Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử McDonalds

Thứ Ba, 14/08/2018, 22:23
Một cựu cảnh sát nhờ sự giúp đỡ của mafia cùng một số đồng phạm đã chơi xỏ Hãng McDonalds, tự mình xác định những người chiến thắng giành được giải xổ số do hãng thức ăn nhanh này tổ chức.


Tính ra trong suốt 12 năm, nhân vật này cùng đồng phạm đã lấy của McDonalds khoảng 24 triệu đôla để chi dùng cho bản thân, chia sẻ cho bạn bè, người nghèo và cả những đứa trẻ bệnh tật. Điều tra cụ thể của The Daily Beast đã giúp làm rõ những thủ đoạn trong vụ lừa đảo được đánh giá là tai tiếng nhất trong lịch sử của Hãng McDonalds…

Andrew Glombo bay tới Pennsylvania để thăm người anh họ của mình. Trên đường về nhà, anh ta thấy những đứa cháu của mình đòi ghé vào cửa hàng McDonalds với hy vọng có thể giành được những giải thưởng có giá trị của trò Monopoly.

Một tấm phiếu tham dự chương trình Monopoly của McDonalds.

Tại Mỹ, Hãng McDonalds đã có truyền thống treo giải thưởng cho những người yêu thích thức ăn nhanh từ năm 1987. Theo đó cứ mỗi lần mua đồ ăn, khách hàng được phát những tấm vé với tên gọi các đường phố dựa theo trò chơi nổi tiếng Monopoly. Việc kết hợp tên các đường phố nhất định nào đó sẽ giúp xác định các giải thưởng – từ thấp nhất là một chiếc bánh sandwich cho tới xe hơi hay vé du lịch trên du thuyền v.v… Chưa kể những người có được những chiếc vé hiếm nhất còn có thể nhận được hàng triệu đôla.

Glombo tuy không chơi trò Monopoly nhưng lại biết rất rõ các nguyên tắc của trò chơi này. Hơn nữa, anh ta không ít lần từng cầm trên tay những chiếc vé hiếm nhất của trò Monopoly và hiểu rõ rằng, những đứa cháu của mình sẽ uổng công với hy vọng giành được giải thưởng. “Anh cần biết rằng – Glombo nói với người anh họ - Không nên tốn thời gian vô ích vào chuyện này”. Dù thế nào, vào thời điểm đó không ai có thể nghĩ Glombo chính là một thành viên trong đường dây lừa đảo quy mô các giải thưởng của Hãng McDonalds.

Viên cựu cảnh sát biến chất

Những chiếc vé với tên gọi các đường phố để sử dụng cho chương trình khuyến mãi được McDonalds giao cho Công ty Dittler Brothers, là nơi chuyên về in tem bưu điện và xổ số. Tất nhiên khi liên quan đến những giải thưởng có trị giá lớn cần phải có các biện pháp bảo vệ tốt.

Jerry Jacobson.

Chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh trong lĩnh vực này là cựu cảnh sát Jerry Jacobson, người đã bị sa thải khỏi ngành sau một thời gian nghỉ để chữa bệnh. Anh ta có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ mọi công nhân trong xưởng in, ngay cả khi họ đang trong nhà vệ sinh, khám xét mọi lối ra để không ai có thể lén mang một chiếc vé trúng thưởng ra ngoài.

Sự mẫn cán của Jacobson trước đó đã lọt vào mắt xanh của các quan chức Công ty Simon Marketing, là nhà tổ chức hoạt động khuyến mãi trúng thưởng cho McDonalds. Tay cựu cảnh sát được chào mời và được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận phụ trách an ninh.

Cứ nửa năm một lần, anh ta tới Dittler Brothers, theo dõi chiếc siêu máy tính có nhiệm vụ in ra những chiếc vé khuyến mãi, giám sát để không ai có thể can thiệp vào quá trình này. Đích thân Jacobson là người cắt ra những chiếc vé hiếm nhất có giải thưởng lớn nhất, sau đó cùng nhân viên kiểm tra chuyển chúng tới các nhà máy của McDonalds.

Đây là công việc khá hấp dẫn đối với Jacobson: nhận mức lương cao gấp 6 lần so với thời làm cảnh sát, bay qua lại khắp cả nước bằng vé hạng nhất, ăn uống tại các nhà hàng được công ty chi trả. Nhưng khi bỗng nhiên có các giải thưởng hàng triệu đôla trong tay mình, sự cám dỗ ngày càng lớn.

Làm chừng một năm, Jacobson đã không thể kìm lòng tham, tuồn cho người anh cùng cha khác mẹ của mình tấm vé của trò “Monopoly” có trị giá 25 ngàn đôla. Tiếp đó là một tấm vé nữa chuyển cho người quen để đổi lấy 2 ngàn đôla. “Tôi đơn giản chỉ muốn chứng minh rằng, mình có khả năng làm điều gì đó đặc biệt. Hay có thể chỉ muốn khoe khoang. Tôi không thể hiểu được” – Jacobson đã lý giải cho hành vi phạm tội của mình sau đó.

