Nhân viên Chữ Thập đỏ và các tổ chức y tế khác bị tấn công:

Vi phạm trắng trợn Luật nhân đạo quốc tế

Thứ Năm, 25/01/2018, 17:18
Sau vụ việc Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) bị mất đến 7 nhân viên trong 3 vụ tấn công năm 2017 - trong đó bao gồm vụ nổ súng không thể giải thích được giết chết nữ chuyên gia vật lý trị liệu người Tây Ban Nha Lorena Enebral Perez mà hung thủ chính là một bệnh nhân đang được điều trị trong trung tâm chỉnh hình của ICRC ở thành phố Mazar-e-Sharif của Afghanistan - đã buộc tổ chức nhân đạo phải tuyên bố “giảm mạnh mẽ” công việc của họ tại nước này, đặc biệt là khu vực miền bắc.

Không chỉ có ICRC mà các tổ chức nhân đạo khác cũng lo ngại cho tính mạng nhân viên của họ.

Nổi lên xu hướng “bạo lực kép”

Trong báo cáo “Bạo lực ảnh hưởng tới chăm sóc sức khỏe” công bố ngày 15-5-2017 tại Geneve (Thụy Sĩ), Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực tràn lan nhằm vào các tổ chức và nhân viên y tế ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ICRC, điều này khiến hàng triệu người dân không được chăm sóc sức khỏe và cứu, chữa bệnh kịp thời.

Báo cáo dựa trên kết quả điều tra, khảo sát của ICRC cho thấy đã xác định được hơn 3.000 trường hợp bạo lực liên quan đến đe dọa, bắt cóc và giết hại nhân viên y tế diễn ra từ năm 2012-2017 tại 22 nước trên thế giới. Các vụ bạo lực này dẫn đến việc hàng trăm nhân viên y tế bị bắt cóc và làm ít nhất 400 nhân viên y tế, cả của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, bị thiệt mạng.

Một bệnh nhi tại trung tâm chỉnh hình của ICRC ở Kabul, ngày 10-1-2018.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, người đứng đầu dự án “Y tế bị đe dọa” của ICRC cho rằng, những con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Bởi theo ông, phần lớn các vụ tấn công nhằm vào nhân viên y tế đang làm việc trong các phòng khám, hộ sản hay trong xe cứu thương... đã không được thống kê đầy đủ.

Báo cáo của ICRC nhấn mạnh tới các xu hướng đáng lo ngại trong các vụ bạo lực nhằm vào nhân viên y tế nổi lên trong các năm qua. Đó là trường hợp các nhân viên y tế tới hiện trường cấp cứu nạn nhân của vụ tấn công khủng bố có thể là mục tiêu của một vụ nổ tiếp theo được điều khiển từ xa, các vụ tấn công nhằm vào những người đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng mở rộng và vài vụ tấn công trực tiếp vào cơ sở đang hoạt động của tổ chức y tế tại địa phương.

ICRC tỏ ra đặc biệt lo ngại về xu hướng “bạo lực kép” - tấn công khi các nhân viên y tế tới hiện trường vụ bạo lực để cấp cứu các nạn nhân. Theo số liệu nghiên cứu, các trường hợp nhân viên y tế và cứu trợ bản địa bị tấn công khi tới hiện trường chiếm tới hơn 90% tổng số vụ bạo lực nhằm vào nhân viên y tế.

Tình trạng bạo lực nhằm vào nhân viên y tế không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là những người ở các khu vực diễn ra xung đột và bạo lực. Rất nhiều tổ chức và nhân viên y tế, cứu trợ đã buộc phải rút chương trình cũng như nhân sự khỏi những nơi tình trạng bạo lực không có dấu hiệu thuyên giảm.

ICRC có mặt tại Afghanistan từ năm 1987 nhưng hiện nay hoạt động cứu người của tổ chức nhân đạo uy tín nhất thế giới đã giảm sút trầm trọng do tình hình an ninh bất ổn đe dọa trực tiếp tính mạng đội ngũ nhân viên. Mối đe dọa đến từ nhiều phía: Taliban, tổ chức khủng bố IS và phiến quân.

Một nữ công nhân đang làm việc trong xưởng sản xuất chi giả của trung tâm chỉnh hình ICRC ở Kabul.

