Vụ cô dâu Việt bị sát hại ở Hàn Quốc: Bi kịch được báo trước

Thứ Hai, 19/07/2010, 16:20
Lại thêm một lần nữa, dư luận xôn xao vì vụ việc, cô dâu Việt bị sát hại tại Hàn Quốc. Thêm một bi kịch, thêm một lần nặng lòng, thêm một lần hoài nghi về những mối tình gái quê chồng ngoại quốc kiểu nhanh chóng gặp mặt, nhanh chóng kết hôn, một lần nữa lại thêm một nỗi đau của một gia đình ở miền Tây trở thành cơn phẫn nộ của dư luận cả nước. Có quá nhiều câu chữ phải sử dụng cụm từ đầu tiên là "lại thêm".

Tuy nhiên, có điều dư luận đã bắt đầu quên, hoặc là không muốn nhắc đến nguyên nhân chính của những bi kịch được báo trước này.

1. Thạch Thị Hồng Ngọc là con thứ ba trong một gia đình đông anh em ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Hồng Ngọc 20 tuổi, xinh xắn. Và đương nhiên, cô thôn nữ quê người Khơme này luôn được nhiều thanh niên trong làng săn đón. Nhưng, khước từ tất cả, Hồng Ngọc chấp nhận làm vợ của gã đàn ông có cái tên là Jang Do-hyu (47 tuổi), người Hàn Quốc.

Cũng như bao mối tình Hàn - Việt đã diễn ra ở các tỉnh miền Tây, Ngọc và Jang Do-hyu biết nhau qua công ty mai mối. Gặp mặt là đám cưới, rồi sau đó dắt nhau ra Sở Tư pháp thành phố, xin đăng ký kết hôn.

Người ở Sở Tư pháp Cần Thơ nói với báo giới rằng, khi Ngọc và Jang Do-hyu đến Sở để đăng ký kết hôn. Họ đã phỏng vấn cả hai tổng cộng 13 câu hỏi, và phần trả lời của đôi vợ chồng mới này là rất hoàn hảo. Tuy nhiên, e ngại chuyện Ngọc lấy chồng với số tuổi chênh lệch quá cao, cán bộ Sở Tư pháp Cần Thơ đã yêu cầu họ phải phỏng vấn thêm một lần nữa, trước khi đồng ý cho cả hai kết hôn theo đúng trình tự pháp luật.

Ở lần phỏng vấn thứ hai, Hồng Ngọc nói với cán bộ Sở Tư pháp là cô kết hôn vì muốn đi tìm hạnh phúc và lấy chồng lớn tuổi hơn thì sẽ được yêu thương nhiều hơn. Vậy thôi, Hồng Ngọc và Jang Do-hyu chính thức được Sở Tư pháp thừa nhận đây là một cuộc hôn nhân tự nguyện. Hồng Ngọc lấy được giấy tờ cần thiết để có thể xuất ngoại sang Hàn Quốc.

Trở lại phía gia đình Hồng Ngọc. Gia đình nghèo túng này cũng đã có ít nhiều “kinh nghiệm” trong chuyện gả con cho người khác quốc tịch. Chị kế của Hồng Ngọc đã lấy chồng Đài Loan và sinh sống bên đó. Em Út của Hồng Ngọc thì đang lo giấy tờ để tiếp tục làm dâu xứ Đài.

Họ kể rằng, "con rể" có đưa cho họ 3,8 triệu đồng gọi là tiền đám cưới. Nhưng, tiền thuê xe từ huyện Cờ Đỏ lên TP HCM để tham dự tiệc thì đã hết 1,5 triệu. Tan tiệc cưới, "con rể" cho họ thêm 500USD gọi là tiền hiếu hỷ. Họ gặp con rể trước sau được đúng 2 lần.

Ngày 30/6/2010, Hồng Ngọc được gia đình đưa lên sân bay Tân Sơn Nhất để sang Hàn Quốc, đoàn tụ cùng chồng. Đến ngày 9/7/2010, gia đình Hồng Ngọc nhận được hung tin, báo rằng Hồng Ngọc đã bị chồng "lỡ tay giết chết" do mâu thuẫn.

