Vụ bán độ tại V-League 2014: Cám dỗ và sa ngã

Thứ Năm, 07/08/2014, 10:30

Việc những trang cá độ lớn như M88, Sbobet… bóc toàn bộ thông tin cá cược đối với Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam 2014 trên trang thông tin chính cho thấy sự rúng động không nhỏ khi C45 Bộ Công an đánh mạnh vào các đường dây cá độ qua mạng, đặc biệt là vụ bắt giữ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ. Các chuyên trang thể thao của báo chí quốc tế cũng nhanh chóng cập nhật thông tin vụ việc, vì sự kiện này đánh thẳng vào hầu bao của những hãng cá cược lớn, mà thủ phạm không ai khác là những "anh già" xã hội đang thò tay thao túng các cầu thủ Việt.
>> Các cầu thủ Đồng Nai “bán mình”

1. Trong vai một khách hàng tiềm năng đi mở tài khoản, PV Chuyên đề ANTG liên hệ với nhân viên trực tuyến của Sbobet, một trang cá độ lớn mở cả giao diện tiếng Việt để phục vụ khách hàng Việt Nam. Tính đến thời điểm tháng 4/2014, trang mạng Sbobet vẫn cung cấp dữ liệu, tỷ lệ kèo và phục vụ cá cược tỷ số của V-League 2014. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, toàn bộ dữ liệu cá cược về bóng đá Việt Nam đã bị gỡ.

Giải đáp thắc mắc của khách hàng, nhân viên phục vụ trực tuyến có tên Rico cho biết, bình thường Sbobet vẫn phục vụ cá cược cho V-League, nhưng hiện nay đã ngừng. Rico không giải thích kỹ, mà chỉ đưa ra lý do chung chung là việc thị trường cá cược vận hành như thế nào là do quyết định của Ban Điều hành; và hứa sẽ ghi nhận thông tin để báo cáo.

Không niềm nở giống như Sbobet, cuộc nói chuyện của khách hàng với trang cá độ M88 được chuyển giao lại cho một nhân viên trực tuyến có nickname là Thảo My sau khi địa chỉ ID được nhận diện. Với cách trả lời cực kỳ kín kẽ, nhân viên này không đưa ra bất kỳ thông tin nào, mà chỉ trả lời rằng không xác định được thời điểm "kèo" V-League được đưa trở lại. "Khi nào có kèo M88 sẽ cập nhật trên website ạ", nhân viên này trả lời.

Các cầu thủ tham gia cá độ.

2. Một vụ bán độ bị phát hiện có thể "hủy hoại" toàn bộ cả một hệ thống phân tích bao gồm nhiều chuyên gia phân tích hàng đầu của nhà cái quốc tế, chứng tỏ mức độ nghiêm trọng của sự việc. Chi tiết này khiến chúng tôi nhớ đến nụ cười nửa miệng của N., một "anh già" miền Trung chuyên nghề "làm bóng" (cá độ bóng đá), khi nói đến chuyện "vật nhau với lợn", tiếng lóng chỉ việc cá độ theo "kèo" của nhà cái đưa ra.

"Đánh lên đánh xuống với nhà cái kiểu gì mình cũng thua. Nếu chỉ cầm lòng với việc cắt phế của khách và tiền thưởng của nhà mạng thì không đủ chi phí "quan hệ" và nuôi quân. Nhưng mình có yếu tố con người, thi thoảng làm một vụ lớn thì cũng xông xênh", ông này nói.

Cái yếu tố "con người" mà "anh già" có nghề "làm bóng" này ám chỉ, khi tiếp xúc nhiều hơn tôi mới hiểu: đó là những cầu thủ trong các đội bóng. Và việc thế giới ngầm tỏa xúc tu của mình bao chặt lấy những cầu thủ thực sự đã đạt đến tầm "nghệ thuật", theo đúng nghĩa của nó, với sự phân tích kỹ lưỡng về tính cách, điểm yếu, tuổi tác, gia cảnh… và hàng loạt động thái để khống chế và thu phục nhân tâm.

Rất sòng phẳng, N. cho biết bản chất các cầu thủ khi bước vào nghiệp này thì ai cũng đều tài năng và tốt cả. Nếu không có tài năng, sự đam mê thì họ không thể đánh dấu sự thành công trong sự nghiệp bằng cách ghi tên tại vị trí trong một đội trên đấu trường V-League. Họ phải đánh đổi bằng sự khổ luyện từ bé, với vô vàn chấn thương, và sự đào thải cực kỳ nghiệt ngã.

