Vòng xoáy tín dụng đen: Tốt vay – dày nợ
Trong vô số các nạn nhân của tệ nạn này, tôi gặp một gương mặt tương đối “điển hình” là anh Vũ Anh Tuấn (ngụ phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Mắt anh lúc nào cũng thẫn thờ, thỉnh thoảng đỏ ngầu, vì anh làm thợ nhôm kính nhưng chẳng đeo kính khi hàn bao giờ, nhắc anh đeo kính vào thì anh chỉ cười cười.
Lúc nào cũng cười cười, thẫn thờ
Anh Tuấn đang ngồi ngoài hành lang một hội thảo về "Giải cứu nạn nhân tín dụng đen", níu chút hy vọng mong manh rằng có gì đấy sẽ cứu được mình. Hai năm trước, anh vay 135 triệu từ một "công ty" trên đường Nguyễn Chí Thanh để làm ăn, được dụ ngọt để ký nhoay nhoáy trên vô số giấy tờ công chứng, ủy quyền sử dụng căn nhà đang ở giá thị trường xấp xỉ 6 tỉ đồng cho một "chị Yến" nào đó là giám đốc công ty hỗ trợ tài chính tư nhân.
Bằng một sự cả tin anh Tuấn ngô nghê giản đơn nghĩ hoàn thành mấy công trình là trả lại được món nợ có mức lãi 5.000 đồng/triệu/ngày, nhanh thôi. Rồi một ngày, công ty đó biến mất. Không còn biển hiệu, không còn văn phòng. Và ít lâu sau, anh biết căn nhà các cụ để lại đã được thế chấp ngân hàng. Không còn ai biết "chị Yến" ở đâu nữa. Những phụ nữ trong gia đình anh khóc hết nước mắt.
Những ánh mắt như thế, không hiếm. Một người phụ nữ thẫn thờ, nhưng hỏi đến là khóc. Một ông già gù oặt lưng, không còn hơi sức để tỏ ra đau khổ nữa, tay lúc nào cũng ôm một bộ hồ sơ dày cộm gặp ai cũng trình bày. Tôi đã gặp những người đó. Họ không phải là những con bạc hay con nghiện khát nước đi giật nóng tiền để chơi bời. Họ lương thiện. Anh Tuấn làm lụng rất chăm chỉ, mắt lúc nào cũng đỏ ngầu nhưng thiếu hiểu biết để tiếp cận được những nguồn vay ngân hàng. Đôi khi cũng vì họ ngần ngại thủ tục giấy tờ ở các ngân hàng để chui đầu vào những cái bẫy ngọt ngào. Hoặc là chính các ngân hàng cũng đang bị bó buộc bởi chính sách cho vay được áp xuống. Hoặc là gì đó, chỉ biết nó đã giết nhiều con người, nghĩa đen và nghĩa bóng.
Một cuộc sống bình yên như gia đình anh Tuấn chẳng hạn, bỗng dưng bị đảo lộn trong lo âu, đối phó, bất lực bởi đủ thể loại lưu manh côn đồ đến tận nhà bất kể thời gian để đe dọa, gây sức ép, thu tiền lãi. Cửa sổ luôn đóng kín đề phòng những túi sơn trộn mắm tôm bất chợt từ đâu bay vào nhà giờ cơm tối, cổng ra vào bịt tôn bít bùng để tránh bị khóa cửa từ phía ngoài lúc bình minh.
Vấn đề ở đây, là những tờ rơi "Cho vay không thế chấp" vẫn đang được dán đầy các bức tường và cột điện thành phố, mà không ai kiểm định rằng đằng sau chúng là gì. Và khi mọi chuyện đã xảy ra, thì đôi bên đều bế tắc, ngân hàng cũng là bị hại, người cho vay khóc đến đờ đẫn, mà không ai biết phải làm gì. Không có một chế tài nào đủ để giải quyết vấn đề và nhận thức thì cần thời gian cũng như "kinh nghiệm" xương máu.
Tôi biết có hàng trăm người như thế ngoài kia. Xã hội đang có một vấn đề nghiêm trọng và ít nhất có người cần phải thấy nó nghiêm trọng đến thế nào.
Trong hàng vạn tờ rơi, miếng giấy dán cẩu thả trên tường, cột điện hay cẩn thận hơn là những mảnh mica treo lơ lửng trên dây điện các khu đông dân cư. Đó là những thông tin thoáng nhìn vô cùng lôi cuốn với bất kể ai đang cần tiền một cách bất thường. Bất kể một người đa nghi nhất cũng thấy rằng có vẻ như chưa khi nào vay tiền dễ đến thế, mọi loại giấy tờ tùy thân đều là mang đến cơ hội khả thi để vay nóng từ các tổ chức tín dụng mập mờ, "ngân hàng quốc tế", "vay tín chấp lên đến 300 triệu đồng lãi suất ưu đãi"… Đó là khởi đầu của bi kịch.
