Vụ nổi loạn trên tàu Bounty: Những kẻ liều mạng

Thứ Bảy, 26/01/2019, 12:32
Ngày 28-4-1789, tàu Bounty của Hải quân Hoàng gia Anh khi đang trên đường vận chuyển cây bánh mì từ đảo Tahiti đến Caribean thì xảy ra một cuộc nổi loạn do hoa tiêu Fletcher Christian cầm đầu.

Nhóm nổi loạn bắt thuyền trưởng là Trung úy William Bligh cùng 18 sĩ quan, thủy thủ, nhà thực vật học, phải xuống một chiếc xuồng cứu sinh với số thực phẩm chỉ đủ cho 5 ngày. Mất gần 2 tháng lênh đênh trên biển, William Bligh cùng nhóm của ông mới được cứu thoát sau khi đã vượt qua  quãng đường dài 6.500km.

Đến nay, vụ nổi loạn tàu Bounty vẫn được các đại học hàng hải ở nước Anh nhắc đến trong giáo trình "điều hành và quản lý tàu buôn"...

Nguồn gốc vụ nổi loạn

Rời khỏi Anh Quốc ngày 28-10-1787, tàu Bounty với thuyền trưởng là Trung úy William Bligh cùng thủy thủ đoàn 46 người (trong đó có 2 nhà thực vật học), đến đảo Tahiti - thuộc địa của nước Anh -  lấy cây bánh mì về trồng trong các đồn điền ở vùng Caribean, làm thức ăn cho nô lệ.

Hạ thủy năm 1784, Bounty được đóng bằng gỗ với 3 cột buồm chính và 1 buồm lái. Tàu dài 28m, ngang 7,2m, tải trọng tối đa 230 tấn. Nó được vũ trang 4 khẩu đại bác bắn đạn bi, cỡ nòng 50mm, 10 đại bác 20mm cùng một số súng trường. Trước khi lên đường, hầu hết các cabin lớn trên tàu được cải tạo thành nhà kính, có khả năng chứa hơn 1.000 chậu trồng cây bánh mì và điều này đã khiến không gian sống của các thủy thủ trên tàu trở nên chật hẹp.

Trung úy William Bligh, thuyền trưởng tàu Bounty.

Theo kế hoạch, xuất phát từ Đại Tây Dương, tàu Bounty sẽ vào Thái Bình Dương rồi vòng qua mũi Horn để đến Nam Mỹ. Tại đảo Tahiti, với sự trợ giúp của thổ dân, thủy thủ đoàn thu thập cây bánh mì đưa vào trồng trong chậu. Khi đã đủ số lượng, nó sẽ đi về phía tây qua eo biển Endeavour rồi qua Ấn Độ Dương. Cuối cùng, nó vượt nam Đại Tây Dương và cập bến Caribean, nơi có các đồn điền của người Anh sử dụng hơn 25.000 nô lệ.

Ngay khi tàu Bounty cập bến Tahiti, hành động đầu tiên của thuyền trưởng Bligh là ra mắt Tynah, người lãnh đạo thổ dân trên đảo. Với những món quà tặng như gương soi, chỉ ngũ sắc, dao găm, đá lửa, Bligh thông báo với chúa đảo Tynah rằng vua George của nước Anh chỉ muốn xin một ít cây bánh mì. Đây là loại cây có quả nặng từ 200gam đến 20kg, phần lớn chứa tinh bột, mỗi năm có thể thu hoạch 3 lần. Khi nướng lên nó có mùi vị hơi giống bánh mì, là thức ăn phổ biến của thổ dân các đảo nam Thái Bình Dương.

Được Tynah vui vẻ đồng ý, thuyền trưởng Bligh giao cho hoa tiêu Fletcher Christian liên hệ với thổ dân để thu thập cây giống. Việc thu thập kéo dài suốt 5 tháng nên đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Một số thủy thủ lén lút quan hệ với các phụ nữ thổ dân Polynesia và hệ quả là 18 người mang bầu. Riêng hoa tiêu Fletcher Christian, anh ta sống như vợ chồng với một cô gái Polynesia tên là Mauatua.

