Vì sao Trung Quốc khó đưa tội phạm tham nhũng về nước?

Thứ Hai, 15/12/2014, 21:45
Chính phủ Trung Quốc đang triển khai chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” nhằm thanh trừng các quan chức tham nhũng và các “chân rết”. Bên cạnh đó, từ tháng 7/2014, Bộ Công an Trung Quốc cũng đã triển khai Chiến dịch “Săn Cáo” nhằm truy tố, dẫn độ các quan tham và tội phạm kinh tế có liên quan hiện đang trốn ở nước ngoài và thu hồi tài sản thất thoát.

Bộ này đã thiết lập các toán hành động đặc biệt (hay tổ đặc trách) và giao cho Cơ quan Công an các địa phương chịu trách nhiệm thu thập chứng cứ, nghiên cứu các tình huống cụ thể và lên kế hoạch bắt giữ nghi phạm.

Theo thống kê của các tổ chức quan sát quốc tế, tội phạm kinh tế, trong đó đa số là quan tham, đã tẩu tán ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc khối tài sản trị giá 1.080 tỉ USD trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2011, tương đương 120 tỉ USD mỗi năm. Người ta không biết rõ hiện có bao nhiêu “cáo” tham nhũng của Trung Quốc đang trốn ở nước ngoài, nhưng một quan chức luật pháp ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng, Chiến dịch “Săn Cáo” đã giúp Bắc Kinh tóm được 288 kẻ phạm tội kinh tế trốn ở nước ngoài. Con số này có vẻ chênh lệch khá nhiều so với số liệu do Cơ quan Công an nước này cung cấp cho báo chí.

Yu Zhendong, một trong “Top 10” tỉ phú phạm pháp của Trung Quốc, đã bị bắt và dẫn độ về nước.

Lý giải vì sao cho đến nay vẫn còn khá nhiều “cáo” ung dung trốn ở nước ngoài mà không bị bắt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đổ lỗi cho các thẩm phán ở phương Tây, nhất là Mỹ và Canada, do không hiểu và có thành kiến đối với hệ thống tư pháp Trung Quốc, nên đã không thật lòng hỗ trợ bàn giao các quan chức tham nhũng và tội phạm kinh tế về Trung Quốc xét xử. Các chính phủ phương Tây thường không chịu tham gia thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc vì nghe các tổ chức phi chính phủ quốc tế tố cáo tình trạng tra tấn thường xuyên xảy ra và việc Trung Quốc áp dụng án tử hình cho tội tham nhũng.

Hiện nay, Trung Quốc đang có thỏa thuận dẫn độ với 39 quốc gia, nhưng với Mỹ và Canada thì không. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, đây chính là lý do Mỹ và Canada hiện đang chứa chấp số lượng quan tham và tội phạm kinh tế Trung Quốc nhiều nhất thế giới. Bộ Công an Trung Quốc đã chính thức đưa ra số liệu. Ở Mỹ hiện có 150 kẻ phạm tội kinh tế, đa số là phạm tội tham nhũng hoặc bị nghi phạm tội tham nhũng. “Chúng tôi đang gặp khó khăn về mặt chính trị trong việc bắt giữ và xét xử các tội phạm bỏ trốn sang Mỹ do thiếu hiệp định dẫn độ và các thủ tục pháp lý nhiêu khê và phức tạp” – ông Liao Jinrong, Tổng giám đốc Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc nói.

Bất chấp khó khăn, Chính phủ Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để dẫn độ về nước càng nhiều tội phạm kinh tế càng tốt. Ông Wang, một quan chức khác của Cục Hợp tác Quốc tế Bộ Công an Trung Quốc nói, do thiếu vắng hiệp định dẫn độ nên các cơ quan chức năng tư pháp Trung Quốc mỗi năm chỉ có thể có được các cuộc tiếp xúc với các cơ quan chức năng tư pháp Mỹ và Canada vào các dịp tháng 8 và tháng 9 hàng năm để thảo luận các vấn đề lớn các bên cùng quan tâm, kể cả các tội phạm buôn lậu ma túy, vũ khí xuyên biên giới và tội phạm kỹ thuật số.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bộ Công an Trung Quốc đang nỗ lực để thiết lập các cuộc họp cấp cao hàng năm với các cơ quan chức năng tư pháp Mỹ, trong đó có cả Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhằm tìm kiếm giải pháp đưa những kẻ phạm tội trở về nước xét xử. Các cuộc họp này sẽ bao gồm việc thảo luận các vấn đề lớn và trao đổi các quan điểm về thông tin tình báo, hỗ trợ tình huống, hồi hương kẻ phạm tội và thu hồi tài sản đã được tẩu tán. Đạt được như thế sẽ là bước tiến quan trọng đối với Trung Quốc, ông Liao, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng.

Ngoài ra, Bộ Công an Trung Quốc cũng triển khai việc tăng cường sự hợp tác thực thi pháp luật, bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo, các cuộc điều tra vụ án và thu hồi ngân quỹ đã được tuồn sang các nước khác, và tiến hành các chiến dịch phối hợp với các quốc gia đó. Tuy nhiên, việc hợp tác theo cách mà Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc mô tả cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Ngoại trừ các quốc gia có ký hiệp định dẫn độ thì đối với các quốc gia còn lại, như Mỹ và Canada, hầu như Trung Quốc chưa thể thu được kết quả.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.