Vụ hiếp dâm tập thể ở Ấn Độ: Ngòi nổ trên thùng thuốc súng

Thứ Tư, 09/01/2013, 15:25

Trong suốt những ngày này, không chỉ đất nước Ấn Độ mà cả thế giới đều rúng động trước vụ nữ sinh viên y khoa 23 tuổi bị 6 người đàn ông cưỡng bức tập thể dã man trên một chiếc xe buýt. Những kẻ thú tính đã lôi cô gái xuống cuối xe và không chỉ thay nhau hãm hiếp, chúng còn dùng gậy sắt đánh đập tàn bạo nạn nhân khiến các cơ quan nội tạng của cô gái bị hủy hoại nặng nề.

Sự việc này khiến hàng ngàn người dân Ấn Độ đã liên tục đổ ra đường biểu tình, đòi công lý cho nạn nhân đồng thời kêu gọi chính phủ có sự bảo vệ mạnh mẽ thực sự đối với phụ nữ. Và cái tin cô gái xấu số đã chết sau những nỗ lực tuyệt vọng của các bác sĩ Ấn Độ và Singapore đang càng khiến cho dòng người biểu tình ngày một đông thêm, kích động thêm…

Tận cùng thú tính

Sự việc khủng khiếp này diễn ra vào tối chủ nhật (16/12/2012) khi cô nữ sinh viên ngành vật lý trị liệu cùng bạn trai đi xem phim về và đón chiếc xe buýt công cộng tại khu vực Munirka để về Dwarka ở phía tây nam thủ đô New Delhi. Vừa bước lên xe, những kẻ trên xe buýt bắt đầu chọc ghẹo cô gái. Người bạn trai thấy vậy đã ngăn cản nhưng lập tức bị đám thanh niên khả ố dùng gậy sắt đánh rồi ném anh ta ra khỏi xe. Lũ người dã man phi nhân tính thay nhau hãm hiếp cô gái. Chưa hết, chúng còn lột sạch quần áo của cô gái rồi ném cô xuống đường trong khi chiếc xe vẫn đang chạy.

Cô gái bị nội thương trầm trọng, nhiễm trùng phổi và hư hại não bộ đồng thời lên cơn trụy tim. Sau 10 ngày nằm tại một bệnh viện ở New Delhi, nạn nhân được chuyển sang Bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore hôm 26/12 để được giải phẫu thay nhiều cơ quan nội tạng.

Theo lời bác sĩ Kevin Loh - Giám đốc điều hành Bệnh viện Mount Elizabeth, cô gái trẻ vẫn ở trong tình trạng cực kỳ nguy kịch khi được đưa khẩn cấp đến Singapore. Mặc dù đội ngũ gồm 8 bác sĩ chuyên khoa hàng đầu của Bệnh viện Mount Elizabeth đã nỗ lực hết mình để giữ cho sức khỏe nạn nhân ổn định nhưng tình trạng bệnh tình tiếp tục xấu đi trong hai ngày sau khi nhập viện. Nạn nhân đã chịu nhiều vết thương nghiêm trọng trong cơ thể và trong não, khiến nhiều cơ quan nội tạng không hoạt động. Nạn nhân đã vô cùng dũng cảm trong cuộc chiến giành giật sự sống, nhưng "do cơ thể và tinh thần cô bị hủy hoại quá nghiêm trọng nên cô đã không thể vượt qua".

Bác sĩ Loh cho biết, bệnh viện đã rất đau buồn khi thông báo, nữ bệnh nhân của họ đã qua đời lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày 29/12. Cô gái trẻ đã ra đi bên cạnh gia đình, người thân và các quan chức của Đại sứ quán Ấn Độ ở Singapore và trong sự tiếc thương của toàn thể đội ngũ bác sĩ, y tá và các nhân viên của Bệnh viện Mount Elizabeth.

Đoàn người lặng lẽ tiễn đưa cô gái.

Có thể nói vụ việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ chưa từng có. Khắp Ấn Độ vang lên những tiếng kêu công phẫn đòi công lý được thực thi. Cả 6 hung thủ đều lần lượt bị cảnh sát bắt giữ, nhưng sự việc chưa dừng tại đó. Giữa lúc vụ việc trên còn chưa lắng xuống thì ngay sau đó, một cô gái trẻ, 17 tuổi, đã tố cáo bị cưỡng bức tập thể song cảnh sát lại phớt lờ lời tố cáo của cô.

