Vụ "cướp biển tấn công tàu chở dầu Việt Nam": Trên boong tàu Sunrise 689

Thứ Ba, 21/10/2014, 21:25

Tan hoang. Đó là từ duy nhất có thể dùng để miêu tả bên trong con tàu chở dầu của Việt Nam được liệt vào diện nghi vấn bị cướp biển tấn công tại eo biển Singapore. Theo một chuyên gia về thông tin hàng hải đang khám nghiệm tại hiện trường, chỉ chừng trong vòng 15 phút, toàn bộ hệ thống báo động, thông tin liên lạc, radar, nhận dạng và đảm bảo an ninh hàng hải của tàu Sunrise như IDS, LRIT, MF/HF, VHF, SSAS… đã bị triệt phá một cách cực kỳ chuyên nghiệp.

1. Quá dễ dàng để tiếp cận, là cảm giác đầu tiên của PV Chuyên đề ANTG khi chiếc thuyền cá nhỏ cập mạn con tàu chở dầu Sunrise 689. Trọng lượng của số dầu còn lại trên tàu, chừng hơn 3.300 tấn, đã đủ nặng khiến mạn trước con tàu chìm xuống, chỉ cách mực nước biển chừng hơn 1 mét. Nếu tính cả số dầu đã bị cướp đi, gần 2.000 tấn, mạn trước của Sunrise 689 còn dễ tiếp cận hơn nữa. Chỉ với hai cú nhún, tôi đã có mặt trên boong tàu.

Theo quan sát của phóng viên, tàu không có hệ thống hàng rào điện. Thiết bị có tên "Secure Ship", là một hệ thống hàng rào bảo bệ bằng điện bố trí xung quanh tàu, có công suất 9.000 volt, khiến cho con tàu chở dầu sẽ được bảo vệ như một căn cứ quân sự thu nhỏ.

Đây là một thiết bị hiện nay được các tàu chở dầu khá ưa chuộng, đặc biệt khi chúng luôn phải chạy chậm và có phần nổi free-board (là khoảng cách giữa mặt nước với boong tàu) thấp. Không có hàng rào điện, những tàu chở dầu, hay theo quan niệm của hải tặc, là những núi tiền di động hồn nhiên chạy giữa biển, là một miếng mồi khó chối từ…

Nhưng đó chỉ là sự dễ dàng về mặt vật lý. Trong thời điểm tàu Sunrise đang trong quá trình bị điều tra, một quy trình chặt chẽ nội bất xuất, ngoại bất nhập đang được áp dụng. Lừng lững áp tải phía sau Sunrise 689 là tàu Cảnh sát biển có số hiệu 3001. Bên hông Sunrise 689 là một chiếc tàu của lực lượng Biên phòng cập mạn. Bất kỳ người lạ nào tiếp cận tàu đều phải nhận được sự đồng ý của lực lượng phối hợp, bao gồm Cảnh sát Biển và Biên phòng… cắm chốt 24/24 trên tàu.

Ngay cả hành trình tiếp cận Sunrise trên vùng biển Vũng Tàu, đối với cánh phóng viên, cũng không phải là một câu chuyện dễ dàng. Theo nguồn tin riêng ban đầu của chúng tôi, Sunrise 689 không ghé qua Phú Quốc mà sẽ chạy thẳng về Vũng Tàu, và có mặt ở Phao số 0 vào khoảng 19 giờ ngày 10-10. Tại đây, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành các hoạt động khám nghiệm hiện trường, điều tra sơ bộ, rồi đưa tàu vào vị trí neo B12 khu vực Ghềnh Rái.

Sĩ quan boong đang hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra hầm chứa dầu.

Tiếng là Phao số 0, nhưng không phải mang ý nghĩa phân định giữa vùng biển quốc gia và vùng biển quốc tế, tít tắp ngoài khơi xa. Phao số 0 ở Vũng Tàu, chỉ một điểm neo đậu, cách khu vực cảng tàu cánh ngầm chừng 30 đến 45 phút chạy thuyền. Cánh phóng viên túc trực ở Vũng Tàu chờ tiếp cận tàu Sunrise đã lên đủ phương án thuê tàu để chạy thẳng ra Phao số 0.

