Vụ kỳ án đẩy giới tư pháp hai nước thành viên EU vào thế đối đầu

Thứ Sáu, 29/04/2016, 15:30
Tòa Giám đốc thẩm thành phố Toulouse (Pháp) vừa ra phán quyết, tái khẳng định 2 bản án sơ thẩm và tái thẩm dành cho thủ phạm của một vụ án mạng xảy ra hơn 3 thập niên trước, khiến quan hệ tư pháp giữa 2 quốc gia láng giềng là Đức và Pháp, cũng là 2 thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Vào tối ngày 9-7-1982, bé gái 14 tuổi Kalinka Bamberski đã thiệt mạng sau khi bị người cha dượng là bác sĩ Dieter Krombach tiêm thuốc kích thích hắc tố để có làn da nâu "rám nắng" như ý. Sự việc xảy ra khi Kalinka đi nghỉ hè với gia đình ở Đức, nơi bà mẹ Daniele Gonnin đang sống cùng người chồng mới tại thành phố Lindau.

Nhưng kết quả là D. Krombach không bị truy tố vì thiếu bằng chứng, cho dù cảnh sát tình nghi ông ta là thủ phạm chính. Sau khi đưa xác con gái về Pháp chôn cất, ông Andre Bamberski - cha ruột của cô bé Kalinka quyết định phải vạch mặt kẻ đã sát hại con gái mình.

Người cha A. Bamberski hơn 3 thập niên đi tìm công lý.

Kết luận từ Viện Pháp y Toulouse cho thấy bé gái đã bị bức tử, rồi phiên tòa sơ thẩm được mở trong năm 1995 tuyên phạt vắng mặt D. Krombach 15 năm tù về tội cố sát, hay chính xác hơn là tội danh "cưỡng bức tình dục đến chết". Tuy giữa Đức và Pháp đã có hiệp định tương trợ tư pháp từ lâu, nhưng giới chức Lindau lại từ chối dẫn độ hung thủ về Pháp thụ án.

Tới cuối tháng 10-2009, do lo ngại bản án của D. Krombach sẽ hết thời hạn câu lưu, ông A. Bamberski đã âm thầm tiến hành vụ bắt cóc gây xôn xao giới truyền thông châu Âu khi ấy. D. Krombach bị A. Bamberski bắt xích vào hàng rào ở một góc phố kề trụ sở Tòa án thành phố Mulhouse thuộc tỉnh Haut-Rhin, phía đông bắc nước Pháp, gần biên giới Đức. Ngay sau đó A. Bamberski đã tới trình diện Sở Cảnh sát Mulhouse, thú nhận mình đã bỏ 19.000 euro để thuê người "cưỡng chế dẫn độ" thay luật pháp để giao thủ phạm cho nhà chức trách Pháp

 D. Krombach được dẫn giải về Toulouse, bị điệu ra trước vành móng ngựa trong phiên tòa tái thẩm được mở trong tháng 3-2011, cùng bản án 15 năm tù kèm khoản tiền bồi thường nhân mạng là 400.000 euro. D. Krombach liền kháng cáo lên cấp Giám đốc thẩm, trong khi Berlin lại đòi bị cáo là công dân Đức phải được phóng thích, cũng như yêu cầu Pháp cho dẫn độ A. Bamberski về Lindau xử về tội bắt cóc và giam giữ người bất hợp pháp. Giới chức Toulouse lần này vin vào lời từ chối dẫn độ D. Krombach 16 năm trước để "trả đũa"...

Cả nguyên đơn A. Bamberski 75 tuổi lẫn bị đơn D. Krombach 78 tuổi của phiên tòa Giám đốc thẩm đều quen biết nhau từ thập niên 70 thế kỷ trước, khi họ cùng cư ngụ tại thành phố Casablanca ở Morocco bên châu Phi. Rồi cô vợ Daniele đã bỏ anh chồng Andre chạy theo chàng nhân tình Dieter, đem theo đứa con riêng Kalinka về Đức sinh sống.

Trong lời trần tình của mình trước tòa, ông A. Bamberski đã đưa ra chứng cứ về hành vi chuyên đánh thuốc mê cưỡng bức tình dục các nạn nhân của D. Krombach. Cụ thể kẻ sa đọa này đã từng bị Tòa án Đức kết án 2 năm tù treo vào tháng 3-1997, do đã giở trò hãm hiếp một thiếu nữ 16 tuổi, cũng như bị tước giấy phép hành nghề y vĩnh viễn. Rồi hơn 10 năm sau lại bị Tòa án thành phố Coburg (bang Baravia, Đức) kết án 28 tháng tù giam về tội hành nghề phi pháp, chưa kể nhiều nữ bệnh nhân đã ra làm chứng trong phiên tòa này tố cáo viên thầy thuốc biến chất từng tiêm thuốc mê hòng hãm hiếp họ.

Ở phiên xử Giám đốc thẩm, bị cáo D. Krombach vẫn một mực phủ nhận tội trạng và lu loa rằng không cố tình ám hại cô con gái riêng của vợ, cũng như cho biết sẽ kháng cáo lên cấp xét xử cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) là Tòa án Công lý châu Âu (ECJ), có trụ sở đặt tại Đại công quốc Luxembourg.

Giới quan sát tư pháp am hiểu nêu nhận định: Phiên xử do ECJ thụ lý vẫn sẽ là một quá trình "không thể đảo ngược", thậm chí hình phạt có thể tăng nặng hơn nếu phát hiện thêm tình tiết phạm tội mới. Riêng trường hợp của ông A. Bamberski, chiếu theo luật hiện hành ở Pháp thì tội danh bắt cóc có mức án tối đa là 10 năm tù giam, nhưng chưa thấy vị đại diện tư pháp nào đả động đến chuyện đó...

Kim Dung (tổng hợp)
.
.