Đến năm 1995, giới lãnh đạo Simon Marketing giao cho Jacobson nhiệm vụ phải theo dõi sao cho giải thưởng không vượt ra ngoài ranh giới nước Mỹ. Chẳng hạn nếu chiếc siêu máy tính chọn Canada, cần phải chạy lại chương trình cho tới khi rơi vào một thành phố của Mỹ. Jacobson hoàn toàn không thích điều này. Anh ta tự nhủ rằng, nếu công ty đã cố tình đánh lừa khách hàng, bản thân họ cũng đáng phải bị chơi xỏ lại.

Thế là nhân một chuyến công tác tới một nhà máy của McDonalds, anh ta lén nhân viên giám sát chui vào nhà vệ sinh, tráo đổi những chiếc vé trị giá cả triệu đôla bằng vé thường. Một chiếc vé như vậy được giấu trong két sắt, còn chiếc thứ hai được Jacobson cho vào phong bì không có địa chỉ gửi đi để chuyển tới một bệnh viện dành cho trẻ em tại bang Tenessy. Chẳng bao lâu trên báo chí xuất hiện thông tin về một nhà từ thiện bí ẩn đã gửi tiền trúng thưởng của McDonalds để chữa trị cho trẻ em khó khăn.

Mở rộng mạng lưới lừa đảo

Số phận đã đưa đẩy Jacobson tình cờ gặp gỡ một nhân vật đã cùng anh ta xây dựng cả một mạng lưới lừa đảo quy mô thực sự. Tại sân bay, anh ta ngồi cạnh một người đàn ông to béo đang chờ chuyến tới Atlantic-City, thành phố nổi danh với các sòng bạc. Nhân vật này – có tên là Jennaro Colombo – còn khoe hàng xấp tiền 100 đôla trong túi được chuẩn bị cho chuyến ghé thăm các sòng bạc. 

Jennaro Colombo xuất hiện trong quảng cáo của McDonalds trên tivi.

Colombo hóa ra có quan hệ với một trong 5 gia đình mafia đang kiểm soát hoạt động tội phạm có tổ chức tại New York. Hai bên rất nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Colombo trả tiền mặt để lấy vé trúng thưởng, sau đó không ngại chường mặt xuất hiện trong chương trình trao thưởng của Monopoly được quảng bá khắp nơi trên truyền hình.

Kiếm được kênh rửa tiền hiệu quả, mafia trong suốt nhiều năm đã bỏ tiền mua lại các vé trúng thưởng mà Jacobson lấy được, trước khi nhận lại tiền thưởng qua nhiều họ hàng và tay chân của mình. Ngoài việc nhận được tiền, Jacobson còn quen biết nhiều thành phần có uy tín trong giới tội phạm, thậm chí còn tự xưng tên mình theo kiểu Italia là GeraldoConstantino. Ngoài việc hợp tác với mafia, Jocobson cũng không quên ban ơn mưa móc cho họ hàng của mình: cho cậu cháu trai tấm vé 200 ngàn đôla, thêm 3 vé nữa cho người anh cùng cha khác mẹ và người họ hàng xa.

Năm 1998, đối tác Colombo bất ngờ thiệt mạng trong một vụ tai nạn (có giả thuyết là do mafia thủ tiêu), nhưng Jacobson không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các trợ thủ mới. Ban đầu, anh ta lôi kéo một thương gia từng làm quen tại London. Người này về phần mình lại giới thiệu Jacobson với Andrew Glombo, kẻ từ đầu những năm 1980 từng buôn cocaine từ Miami tới Dallas, trước khi bị sa lưới với mức án 12 năm tù. Glombo đã chạy sang châu Âu ẩn náu được hơn một năm rồi bị bắt giữ lại.

Ra tù không lâu, nhưng Glombo tỏ vẻ rất hào hứng với công việc mới, tìm kiếm và lôi kéo những người quen của mình để lấy tiền từ những tấm vé bị lấy cắp. Hậu quả là những giải thưởng lớn của McDonalds vào thời điểm đó có xác suất rất lớn rơi vào những thành phần kiểu như cựu tù nhân, tội phạm buôn ma túy hay những cá nhân có tư cách đáng ngờ khác. Cụ thể như vào năm 1999, McDonalds buộc phải trao giải một triệu đôla cho tay buôn ma túy từ Pittsburgh, kẻ từng thừa nhận đã tiêu thụ được 180 kilogram cocaine. Họ không thể làm gì hơn vì trong các quy định của Monopoly không có từ nào nói tới chuyện cocaine!

Có không ít người trúng giải Monopoly do Jacobson chọn lựa với lý do chính là họ quá nghèo khó. Điển hình là một người bạn được Jacobson tuyển mộ vào đường dây khi biết anh ta đặc biệt khó khăn. Là một tín đồ theo đạo Mormons, DwightBaker dường như không thể vượt qua một loạt những bất hạnh: ngập đầu trong nợ nần vì đầu tư sai lầm, mất nhà ở và tổn thương cột sống sau vụ tai nạn v.v… Jacobson muốn giúp đỡ bạn mình nên đưa ra tấm phiếu một triệu chỉ đổi lấy 100 ngàn đôla. Baker rất nhanh chóng bị thu hút vào đường dây này, tiếp tục tìm kiếm các họ hàng và bạn bè để đứng ra nhận giải thưởng của McDonalds.