Ông Paramjit Singh Gill, Chánh thanh tra, Cảnh sát trưởng Patiala cho hay, một trong số những viên cảnh sát địa phương còn thuyết phục cô gái rút đơn kiện và gợi ý cô gái hãy lấy một trong số những kẻ hiếp dâm cô làm chồng hoặc chấp nhận số tiền bồi thường. Quá uất ức, cô bé đã tự tử và ra đi hôm 27/12.

Ngay lập tức giới cầm quyền đã đình chỉ công tác của một sĩ quan cảnh sát và sa thải hai cảnh sát khác vì tội trì hoãn điều tra và hành động trong vụ việc trên. Chỉ sau khi thiếu nữ trên tự sát, cảnh sát mới bắt đầu tiến hành điều tra vụ hiếp dâm tập thể trên xe buýt. Và 3 tên tội phạm trong vụ hãm hiếp cô gái 17 tuổi mới chỉ bị bắt đúng một tháng sau khi tội ác này bị tố cáo.

Nữ cảnh sát chống bạo động ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Làn sóng phẫn nộ chưa từng có

Vụ án kinh hoàng thực sự gây sốc dân chúng Ấn Độ. Kể từ hôm xảy ra vụ việc, mỗi ngày có hàng ngàn người, đa số là sinh viên đại học xuống đường đòi quyền lợi của phụ nữ, yêu cầu họ phải được bảo vệ, đòi phải tử hình những kẻ tấn công tình dục. Các khu vực gần dinh Tổng thống và Quốc hội Ấn Độ tại New Delhi được tuyên bố là khu vực cấm biểu tình nhưng cũng bị đám đông vây kín.

Ngày 23/12, cảnh sát đã phải phong tỏa hết tất cả các con đường chính dẫn đến các tòa nhà chính phủ và bắt một nhóm người biểu tình gây rối. Cảnh sát buộc phải dùng vòi rồng và hơi cay để ngăn cản đoàn người biểu tình do đó đã có ít nhất 20 người biểu tình bị thương trong những cuộc đụng độ với cảnh sát.

Theo Hãng tin Press Trust of India, những người biểu tình cho rằng đã đến lúc phải phản đối mạnh mẽ tội phạm hiếp dâm. Họ có quyền biểu tình. Giới chức Ấn Độ đã chuẩn bị khả năng cái chết thương tâm của cô sinh viên sẽ kích động thêm những làn sóng biểu tình mới, rầm rộ hơn nữa.

Thực tế là tình trạng cưỡng bức phụ nữ ở Ấn Độ đã lên mức đáng báo động. Theo những con số thống kê chính thức cho thấy, các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ đã tăng gần 875% trong vòng 40 năm qua. Từ năm 1971, con số này chỉ là 2.487 vụ nhưng đến năm 2011, số lượng các vụ xâm hại phụ nữ đã là 24.206 vụ. Đặc biệt, thủ đô New Delhi là nơi có tỉ lệ xảy ra các vụ hãm hiếp phụ nữ cao nhất ở Ấn Độ. AFP dẫn các số liệu thống kê cho thấy có 661 vụ hiếp dâm ở New Delhi chỉ riêng trong năm 2012, tăng 17% so với năm 2011. Như thế, trung bình cứ 18 giờ lại xảy ra một vụ cưỡng hiếp tại thủ đô đất nước này.

Khủng khiếp như thế nên Hãng tin BBC từng miêu tả New Delhi là một thành phố "khắc tinh" của phụ nữ, là "thủ đô hiếp dâm của Ấn Độ", nơi mà tình trạng quấy rối tình dục và cưỡng hiếp xảy ra quá thường xuyên. Dù có diện tích tương đương, nhưng số người bị hãm hiếp ở thủ đô cao hơn nhiều so với các thành phố khác của Ấn Độ. Trước thực trạng nhức nhối này, Chính phủ Ấn Độ đã nhiều lần cam kết áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay nhưng đến nay, tình hình vẫn không mấy thay đổi.

Người ta cho rằng, sở dĩ nạn tấn công tình dục hoành hành ở Ấn Độ một phần là do tình trạng trọng nam khinh nữ ở nước này. Song, một nguyên nhân khác là do những phụ nữ bị tấn công thường bị đổ lỗi cho chính họ. Điều đó khiến các nạn nhân thường có xu hướng im lặng, không thông báo cho các cơ quan chức năng vì sợ gia đình biết chuyện và trở thành mục tiêu của sự bêu riếu.

Ngoài ra, Cảnh sát Ấn Độ cũng thường từ chối điều tra các khai báo của nạn nhân. Chính việc những tên tội phạm hiếp dâm ít bị truy tố đã khiến cho những kẻ tội phạm này trở nên táo bạo hơn. Thái độ của người Ấn Độ đối với vấn đề hiếp dâm đều thường chỉ dừng ở mức đưa ý kiến rằng, phụ nữ không nên ra đường vào ban đêm hoặc không nên mặc  các loại trang phục có tính chất khêu gợi.

