Đức: Vụ kiện đòi tiền bản quyền chưa có tiền lệ

Thứ Năm, 28/05/2015, 15:20
Trong phiên họp thụ lý cuối cùng vào ngày 13/5 vừa qua, trước khi đem vụ kiện đòi bồi thường tài chính do các hậu duệ của viên Bộ trưởng Tuyên truyền Quốc xã Joseph Goebbels (1897-1945) đứng tên ra xét xử, Tòa án thành phố Munich (Đức) đã nhận được đơn phản kháng chính thức từ Ban Giám đốc Nhà xuất bản Random House trong vai bị đơn, yêu cầu chấm dứt phiên tòa vô lý liên quan đến trang sử đen tối nhất trong lịch sử nước Đức.

Nguyên nhân trong dịp kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế chiến II vừa qua, Nhà xuất bản Random House thuộc sở hữu của Tập đoàn Truyền thông Đức Bertelsmann, đã cho ấn hành cuốn "Goebbels. A Biography" (Tiểu sử của Goebbels) bản tiếng Anh, được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức "Goebbels Biografie" của sử gia Peter Longerich, từng xuất bản ở Đức vào tháng 5/2010 nhân đánh dấu sự kiện 65 Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, nhằm giới thiệu với bạn đọc trên toàn cầu về chân dung của một trong những tên trùm phát xít, cũng như quan điểm hiếu chiến cực đoan của chúng đã gây nên cuộc chiến tang thương nhất trong lịch sử nhân loại.

Tức thì một nhóm người tự xưng là con cháu trực hệ của Goebbels, đã đệ đơn lên Tòa án thành phố Munich, khởi kiện Nhà xuất bản Random House đòi bồi thường số tiền thỏa đáng vì đã "qua mặt" họ khi chuyển ngữ một cuốn sách mà họ được thừa kế bản quyền.

Về phần mình, Ban giám đốc Nhà xuất bản Random House đã nêu ra những lý do làm căn cứ phản bác lại đơn kiện dân sự nói trên. Thứ nhất Goebbels không còn bất cứ ai thuộc diện hậu duệ trực hệ được hưởng quyền thừa kế, bởi hắn đã cùng bà vợ Magda tự sát bằng cách dùng thuốc độc đầu độc cả gia đình gồm 6 đứa con vào tháng 5/1945 ngay trước thời điểm Thế chiến II kết thúc, do vậy những người đứng tên nguyên đơn đã cố tình "nhận vơ" khi đòi thừa kế bản quyền. Có thể họ là các con cháu của anh chị em bà con xa với Goebbels, tranh thủ khởi kiện kiếm tiền trước khi bản quyền các trước tác của J.

Goebbels hết hiệu lực vào cuối năm 2015 - chiểu theo Luật Bản quyền ở CHLB Đức quy định sau 70 năm tác giả qua đời, tất cả tác phẩm của các công dân Đức đều thuộc về tài sản chung do nhà nước quản lý.

Bộ trưởng Tuyên truyền phát xít J. Goebbels.

Lý do kế tiếp do Nhà xuất bản Random House đưa ra, khẳng định trong thực tế vào năm 1936 Goebbels đã thỏa thuận miệng với Nhà xuất bản Eher-Verlag, cơ quan chuyên in ấn các văn kiện của Đế chế đệ tam có trụ sở ở Munich, đồng ý cho đăng các tác phẩm của mình sau khi chết mà không đòi bất cứ khoản tiền bản quyền nào.

Sau Thế chiến II cùng với các cơ sở tuyên truyền khác của chế độ Quốc xã, Nhà xuất bản Eher-Verlag đã bị cấm hoạt động, trụ sở bị tháo dỡ và tất cả tài liệu lưu trữ thuộc về chính thể mới ở Đức. Điều này đồng nghĩa với việc không ai có thể hưởng bản quyền từ những văn bản tài liệu đó nữa.

Điều cuối cùng đáng kể nhất mà Ban giám đốc Nhà xuất bản Random House nêu ra là về phạm trù đạo đức. "Thật phi lý khi phải bỏ tiền ra chi trả cho những người thừa kế của những kẻ đã phát động chiến tranh - luật sư Rainer Dresen đại diện phía bị đơn biện luận - Vả lại đơn kiện đòi bồi thường tài chính của những hậu duệ tự xưng thật là trơ trẽn. Thay vì như đa phần các con cháu của những tên trùm Quốc xã khác, thường thấy hổ thẹn đầy mặc cảm về quá khứ tội lỗi của cha anh, nên hiếm khi dám công khai xuất hiện trong các vụ việc liên quan đến Thế chiến II; đằng này họ lại bất chấp luân thường đạo lý, chà đạp lên hết thảy chỉ vì khoản hiện kim tác quyền làm lóa mắt...".

"Đây là vụ kiện đòi tiền bản quyền chưa từng thấy trong lịch sử tư pháp CHLB Đức, bởi đơn giản chưa có bất cứ hậu duệ Quốc xã nào đủ can đảm đứng lên đòi quyền lợi nhân danh cha anh mình. Đổi lại, cho dù họ có tự nguyện hiến tặng cả gia sản để bồi thường cho các nạn nhân của chế độ phát xít, cũng chỉ bù đắp tương đối được phần nào", luật sư R. Dresen nhấn mạnh.

Bìa cuốn sách Anh ngữ của tác giả P. Longerich.

Hồ sơ về Thế chiến II đã ghi nhận, rằng khi còn sống Bộ trưởng Tuyên truyền Goebbels chính là một trong những kẻ khởi xướng chủ nghĩa diệt chủng (Holocaust) đối với sắc dân Do Thái của bè lũ Quốc xã Đức. Đồng thời hắn cũng là lý thuyết gia tiêu biểu cho đường lối tuyên truyền của Đế chế đệ tam, qua câu phương ngôn nổi tiếng: "Nói dối lần đầu chẳng ai tin! Nhưng nếu bạn cứ lặp đi lặp lại điều ấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần dần dần sẽ buộc người ta phải tin"(!).

Theo dự kiến, vào ngày 19/5 sắp tới Tòa án thành phố Munich sẽ tiến hành buổi điều trần công khai, nghe đại diện cả hai phía nguyên đơn và bị đơn bày tỏ quan điểm của mình, trước khi đưa ra quyết định có mở phiên tòa chính thức hay không? Hiện thời dư luận cả nước Đức đang nóng lòng theo dõi sự kiện pháp lý chưa có tiền lệ này.

Kim Dung (theo The Independent)
.
.