Vụ “Công ty Liên Kết Việt”: Vì sao người dân mắc bẫy?

Thứ Bảy, 12/03/2016, 09:25
Điều đầu tiên muốn kinh doanh vào lĩnh vực nào cần nắm vững và hiểu biết sâu sắc về mặt pháp lý, về bản chất hoạt động kinh doanh của lĩnh vực đó, có khả năng phân tích và dự báo được những diễn biến của lĩnh vực mà mình đầu tư. Tránh đầu tư theo bầy đàn, phong trào. Lợi nhuận cao, thì rủi ro cũng lớn...

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: "Tại sao cơ quan quản lý im lặng trước những điều mờ ám?"

Vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt bị phát giác, các đối tượng liên quan bị bắt giam, khởi tố. Nhưng, còn vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý thì sao? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Phóng viên (PV): Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế, người cũng đã theo dõi nhiều năm các câu chuyện, các cảnh huống liên quan đến các công ty đa cấp. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Theo quy luật của kinh tế thị trường, đầu tư vào nơi nào có lợi nhuận cao thì độ rủi ro càng cao, lợi nhuận trung bình thì độ rủi ro trung bình và lợi nhuận thấp thì rủi ro thấp và an toàn hơn cả. Do vậy, khi thấy hoạt động đầu tư nào mà có siêu lợi nhuận thì cần phải cảnh giác và xem xét thận trọng trước khi đầu tư.

Như Các Mác đã từng nói, nếu đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, mà lợi nhuận là 100%, thì người đầu tư hăng máu, nếu lợi nhuận là 200% người đầu tư không còn biết sợ là gì, nếu lợi nhuận 300% dù có bị treo cổ cũng sẵn sàng làm việc đó. Đánh trúng vào tâm lý hám lợi của con người, một số hoạt động kinh doanh đa cấp, với những chiêu bài lừa đảo đã đưa ra những bánh vẽ đầu tư vào đó sẽ thu được siêu lợi nhuận trong thời gian ngắn. Cùng với nó là tâm lý đám đông, theo phong trào và bầy đàn, những người không hiểu biết về hoạt động kinh doanh đã lao vào tham gia kinh doanh hoạt động đa cấp, nhằm kiếm siêu lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Lời khuyên cho mọi người, trong kinh tế thị trường không có lĩnh vực nào thu được siêu lợi nhuận một cách dễ dàng. Nếu có, nơi đó chỉ có sự lừa đảo, dối trá và làm ăn phi pháp thôi. Siêu lợi nhuận thu được chỉ là lợi nhuận ảo hoặc đồng tiền ảo. Đó chỉ là bánh vẽ, mọi người cần cảnh giác trước những chiêu lừa thu được siêu lợi nhuận một cách dễ dàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

PV: Sau vụ Liên kết  Việt, báo chí đã tìm đến các cơ quan quản lý để "hỏi cho ra nhẽ", nhưng như ông thấy, qua báo đài, vị đại diện cho Bộ Công thương có vẻ né tránh một số câu hỏi liên quan.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Xung quanh hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Liên Kết Việt, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên Kết Việt từ rất sớm (7 tháng sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty), phát hiện thấy có sai phạm, Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty Liên Kết Việt 570 triệu đồng từ tháng 7-2015, nhưng không cung cấp thông tin và cảnh báo người dân về hành vi lừa đảo của doanh nghiệp này, chỉ đến khi "tập đoàn lừa đảo" này bị điều tra, thì Bộ mới "hé lộ" chuyện phạt doanh nghiệp.

Mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen Thủ tướng, "vẽ" ra hệ thống kinh doanh lãi suất khủng, chỉ cần đóng số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để mua sản phẩm, khách hàng được hưởng gần 450 triệu đồng sau 5 năm gồm tiền lãi, thưởng... là những chiêu thức của Công ty Liên Kết Việt do Lê Xuân Giang thành lập, lôi kéo mọi người tham gia. Cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, Công ty Liên Kết Việt đã mở rộng mạng lưới với 45 nghìn người, số tiền lừa đảo lên đến 1.900 tỷ đồng, chỉ sau khoảng 1 năm doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý là Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương đã ở đâu, khi doanh nghiệp này tự tung tự tác lừa đảo kinh doanh đa cấp, mở rộng mạng lưới khắp 21 tỉnh, thành?