Monica Zanarelli, nữ lãnh đạo phái đoàn nhân viên cứu trợ nhân đạo của ICRC ở thủ đô Kabul của Afghanistan, khẳng định: “An ninh của chúng tôi hoàn toàn không được bảo đảm bởi những bức tường bê tông hay những người có vũ trang”.

Năm 1988, Najmudin Helal đến trung tâm chỉnh hình mới mở của ICRC ở Kabul để điều trị sau khi bị mất 2 chân trong một vụ nổ mìn và nhiều năm sau trở thành giám đốc cơ sở nhân đạo này. Helal từng chứng kiến nhiều vụ giết người và bắt cóc mà nạn nhân là nhân viên của ICRC. Tổ chức đã cho đóng cửa 2 văn phòng, giảm bớt hoạt động tại trung tâm chỉnh hình ở Mazar-e-Sdharif và ngưng toàn bộ hoạt động tại những khu vực không đảm bảo an ninh.

Trung tâm Kabul - một trong 7 trung tâm chỉnh hình của ICRC trên toàn thế giới - buộc phải đóng cửa suốt 1 tuần sau vụ nổ súng giết chết nữ chuyên gia vật lý trị liệu Tây Ban Nha.

Mỗi năm, ICRC sản xuất hơn 19.000 chân và tay giả cùng nhiều thiết bị y tế khác hỗ trợ người mất chi ở Afghanistan. Do đó, việc bảo đảm an ninh cho nhân viên ICRC được coi là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Afghanistan cho dù họ làm việc tại những vùng hẻo lánh nhất nước này. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Mặc dù, một số biện pháp an ninh được tăng cường  như là trang bị thêm que dò kim loại tại những cơ sở của ICRC song hiệu quả rất giới hạn bởi vì có quá nhiều bệnh nhân có kim loại bên trong cơ thể họ!

Hiện nay, giới chức ICRC đang triển khai kế hoạch “rút lui có trách nhiệm” khỏi Afghanistan bằng cách chuyển giao một phần công việc cho các tổ chức nhân đạo địa phương như Hội Chữ thập đỏ Afghanistan (ARCS). Điều này rất quan trọng bởi vì rất nhiều ca bệnh mà ICRC tiếp nhận đòi hỏi phải điều trị kéo dài nhiều năm. Hiện nay, trung tâm chỉnh hình Kabul của ICRC đã quá tải do phải tiếp nhận đến 27.000 bệnh nhân.

Một vụ đánh bom năm 2003 ở thủ đô Baghdad của Iraq cũng buộc một trung tâm của ICRC phải đóng cửa sau 23 năm hoạt động. Năm 2013, ICRC cũng đóng cửa văn phòng ở thành phố Jalalabad, Afghanistan, sau một vụ đánh bom liều chết và hoạt động của tổ chức tại khu vực miền đông nước này bắt đầu giảm dần từ năm 2015 khi tình hình an ninh ngày càng tồi tệ hơn.

Một nhân viên của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ mang hàng cứu trợ cho người dân ở Pakistan.

Tháng 12-2016, một nhân viên ICRC bị bọn khủng bố bắt cóc tại tỉnh Kunduz và giam cầm suốt 4 tuần lễ. Vào đầu tháng 2-2017, một đoàn xe của ICRC bị phục kích tại tỉnh Jowzjan, miền Bắc Afghanistan, khiến 6 người thiệt mạng và 2 người khác bị bắt giam suốt 4 tháng.

Đoàn xe của ICRC bị phục kích khi đang trên đường tới một khu vực hẻo lánh bị tuyết bao phủ để phân phát hàng viện trợ cho người dân. Rahmatullah Turkistani, Cảnh sát trưởng tỉnh Jowzjan cáo buộc nhóm IS tại tỉnh này là thủ phạm.

Người phát ngôn ICRC nhấn mạnh: đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào tổ chức nhân đạo quốc tế này tại Afghanistan trong 16 năm qua, xảy ra trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Á này cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp do các vụ tấn công bạo lực liên tục gần đây làm hàng trăm người thiệt mạng trong khi hàng nghìn người khác phải sơ tán. Vài ngày sau khi nhóm IS thả 2 người thì xảy ra vụ nổ súng giết chết nữ chuyên gia vật lý trị liệu Lorena Enebral Perez.

