Vụ bê bối tài chính lớn nhất thế giới được phanh phui như thế nào (kỳ cuối)
Điều quan trọng nhất là, khi những tư liệu bí mật của Justo được công bố, những nhân vật chính trong vụ bê bối không hề hấn gì trong khi chính Justo lại biến thành “quân tốt thí” trong một ván cờ chống lại Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Phi vụ trị giá của em dâu cựu Thủ tướng Anh
Từ cuối năm 2013, nhà báo Clare Rewcastle Brown nghe tin đồn râm ran về một vụ trộm cắp tiền bạc lớn ở Malaysia. Thông qua một người quen, Rewcastle Brown tiếp xúc lần đầu với Xavier Justo và được xem qua một số tài liệu nội bộ của Công ty PetroSaudi liên quan đến các giao dịch của công ty này với 1MDB.
Lướt qua tài liệu, nhận ra những cái tên quen thuộc và vụ giao dịch động trời trị giá hàng tỉ USD, tim cô như rớt ra ngoài vì hồi hộp. Rewcastle Brown hình dung ra ngay, đây là một quả bom sẽ nổ tung trên thị trường tài chính thế giới và trên chính trường Malaysia.
Rewcastle Brown là một nhà báo Anh mang tính cách nổi loạn, em dâu của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown. Sau khi làm phóng viên cho đài BBC, năm 2010 Rewcastle Brown lập ra tờ báo điện tử, Sarawak Report, chuyên đăng những loạt bài phanh phui bê bối tham nhũng.
Nhiều vụ việc bê bối tham nhũng trong ngành khai thác gỗ và dầu mỏ đã được Rewcastle Brown tung lên trang Sarawak Report đụng chạm của các nhóm lợi ích, nên đã không ít lần bị dọa “xử”. Đầu năm 2013, Malaysia xem Rewacstle Brown là “kẻ thù số một” của quốc gia.
Sau cuộc gặp Justo ở London, Rewcastle Brown biết mình cần phải lấy cho được các tài liệu về PetroSaudi-1MDB. Nhưng trở ngại đầu tiên là vấn đề tiền bạc. Tháng 10-2014, Rewcastle Brown gặp Justo lần nữa để thương lượng về nguồn tài liệu Justo nắm trong tay. Cái giá Justo đưa ra là 2 triệu USD. Đây là số tiền mà Justo cho rằng lẽ ra mình phải được hưởng khi xin nghỉ việc ở PetroSaudi.
Xavier Justo rời tòa án Bangkok sau khi bị tuyên án 3 năm tù. |
Để có được nguồn tư liệu cho những bài báo chống tham nhũng lớn, đôi khi phải trả giá, hoặc bằng sinh mạng, sự nghiệp, hoặc bằng tiền. Và điều kiện Justo đặt ra là: không có tiền thì không có tài liệu. Vậy là Rewcastle Brown phải đi tìm người nào có nhiều tiền và chịu bỏ tiền ra giúp cô mua tài liệu.
Đến thời điểm này, những lo ngại về quỹ 1MDB bắt đầu lan rộng ở Malaysia. Các nhà phân tích tài chính đã chỉ rõ quỹ đầu tư này chỉ tạo ra nguồn thu vừa đủ để trả tiền lãi nợ vay lên đến hàng tỉ USD. Hàng trăm triệu USD đã được chi để mua tranh, đá quý, bất động sản, cờ bạc và tiệc tùng là những khoản đầu tư “một đi không trở lại”.
Đến năm 2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu bị những kẻ chống đối công kích kịch liệt vì quỹ 1MDB. Tháng 8-2014, Najib nhận thêm một bất lợi nữa: cựu Thủ tướng Mahathir Mohammad (giai đoạn 1981-2003), cây đại thụ, người thầy dẫn dắt Najib lên đỉnh cao quyền lực, tuyên bố không ủng hộ Najib nữa.
Vài tuần sau, ông Mahathir Mohammad bắt đầu lớn tiếng công kích Najib, cảnh báo quỹ 1MDB có nguy cơ tạo thêm gánh nặng nợ nần cho Malaysia. Đến tháng 11-2014, 1MDB nợ khoảng 11 tỉ USD. Thế nhưng Thủ tướng Najib vẫn “xem như không”. Trong khi đó, Rewcastle Brown vẫn mải tìm “nhà tài trợ” cho “quả bom” mình đang muốn mua.
Cô để ý thấy một số bài báo viết về vụ 1MDB được tìm đọc nhiều nhất xuất hiện trên tạp chí tuần san bán chạy nhất Malaysia, tờ The Edge. Thế là Rewcastle Brown tìm gặp ông chủ của tờ báo, Tong Kooi Ong, một tỉ phú ngành truyền thông đang nắm trong tay một số ấn bản báo chí chuyên ngành kinh tế, thương mại.
