Vì sao Mỹ luôn “giúp” Thổ Nhĩ Kỳ “tẩy trắng” lịch sử tội ác diệt chủng Armenia?

Thứ Hai, 03/03/2014, 17:25

Gần một trăm năm kể từ khi 1,5 triệu người dân Armenia bị quân Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát, Mỹ vẫn chưa chính thức thừa nhận hành động diệt chủng này. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2008 đã tuyên bố sẽ làm "sáng tỏ" thảm kịch diệt chủng này. Nhưng rồi ông Obama đã không làm được gì để thừa nhận hay sử dụng sao cho đúng cụm từ diệt chủng.

Ủy ban Dân tộc Armenia về Khu vực Tây châu Mỹ vừa thông qua Đạo luật Sự thật tội ác điệt chủng nhân dân Armenia và công lý đã được một số đảng viên của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất. Nghị quyết này yêu cầu chính quyền Obama thừa nhận tội ác diệt chủng đối với người dân Armenia như một bước tiên phong để cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Armenia.

"Đó là một cách tiếp cận khác để giải quyết nghi vấn trước đây. Chính quyền Obama nhất định phải thừa nhận tội ác diệt chủng đối với nhân dân Armenia. Nếu không có sự rõ ràng và giải pháp cụ thể đối với hành động tàn sát 1,5 triệu người Armenia, thì một nền hòa bình lâu dài giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia dường như là không thể" - Tổng giám đốc Ủy ban Dân tộc Armenia về Khu vực Tây châu Mỹ Elen Asatrayan trả lời phỏng vấn báo Armenina-Armenpress.

Ông Gregory Aftandilian, một chuyên gia kiêm cố vấn cấp cao Trung tâm Chính sách Quốc gia Mỹ (trụ sở tại thủ đô Washington DC) cho biết, Mỹ sợ gây phương hại đến mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ đã thẳng thắn cho biết sự thừa nhận đó sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương".

"Bất kỳ khi nào vấn đề được nêu ra ở Quốc hội Mỹ thì chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn gây áp lực cho những người liên quan đến công nghiệp quốc phòng và nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ tích cực vận động hành lang để quan chức Đồi Capitol phản đối sự công nhận tội ác diệt chủng", ông Aftandilian phát biểu trên Báo Rudaw (Armenia)

Aftandilian cho biết vì lợi nhuận kinh doanh, các nhà vận động hành lang và những cá nhân như các cựu thư ký Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Ngoại giao đã được huy động để chống lại điều luật về sự từ chối tội ác diệt chủng của đế quốc Ottoman trong quá khứ. Aftandilian mỉa mai nói điều đó quả thật là một "nỗi cơ cực ê chề".

Ông Aftandilian cho biết, Thư viện Quốc gia Mỹ ở thủ đô Washington DC đã thu thập được nhiều bằng chứng về tội ác diệt chủng nhân dân Armenia, và các nhà ngoại giao Mỹ từng miêu tả nó là "cuộc tàn sát kinh hoàng".

Đế quốc Ottoman - tiền thân quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, đã từng gây ra tội ác với nhân dân Armenia nhưng đến nay, sau gần 100 năm, hậu duệ của họ vẫn từ chối quá khứ.

Ủy ban Dân tộc Armenia và  Hội đồng Nhân dân Armenia tại châu Mỹ, hai nhóm vận động hành lang tích cực đã vận động Quốc hội và từng bang của Mỹ công nhận tội ác tàn sát người dân Armenia. Nỗ lực của họ đã thuyết phục được 42 bang thừa nhận về mặt pháp lý đối với tội ác diệt chủng đó.

Ông Aftandilian phân tích cặn kẽ tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khôn ngoan thì họ sẽ nói rằng hành động đó do đế quốc Ottoman gây ra chứ không phải Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại và dẫn đến sự rõ ràng. Nhưng thực tế đó lại là áp lực tâm lý lớn đối với họ vì họ không muốn thừa nhận tổ tiên của mình đã phạm phải những tội ác này".

Ông Aftandilian cho biết, ông đã gặp nhiều người Đức - những người không tài nào hiểu được sự từ chối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với quá khứ kể từ khi Đức đã dũng cảm công nhận tội diệt chủng - holocaust- thừa nhận tội ác và rồi đã nhanh chóng phát triển thành một xã hội tiến bộ.

"Có một số người cho rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tội ác thì nước này sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng theo tôi đó không phải là vấn đề chính, khi mà đa số người dân Armenia không hề tính đến những khoản bồi thường mà đơn giản chỉ mong tìm kiếm sự thừa nhận cho tội ác này", ông Aftandilian giải thích.

Tiến sĩ Peter Palakian, một chuyên gia về nạn diệt chủng tại Armenia kiêm giáo sư nhân chủng học thuộc Đại học Colgate ở New York cho biết, việc thông qua dự án luật và các nghị quyết của chính phủ nước ngoài sẽ không thể thay đổi thực tế có một nạn diệt chủng đã xảy ra.