Thông tin này nhanh chóng khiến cả khu vực huyện Cờ Đỏ bàng hoàng. Giới truyền thông nhanh chóng lao vào cuộc đua tin tức về vụ việc. Cuối cùng, mọi chuyện đã sáng tỏ.

Hồng Ngọc bị chồng sát hại bằng cách đánh đập và dùng dao đâm. Đến lúc này, thì mới hay chồng Ngọc có khả năng bị thần kinh. Vì theo báo giới ở Hàn Quốc tường thuật thì "Người đàn ông 47 tuổi này khai rằng giết vợ là do có người xúi giục. Người đó đang ở trong... đầu mình". Và mẹ chồng của Hồng Ngọc cũng cho biết thêm rằng con bà có dấu hiệu trầm uất vì đã gần 50 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ.

Chuyện của cô dâu Hồng Ngọc, khiến người ta liên tưởng đến nhiều bi kịch khác của các cô dâu Lê Thị Kim Đồng, cô dâu Huỳnh Mai... Những cô dâu Việt đã bị chính chồng mình sát hại trên đất Hàn. Ước mơ về cuộc đổi đời của họ lẫn gia đình đã bị bóp nát bởi những gã đàn ông bỏ tiền mua vợ tại đất nước kim chi ấy. Tuy nhiên, ngọn ngành của bi kịch, nếu xét đến tận gốc, lỗi phần nhiều vẫn do cái nghèo. Và nghèo, nên nhiều gia đình ở miền Tây lại coi con gái là "của để dành", mà "của để dành" nào lại không phải bán đi khi túng bấn.

2. Cô gái Lê Thị Kim Đồng cũng ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ như Hồng Ngọc. Cô lấy chồng Hàn Quốc thông qua một cuộc môi giới hôn nhân. Số tiền mà gia đình Kim Đồng nhận được từ cuộc kết hôn này của con gái là 600USD. Trong đó, có 300USD được đưa khi vừa tan tiệc cưới tập thể. 300 USD sau là do Đồng gửi từ Hàn Quốc về. Khi Kim Đồng sang Hàn Quốc làm dâu, gia đình cô đang mắc món nợ khoảng 60 triệu đồng.

Vài ngày khi đặt chân đến đất Hàn, Kim Đồng đã biết thế nào là sự khắc nghiệt của gia đình chồng. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa và rất nhiều thứ khác, Đồng liên tiếp bị chồng đánh đập. Đánh ở bất cứ đâu, trong nhà kho, phòng ngủ, ngoài vườn... Thậm chí, Kênh truyền hình của Hàn Quốc là MBC cho biết, Kim Đồng bị chồng đánh chết khi đang mang thai.

Cả gia đình Kim Đồng cũng như dư luận bàng hoàng khi thông tin trên được công bố. Họ phẫn nộ, họ đau xót, họ nguyền rủa gã chồng ác tâm ấy... Nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở đó. Đâu đó loáng thoáng, có người nói hơi cay nghiệt rằng "canh bạc đổi đời của cô dâu trẻ đã phải trả giá rất đắt", một canh bạc mà người đặt cược đã thua tất cả.

Sau Kim Đồng, đến lượt cô dâu Việt Huỳnh Mai. Huỳnh Mai quê ở Kiên Giang, trẻ măng. Khi cô lấy gã đàn ông Hàn Quốc có cái tên mà theo gia đình Mai nhớ mang máng là Chan Sang Hoo gì gì đó cũng từ môi giới hôn nhân. Gã đàn ông mà qua hình ảnh, đủ thấy gã nhiều hơn số tuổi 42 mà bố Huỳnh Mai đang sở hữu.

Đúng theo một kịch bản tàn nhẫn, gia đình Huỳnh Mai nghèo quá. Nghèo đến mức cuộc hôn nhân chóng vánh của Mai và gã đàn ông Hàn Quốc kia chính là cứu cánh của họ.

Bố mẹ Hồng Ngọc tại Hội Người Hàn Quốc ở TP HCM.

Đám cưới của Mai diễn ra tập thể, chung với đám cưới của hai cô gái Việt lấy chồng Hàn khác. Sau đám cưới, gia đình Huỳnh Mai nhận được từ "ông rể" 400 USD, nhưng đã nhanh chóng bị tay môi giới "ngắt" bớt 200 USD.

