Vụ làm giả "bia Ken": Lời cảnh báo cho dân nhậu

Thứ Tư, 07/08/2013, 13:30

Nhắc đến nạn bia giả, bia dỏm, có thể nói trong những thương hiệu bia bọt quen thuộc như bia Sài Gòn, bia Tiger, bia 333, bia Ralue… thì Heineken là thương hiệu được bọn gian chú tâm làm giả nhiều nhất, bởi đây là loại bia cao giá được dân ăn nhậu quý tộc ưa dùng nhất. Ông Tĩnh, chủ quán nhậu Chiều Về ở quận 9, khẳng định sở dĩ bia Ken được tiêu thụ mạnh dù giá cao bởi "ngon và đẳng cấp". Phàm mặt hàng gì giá cao nhất, bán chạy nhất thì bọn gian sẽ làm hàng nhiều nhất để kiếm lời, bia Heineken cũng không ngoại lệ!

- Bia Heineken - loại bia đẳng cấp được dân lai rai có máu mặt  "chiếu cố" nhiệt tình nhất lại là loại bia được bọn gian làm giả nhiều nhất bởi nguồn lợi mang lại khủng nhất.

- Với "tay nghề" siêu hạng, bọn gian "chế tạo" bia Heineken (bia Ken) giả rất tài tình, tài đến độ dân uống bia chuyên nghiệp khi uống bia dỏm cũng không nghĩ rằng mình đang uống… bia Ken đểu!

Đấy là một trong những nội dung chính đề cập trong phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đường dây làm giả cả ngàn thùng bia Ken trong ngày 8/7. Đường dây này gồm 7 đối tượng, do anh em Võ Hoàng Giang và Võ Đông Sơ tuy trình độ chỉ 2/12 nhưng tổ chức khá quy củ và… hiệu quả. 

1. Không chỉ đứng đầu về số dân, tốc độ phát triển, mức độ ô nhiễm, nạn quá tải ở các bệnh viện…, Sài thành còn "xếp sòng" cả nước về quy mô ăn nhậu và lượng tiêu thụ rượu bia. Bất kể khủng hoảng kinh tế, bất kể những biến động về lãi suất ngân hàng hay thị trường nhà đất dồn ứ chẳng tiêu thụ được, số lượng các quán nhậu bình dân lẫn cao cấp vẫn đều đặn mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu "chén chú chén anh" của giới mày râu. Chẳng đợi đến khi có lễ lạt hay cuối tuần, cứ chiều chiều là các hàng quán đông nghịt khách nâng ly đưa cay.

Những khu phố ăn nhậu như "bờ kè" trải dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Phú Nhuận), phố “bê thui” trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình), phố "cờ tây" Cống Quỳnh (quận 1), phố “cákèo” trên đường Sư Thiện Chiếu (quận 3)… hễ cứ chiều đến, đêm về thì dân tình bật nắp nâng ly cứ gọi là… tấp nập, bia tràn lai láng nhiều nhất.

Không chỉ thúc đẩy, gia tăng số vụ tai nạn giao thông và các vụ đâm chém, giết người vì khi say các bợm nhậu trở nên hung hăng, thiếu kiểm soát,  dẫn đến gây mất an ninh trật tự. Khu vực ăn nhậu nhiều tạo cơ hội hốt bạc cho các chủ quán và các hãng kinh doanh rượu - bia - thuốc lá. Nhân cơ hội vàng đó, những kẻ kinh doanh hàng gian, hàng giả đã không bỏ lỡ thời cơ “chen chân” vào các hàng quán để kiếm lời. Không như rượu Tây dỏm được tiêu thụ chính trong các quán bar, karaoke hay vũ trường, bia giả, bia dỏm được đám yêu tinh tuồn ầm ầm vào các quán ăn quán nhậu, đại lý bia ở khắp các quận huyện trong thành phố.

Nhắc đến nạn bia giả, bia dỏm, có thể nói trong những thương hiệu bia bọt quen thuộc như bia Sài Gòn, bia Tiger, bia 333, bia Ralue… thì Heineken là thương hiệu được bọn gian chú tâm làm giả nhiều nhất, bởi đây là loại bia cao giá được dân ăn nhậu quý tộc ưa dùng nhất. Ông Tĩnh, chủ quán nhậu Chiều Về ở quận 9, khẳng định sở dĩ bia Ken được tiêu thụ mạnh dù giá cao bởi "ngon và đẳng cấp". Phàm mặt hàng gì giá cao nhất, bán chạy nhất thì bọn gian sẽ  làm hàng nhiều nhất để kiếm lời, bia Heineken cũng không ngoại lệ!

Tệ ăn nhậu là mảnh đất màu mở cho những kẻ sản xuất bia dỏm… hốt bạc.

Ông Tĩnh tiết lộ rằng có lần ông được một người đàn ông đến đặt hàng mua vỏ và nắp chai bia Heineken không bị móp méo. Ông hỏi mua làm gì thì người nọ nói có người nhờ mua chứ chẳng rõ dùng vào mục đích gì: "Tôi hỏi cho có hỏi thôi chứ với cái màn mua nắp mua vỏ như thế tôi biết chắc bọn này âm mưu sản xuất bia Ken giả rồi".