Thế nhưng cả một đêm trôi qua mà không có bất cứ thông tin nào về việc tàu Sunrise 689 đã về đến nơi. Mà không chỉ có cánh phóng viên thắc thỏm chờ đợi, các lực lượng Biên phòng và Cảnh sát Biển cũng đã trực chiến từ 17 giờ ngày 10/10. Nhưng, như có một sự thống nhất về thông tin, không chỉ các cơ quan chức năng trực tiếp thụ lý vụ việc, mà ngay cả những cơ quan mang tính hỗ trợ… đều rất hạn chế cung cấp thông tin chi tiết về hành trình của Sunrise 689.

Cảnh tan hoang trong phòng thuyền viên tàu Sunrise 689.

Chỉ đến 5 giờ sáng ngày 11/10, tàu mới chính thức về đến khu vực Phao số 0. Sau khi các lực lượng chức năng tiến hành các hoạt động khám chữa bệnh cho người bị thương, khám nghiệm sơ bộ hiện trường, sau đó bàn giao cho lực lượng Biên phòng thực hiện thủ tục nhập cảnh cho thuyền viên… Sunrise và toàn bộ thủy thủ đoàn được đưa về neo đậu tại vị trí B12, khu vực Ghềnh Rái, để phục vụ công tác điều tra, giám định thiệt hại và sửa chữa sơ bộ.

2. ảm nhận đầu tiên là một không khí khá nghiêm túc bao trùm lên Sunrise 689. Phía đầu tàu, vị sĩ quan boong đang đưa đoàn kiểm tra tới xem xét các vị trí hầm chứa dầu. Bên trong khu ở của thuyền viên, các thủy thủ đoàn đang làm bản tường trình và trả lời câu hỏi của cơ quan chức năng. Vẻ mệt mỏi hằn sâu trên những gương mặt, cả thanh niên lẫn trung niên.

Trên sàn các căn phòng của thuyền viên, hiện trường bừa bộn của vụ cướp vẫn còn nguyên. Đồ đạc bị xới tung. Tủ chứa đồ bị kéo đổ hoặc mở chỏng chơ. Rác rưởi, quần áo chăn màn, giấy tờ bị xé vụn, tư trang vật dụng, thậm chí cả kim tiêm ma túy, dụng cụ đập đá… cuộn thành những mớ hỗn độn, ngập trên sàn nhà. Trong một số phòng, vài thành viên của thủy thủ đoàn, mệt mỏi nằm ngủ say sưa, ngay trên đống hỗn độn chưa được dọn dẹp để phục vụ công tác điều tra.

Radar chính bị cắt dây, bo mạch bị tháo. “Băng cướp biển quá chuyên nghiệp và khống chế toàn bộ hệ thống thông tin và báo động của tàu trong vòng không quá 15 phút” - chuyên gia nhận định.

Phòng chỉ huy của Sunrise 689 lúc này đã biến thành một đại công trường. Đại diện của Công ty Bảo hiểm BIDV Vũng Tàu (BIC), đại diện của công ty sở hữu tàu, kỹ thuật viên của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật điện - điện tử hàng hải Maritech đang bận rộn tiến hành thẩm định thiệt hại ban đầu, sửa chữa hệ thống thông tin liên lạc… để đảm bảo khi tiến hành xong quá trình điều tra sơ bộ, tàu có thể chạy về Quảng Trị để giao nốt số dầu còn lại.

Đại diện của BIC Vũng Tàu, ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Giám định bồi thường, cho biết, ngoài việc nhận được thông báo từ Tổng công ty, nguồn thông tin ban đầu BIC Vũng Tàu chủ yếu được lấy từ phía chủ tàu và các phương tiện thông tin đại chúng. Từ lúc được tiếp cận tàu, BIC nhận được sự hỗ trợ tích cực của các thuyền viên trong việc đánh giá sơ bộ thiệt hại về tài sản. "Chúng tôi còn phải chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra thì mới công bố báo cáo thiệt hại", ông Giang cho biết.

3. Nhưng mối quan tâm của tất cả dư luận, cũng như Cơ quan điều tra, dường như đều dồn cả về sự thiệt hại của hệ thống báo động, radar, nhận dạng và đảm bảo an ninh hàng hải của tàu Sunrise. Vì lý do gì, chỉ trong một thời gian ngắn, con tàu có trọng tải gần 6.000 tấn đã bị vô hiệu hóa, trở thành một bóng ma trong mắt các cơ quan an ninh hàng hải?