Tháng 1-2015, Tong, Rewcastle Brown đến gặp Justo tại khách sạn 5 sao Fullerton ở Singapore. Tại cuộc gặp, Justo giới thiệu tóm tắt nội dung thông tin trong bộ tài liệu mình đang nắm giữ, thông báo cho Tong biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về khoản tiền hàng trăm triệu USD mà lẽ ra 1MDB đầu tư cho kinh tế nhưng đã được phù phép chui vào một tài khoản của một công ty ở đảo quốc Seychelles. Kẻ đóng vai trò trung tâm của vụ này chính là Jho Low, cố vấn cao cấp, bạn thân của Thủ tướng Malaysia.
Nữ nhà báo Rewcastle Brown. |
Nhìn thấy tiềm năng đây sẽ là một vụ lớn, Tong đồng ý trả 2 triệu USD để có bộ tài liệu của Justo. Không hề đắn đo, Justo trao ngay cho Tong và Rewcastle chiếc đĩa cứng chứa dữ liệu về PetroSaudi-1MDB. “Cháo đã múc”, nhưng tiền thì không bao giờ được trao. Justo không muốn nhận tiền mặt, và anh ta cũng lo rằng nếu chuyển số lượng tiền lớn vào tài khoản thì cũng gây nghi ngờ.
Tong đề nghị trao cho Justo một bức tranh có giá trị cao của danh họa Monet để “làm tin”, nhưng Justo không nhận, bảo rằng “Tôi tin ông”. Vậy là sau 6 tháng săn đuổi, cuối cùng Rewcastle Brown cũng có được bộ tài liệu cô mong muốn.
Chạm phải bức tường
Ngày 28-2-2015, Rewcastle Brown cho đăng bài báo đầu tiên, giật tít “Vụ trộm thế kỷ”. Bài báo phanh phui đường đi của số tiền 700 triệu USD từ 1MDB vào tài khoản của nhiều công ty bình phong hải ngoại khác nhau ngay lập tức gây chấn động thế giới. Ở Mỹ, cơ quan bảo vệ pháp luật vốn đã được cảnh báo về hiện tượng Low chi tiêu những khoản tiền lớn cho các căn hộ ở New York càng có cơ sở để xác định nguồn gốc số tiền ông ta chi tiêu.
Rewcastle Brown phối hợp với tờ Sunday Times của Anh để giải mã bộ tài liệu Justo giao cho cô. Tờ báo này có cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad, và ông Mahathir nhân đó kêu gọi điều tra và kiểm toán đầy đủ.
Trong khi ở Malaysia, ngày 1-3-2015, ban lãnh đạo quỹ 1MDB đã có phản ứng ngay lập tức, bằng cách báo cáo đã “thu hồi” số tiền đã chi ra cho các công ty bình phong nói trên kèm theo một khoản lợi nhuận 488 triệu USD. Còn PetroSaudi thì tuyên bố toàn bộ số tiền 700 triệu USD đều đi vào “các thực thể trực thuộc PetroSaudi”, tức là các công ty của Jho Low.
Không lâu trước khi Rewcastle Brown cho đăng các bài báo phanh phui những vụ bòn rút tiền từ 1MDB, giá trị trái phiếu của 1MDB đã tụt xuống mức thấp kỷ lục. Hàng trăm triệu USD từ ngân sách Chính phủ Malaysia đã được chi ra để bịt lỗ hổng tài chính ở 1MDB, nhưng rốt cuộc vẫn không giải quyết được.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã đảo ngược tình thế khi bị cáo bụôc tham nhũng trong vụ gian lận 1MDB. |
Cuối cùng Thủ tướng Najib đành phải để cho Tổng Kiểm toán Nhà nước và Quốc hội Malaysia vào cuộc điều tra. Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia và cơ quan chống tham nhũng nước này cũng bắt đầu “nghiên cứu” 1MDB.
Như một hệ quả tất yếu của vụ việc, Chính phủ Malaysia đã ban hành các quy định kiểm soát gắt gao hơn nữa hoạt động thông tin, nhất là trên các mạng xã hội. Năm cán bộ quản lý của Tập đoàn Edge Media Group của ông Tong, những người trực tiếp xuất bản các bài báo đăng chi tiết vụ bê bối 1MDB-PetroSaudi, đã bị bắt vì tội kích xúi bạo loạn. Tháng 7-2015, tạp chí The Edge chính thức bị cấm xuất bản.
Ngày 2-7-2015, Rewcastle Brown và tờ The Wall Street Journal đăng bài báo nói rằng các nhà điều tra của Chính phủ Malaysia đã phát hiện 681 triệu USD từ các ngân hàng, các cơ quan và công ty có quan hệ với 1MDB đã được gửi vào tài khoản cá nhân của ông Najib vào năm 2013.
Vài ngày sau, các nhà điều tra lục soát văn phòng của 1MDB. Najib trở thành trung tâm của cuộc điều tra toàn diện việc hàng tỉ USD biến mất khỏi quỹ 1MDB. Phó Thủ tướng Muhyiddin Yassin, từng một thời ủng hộ ông Najib, đã công khai lên tiếng yêu cầu ông Najib trả lời các câu hỏi liên quan quỹ này.