Theo ông Tĩnh và một số chủ quán nhậu khác mà chúng tôi tiếp xúc,  quy trình làm "bia đẳng cấp" của phường láu cá rất đơn giản. Sau khi mua nắp và vỏ chai bia Ken về tổng hành dinh rồi, chúng sẽ ra chợ hóa chất Kim Biên (quận 5) mua thuốc tẩy ngâm cho sạch sẽ rồi phơi sấy cho khô: "Với vỏ chai bia chúng chỉ mua vỏ chai còn nguyên nhãn mác rồi về súc cồn để ráo. Tiếp đến là công đoạn pha chế theo tỉ lệ 50% Ken 50% bia Sài Gòn. Có khi theo công thức 40% Ken, 30% Sài Gòn và 30% Tiger".

Xong công đoạn vào chai, kẻ gian sẽ tiến hành dập nắp, trà trộn với bia thật theo công thức "nửa thật nửa dỏm"…. rồi tung ra thị trường: "Bia dỏm rất mau hư nên bọn láu cá thường tuồn vào các quán nhậu đông khách để tiêu thụ cho mau. Thế nên quán nào càng đông khách vào ra thì nguy cơ khách uống kia Ken đểu càng cao. Có chủ quán ngây thơ chẳng biết trò ma mãnh này nhưng cũng có tay dẫu rõ rành nhưng vì lợi nhuận nên phớt lờ bởi được bọn gian bỏ mỗi két rẻ hơn giá gốc vài mươi ngàn.

Về phía thực khách, khi sương sương họ cứ thế mà bật nắp nâng ly chứ đâu có đủ tỉnh táo hay kinh nghiệm để nhận biết bia Ken thật hay giả" - ông Mười, chủ quán bê thui M.G trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình) phân tích.

Bia Heineken, loại bia được nhiều kẻ gian làm giả.

2. Câu chuyện bia dỏm trở nên đậm nét khi Tòa án nhân dân Tp HCM đưa ra xét xử đường dây sản xuất, buôn bán bia Heineken dỏm vào ngày 9/7 với 7 đối tượng tham gia. Kết luận điều tra vụ án của Công an TPHCM cho biết, vào ngày 18/5/2012, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, Công an Tp HCM bắt quả tang đối tượng Võ Đông Sơ (42 tuổi, ngụ huyện Cần Giuộc, Long An) cùng đối tượng Nguyễn Văn Tân (36 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, Tp HCM) có hành vi bốc xếp 23 két bia Heineken giả từ nhà không số ở ấp 3 xã Quy Đức, huyện Bình Chánh lên xe tải BKS 51C-14486 đưa đi tiêu thụ.

Trong ngày, khám xét căn nhà trên, Cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ 26 két bia Heineken thành phẩm nghi là giả do các đối tượng mới sản xuất cùng 12 két bia Heineken và 20 két bia Sài Gòn Lager dùng để làm nguyên liệu sản xuất bia Heineken giả. Cũng trong ngày, cơ quan điều tra còn phát hiện và thu thêm 104 két bia Heineken nghi là giả khác tại căn nhà không số nằm trên Quốc lộ 50, địa phận xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Tiến hành mở rộng điều tra, Công an Tp HCM bắt thêm nhiều đối tượng khác có liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm mà trong vụ án này là bia Heineken gồm Võ Hoàng Giang (35 tuổi, em ruột Võ Đông Sơ), Võ Ngọc Ẩn (47 tuổi), Hà Văn Cử (33 tuổi), Trần Văn Hùng (34 tuổi)… Tại trụ sở Cơ quan Công an, các đối tượng trên khai khoảng đầu tháng 3/2012, Võ Đông Sơ gặp và bàn bạc với em ruột Võ Hoàng Giang về việc sản xuất bia Heineken giả.

Thay vì khuyên can anh đừng làm chuyện phạm pháp thì Giang nhiệt liệt hưởng ứng và tiến hành thử nghiệm việc sản xuất bia Ken giả tại nhà của Giang ở ấp 4, xã  Long Hậu, huyện Cần Giuộc (sau do sợ bị hàng xóm phát hiện nên chúng chuyển địa điểm sang xã Quy Đức, huyện Bình Chánh để tiếp tục sản xuất-PV).

Băng nhóm sản xuất bia Heineken dỏm trước vành móng ngựa.

Theo thỏa thuận phân công, Giang là người trực tiếp thuê nhà, thuê các nhân công gồm Cử, Ẩn, Hùng và mua các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc sản xuất bia Ken giả. Riêng Sơ phụ trách khâu mua nguyên liệu là bia Heineken, bia Sài Gòn Lager về cho em sản xuất và tiêu thụ bia Ken giả sau khi sản xuất. Khoảng giữa tháng 4, Sơ chủ động thuê thêm nhà không số liền kề căn nhà đang sản xuất bia giả để làm kho chứa nguyên liệu và bia Ken dỏm thành phẩm.