Theo các quan điểm cá nhân, công ty đa cấp Liên Kết Việt hoạt động lừa đảo bị phanh phui vừa qua cho thấy cơ quan quản lý đã thiếu trách nhiệm, chưa có sự giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Đối với một công ty, chịu phạt tới 500 triệu đồng cho sai phạm đối với quản lý hành chính thương mại là quá lớn, nhưng tại sao cơ quan chức năng lại im lặng. Tại sao anh lại im lặng trước những mờ ám ở đây, anh phải lên tiếng để cảnh báo, thậm chí là dẹp nếu nó phi pháp chứ. Trong trường hợp anh thấy có dấu hiệu vi phạm mà anh không có chức năng điều tra thì phải báo cáo cơ quan điều tra các dấu hiệu vi phạm để cơ quan điều tra vào cuộc và có những chế tài phù hợp, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Có như vậy anh mới làm tròn vai trò của nhà nước giao phó.

Nạn nhân của các công ty đa cấp lên đến hàng chục nghìn người.

PV: Là một chuyên gia kinh tế, ắt hẳn ông cũng rất hiểu về đa cấp. Có bao giờ những người bán đa cấp mời ông tham gia cùng với họ?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Có đấy, nhiều là đằng khác. Họ mời tôi vì nhiều lẽ, tôi tham gia thì sẽ mời thêm được nhiều người tham gia với sự hiểu biết của mình. Nhưng như chúng ta thấy, xét cho cùng, nếu với siêu lợi nhuận, thì đó là một hoạt động lừa đảo vì thế tôi không làm, đó là hành vi bất nhân.  Thấy những hiện tượng siêu lợi nhuận bất thường tôi luôn cảnh giác.

Nguyên tắc về lãi suất là không được thưởng quá 40%, mà ở đây thưởng tới 65%, thì chắc chắn phải có lừa đảo rồi. Ở đây là lấy tiền của ông đi sau trả cho ông đi trước, ông sau càng nhiều thì ông trước càng ăn, nhánh càng nhiều, càng ăn. Bản thân không ai đút hết vào túi cả một nắm mà phải chia cho tuyến trước. Dân tình khổ lắm, mất một triệu đồng cũng là lớn, giờ bán nhà, thế chấp sổ đỏ, chồng từ vợ, con bỏ cha mẹ... thì không còn gì đau đớn hơn.

Sự hiểu biết về kinh doanh trong cơ chế thị trường còn ít, nên nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan điều tra thì còn bị lừa đảo dài dài. Chính vì điều này, tôi cho rằng cần phải xử lý hình sự không chỉ đối với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp mà cần thiết cả đối với các cơ quan chức năng, nếu xác định những hành vi thiếu trách nhiệm, vụ lợi gây hậu quả nghiêm trọng.

PV: Là một chuyên gia kinh tế, ông có lời khuyên nào cho những người đang muốn tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Điều đầu tiên muốn kinh doanh vào lĩnh vực nào cần nắm vững và hiểu biết sâu sắc về mặt pháp lý, về bản chất hoạt động kinh doanh của lĩnh vực đó, có khả năng phân tích và dự báo được những diễn biến của lĩnh vực mà mình đầu tư. Tránh đầu tư theo bầy đàn, phong trào. Lợi nhuận cao, thì rủi ro cũng lớn. Tốt nhất, nếu chưa có kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư kinh doanh, thì nên đầu tư vào những lĩnh vực, những nơi có lợi nhuận thấp - ưu tiên cho sự an toàn của đầu tư là số 1.

PV: Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long!

Hai đối tượng cầm đầu Liên Kết Việt bị bắt.

Ông Nguyễn Đức Long - Phó Giám đốc Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội. (Nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP Hà Nội): "Nên chăng tạm dừng cấp phép kinh doanh đa cấp?"