Thiệt thòi nhất là người bệnh và những nơi cần cứu trợ

Quyết định thoái lui dần khỏi Afghanistan của ICRC được xem là hồi chuông báo động cho các tổ chức nhân đạo khác đang hoạt động tại quốc gia này như là Hội đồng Cứu trợ người tị nạn Na Uy (NRC) - tổ chức phi chính phủ cung cấp các dịch vụ cấp cứu bao gồm nơi ở, thực phẩm và nước uống.

Theo ICRC, nhiều cộng đồng dân cư tại Mỹ Latin đã không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế do nhân viên buộc phải rời đi vì không chịu được áp lực và đe dọa. Trong khi đó, tại khu vực miền Nam sa mạc Sahara ở châu Phi và Nam Á, nhiều trẻ em đã tử vong vì những căn bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa trong điều kiện bình thường, nếu các cuộc xung đột vũ trang không ngăn cản chúng tiếp cận dịch vụ y tế.

Nhiều người dân Afghanistan được điều trị tại trung tâm chỉnh hình Kabul.

Một trong những vụ tấn công nghiêm trọng gây chấn động dư luận là 7 nhân viên y tế trong chiến dịch “Đẩy lui bệnh bại liệt” do Liên Hiệp Quốc tài trợ bị bắn chết ở Pakistan hồi cuối năm 2012. Sau những vụ tấn công liên tục và có chủ đích này, toàn bộ nhân viên y tế đã phải rút về trụ sở để bảo đảm an toàn tính mạng. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Pakistan nằm trong danh sách là 1 trong số 3 quốc gia trên thế giới, cùng với Afghanistan và Nigeria, chưa đẩy lui được căn bệnh bại liệt.

Theo nguyên tắc có hiệu lực toàn cầu từ hơn 150 năm qua trong Công ước Geneve, người bị thương trong chiến tranh phải được chăm sóc y tế và các nhân viên y tế có quyền di chuyển tự do để hỗ trợ y tế cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực không ngừng của ICRC và đối tác là Phong trào Lưỡi liềm đỏ quốc tế trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nhân viên và các thiết bị y tế trên thế giới vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu chấm dứt.

Chủ tịch ICRC khẳng định: ICRC và cộng đồng y tế toàn cầu không thể giải quyết vấn đề trên vì nó đã vượt khỏi tầm của ngành này. Đây thực sự là một trong những thảm họa nhân đạo khẩn cấp nhưng chưa được chính phủ các quốc gia thường xuyên xảy ra bạo lực và khủng bố quan tâm thích đáng.

Ngày 19-9-2016, cuộc tấn công vào nhà kho chứa hàng viện trợ của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria ở Orem Al Kubra thuộc vùng quê Aleppo khiến gần 20 người dân và 1 nhân viên của Hội thiệt mạng. Họ là những người bốc dỡ hàng hóa cứu trợ. Sau vụ tấn công này, rất nhiều hoạt động cứu trợ đã bị hủy bỏ. Cuộc tấn công tước đi những nhu yếu phẩm và thuốc men, các trợ giúp y tế cho hàng ngàn người dân.

Tiến sĩ Abdulrahman Attar - Chủ tịch Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria cho biết: “Chúng tôi đã chịu tổn thất lớn về người, trong đó có một đồng nghiệp - ông Omar Barakat là Chủ tịch Chữ thập đỏ địa phương. Ông đã làm việc không ngừng nghỉ để giúp đỡ người dân Syria. Các cán bộ và tình nguyện viên của chúng tôi vẫn đang hàng ngày phải đối mặt với những nguy hiểm của cuộc giao tranh đang diễn ra”.

Ông Peter Maurer - Chủ tịch ICRC quốc tế cho rằng: “Những hành vi tấn công vào các tổ chức y tế quốc tế là một sự vi phạm trắng trợn Luật Nhân đạo quốc tế. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hành vi không tôn trọng, bảo vệ các thành viên của tổ chức nhân đạo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng tới các hoạt động nhân đạo đang diễn ra cũng như sự sống của hàng triệu người”.

William Carter, Giám đốc NRC ở Kabul, phát biểu: “Những vụ tấn công nhằm vào ICRC thực sự đáng lo ngại và tôi nghĩ chúng tôi buộc phải quyết định giảm mạnh hoạt động, đặc biệt tại miền bắc Afghanistan. Đây là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi sẽ gánh chịu sức ép rất lớn nếu như ICRC không thể hoạt động được bởi vì đây là một trong những tổ chức nhân đạo có uy tín nhất thế giới”.

Quốc Hùng - Di An (tổng hợp)
.
.