"Vấn đề này đã được thiết lập rõ ràng bằng những chứng cứ lịch sử cùng một văn bản hoàn chỉnh và sự đánh giá đồng thuận của các học giả nghiên cứu nạn diệt chủng này, đồng thời những người có liên quan đến nạn diệt chủng và có ý tưởng thực hiện hành vi giết người hàng loạt sẽ là tội phạm theo luật pháp quốc tế" - Tiến sĩ Raphael Lemkin trả lời phỏng vấn Báo Rudaw.

Theo quan điểm của ông Palakian, khi các quốc gia khác nhau thông qua những dự án luật này thì họ đều tái công nhận ghi chép lịch sử phải thống nhất trước sau như một và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường, vì thế Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn tìm cách từ chối quá khứ.

Ông Balakian nói rằng khi liên tục chối bỏ quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ càng tự mình thừa nhận tội ác diệt chủng. "Nghị quyết của các quốc gia trên thế giới là phản ứng chung đối với việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đi khắp thế giới để làm sai lệch những sự kiện lịch sử như thế, nhờ đại sứ quán can thiệp và làm sai lệch tư liệu”.

Vì Mỹ miễn cưỡng xác nhận nạn diệt chủng của đế quốc Ottoman đối với nhân dân Armenia, ông Balakian vì quá bức xúc nên đã phải lên tiếng: "Tôi không nghĩ rằng các nhà lập pháp và các đời tổng thống Mỹ đang khước từ sự thật về thực tế mang tính đạo đức đối với nạn diệt chủng ở Armenia".

"Điều mà tôi trông đợi là họ (Mỹ) cần phải dũng cảm động viên Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này và họ cần phải gây sức ép để có sự bồi thường xét về mặt đạo đức đối với hành vi từ chối của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Balakian cho biết thêm.

Ông Balakian cho rằng, Mỹ nên hành động giống như nước này đang tham gia cứu giúp và viện trợ nhân đạo để cứu sống các nạn nhân Armenia.--PageBreak--

Tiến sĩ Balakian tin chắc rằng các quốc gia khác nhau đều có thực tế cay đắng tương tự về quá khứ của họ và không riêng gì Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Balakian: "Liên Xô, Mỹ và nhiều nước khác đã tạo ra những câu chuyện sai lầm của họ trong quá khứ. Nhưng khi các nước này đã khôn ngoan thừa nhận và ngày càng trở nên dân chủ hơn, họ đã đẩy lui được hội chứng nói dối cực kỳ nghiêm trọng trong quá khứ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng làm tốt việc này".

Balakian tin tưởng thừa nhận nạn diệt chủng sẽ có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngày càng tạo ra sự gần gũi với nhân dân Armenia.

Tiến sĩ Gregory Stanton, cựu chủ tịch Hiệp hội Học giả Quốc tế nghiên cứu nạn diệt chủng - tác giả cuốn sách “Tám giai đoạn của nạn diệt chủng” cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Mỹ cần phải cân nhắc việc duy trì quan hệ hữu hảo với Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn việc nói sự thật về nạn diệt chủng Armenia.

"Trở ngại chính này đã xảy ra nhiều năm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh khi đó Mỹ đã phải cần đến Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò một đồng minh để chống lại Liên Xô. Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của Mỹ để chống lại các tổ chức khủng bố ở Iraq, Syria và Yemen", ông Gregory Stanton nêu lên quan điểm của mình.

Ông Stanton cho biết còn một lý do nữa: Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối quân sự NATO và Mỹ có một căn cứ không quân rất lớn ở tỉnh Incirbik, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ để Mỹ có thể nhanh chóng điều quân khẩn cấp đến chiến trường Iraq và Afghanistan.

"Các nhóm vận độìng hành lang chính đứng đằng sau sự từ chối nạn diệt chủng Armenia được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ tài chính trực tiếp. Họ bỏ tiền thuê các luật sư ở Washington và các vận động hành lang có trình độ chuyên môn để bác bỏ  thừa nhận của Chính phủ Mỹ về sự thật nạn diệt chủng Armenia

Người dân Armenia biểu tình yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tội ác của tổ tiên trong quá khứ.

Ông Stanton cho rằng: theo nhà sử học Thổ Nhĩ Kỳ, Taner Akam, người có thể lý giải lý do về sự từ chối quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ hơn bất kỳ quốc gia nào khác cho rằng cha đẻ của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại - Kemal Ataturk đã đích thân nhúng tay vào những chính sách thảm sát và ông đã “tẩy não” người dân Thổ Nhĩ Kỳ về "huyền thoại" dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ thuần khiết. Theo ông Stanton trong nhiều năm qua, Mỹ luôn từ chối tội ác "tắm máu" thổ dân bản địa châu Mỹ mà một số tổng thống Mỹ đã phạm phải, điển hình như Tổng thống Andrew Jackson.

"Nhưng cuối cùng chúng đã phải công nhận những tội ác chống nhân loại này như những bài học đắt giá cho người Mỹ chúng tôi, giống như tất cả những ai đã phạm phải những tội ác như vậy, bao gồm tội diệt chủng. Đến một ngày nào đó, chúng tôi hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thừa nhận rằng đế quốc hùng mạnh Ottoman - Thổ Nhĩ Kỳ đã từng gây ra nạn diệt chủng ở Armenia cũng như những tội ác kinh hoàng chống lại người Kurds

Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.