Kỹ sư Huỳnh Nguyên Vũ, Công ty Maritech, cho biết: toàn bộ 3 hệ thống radar và định vị trên tàu đều bị phá, cáp tín hiệu nối từ trên boong xuống phòng chỉ huy bị cắt, bo mạch bị hủy.

Điều đặc biệt nguy hiểm là hệ thống SSAS (Ship Security Alert System - Hệ thống báo động an ninh tàu biển) đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Đây là một hệ thống kết nối qua vệ tinh với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn chỉ với 1 thao tác: nhấn nút. Được lập trình sẵn, khi nhấn nút, trong vòng 3 giây, 1 tin nhắn sẽ được gửi đi, và trong vòng 1 phút, thông điệp cấp cứu sẽ được gửi tới 5 địa chỉ, trong đó có địa chỉ của Trung tâm An ninh của nơi tàu mang cờ, điện thoại, email, số fax… của chủ tàu.

Tại thời điểm ngày 11/10, tàu Sunrise đang được lực lượng biên phòng và cảnh sát biển bảo vệ nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Thông thường, hệ thống SSAS bao gồm 2 nút bấm, được bố trí bí mật trên tàu, và chỉ có cấp thuyền trưởng mới biết được. Theo quy định của IMO (Tổ chức Hàng hải Quốc tế), một nút nhấn sẽ nằm ở phòng lái, nút còn lại sẽ nằm trong phòng thuyền trưởng. Nhưng đây cũng là một điểm yếu cốt tử vì cướp biển quá thông thạo về thiết bị điện tử hàng hải.

Không chỉ vậy, toàn bộ hệ thống micro ghi âm trong buồng lái cũng bị cắt tháo toàn bộ, USB lưu dữ liệu trong hộp đen cũng bị tháo. Hệ thống camera quan sát toàn bộ hầm hàng cũng bị khống chế, ổ cứng bị tháo đem đi.

Theo đánh giá, chỉ khoảng 10 tên cướp biển, trong vòng không quá 15 phút, toàn bộ hệ thống liên lạc và an ninh của tàu đã bị khống chế. Quãng thời gian này cũng đủ để nhóm cướp biển tránh khỏi bất kỳ sự truy xét mang tính công nghệ nào của các cơ quan an ninh hàng hải.

PV Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh con tàu Sunrise 689, cũng như những diễn tiến của quá trình điều tra của cơ quan chức năng.

Đánh giá thiệt hại sơ bộ một số tài sản có giá trị của tàu Sunrise 689 (ngoài gần 2.000 lít dầu bị cướp đi)

- Phòng điều khiển bơm hàng: đầu ghi, ổ cứng, màn hình của camera mặt boong bị mất, camera bị cắt dây. 1 máy đo áp suất hầm hàng báo lỗi. 2 máy đo nồng độ khí cầm tay bị mất. 2 máy đo nồng độ khí hầm hàng cố định bị mất. 1 bộ máy tính làm hàng bị mất. 1 bộ VHF cố định bị mất. Kiểm tra ghi nhận: thiết bị chỉ báo nhiệt độ xuyên vách hệ trục buồng bơm bị phá không hoạt động được, mặt chỉ báo độ cao của hầm hàng không hoạt động-bị cắt dây điện.

- Phòng Câu lạc bộ sĩ quan: 1 Amply hiệu Ariang bị phá hỏng. 2 đầu DVD bị mất. 1 TV Toshiba 42 inches LCD bị mất. 2 loa Ariang bị mất.

- Xuồng cấp cứu: khai báo mất máy hiệu Yamaha, mất 1 la bàn từ, mất 1 hộp dụng cụ.

- Buồng máy: bộ hòa 2 máy phát điện khai báo sau khi bị cướp điều khiển không bình thường. DO 24 cái của máy phát điện 1&2 bị mất. 6 séc măng máy chính mất; 8 piston plondger+van xuất dầu bị mất; 1 bộ điều tốc bị mất; 3 bộ súng phun máy đèn 1&2 bị mất; 3 bộ séc măng máy đèn 1&2 bị mất; 1 củ đề máy đèn 1&2 bị mất; 2 bộ hút đẩy máy nén khí mất; 2 bộ điều khiển điện áp mất.

Việt Đông
.
.