vải, với một khoản tiền lương cực thấp. Nhiều công ty của Đức cũng có mặt trong số những kẻ trục lợi và xâm phạm quyền con người này.

Bị phạt vì làm không đạt chỉ tiêu

Tại Uzbekistan, mùa nghỉ hè bắt đầu từ giữa tháng 9, kéo dài khoảng 2 tháng. Vậy mà nhiều đứa trẻ thậm chí hiếm khi gặp mặt cha mẹ chúng trong kỳ nghỉ hè này, bởi chúng phải đi nhặt bông vải. Ước tính năm nào cũng có khoảng 2 triệu em học sinh lao động trên các cánh đồng để thu hoạch "vàng trắng" (ám chỉ bông vải) của đất nước. Ngoài khí đốt thiên nhiên và vàng, bông vải trở thành một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất cho kinh tế Uzbekistan.

Đám trẻ nhặt bông nào có biết gì đến thứ lợi nhuận này. Nazira chỉ mới 11 tuổi nhưng cô bé bắt đầu phải đi hái bông vải hồi năm ngoái. Trọn 1 tháng, Nazira cùng thầy cô và nhiều bạn khác cùng lớp trong làng gần Andijan (miền Đông Uzbekistan) phải cặm cụi nhặt bông từ 7 giờ sáng đến tận chiều tối. Nghe nói mỗi đứa trẻ được giao chỉ tiêu là 10 kg/ngày, nhưng Nazira chỉ có thể nhặt được 3kg, mỗi kg được trả tương đương 3 cent. Nazira đưa tiền lương tháng đó cho mẹ, bà phải bù thêm chút đỉnh để mua cho con chiếc mũ ấm mùa đông.

Các học sinh lớn tuổi hơn được gửi đến làm việc trong khu vực này còn gặp cảnh tệ hơn. Hầu như các thầy cô giáo luôn giữ tiền lương tháng của chúng. Những em không thực hiện đủ chỉ tiêu của mình lo sợ  bị kỷ luật. Rất ít bậc cha mẹ can thiệp khi thấy các thầy cô đến buộc con cái họ phải có thái độ nghiêm túc với công việc.

Tháng 10/2008, Umida Donisheva, một cô gái 17 tuổi, treo cổ tự vẫn trên cây gần xưởng bông vải. Theo báo cáo ngắn gọn trên một trang tin Internet của Uzbekistan, Umida đã không thể vượt qua áp lực khi các thầy cô thúc giục phải "làm nhiều hơn nữa".

Theo Joanna Ewart-James của Cơ quan Chống nô lệ quốc tế, những gì đang xảy ra tại Uzbekistan có thể nói gọn là "nô lệ trẻ em". Mặc dù Uzbekistan đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống lại các hình thức tồi tệ nhất của chế độ nô lệ, nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi nào đáng kể cho trẻ em ở nông thôn, Ewart-James cho biết. Các nhà hoạt động gần đây đã tham dự hội nghị bông quốc tế ở Texas và Liverpool. Đại diện các hãng bông lớn như Cargill, Inc. (tại Mỹ), Reinhart Group (ở Thụy Sĩ)... cũng có mặt, nhưng Ewart-James nhớ lại rằng, cô đã trở thành trò cười của mọi người khi cố gắng đề cập đến vấn đề lao động trẻ em.

Vi phạm nhân quyền

Hạ tuần tháng 10 vừa qua, có một lá đơn khiếu nại 7 hãng kinh doanh bông châu Âu đã được gửi đến Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD). Theo lá đơn, các công ty này vi phạm các nguyên tắc của OECD đối với các công ty đa quốc gia thông qua việc trục lợi lao động trẻ em Uzbekistan. Tại Đức, Trung tâm châu Âu về Hiến pháp và Nhân quyền (ECCHR) cũng đệ đơn khiếu nại chống lại Stadtlander, một hãng buôn bông lớn tại châu Âu với doanh thu hàng năm đạt hơn 100 triệu euro (138 triệu USD). Trong nhiều năm qua, công ty đặt văn phòng tại Tashkent, nơi công ty duy trì quan hệ tốt với Chính phủ Uzbekistan.

Mặc dù Luật Thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại thế giới bao gồm các quy định chống phân biệt đối xử, nhưng các nhà sản xuất bông hiếm khi áp dụng, và họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận cho riêng mình.

Giá bông vải ngày một tăng cao nhưng đa số trẻ em trực tiếp thu hoạch bông vẫn chỉ được hưởng một số tiền nhỏ gọi là tiền bồi dưỡng.

Người trồng chỉ nhận 1/3 giá xuất khẩu

Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, nhưng người dân Uzbekistan nghèo vẫn hoàn nghèo. Trang trại không sinh lợi vì họ chỉ sử dụng các công cụ lỗi thời. Tại Sheikh Lar, một ngôi làng phía tây bắc của thành phố Samarkand, các loại máy thu hoạch được sử dụng từ thời Xôviết. Mặc dù nông dân được tự do canh tác, nhưng họ phải thuê đất của chính phủ, mua phân bón từ các công ty nhà nước và phải làm đúng chỉ tiêu của cấp trên giao phó. Họ được hưởng một phần ba giá trị bông xuất khẩu, còn lại là của chính phủ.

Trồng bông vải cũng gây hại đáng kể cho môi trường. Việc tưới tiêu cho các trang trại bông là lý do chính khiến biển Aral ở phía tây Uzbekistan bị thu hẹp chỉ còn lại một phần mười kích thước cũ. 24 loài cá từng sống trong hồ nay đã tuyệt chủng. Tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực hiện tại là 70%. Umida Niyasova, một nhà hoạt động nhân quyền Uzbekistan từng bị giam cầm trước khi sang Đức sinh sống, cho biết cô nhận được nhiều báo cáo về tai nạn lao động và vệ sinh kém trong các trại thu hoạch gần các cánh đồng bông vải.

Vài năm trở lại đây, Công ty Stadtlander tài trợ nhiều hoạt động liên quan tới bông xuất khẩu, trong đó có lễ hội mùa xuân Uzbek ở Hội chợ trao đổi bông vải vùng Bremen. Một  áp phích lớn mô tả tầm nhìn của Tổng thống Islam Karimov về những thành phố tương lai. Đây là một chương trình  hấp dẫn người nước ngoài tiếp tục tìm đến Uzbekistan trục lợi!

Thanh Hoàng (tổng hợp)
.
.