Vài tháng sau đám cưới, Huỳnh Mai sang Hàn Quốc làm dâu. 4 tháng sau khi con gái mình xuất ngoại, gia đình Huỳnh Mai nhận được tin "Huỳnh Mai đã bị chồng sát hại".

Cũng cần sòng phẳng mà nói rằng, mỗi khi có những "sự cố đáng tiếc" xảy ra, phía các đoàn thể Hàn Quốc họ cũng đã cố gắng rất nhiều để bù đắp đau thương cho gia đình cô dâu Việt. Dĩ nhiên, là những bù đắp được quy đổi thành ngoại tệ, bởi người chết thì có sống lại được đâu. Dư luận bên đó thông qua báo chí, cũng thấy phản ứng dữ dội trước tội ác của những gã đàn ông "mặt người dạ thú" ấy.

Mà theo đánh giá trước đây, khi liên tiếp xảy ra hai vụ việc của cô dâu Kim Đồng và Huỳnh Mai, một cán bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết thì Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đánh giá rằng có khoảng 60% cô dâu Việt hạnh phúc trên đất Hàn. Còn đánh giá của các ban, ngành Hàn Quốc thì tỉ lệ này là 50%. Chênh lệch 10% ở một cuộc điều tra không chính thức là điều không đáng bàn, cái đáng nói là ở chỗ, nếu điều tra của phía Hàn Quốc là chính xác thì cứ 2 cô dâu Việt, chắc chắn sẽ có 1 cô không hạnh phúc. Không hạnh phúc thì cũng có nhiều dạng, như: bị ngược đãi, chồng đánh, không hạnh phúc. Bị "làm vợ' cho nhiều thành viên trong gia đình chồng, không hạnh phúc. Bị sai khiến như người ở trong nhà chồng, không hạnh phúc. Bị bạo hành về tinh thần, không hạnh phúc... Thậm chí, bị sát hại cũng có thể liệt vào dạng "không hạnh phúc".

Còn 50% cô dâu Việt hạnh phúc trên đất Hàn cũng mơ hồ không kém. Không bị đánh, có thể hạnh phúc. Không bị ngược đãi, cũng có thể hạnh phúc. Lâu lâu gửi được vài trăm USD về phụ giúp gia đình, cũng là hạnh phúc. Thậm chí, còn sống sót trở về Việt Nam sau một quãng thời gian làm dâu tại Hàn Quốc cũng vẫn là hạnh phúc.--PageBreak--

3. Trước đây, khi làn sóng lấy chồng Đài Loan dậy lên tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đã xảy ra rất nhiều chuyện bi hài đến đau lòng liên quan đến những "ông chồng thích ăn trầu" này. Lâu dần thành quen, câu cửa miệng của một số người khi vợ sinh con gái là "Mai mốt thành cha vợ của Đài Loan", hoặc "Gả cho Đài Loan lấy tiền xài".

Sau nhiều pha "ngược đãi vợ đến khó tin" của các quý ông xứ Đài, nhiều bậc cha mẹ đã giảm bớt cơn hưng phấn có rể Đài Loan. Và thế chỗ cho các quý ông Đài Loan, là những “nam nhi” Hàn Quốc.

Cái giá để một gã đàn ông Hàn Quốc có thể "bốc" được một cô vợ Việt Nam, trẻ trung, xinh đẹp, số đo ba vòng chỉ thua số đo của các hoa hậu chút xíu là khoảng 10 đến 15 nghìn USD, tùy theo công ty môi giới "ăn" dày hay mỏng.

Cái giá để một cô gái lấy chồng Hàn Quốc để lại được cho bố mẹ là dưới 500USD. Phần chênh lệch còn lại, đều chảy vào các tay cò hôn nhân, những công ty môi giới.

Có gì ở đất nước Hàn Quốc, nơi đa phần người Việt đều biết đến thông qua sự hào nhoáng của các... bộ phim truyền hình dài tập được phủ sóng dày đặc trên các đài truyền hình. Các cô gái Việt được trang bị những gì khi vào vai cô dâu xứ lạ?

