Vỡ nợ "tín dụng đen": Phải được xem xét là tội phạm hình sự

Thứ Tư, 26/10/2011, 15:05
Đã đến lúc các cơ quan chức năng không thể bàng quan trước hiện tượng vỡ nợ hàng loạt vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Các vụ vỡ nợ này cần phải được nhìn nhận, mổ xẻ ở góc độ hình sự để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh thích hợp.

1. Chưa bao giờ Hà Nội lại "nóng" bởi một loạt "đại gia" vỡ nợ với con số thiệt hại được đánh giá là hàng "khủng". "Đại gia" đầu tiên mà cơ quan CSĐT "sờ" tới là Tạ Việt Quang (36 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quang Quyên ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng vay nợ của 2 doanh nghiệp và 26 cá nhân không có khả năng chi trả 85,6 tỉ  đồng, 40.000USD, 10.000 euro, 23 cây vàng và 14 xe ôtô.

Tiếp đó là nữ "đại gia" Nguyễn Thị Dậu (48 tuổi) ở số 5 Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông, vay nợ của 52 cá nhân không có khả năng thanh toán gần 47 tỉ đồng, 10.000 USD, 32 cây vàng. Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi) ở thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên vay nợ 5 cá nhân số tiền 130 tỉ đồng, 200 cây vàng. Phạm Thị Chinh (36 tuổi) ở 17 ngõ 13, tổ 28, Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy vay 15 cá nhân 53 tỉ đồng.

Những con số thiệt hại này mới chỉ là một phần trong số nợ đã được người bị hại công khai trình báo. Còn theo dư luận thì "phần chìm" của "tảng băng" vỡ nợ này lớn hơn nhiều, lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi vụ, nhưng nhiều bị hại vì lý do này khác đã chưa hoặc không muốn tố giác tới Cơ quan Công an.

Tạo dựng vỏ bọc kinh doanh vàng, salon ôtô, Tạ Việt Quang đã huy động vay hàng trăm tỉ đồng của người dân.

"Cơn bão" vỡ nợ tại địa bàn Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây nhất, dư luận lại sốt đùng đùng với sự vắng mặt của một con nợ là Trần Thị Kim Xuân (35 tuổi) trú ở thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm. Thông tin ban đầu cho biết Xuân lánh mặt bởi vay nợ 1 ngân hàng và 9 cá nhân số tiền trên 20 tỉ đồng không có khả năng chi trả.

Tại địa bàn huyện Chương Mỹ, gần đây cũng rộ lên thông tin một loạt "đại gia phố huyện" chuẩn bị vỡ nợ như Nguyễn Đức T., chủ một tiệm vàng ở thị trấn Xuân Mai huy động khoảng 200 tỉ đồng; Nguyễn Đức N., chủ một hiệu cầm đồ huy động của hàng chục hộ dân số tiền khoảng 20 tỉ đồng rồi cho Bùi Thị H. ở Hòa Bình vay lại nhằm ăn chênh lệch lãi suất, nay H không có khả năng trả nợ; Phạm Thị T., chủ một nhà nghỉ cũng đứng ra gom khoảng 6 tỉ đồng của người dân, nay cũng có dấu hiệu vỡ nợ…

Chưa thể đoán biết được "tọa độ" của những vụ vỡ nợ sắp tới ở đâu, song thiệt hại thì đã rõ. An ninh trật tự (ANTT) bị ảnh hưởng xấu, nhiều gia đình kể cả chủ nợ và con nợ rơi vào cảnh tan nát. Thậm chí nhiều chủ nợ phải tìm cách bỏ trốn vì bị các con nợ đe dọa tính mạng.

Trước tình hình trên, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện, thị xã nắm tình hình, chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra vụ việc gây mất ANTT từ nguyên nhân do vỡ nợ. Lập hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng có hành vi phạm tội theo pháp luật. Ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản; kê biên, tạm giữ tài sản các đối tượng vi phạm để hạn chế thiệt hại xảy ra.

2. Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, đây là thời điểm "chín" của vỡ nợ bởi tác động từ các đợt "sóng thần" kinh tế như  thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán sụt điểm, thị trường vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những người đi vay để đầu tư bất động sản, vàng theo kiểu lướt sóng trước đây, nay để có tiền trả nợ phải tìm mọi cách.