Sáng ngày 28-7-2015, Bộ trưởng Tư pháp Malaysia Abdul Gani Patail, một người được xem là trung thành và ủng hộ ông Najib, đến văn phòng Thủ tướng Najib để hoàn tất các cáo buộc chống lại ông, thế nhưng, khi đến văn phòng của Thủ tướng Najib, ông Gani Patail bị ngăn lại không cho vào. Sau đó, trong một thông cáo chính thức, ông Najib tuyên bố Bộ trưởng Tư pháp “không thể tiếp tục làm nhiệm vụ vì bệnh nặng”.
Cùng bị sa thải là chỉ huy trưởng đơn vị cảnh sát đặc nhiệm quốc gia và Phó Thủ tướng Yassin. Những nghị sĩ tham gia cuộc điều tra của Quốc hội cũng bị tước hết quyền hành, do đó cũng coi như không thể tiếp tục cuộc điều tra, và cuộc điều tra bị đình chỉ. Ngay hôm sau, một trận hỏa hoạn bí ẩn quét qua trụ sở cảnh sát đặc nhiệm, nơi lưu trữ hồ sơ về vụ 1MDB.
Vô tình biến mình thành quân tốt thí
Tháng 6-2015, khi các cuộc điều tra vẫn đang sôi trào tại nhiều nước trên thế giới có liên quan đến 1MDB, PetroSaudi và các công ty bình phong hải ngoại, thì tại Thái Lan, Justo vẫn vô tư chờ được nhận số tiền mà Tong đã hứa trả cho việc cung cấp tài liệu, đồng thời đang toan tính mở cơ sở kinh doanh khách sạn ở hòn đảo du lịch Koh Samui.
Một buổi chiều cuối tháng 6-2015, Justo đã bị cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt dẫn giải về Bangkok để điều tra tội “tống tiền” theo cáo buộc của PetroSaudi.
Laura, vợ Justo, cho biết, vị khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Justo trong nhà tù Bangkok không ai khác chính là bạn cũ Patrick Mahony, Giám đốc PetroSaudi. Duyên dáng, lịch thiệp, Mahony nhoẻn miệng cười và bảo rằng ông ta đến để “giúp đỡ”. Lời đề nghị “giúp đỡ” của Mahony thực ra là một cái bẫy để lừa gạt Justo thêm lần thứ hai (lần trước là khi thương lượng số tiền trợ cấp thôi việc).
Patrick Mahony. |
Mahony đề nghị một thỏa thuận: Justo khai nhận tội, PetroSaudi sẽ lo cho anh ta ra khỏi nhà tù vào cuối năm. Justo miễn cưỡng chấp nhận và ký vào tờ khai nhận tội mà không có sự hiện diện của luật sư. Justo đã nhận tội “tống tiền” những người chủ cũ, và xin lỗi Mahony và Obaid vì những “tổn hại do căng thẳng và lo lắng”.
PetroSaudi đã thuê người của Scotland Yard đến để trao bản khai nhận tội cho Justo ký. Ngày 17-8-2015, tòa hình sự Bangkok đã mở phiên tòa kéo dài 15 phút để xét xử và tuyên án Justo 3 năm tù giam.
Càng gần cuối năm 2015, Laura càng sốt ruột vì không thấy động tĩnh gì từ phía PetroSaudi: đưa Justo ra khỏi nhà tù Bangkok như đã hứa. Cùng lúc đó, các báo ở Thụy Sĩ và Malaysia bắt đầu đăng những bài viết về vụ 1MDB dưới góc nhìn ở phía Justo, trong đó người ta cho rằng Justo là một “quân tốt thí” ngoài ý muốn trong một âm mưu chính trị chống lại Thủ tướng Malaysia Najib.
Đến nước này, Laura nhận ra chồng bà đã bị những người bạn cũ ở PetroSaudi lừa gạt, dụ dỗ khai nhận tội và trao bản gốc tài liệu máy chủ PetroSaudi cho họ để họ tự bảo vệ mình và bảo vệ người bạn của họ, Thủ tướng Malaysia Najib. Một mẩu giấy nhắn tin của Justo được chuyển lén lút cho Laura thông báo rằng anh ta bị những người bạn cũ gài bẫy, và rằng anh ta sống chết như thế nào trong nhà giam cũng được điều khiển bởi người bạn cũ Mahony.
Khi Laura tìm đến Mahony để gây áp lực đòi ông ta thực hiện lời hứa cứu Justo ra khỏi nhà tù Bangkok, đến lượt Mahony nổi cáu bảo Laura rằng, chính vì việc Justo tiết lộ thông tin vụ việc cho báo chí phanh phui mà cả hệ thống của Công ty PetroSaudi đều đang bị điều tra. Bản thân Mahony cũng đang đối mặt cuộc điều tra của không chỉ FBI ở Mỹ mà còn tòa án ở Thụy Sĩ, vì những giao dịch với các ngân hàng trên đất Thụy Sĩ.
Justo, người có công đầu trong việc phanh phui một vụ gian lận tài chính lớn, lẽ ra phải được trọng thưởng, được vinh danh như “người hùng”. Thế nhưng, anh ta đã làm điều đó vì trả thù những người bạn cũ đã chơi xỏ mình, vì tiền bạc (2 triệu USD) nên đã vô tình tự biến mình thành quân cờ tốt thí trong tay kẻ khác.