Tôi chọn đại một "công ty ngân hàng quốc tế" ngẫu nhiên trong mớ hỗn độn ấy đến tham quan xem sao. Nếu gọi là công ty thì đó quả là một sự phóng đại nhố nhăng nhất bởi nó nhỏ nhắn bừa bộn trong một cửa hàng cầm đồ nhỏ khuất nẻo gần bến xe Mỹ Đình. Ngay từ 7 giờ 45 phút, phía ngoài cửa nhân viên "tín dụng" đã xếp ghế nhựa ngay ngắn cho khách đến ngồi đợi xếp hàng vay tiền, đủ thành phần từ các bà nội trợ, anh thợ cắt tóc, tiểu thương trong chợ, giáo viên, sinh viên cho đến xe ôm…
Họ lặng lẽ trầm tư, trên tay cẩn thận sắp xếp lại hồ sơ vay tiền là những mảnh giấy hợp đồng lao động, chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, đăng ký kinh doanh, giấy phép lái xe…
Mồi nhử tín dụng đen đôi khi chỉ đơn giản bắt đầu từ một mảnh giấy như thế này. |
Phía trước tôi là một anh xe ôm cũng tên Tuấn, thu nhập hàng ngày khá tốt do hoạt động gần bến xe, xấp xỉ 400.000 đồng đến 700.000 đồng một ngày. Anh đến đây vì vừa thua bạc đêm qua và cũng là khách quen. Tuấn "xe ôm" ngồi nhoay nhoáy viết giấy bán xe và lại ký vào một tờ giấy thuê lại chính chiếc xe của mình. Đó cũng là cách lách luật cũng như hợp thức hóa khoản vay bằng một hợp đồng thuê xe rất trong sáng và hoàn toàn có thể đưa khổ chủ ra pháp luật nếu có trục trặc. "Công ty" chỉ giữ lại đăng ký xe máy, chứng minh nhân dân và tạo điều kiện cho khổ chủ có cơ hội sử dụng chiếc xe kiếm tiền đóng "hụi" mỗi ngày 300.000 đồng, phân nửa thu nhập mỗi ngày, trong hợp đồng thuê xe cũng được hợp thức hóa giá thuê mức giá đó. Như trường hợp vay của Tuấn "xe ôm" bỏ 10 ăn 7, vay 10 triệu nhưng thực cầm chỉ 7 triệu tiền mặt và trả nợ lẻ đều đặn trong hơn một tháng, chính xác hơn là 34 ngày tương đương lãi suất 360%/năm.
Một cô gái trẻ trung xinh xắn khác, chủ tiệm cắt tóc gội đầu bên hông chợ đến thế chấp giấy phép kinh doanh để vay 100 triệu mua sắm thêm bàn gội đầu, sửa sang cửa hàng phục vụ mùa cuối năm. Trường hợp này thủ tục phức tạp hơn một chút, cô phải viết giấy sang nhượng cửa hàng, một biên bản thỏa thuận "trông" cửa hàng hộ và một giấy vay tiền. Cô có phần được ưu ái hơn với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày tương đương 108%/năm. Sau hơn 20 phút cặm cụi viết giấy, cô chủ nhỏ cũng được giải ngân toàn tiền chẵn, đẹp, ngay lập tức để kịp hồ hởi đi mua sắm trang thiết bị mới nâng cấp tiệm gội đầu.
Có lẽ đây là một vài ví dụ rất nhỏ về thế giới "tín dụng đen" đang hoạt động sôi sục, cái vòi của nó sục sạo khắp mọi ngóc ngách, khu dân cư, chợ búa, trường đại học.
Để nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, cũng như giải pháp tháo gỡ bế tắc, đảm bảo cơ sở quyền và lợi ích của các bên, xây dựng chính sách giải quyết vấn nạn này thì rất cần nhiều cơ quan có thẩm quyền vào cuộc cũng như tuyên truyền chung. Một sự thật hiển nhiên tồn tại rằng thời gian qua nhiều người dân cần vốn bất chợt nhưng không tiếp cận được tín dụng ngân hàng nên họ dễ dàng tìm đến với tín dụng đen. Nó hấp dẫn hơn bởi nhanh chóng, có vẻ thuận tiện và đi cùng với đó là lãi suất cắt cổ. Một thủ đoạn chung khi cầm cố tài sản lớn như bất động sản, các đối tượng cho vay dụ dỗ, ép buộc người vay làm giả các thủ tục bán nhà đất mà không hề có việc bàn giao nhà, giao tiền, tiến hành sang tên người cho vay… Khi có các loại giấy tờ đó trong tay, các đối tượng này sử dụng làm hồ sơ vay vốn rất chính quy với các ngân hàng với số tiền hàng tỉ đồng. Nhiều người dân như anh Tuấn trong phần nói ở trên lâm vào cảnh bi đát vì mất nhà. Mô hình này đang được nhiều đối tượng ngoài xã hội nhân rộng về quy mô.
Theo một số liệu của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay riêng 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Nếu không có sự ngăn chặn của các cơ quan thi hành pháp luật, thay đổi nhận thức của người dân thì tín dụng đen sẽ gây bất ổn lớn trong xã hội, trong từng gia đình. Để hạn chế tín dụng đen phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quyết sách, chủ trương cụ thể như nâng cao quản trị tài chính cá nhân, kiên quyết đấu tranh với những công ty - tổ chức cá nhân sử dụng xã hội đen đòi nợ thuê. Ngoài ra cần minh bạch hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục và phát triển cách tiếp cận tín dụng lành mạnh từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín.
Từ những thói quen vay ẩu một cách dễ dàng đều có thể hình thành nhận thức vô cùng xấu dẫn đến cống nạp tài sản lớn hơn. Từ một bữa sinh nhật của chàng sinh viên ngoại tỉnh được tổ chức "hoành tráng" bằng tiền đi vay nóng và đánh đổi bằng vài gã lưu manh về tận quê "áp tải" cha mẹ ra chợ bán lứa lợn mới sinh. Với mức lãi nghìn to nghìn bé một ngày nhưng nó là cấp số nhân, với bất kể một người có thu nhập đều đặn thì cũng có thể coi như đang cõng chú voi con trên lưng.
Người đi vay tiền tín dụng đen thường lấp liếm niềm tin rằng mọi thứ sẽ êm đềm dễ dàng như mớ tiền bỗng đâu "rơi" vào tay chỉ sau vài chữ ký. Tốt vay thì dày nợ, chân lý ấy chưa bao giờ sai.