Trong khi hoạt động tín dụng của các ngân hàng đối với các lĩnh vực này được thắt chặt  thì chỉ có cách vay "tín dụng đen". Nhưng vay rồi vẫn không bán được hàng mà tiền vay chỉ đủ để trả lãi khiến người vay rơi vào một vòng luẩn quẩn và phát sinh tội phạm từ đây. Để tiếp tục vay tiền, các đối tượng đã tạo ra vỏ bọc hào nhoáng khiến mọi người nhầm tưởng.

Như Tạ Việt Quang ở thị trấn Phùng (Đan Phượng) bằng việc tạo dựng hình ảnh doanh nhân trẻ, thành đạt với một loạt salon ôtô, mở hiệu vàng… đã khiến người dân ở thị trấn tin tưởng vào khả năng tài chính của doanh nghiệp Quang Quyên, từ đó dốc hết tiền tiết kiệm, tiền được đền bù giải phóng mặt bằng để cho vợ chồng Quang vay. Thậm chí đến lúc không vay được tiền mặt, vợ chồng Quang chuyển sang vay bằng sổ đỏ sau đó mang những sổ đỏ này đi thế chấp ngân hàng. 

Nguyễn Thị Cúc ở huyện Phú Xuyên thì liều lĩnh hơn khi dùng chính tiền vay để mua sắm tài sản đắt tiền như ôtô Audi, quần áo hàng hiệu… để lòe mọi người. Tương tự như vậy, Phạm Thị Chinh ở quận Cầu Giấy thì vẽ ra viễn cảnh buôn vàng liên tỉnh khiến các chủ nợ "mờ" mắt bởi lợi nhuận mà Chinh tự đưa ra. Lý giải cho sự vắng mặt của chồng là Phạm Ngọc Chúc, Chinh "bật mí" cho các chủ nợ biết chồng chị ta chuyên đi các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng để thu gom vàng cốm và bán vàng trang sức nhập ngoại.

Khám xét nơi ở và Giấy tờ vay nợ thu giữ tại nhà Chinh.

Tuy nhiên, khi khám nhà Chinh, sự thật về người chồng "buôn vàng" đã được làm rõ khi Cơ quan điều tra thu được lá thư của Chúc gửi cho Chinh, dặn dò việc bản thân đi cai nghiện ma túy. Phải chăng việc kinh doanh thua lỗ, lại thêm người chồng nghiện đã khiến Phạm Thị Chinh ngày càng ngập sâu vào nợ nần?

Những giấy tờ thu giữ tại nhà Chinh cho thấy nữ "chúa chổm" này còn vay nợ cả ngân hàng. Hai ngôi nhà mà bố mẹ đẻ Chinh đứng tên, đã được Chinh cầm cố cho ngân hàng và tư nhân nhiều lần. Bằng khả năng ngoại giao và vỏ bọc vung tiền không tiếc tay, Chinh đã qua mặt các chủ nợ đến phút chót trước khi bỏ trốn vào ngày 6/10.

Qua các vụ vỡ nợ cũng cho thấy tâm lý "bầy đàn", đám đông trong kinh doanh của người Việt Nam. Thấy có lợi là đua nhau nhảy vào, chẳng cần kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực kinh doanh. Sở dĩ số lượng người và số lượng tiền bị chiếm đoạt trong các vụ vỡ nợ là rất lớn, bởi nhiều người thấy cho vay "tín dụng đen" có lợi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng liền rỉ tai người khác.

Ban đầu con nợ còn phải đi hỏi vay, sau thấy lãi cao, nhiều người đua nhau tự mang tiền đến cho con nợ vay chẳng khác gì tự nộp mạng. Đến khi các vụ vỡ nợ xảy ra, không ít người bị hại than thở rằng họ bị con nợ "thôi miên". Sự thật chẳng có việc thôi miên nào hết ngoài lòng tham và sự thiếu hiểu biết pháp luật của đa số chủ nợ.