Nhưng khi đã đặt chân được vào một đội bóng, thì họ cũng sẽ trở thành một con người bình thường trong một tập thể cũng toàn những người tài năng như họ. Họ lại tiếp tục phải cạnh tranh, nhưng trong một môi trường hoàn toàn khác: những mối quan hệ xã hội trên dưới rất phức tạp và môi trường thành phố lớn có nhiều cám dỗ.

Kèo cho Đồng Nai đã dừng lại sau trận gặp than Quảng Ninh.

N. cho biết những "anh già" sẽ cấy "zích" tỏa ra xung quanh các đội bóng. "Zích" có thể là những mạnh thường quân hào sảng yêu bóng đá, mến tài các em, thi thoảng làm trận bóng "phủi" rồi kéo các em đi làm vài ly.

"Zích" cũng có thể là những người trong đội ngũ phục vụ hỗ trợ, ăn lương "nằm vùng" để tìm kiếm thông tin bên trong đội bóng, tình hình chấn thương, gia cảnh… của các cầu thủ. "Zích" cũng có thể là những người bạn, họ hàng của chính các cầu thủ trong đội bóng, chỉ cần có dịp là tạo cơ hội cho cầu thủ tiếp xúc với các "anh già".

3. Có thể nói, lần đầu tiên trong một cuộc họp báo, C45 đã cung cấp cho báo giới một bức tranh chi tiết về quá trình phạm tội của các cầu thủ và một thế giới ngầm đứng đằng sau thao túng. Người ta thấy rõ ràng dấu ấn của một vị tướng đã có thâm niên lăn lộn trong vị trí trinh sát, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45. Ông biết dư luận cần có những tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ hơn nữa về quá trình tha hóa của các cầu thủ.

Đứng đằng sau 6 cầu thủ Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Đinh Kiên Trung, Hà Niệm Tiến và Phan Lưu Thế Sơn, là một cái tên: Thuận "trâu bò".

Xuất thân là một bảo vệ, nhưng nghề nghiệp chính của Nguyễn Phúc Thuận (đã có 1 tiền sự về tội đánh bạc) là "làm bóng". Thuận "trâu bò" lấy mạng rồi giao cho Trần Văn Ba (còn gọi là Hoàng), Đỗ Hoàng Hà tìm kiếm khách mở rộng mạng lưới. Trong vai trò là "zích" kiêm môi giới cá độ, Trần Văn Ba đã chạm tay đến một con cá lớn: Phạm Hữu Phát, số 10, Đội trưởng đội bóng đá Đồng Nai.

Toàn bộ dữ liệu cá cược về bóng đá Việt Nam đã bị gỡ khỏi trang mạng Sbobet.

Bắt đầu từ việc cung cấp tài khoản để các cầu thủ đội Đồng Nai tham gia cá độ bóng đá trên mạng, Trần Văn Ba đã dần dần tạo được mối quan hệ thân thiết đến độ thuyết phục được 6 cầu thủ tham gia vào việc dàn xếp tỷ số, kết quả trận đấu, hiệp đấu khi đội Đồng Nai thi đấu tại V-League; mục đích là để thu lợi trái phép thông qua hành vi cá độ ở những trận đấu đã bị "làm phép".

Trước trận Đồng Nai - Than Quảng Ninh diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 20/7/2014 trên sân Cẩm Phả (Quảng Ninh), Đội trưởng Phạm Hữu Phát cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ đã thỏa thuận với đường dây của Thuận "trâu bò" bán tỷ số cách biệt 2 bàn với giá 400 triệu. Thuận đã đưa cho Phát 325 triệu để Phát đưa trước cho các cầu thủ. Kết quả chung cuộc trận đấu là 5/3, đúng như kịch bản đã được dàn xếp.

Ngay khi trận đấu vừa kết thúc lúc 19 giờ, các trinh sát và điều tra viên của Phòng 5, Phòng 8 C45, phối hợp với Công an TP Biên Hòa đã tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp 4 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc, bao gồm: Nguyễn Phúc Thuận, Trần Văn Ba, Đỗ Hoàng Hà, Trần Đình Hải. 6 cầu thủ đội Đồng Nai là Phạm Hữu Phát, Đinh Kiên Trung, Nguyễn Đức Thiện, Phan Lưu Thế Sơn, Nguyễn Thành Long Giang, Hà Niệm Tiến, và 1 cầu thủ U22 Long An là Nguyễn Đinh Hiệp… đã bị triệu tập, khám xét nơi ở.