Cảnh sát phải dùng đến vòi rồng để trấn áp người biểu tình.

Sẽ bùng nổ thùng thuốc súng?

Hiện tại, hình phạt tối đa cho tội cưỡng hiếp ở Ấn Độ mới chỉ là tù chung thân trong khi phụ nữ trên khắp đất nước này phải đối mặt hàng ngày với đủ các loại lạm dụng, quấy rối tình dục, từ việc chọc ghẹo ngay trên đường phố, hay mò mẫm, sờ soạng trên các phương tiện giao thông,… cho đến bị cưỡng hiếp và xâm hại thân thể, tính mạng.

Sự việc vừa qua buộc đất nước Ấn Độ phải nhìn thẳng vào hiện thực về sự bất bình đẳng nghiêm trọng và lỏng lẻo trong công tác quản lý của bộ máy chính quyền. Thủ tướng Ấn Độ  Manmohan Singh đã ra lệnh điều tra về vụ hiếp dâm tập thể và cam kết sẽ ban hành luật mới nhằm bảo vệ phụ nữ và "nghiêm trị" những tên tội phạm tình dục. Chính phủ cũng vừa thông báo kế hoạch đăng ảnh, tên và địa chỉ của những kẻ hiếp dâm đã bị kết án trên các trang web chính thức của cảnh sát nhằm công khai bêu riếu tội phạm.

Ngày 28/12, Thống đốc bang tây Bengal, bà Mamata Banerjee đã công bố kế hoạch thành lập 65 đồn cảnh sát gồm toàn nữ giới, sau những vụ việc đáng báo động về tình trạng an toàn của phụ nữ diễn ra gần đây. Với 65 đồn cảnh sát chỉ bao gồm các nữ cảnh sát này cùng với 158 tòa án mới được lập nhằm giúp cho việc xử lý những vụ án mà phụ nữ là nạn nhân diễn ra một cách nhanh chóng hơn. Hiện đã có 10 đồn cảnh sát nữ giới được đưa vào hoạt động.

Các tuyên bố của bà Banerjee được đưa ra ngay sau khi Chính phủ Ấn Độ tiến hành chiến dịch tuyển dụng nữ nhân viên làm việc trong các văn phòng chính phủ. Theo AFP, hiện tại cứ 5 cảnh sát Ấn Độ thì chỉ có 1 người là phụ nữ. Chính việc thiếu lực lượng nữ cảnh sát đã dẫn đến tình trạng chậm chạp trong xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm tình dục, thậm chí là vô trách nhiệm trong ngành cảnh sát nước này.

Mặc dù 6 nghi phạm trong vụ cưỡng hiếp nữ sinh viên trên xe buýt đã lần lượt bị bắt vào ngày 20 và 21/12 vừa qua. Sáu tên tội phạm hiếp dâm này phải đối mặt với bản án giết người. Nhưng như vậy là chưa đủ. Sau cái chết của cô gái, một đoàn người đã lặng lẽ tuần hành quanh thành phố New Delhi để tiễn đưa cô. Thi thể nạn nhân đã được đưa về hỏa táng ở Ấn Độ trong đau đớn tiếc thương của mọi người. Lực lượng an ninh đã phải rất cố gắng ngăn không cho những người biểu tình vào sân hỏa táng vì gia đình cô gái muốn được riêng tư.

Cái chết của sinh viên y khoa đã khiến sự phẫn nộ của công chúng lên đến đỉnh điểm. Họ đang kết tội cho những yếu kém trong hoạt động quản lý của chính phủ đối với việc bảo vệ phụ nữ đã dẫn đến thảm kịch này. Có thể bản chất vụ việc không xa lạ gì đối với người dân Ấn Độ, nhưng một khi nỗi trăn trở, đau đớn của người dân bị đánh trúng thì các nhà cầm quyền càng phải thật sáng suốt trước những phản ứng mạnh mẽ của xã hội. Theo giới phân tích dự đoán, những dòng người biểu tình sẽ chưa thể dừng lại nếu như giới chức Ấn Độ vẫn còn giậm chân tại chỗ và không có những biện pháp xử lý sao cho hợp lòng dân. Và bài học lớn cho việc dập tắt một ngòi nổ khỏi cháy thùng thuốc súng lớn vẫn còn đó…

Hoàng Cúc - Hoàng Thy (tổng hợp)
.
.