Nguồn tin bí ẩn

Đến năm 2000, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhận được cú điện báo bất ngờ. Nhân vật nặc danh này cho biết, các giải thưởng Monopoly đang bị một kẻ trong nội bộ - thường được gọi là cậu Jerry – thao túng và điều khiển. Được giao nhiệm vụ thẩm tra thông tin này là thanh tra Richard Dent, người rất nhanh chóng nhận ra quy mô của vụ lừa đảo này với sự tham gia của hàng chục, nếu như không nói là hàng trăm tòng phạm. Những tên lừa đảo trong suốt nhiều năm đã bỏ túi hầu hết các giải thưởng lớn mà không hề bị nghi ngờ hay phát hiện. McDonalds được thông báo về vụ việc nhưng được yêu cầu tiếp tục tảng lờ để phục vụ điều tra. Từ thời điểm đó, mỗi một người trúng giải Monopoly đều được điều tra kỹ càng với sự tham gia của 25 thanh tra trên khắp cả nước.

Đến tháng 5-2001, Dent chú ý tới một điều bất thường khi có 3 người giành giải thưởng liền đều sống rất gần nhau, chỉ cách có vài dặm. Sai sót chết người vì bất cẩn của Baker đã nhanh chóng được FBI khoanh vùng. Chưa kể ngay ngôi nhà của giám đốc bộ phận an ninh của Simon Marketing cũng nằm cách đó không xa. Sau khi nhận được giấy phép nghe trộm những kẻ tình nghi, Dent đã yêu cầu McDonalds tạm giữ lại các giải thưởng. Việc trì hoãn bất ngờ này đã gây lo ngại cho Baker, họ hàng và người quen của anh ta, những người chưa nhận được giải thưởng như mong đợi. Họ gọi điện qua lại cho nhau, kể cả với Jacobson, bàn bạc nên làm gì tiếp theo. Tất nhiên là những nội dung điện đàm này đều bị FBI ghi lại để bổ sung vào hồ sơ điều tra.

Để hoàn tất việc điều tra chỉ cần bắt được nhân vật cuối cùng sở hữu chiếc vé bị đánh cắp trị giá cả triệu đôla. McDonalds tung ra một quảng cáo mới về giải thưởng trên thực tế không hề tồn tại. Cái bẫy được giăng lên đã nhanh chóng phát huy tác dụng. Một tay quản lý sòng bài tại Rhode Island đã liên hệ với McDonalds, khẳng định đang nắm trong tay chiếc vé trúng thưởng. Các nhân viên FBI nhanh chóng tới gặp anh ta với vai trò một nhóm quay phim để ghi lại thời điểm trao tấm séc biểu tượng trị giá một triệu đôla. Ngay trước máy quay, nhân vật này hào hứng kể về trường hợp trúng số của mình: anh ta ra bãi tắm, trót đánh rơi cuốn tạp chí xuống nước nên buộc phải mua lại cuốn khác, bên trong phần quảng cáo có tấm vé trúng thưởng.

Vài ngày sau, FBI tổ chức bắt giữ đồng thời Jacobson, Glombo, Baker cùng một loạt họ hàng và người quen của họ. Tính ra có hơn 50 bị cáo phải ra đứng trước tòa trong vụ án này. Jacobson trước nguy cơ phải nhận bản án tù lên tới 45 năm đã thú nhận tất cả và đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra. Nhờ đó, thủ phạm chính trong vụ án lừa đảo lớn này chỉ phải nhận bản án 3 năm tù cùng với mức đền bù thiệt hại 2,5 triệu đôla. Còn một vài tòng phạm khác bị kết án một năm tù, số còn lại hưởng án treo cùng các khoản tiền phạt. Baker cũng là nhân vật bị thiệt thòi nhất với việc bị loại khỏi giáo phái Mormons. Công ty Simon Marketing phải đóng cửa, còn Tổng giám đốc McDonalds buộc phải lên truyền hình đưa ra lời xin lỗi trước công chúng Mỹ.

Tên tuổi thực sự của nguồn tin đã giúp vạch trần Jacobson vẫn còn là một ẩn số. Bà vợ của Jennaro Colombo cho rằng, ai đó trong số họ hàng của chồng đã khai ra chuyện này. Cụ thể những người này cho rằng, trong cái chết của Colombo có một phần do lỗi của bà ta khi cố tìm cách đoạn tuyệt quan hệ với mafia. Họ quyết định phải tống bà vợ của Colombo vào tù do bà ta cũng dính dáng trực tiếp vào vụ lừa đảo. “Đó đơn giản chỉ là một hành động trả thù” – bà vợ góa của Colombo khẳng định như vậy với phóng viên The Daily Beast.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.