Đến giữa tháng thứ 5 kể từ khi tàu Bounty cập bến Tahiti, nhiều phụ nữ vác cái bụng bầu tìm gặp thuyền trưởng Bligh, đòi cho "chồng" họ ở lại. Để duy trì kỷ luật, Bligh đã áp dụng những biện pháp khắc nghiệt. Tất cả những người dính đến "gái" đều bị treo lên cột buồm và bị đánh roi, đồng thời cấm lên bờ cho tới khi tàu rời bến. Trong nhật ký hải hành, Bligh viết: "Những con người vô dụng ấy không xứng đáng có một chỗ đứng trên chiếc tàu này".

Ngày 24-3-1789, chiếc Bounty nhổ neo. Do phần lớn diện tích trên tàu đã chất đầy những chậu trồng cây bánh mì nên Bligh phải sắp xếp lại chỗ ở. Với cương vị thuyền trưởng, Bligh chiếm cabin lớn nhất, sát với phòng ăn bên mạn phải. Thuyền phó Fowder được một cabin nhỏ hơn, phía đối diện.

Ở tầng dưới, 2 nhà thực vật học và 6 sĩ quan, mỗi người một cabin còn thủy thủ đoàn, Bligh nhét họ vào chung một phòng không có cửa sổ, dài 11m, ngang 6,7m. Chưa hết, khi tàu Bounty đã ra khơi, Bligh áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt trong sinh hoạt. Mỗi thủy thủ phải làm việc 8 tiếng, nghỉ ngơi 4 tiếng rồi lại tiếp tục làm việc 8 tiếng. Riêng hoa tiêu Fletcher Christian, anh ta liên tục hứng chịu những cơn thịnh nộ của Bligh vì Bligh cho rằng Christian là nguồn gốc của mọi rắc rối.

Diễn tiến vụ nổi loạn

Ngày 22-4-1789, tàu Bounty vào đảo Nomuka để lấy thêm nước ngọt và lương thực trước khi vượt qua eo biển Endeavour. Lúc tàu cập cảng, thuyền trưởng Bligh yêu cầu hoa tiêu Christian và các thủy thủ phải tưới cho hơn 1.000 cây bánh mì. Sau hơn 6 tiếng, việc mua lương thực hoàn tất, Bligh trở lại tàu thì thấy Christian vẫn chưa tưới xong. Giận dữ, Bligh chửi Christian: "Một kẻ bất lương, hèn nhát và lười biếng". Đã thế, khi Bligh ra lệnh cuốn neo, chuẩn bị khởi hành thì mới hay chiếc mỏ neo phụ đã bị ai đó lấy mất.

Tranh vẽ mô tả chúa đảo Tynah tặng cây bánh mì cho thuyền trưởng Bligh.

Để tìm chiếc mỏ neo, thuyền trưởng Bligh cùng 6 sĩ quan xách súng lên bờ, tập trung những người đứng đầu thổ dân trên đảo, dọa bắn nếu họ không khai kẻ ăn cắp. Sau nhiều giờ, việc dọa dẫm không kết quả nên Bligh đành phải ra đi trong tức giận. Thủy thủ Adams, người duy nhất còn sống trong vụ nổi loạn sau này cho biết: "Bligh nghi ngờ Christian đã lén lút cho thổ dân cái mỏ neo phụ để tàu Bounty phải quay lại Tahiti tìm mỏ neo khác, và anh ta sẽ gặp lại "vợ".

Năm ngày sau đó, một lần nữa số phận nghiệt ngã lại đổ lên đầu hoa tiêu Christian. Bị thuyền trưởng Bligh buộc tội là đã lấy trộm mấy quả dừa trong cabin của mình, Bligh phạt Christian bằng cách cắt khẩu phần rượu rum, thức ăn hàng ngày giảm một nửa.