3. Các vụ vỡ nợ đã bộc lộ năng lực hạn chế của hệ thống tài chính, tín dụng hợp pháp hiện nay. Chính sách về lãi suất, thủ tục vay, cho vay và thanh toán khi huy động vốn của ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhiều khi không phù hợp với nhu cầu của các hoạt động kinh tế đang rất sôi động dẫn đến việc không thu hút được nguồn vốn trong dân, trong khi thực tế nguồn tiền nhàn rỗi trong dân là rất lớn.

Trung tá Nguyễn Xuân Hùng, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận định: Những hạn chế đó chính là điều kiện cho "tín dụng đen" có đất hoạt động. Bằng thủ đoạn trả lãi cao hơn, nhanh hơn (lãi suất tính theo ngày), linh hoạt hơn (tăng lãi suất theo mặt bằng chung ở xã hội ở từng thời điểm, thậm chí trả lãi trước), các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã kích thích lòng tham của những người có vốn nhàn rỗi, từ đó thu hút dễ dàng tiền vay.

Tổ chức hoạt động thu gom vốn của "tín dụng đen" cũng linh hoạt hơn cả ngân hàng khi các đối  tượng thâm nhập vào từng gia đình, nắm chắc hoàn cảnh, lượng tiền dư thừa của từng nhà;  lợi dụng mối quan hệ họ hàng, người thân, hàng xóm… để gây niềm tin cho những người khác.

Năng lực hạn chế của ngân hàng còn thể hiện ở chỗ chính ngân hàng trở thành nạn nhân của một số vụ lừa đảo do không thực hiện đúng các quy trình, quy định về cho vay vốn dẫn đến việc cho vay nhưng không có phương án kinh doanh, cho vay nhưng không kiểm tra năng lực thật khiến cho nguồn vốn được đối tượng sử dụng sai mục đích. Hậu quả là khi việc kinh doanh không đúng phương án bị đổ bể đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

4. Những vụ vỡ nợ xảy ra do làm ăn thua lỗ, rủi ro trong đầu tư, kinh doanh bất hợp pháp thường gắn liền với tội phạm hình sự như cờ bạc, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, chuyển tiền… và các lĩnh vực đầu tư bất hợp pháp khác. Bản chất của loại tội phạm này là hoạt động tín dụng liên quan đến tội phạm hình sự. Do đó, phải  nhìn nhận các vụ vỡ nợ này ở góc độ tội phạm hình sự chứ không thể nhìn dưới góc độ quy luật kinh tế như những vụ vỡ nợ xảy ra tại doanh nghiệp.

Thượng tá Đậu Văn Liên, Phó trưởng phòng PC46 Công an Hà Nội nhận định, trong tình trạng vỡ nợ xuất hiện các dạng tội phạm sau: tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (dùng các thủ đoạn gian dối trước khi huy động vay vốn, có ý thức chiếm đoạt tiền), tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (gian dối sau khi đã vay được tiền và tìm cách chiếm đoạt).

Ngoài ra, có vụ vỡ nợ xuất hiện yếu tố đối tượng bên ngoài câu kết với một số nhân viên biến chất thoái hóa trong ngân hàng và tổ chức tín dụng để cố ý làm trái trong quản lý kinh tế, lạm dụng chức vụ quyền hạn và tham nhũng nhằm để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.  Có dấu hiệu làm giả, sử dụng giấy tờ, giấy chứng nhận nhà đất, tài sản giả để thế chấp các tổ chức tín dụng và cá nhân để chiếm đoạt tiền.

Đã đến lúc tình trạng vỡ nợ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Vỡ nợ phải được xem xét dưới 3 góc độ:  hiện tượng xã hội, hiện tượng kinh tế và hiện tượng tội phạm hình sự; từ đó có các giải pháp ứng xử phù hợp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn "cơn lốc" vỡ nợ  lây lan đã và đang gây ra hậu quả xấu cho xã hội .

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã khởi tố hình sự 4 vụ vỡ nợ xảy ra ở huyện Đan Phượng, Phú Xuyên, quận Hà Đông và Cầu Giấy về các tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan Công an đã tạm giữ 14 xe ôtô, kê biên 4 ngôi nhà, yêu cầu cơ quan chức năng ngừng thực hiện việc sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu đối với 2 ngôi nhà, 3 thửa đất để phục vụ việc khắc phục thiệt hại xảy ra.

Hương Vũ
.
.