Để guồng máy hoạt động nhịp nhàng, tên này tìm thuê 2 thanh niên là Nguyễn Văn Tiến và Huỳnh Văn Bình làm nhiệm vụ bốc xếp và "hợp tác" với bà Nguyễn Hồng Tuyết là chủ xe ôtô tải biển số 51C-14486 vận chuyển bia Ken giả đi tiêu thụ.  

Về qui trình sản xuất bia Heineken giả, Võ Đông Sơ thừa nhận y là người trực tiếp tìm mua các nắp chai bia Heineken đã qua sử dụng của những người bán ve chai và phụ trách khâu mua nguyên liệu là bia chai nhãn hiệu Heineken và bia chai nhãn hiệu Sài Gòn Lager về giao cho Giang sản xuất bia Ken giả. Đối tượng tên Ẩn khai y được Võ Hoàng Giang giao nhiệm vụ sang chiết bia Sài Gòn sang bia Heineken.

Cụ thể Ẩn mở nắp chai bia Sài Gòn Lager sau đó đổ nước bia trong chai sang chai bia Heineken đã được các đối tượng Hùng - Cử sang chiết theo tỉ lệ cứ 1 chai bia Heineken nguyên liệu sang chiết sang 3 vỏ chai Heineken, sau đó Ẩn lấy 2 chai bia Sài Gòn Lager nguyên liệu sang chiết sang 3 chai Heineken này cho đầy để tạo thành 3 chai bia Heineken giả thành phẩm. Công thức pha chế này do Giang chỉ đạo.

Thống kê của Cơ quan điều tra cho thấy mỗi ngày các đối tượng Ẩn - Giang - Cử - Hùng sản xuất khoảng 30 két bia Heineken giả. Tính từ đầu tháng 4 đến ngày 18-5 (ngày bị bắt quả tang) các đối tượng sản xuất khoảng 1.000 két bia Heineken giả và số bia này được đưa đi tiêu thụ tại các hàng quán, đại lý và cửa hiệu tạp hóa ở các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 7…

Để dễ tiêu thụ hàng, anh em ông trùm đường dây là Võ Hoàng Giang và Võ Đông Sơ bán với giá 280.000 đồng/két, trong khi giá một két bia Heineken thật của Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam bán ra thời điểm tháng 5/2012 là 300.000 đồng/két. Tổng số tiền mà các đối tượng thu lợi bất chính ước lượng cả trăm triệu đồng.

Đưa vụ việc ra xét xử, căn cứ tính chất, hành vi phạm tội của từng đối tượng, chiều 9/7, tòa thành phố tuyên phạt Võ Hoàng Giang bản án 3 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Các đối tượng còn lại, trong đó có Võ Đông Sơ là anh ruột của Giang chịu mức án từ 1 năm  6 tháng đến 2 năm 6 tháng tù giam về các tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” hoặc “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”, trong đó có một bị cáo được hưởng án treo.

3. Xoáy sâu vào vấn nạn bia dỏm bia giả với điểm nhấn là đường dây sản xuất - tiêu thụ khoảng 1.000 két bia Heineken dỏm do đối tượng Võ Hoàng Giang cầm đầu, chúng tôi muốn truyền gửi thông điệp rằng vấn đề vệ sinh, an toàn chất lượng thực phẩm, trong đó có bia rượu mà nổi bật là "bia đẳng cấp" Heineken dỏm đang diễn biến phức tạp với chiều hướng xấu. Vì lợi nhuận, bọn gian không từ nan bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được ý đồ của chúng.

Cũng cần nói rõ rằng đường dây sản xuất tiêu thụ bia Ken dỏm trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực bia rượu. Điều này đồng nghĩa với việc ngày lại ngày, trên những cung đường bia bọt, giới lai rai vẫn đều đặn trả tiền thật để nạp vào cơ thể bia rượu dỏm kém chất lượng, có khi tiềm ẩn độc chất, vi trùng rất nguy hại cho sức khỏe cả hiện tại lẫn tương lai.

Khép lại bài viết, chúng tôi xin trích lời chia sẻ của ông Tĩnh, chủ quán nhậu Chiều Về rằng không chỉ bia Heineken, với các loại bia khác, để tránh uống phải bia dỏm, khi uống bia tốt nhất dân lai rai hãy tự tay bật nắp chứ đừng để người của quán "ra tay". Nếu thấy nắp chai bia cũ kỹ, trầy xước, móp méo thì hãy can đảm nói không bởi nhiều khả năng đó là bia giả được dập nắp bằng dụng cụ thô sơ…

"Bia giả, bia dỏm khi bật nắp thì lượng ga rất kém bởi trong quá trình làm giả do bị sang chiết nên lượng ga giảm đi. Trong trường hợp uống vào thấy vị nhạt, hay bốc mùi thì tuyệt đối chớ dùng. Thực tế cho thấy có người uống bia dỏm cứ nghĩ do mình bệnh, sức khỏe kém nên uống bia thấy nhàn nhạt, nào biết mình đang uống phải bia đẳng cấp kém chất lượng" - ông chủ quán Chiều Về, lưu ý

N.Thành Dũng
.
.