Chẳng gì cả. Ngôn ngữ, không. Hiểu biết văn hóa, không. Tình yêu, không (Hoặc có thì rất hãn hữu, bởi đơn giản người ta không thể yêu một gã đàn ông có số tuổi suýt soát... bố mình chỉ sau đúng một lần gặp mặt). Sự tự tin, lại càng không (Không ai đi đến một đất nước xa lạ mà có thể tự tin. Nhất là đối với những cô gái mà có khi cả đời vẫn chưa biết TP HCM sầm uất như thế nào, chứ không bàn đến chuyện ngồi lên máy bay đi xuất ngoại - PV).

Poster quảng cáo lấy vợ Việt Nam của một công ty môi giới.

Họ, những cô dâu Việt có gì khi sang Hàn Quốc. Chắc chắn rằng, họ chỉ có một niềm tin mãnh liệt, đó chính là giấc mơ đổi đời. Đó là thứ hành trang duy nhất họ có được. Cũng chính vì niềm tin này, họ sẵn sàng làm vợ của một ông già nói thứ ngôn ngữ họ không hiểu, chấp nhận làm dâu một gia đình họ không biết mặt, tự nguyện rời bỏ quê hương dẫu không biết "bên bển", nơi mà họ sắp sinh sống là nơi nào... Và phải có niềm tin đó, thì các cô gái Việt mới có thể lén lút tham gia vào các cuộc tuyển vợ tập thể ở một căn nhà trống, một phòng khách sạn... Họ mới  có thể khỏa thân để những gã đàn ông lớn tuổi thoải mái bình phẩm cơ thể nhằm chọn mình làm vợ, để chắc rằng mình mua đúng vàng mười”.

Họ, những bậc phụ huynh của các cô dâu Việt lấy chồng Hàn có được gì khi làm bố mẹ vợ gã đàn ông Hàn Quốc vừa lấy con gái mình?.

Chắc chắn họ chỉ nhìn thấy mặt con rể vài lần. Không có chuyện thắt chặt tình nghĩa, không có chuyện con rể biết hết tên tuổi của các thành viên trong gia đình vợ... Nghĩa là, chẳng bao giờ có chuyện "ông con rể" Hàn Quốc ấy biết đến cái gọi là "gia đình vợ". "Ông con rể" Hàn Quốc, bỏ tiền sang Việt Nam, "quắp" con gái họ bay vù sang bên kia. Và... hết(!).

Họ, những bậc làm cha mẹ của cô dâu Việt. Khi con gái ngồi trên ghế máy bay sang phương trời xa lắc, họ cũng có niềm tin về một cuộc đổi đời cho con gái lẫn cho cả chính gia đình mình. Có niềm tin đó, họ mới sẵn sàng cho con gái mình lấy cái gã đàn ông xa lạ sau một hoặc hai, thậm chí... chưa gặp mặt lần nào. Họ phải có niềm tin đó, thì họ mới có thể gả con gái cho "ông con rể" mà họ cũng chẳng biết tên. Cho một gia đình sui gia mà họ không biết mặt.

Một cuộc hôn nhân đậm mùi kim tiền. Thứ lỗi, nếu tôi cho rằng đây là cuộc hôn nhân theo kiểu đổi chác. Làm sao người ta có thể hy vọng hạnh phúc từ một cuộc hôn nhân theo phương thức mua hàng ngoài chợ như vậy. Bỏ tiền mua vợ, thì những gã đàn ông bên nước kia, ngại gì mà không "sử dụng" hàng để số tiền mà mình bỏ ra không không bị phung phí.

Mà điều đơn giản nữa, nếu họ có đủ điều kiện để lấy vợ bên kia, thì họ chẳng mắc mớ gì mà đến một xứ sở xa lắc để kiếm người phối ngẫu. Nguyên lý đó, cũng đơn giản thôi(!). Ai cũng có thể hiểu được điều này, nếu không bị một số yếu tố vật chất làm cho mụ mị.

Chúng ta chỉ có thể chấm dứt những bi kịch cô dâu Việt ở Hàn, ở Singapore, ở Đài Loan... một cách thật sự, với điều kiện, mỗi cô gái không xem hôn nhân với người nước ngoài là một cuộc đổi chác. Và mỗi gia đình, không xem con gái mình là "của để dành". Nếu họ, không làm được điều này, thì rõ ràng, dư luận hãy cứ sẵn lòng đặt mình vào trạng thái sẵn sàng để... lần sau lại tiếp tục phẫn nộ(!)

Ngô Kinh Luân
.
.