8 điện thoại di động, 3 laptop, 275 triệu đồng tiền mặt và một số tài liệu liên quan… là tang vật vụ án đã bị thu giữ. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết, đây là hành vi phạm tội mới nhất trong quá trình bán độ đã kéo dài của các cầu thủ này, và vụ việc đang được mở rộng điều tra.

Trong danh sách 6 cầu thủ Đồng Nai, cái tên Phan Lưu Thế Sơn nổi bật lên với vết nhơ là nghi án bán độ trong màu áo đội tuyển U19 hồi năm 2010. Trong trận đấu giữa U19 Việt Nam và U21 Singapore trong giải U21 Quốc tế do Báo Thanh niên tổ chức, Phan Lưu Thế Sơn đã bất ngờ xoay người đá thẳng bóng về lưới nhà từ cự ly 40m.

Điều đáng ngờ là Thế Sơn đã sút thẳng về lưới nhà trong tình huống không bị đối phương áp sát. Ngay lập tức, HLV Triệu Quang Hà khi đó đã thay Thế Sơn ra ngoài và kiên quyết không sử dụng cầu thủ này cho đến tận cuối giải.

Đáng tiếc là vụ việc trong thời điểm đó đã không được làm rốt ráo. Làn sóng phẫn nộ của dư luận bùng lên rồi chìm xuống mà không có một lời giải đáp rõ ràng. Bản thân Phan Lưu Thế Sơn cũng "mất tích" trong một thời gian dài, sau đó về với Sài Gòn Xuân Thành năm 2012. Khi Bầu Thụy giải tán đội bóng này, Thế Sơn về đầu quân cho CLB Đồng Nai.

4. Khác với những lý giải thông thường là đặt vấn đề cá độ dưới khía cạnh kinh tế, "anh già" N. cho biết, lý do kinh tế chỉ là kết quả cuối cùng khi họ đã phạm phải vô số sai lầm. Sở dĩ tay chân của N. có thể đưa được một vài cầu thủ vào vòng tay của nhóm mình, là bởi đã biết đánh đúng cái "tôi" của các chân sút.

"Bản thân chúng nó là dân ăn bóng đá, ngủ bóng đá, nên cái tôi về bóng đá rất lớn. Chúng nó luôn luôn tin tưởng vào khả năng phán đoán trận đấu của mình, và thể hiện điều đó vào trong chuyện cá độ. Nhiều đứa "báo bóng", chỉ để cho mọi người biết mình nhận định đúng hay sai. Đứa nào lạnh và tỉnh thì đánh đều mỗi trận một ít, không cay cú, coi là chuyện giải trí. Đứa nào bồng bột, bản lĩnh kém, cay cú là đánh "gấp thếp", chuyện tiền bạc nợ nần rồi "hết vẹo" là điều tất yếu", N. lý giải.

Những cầu thủ "hết vẹo" lún sâu vào nợ nần này sẽ là những con mồi chính để "zích" tiếp cận và mua chuộc, thậm chí khống chế. Lòng kiêu hãnh, ánh mắt của đồng đội và xã hội bên ngoài không cho phép họ thể hiện mình đang "bễ", và điều tất yếu là rơi vào tay các "anh già".

Theo N., những trường hợp khống chế toàn bộ được như trên là rất hiếm, vì điều kiện kinh tế của các cầu thủ hiện tại đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều, và vì cả sự cạnh tranh quyết liệt giữa các ông trùm. Đánh hơi được "khả năng tiềm ẩn", nhiều ông trùm lớn hơn sẵn sàng "vợt" khỏi tay các ông trùm nhỏ bằng cách đứng ra thanh toán hộ nợ nần, rồi lại dùng trong việc lớn hơn.

Còn thông thường, các "anh già" sử dụng chiêu bài tình cảm là chính. Các cầu thủ xuống thành phố lớn, rồi sinh hoạt xã hội rộng, kiểu gì cũng có va chạm. Đấy là lúc các “anh già" đứng ra cho em út thể diện, cho em út tí danh phận ngoài xã hội. Những cái đầu trẻ giỏi chuyên môn nhưng non nớt về học vấn và kinh nghiệm sống sẽ rất dễ dàng xúc động mà mang món nợ ân tình với các ông trùm, để rồi cái giá phải trả là vô cùng đắt…

Việt Đông
.
.