Theo tôi biết, kinh doanh đa cấp là một loại hình kinh doanh ưu việt so với kinh doanh truyền thống, đã xuất hiện từ những thập kỉ XX, loại hình này du nhập vào Việt Nam từ cuối thập kỷ 90, bản chất của kinh doanh đa cấp là sử dụng người tiêu dùng tham gia bán sản phẩm, nó ưu việt sử dụng phương pháp quảng cáo lan truyền, giảm chi phí kho tàng cửa hàng, giảm chi phí lưu thông vì vậy người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm giá rẻ. Khi vào Việt Nam phương thức kinh doanh đa cấp đã bị biến dạng, giai đoạn đầu họ có chiêu trò quảng cáo sản phẩm quá giá trị, thường có tác dụng phòng chữa bệnh, làm đẹp, có tác dụng cho giới tính v.v…

Thứ hai, họ dùng những người có vị thế làm minh chứng sống tạo niềm tin. Thứ ba, họ xây dựng mô hình kim tự tháp và có tỷ lệ thưởng cao vì vậy tốc độ phát triển nhanh, doanh số tăng theo luỹ thừa và hình thành một đội ngũ nòng cốt xung kích phát triển mạng ở các vùng miền mới, số tiền nuôi mạng rất lớn, người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm giá trị không tương xứng giá thành.

Ông Nguyễn Đức Long.

Những năm gần đây sự biến tướng sang một mức độ nghiêm trọng, trắng trợn, rầm rộ. Họ sử dụng sản phẩm kinh doanh là hình thức, vỏ bọc. Bản chất là lừa đảo. Họ đưa ra mồi nhử về lợi nhuận khủng, chi hoa hồng cực lớn để có một đội ngũ đông đảo lao vào hoạt động phát triển mạng, họ bán sản phẩm gấp hàng chục, hàng trăm lần. Để khuếch trương, tạo lòng tin họ có nhiều chiêu trò mà công ty Liên Kết Việt là một điển hình.

Nghị định 42 của Chính phủ đã quy định rất cụ thể về khái niệm, quy định việc phải làm, cấm đối với doanh nghiệp. Trách nhiệm của cấp ngành, chế tài xử lí... Nếu Nghị định này được thực hiện thì không thể xảy ra những vụ án như Liên Kết Việt, vậy vì sao Liên Kết Việt và còn không ít doanh nghiệp đăng ký khác hoạt động công khai, rầm rộ, nghiêm trọng như vậy? Lí do là vai trò, hiệu quả quản lý doanh nghiệp thực thi pháp luật của cấp ngành hầu như không có, không phát hiện kịp thời, phát hiện thì xử lí không nghiêm, không triệt để, không tuyên truyền cảnh báo cho người dân, không loại trừ có tiêu cực tham nhũng.

Hai là, mối quan hệ hợp tác ngành, cấp từ trao đổi thông tin đến phối hợp hành động chậm, thụ động, rời rạc không hiệu quả. Ba là, công tác tuyên truyền kém, vì vậy số đông người dân vì cả tin và cũng có một bộ phận vì lòng tham đã trở thành nạn nhân, đồng phạm và giúp sức tội phạm. Bốn là, việc truy cứu trách nhiệm của bộ máy nhà nước, cá thể hóa tư nhân chưa thành thể chế tư nhân vì vậy thành tích cá nhân, ngành cấp đều nhận nhưng khuyết điểm là do khách quan.

Tôi xem chương trình phỏng vấn ông Cục trưởng của Bộ Công thương mà thấy buồn vì năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của một quan chức như vậy thì xảy ra việc như Liên Kết Việt là tất nhiên. Thời gian qua các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin vụ Liên Kết Việt và một số vụ khác. Nhưng Bộ Công thương đã làm gì?

Tôi cho rằng, việc cần làm ngay là các cấp, các ngành phải bố trí cán bộ phục vụ tốt việc điều tra, thu hồi tài sản. Tổ chức thanh tra kiểm tra tất cả các doanh nghiệp đăng ký đa cấp. Xử lí nghiêm các hành vi sai phạm. Phát động quần chúng nhân dân tố giác phát hiện các dấu hiệu sai phạm, cấp ngành phải tổ chức bộ phận tiếp nhận và giải quyết tố cáo. Trong các vụ án và vi phạm hành chính ai là người giúp sức, lợi dụng danh nghĩa cá nhân để quảng bá hoạt động phi pháp. Phải xử lí nghiêm về hình sự, hành chính, nếu có vụ lợi phải thu hồi, công khai danh tính để mọi người biết. Tạm dừng cấp phép kinh doanh đa cấp, ban hành quy định phù hợp với loại hình này.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.