Vì sao đặt trạm ép rác cạnh khu dân cư?

Thứ Hai, 29/10/2018, 19:20
Việc bà con khu dân cư Tín Phong - 12 View, khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, phản ánh về việc UBND quận 12 quyết định lắp đặt một trạm trung chuyển rác (trạm ép rác kín) ngay gần khu dân cư là có thật. Quyết định này đã gây bức xúc cho toàn thể 408 hộ dân và khoảng 1.200 nhân khẩu hiện đang sinh sống tại đây. Bà con đã nhiều lần kiến nghị, phản đối.

Giữa tháng 7-2018, nhà thầu đưa máy móc, thiết bị xuống thi công xây dựng trạm ép rác kín. Bà con trong khu dân cư ngăn chặn, buộc phải ngừng thi công. Khu trạm ép rác kín này có quy mô đầu tư hơn 40 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 1000m2; trong đó trạm ép có diện tích 217m2, còn lại là nhà điều hành, đường giao thông, cây xanh, khu xử lý nước thải… Dự kiến dự án sẽ được đưa vào vận hành vào quý 2-2019. Theo bà con, trước khi triển khai thi công lắp đặt trạm ép rác, UBND quận, phường chưa từng thông báo, đối thoại với dân… Việc làm của chính quyền và nhà thầu bị xem là "thiếu minh bạch, coi thường dân".

Bà Khánh, thành viên Ban quản trị chung cư Tín Phong cho biết: "Chung cư Tín Phong được hoàn thành và cư dân bắt đầu vào ở từ năm 2015, hiện tổng cộng khoảng 1.200 nhân khẩu. Cư dân đa số là người có thu nhập thấp, phải tích cóp, vay mượn nhiều nơi mới mua trả góp được một căn hộ. Việc xây dựng các trạm ép rác là một chủ trương đúng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên trạm ép rác này được xây dựng ngay trước mặt chung cư là không hợp lý…".

Dù là mô hình khép kín nhưng cũng không thể ngăn được mùi hôi tại trạm ép rác Tân Bình trên đường Phạm Văn Bạch.

Ban quản trị chung cư Tín Phong đã đại điện cho cư dân nhiều lần gửi đơn thư kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, với mong muốn di dời trạm ép rác này đi nơi khác phù hợp hơn. "Chúng tôi đang lâm vào tình cảnh đi không được mà ở cũng không xong. Bất đắc dĩ, tất cả các cư dân đã căng băng rôn kín chung cư, để phản đối", một cư dân Tín Phong, chia sẻ.

Bà Lê Hồng Thu, thường gọi là bà Ba (72 tuổi, ngụ tại căn hộ A17-04), từng là  một nữ biệt động thành, từng bị địch bắt, tra tấn, tù đày. Bị địch tra tấn dã man chết đi sống lại bà chẳng sợ vì bà biết bên cạnh còn có đồng đội, bà tin vào tương lai. Giờ đây tương lai của bà chính - căn hộ 55m2  - cùng hơn 400 căn hộ khác đang bị đe dọa ô nhiễm do… quy hoạch.

Ông Trịnh Văn Thạy, 65 tuổi, cựu sĩ quan quân đội, 35 năm tuổi Đảng, chia sẻ, không ai chống đối chủ trương, nhưng ai cũng muốn sự minh bạch, rõ ràng. Không thể tùy tiện đặt người dân vào việc đã rồi. Đem trạm ép rác đặt trước mặt hơn 400 hộ dân, có khác gì đem "hố xí" đặt ngay trước mặt nhà. Chi bộ khu phố 5, nơi ông sinh hoạt có bao nhiêu đảng viên thì bấy nhiêu nhất trí với ý kiến của ông, đề nghị UBND quận 12 không xây dựng nhà máy ép rác kín trước khu dân cư

UBND quận 12 đã mời 50 hộ dân tham dự buổi đối thoại vào ngày 19-8-2018. Tuy nhiên buổi đối thoại trên đã bị tạm hoãn. Sau đó UBND quận 12 đã có thư mời đối thoại vào ngày 9-9 tại UBND phường Tân Thới Nhất. Nhưng số hộ dân được mời tham dự quá ít, chỉ 50/408 hộ. Tập thể cư dân khu chung cư Tín Phong yêu cầu địa điểm tổ chức buổi đối thoại phải diễn ra tại sảnh Block A của khu chung cư. 100% hộ dân (408 hộ) được quyền tham dự … Yêu cầu của Ban quản trị và người dân đã không được đáp ứng. Cuộc "đối thoại" của UBND quận 12 vẫn diễn ra mà không có sự tham dự của Ban quản trị cũng như người dân cụm dân cư Tín Phong…

Nhưng khi trả lời bằng văn bản, UBND quận 12 lại cho biết, sáng 9-9, chính quyền quận 12 đã tổ chức đối thoại với người dân tại khu tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất với sự tham gia của ông Trần Hữu Trí, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận 12, Phó chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc, đại diện của Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch, kiến trúc cùng nhiều ban ngành liên quan, lãnh đạo UBND phường và 20 hộ dân phường Tân Thới Nhất. Tuy nhiên không có Ban quản trị cùng đại diện của các hộ dân thuộc khu dân cư Tín Phong.

"Vậy mà kết luận vẫn được đưa ra với sự đồng thuận của người dân… ngoài khu vực chịu ảnh hưởng của trạm ép rác. UBND quận 12 có quá coi thường chúng tôi không?" - một cư dân bày tỏ bức xúc.

Thực tế, vị trí đặt trạm xử lý rác chỉ cách chung cư mỗi con đường đi khoảng… 6 mét, nhất là khi nó được đặt gần một trường mầm non. Chưa hết, nhiều người cho rằng ở vị trí cách xa trên 200 mét vẫn ngửi thấy mùi hôi. Khu Công nghiệp Tân Bình nằm cách chung cư hơn 500 mét nhưng mùi hôi từ ống khói một nhà máy trong đó xả ra cũng khiến người dân khó chịu huống hồ trạm ép rác chỉ cách khu dân cư hơn chục mét? Và ai đảm bảo rằng trong quá trình vận chuyển đơn vị xử lý không để xảy ra tình trạng rò rỉ nước thải? Cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm nếu ô nhiễm xảy ra? Cơ quan chức năng đã lường trước được sự việc nếu trong quá trình vận hành xảy ra xung đột giữa dân và cơ sở ép rác?

Bài học từ các bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn) Đa Phước (Nhà Bè)… luôn là nỗi ám ảnh của người dân và là bài học đối với các nhà quản lý, quy hoạch… Nên đặt quyền lợi của dân lên trên các quyền lợi khác để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc. Trên hết, tất cả đều cần minh bạch qua đối thoại lấy ý kiến của nhân dân.

Thực tế cho đến nay UBND quận 12 chưa có cuộc đối thoại trực tiếp nào với người dân khu dân cư Tín Phong. Cả 2 bên vẫn chưa có tiếng nói chung vì chưa thống nhất địa điểm đối thoại. Nguyên nhân chính mà UBND quận 12 đưa ra là sợ vấn đề an ninh cho cuộc đối thoại không đảm bảo rõ ràng là chưa thuyết phục.

Đức Hà
.
.