Không chịu đựng nổi, Christan nảy ra ý định đánh cắp một chiếc xuồng cứu sinh, quay lại đảo Tahiti với "vợ" anh ta. Nhưng khi đem việc này ra bàn với 3 thủy thủ thân tín là Purcell, Stewart và Young thì cả ba cho rằng nên rủ thêm những thủy thủ khác cùng nổi loạn, bắt giam thuyền trưởng Bligh cùng các sĩ quan rồi chiếm tàu. Theo lời Young, sự căm phẫn vì thái độ tàn ác của thuyền trưởng Bligh đã lên đến đỉnh điểm. Nếu Christian nổi loạn, Young bảo đảm sẽ có sự ủng hộ của tất cả mọi người.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 28-4-1789, tàu Bounty khi ấy cách phía nam đảo Tofua  khoảng 30 hải lý, Christian sau nhiều tiếng đồng hồ trằn trọc, đã quyết định hành động. Trước đó, qua Young và Stewart, Christian biết tất cả 23 thủy thủ sẽ sẵn sàng ủng hộ anh ta. Theo lời các nhân chứng có mặt trên tàu thì vào lúc 4 giờ 30 sáng, Christan cùng nhóm nổi loạn nhanh chóng khống chế 6 sĩ quan ngủ trong các cabin. Tất cả những người này đều được lệnh: "Phải câm mồm. Tàu Bounty là tài sản của nước Anh, còn sinh mạng là của quý ngài".

Tranh vẽ mô tả Christian ra lệnh cho các thủy thủ ném cây bánh mì xuống biển.

5 giờ sáng, Christian cùng 10 thủy thủ xuống hầm tàu. Tại đó, thủy thủ Hallett, người giữ kho súng nhanh chóng mở mấy chiếc thùng chứa súng trường, phân phát cho nhóm nổi loạn mỗi người một khẩu. Tiếp theo, cả nhóm tiến đến cabin thuyền trưởng Bligh. Nghe tiếng gõ cửa, Bligh vừa bươc ra thì bị Christian và Young túm lấy, trói giật cánh khuỷu. Bligh hét lớn: "Cứu tôi" nhưng Christian đã nhanh tay bịt miệng Bligh. Tiếng hét của Bligh đánh thức thuyền phó Fowder và trong khi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Fowder đã bị một họng súng gí sát vào đầu: "Hoặc là nằm xuống và câm họng, hoặc là chết".

6 giờ sáng, thuyền trưởng Bligh bị giải lên boong cùng 16 sĩ quan, thủy thủ và 2 nhà thực vật học. Bligh liên tục la hét, kêu gọi các thủy thủ tham gia nổi loạn hãy nhanh chóng buông súng, bắt giữ Christian nhưng nhóm nổi loạn đáp lại bằng nụ cười chế nhạo. Theo thuyền phó Fowder, Christian đã chỉ tay vào mặt thuyền trưởng Bligh và nói rằng: "Trong suốt nhiều tuần qua, tôi đã ở dưới địa ngục. Bây giờ, tôi trả địa ngục lại cho ông".

9 giờ sáng, Christian ra lệnh chuẩn bị hạ thủy một xuồng cứu sinh dài 7m, có  một cánh buồm nhỏ rồi bảo 25 thành viên trong nhóm nổi loạn chất nước uống, lương thực đủ dùng trong 5 ngày cùng một số vật dụng khác lên xuồng. Đến 11 giờ, khi 19 người - trong đó có cả thuyền trưởng Bligh và thuyền phó Fowder đã ngồi hết trên xuồng, Christian ra lệnh cắt dây. Trước lúc chiếc xuồng rơi xuống mặt biển từ độ cao 2,5m, thuyền trưởng Bligh hét lớn: "Các người hãy nhớ lấy. Công lý sẽ được thực thi khi tôi về đến nước Anh".

Những tháng ngày trôi dạt

Chòng chành vài giây sau cú va chạm với mặt nước biển, chiếc xuồng cứu sinh lấy lại thăng bằng, thuyền trưởng Bligh ra lệnh giương buồm, nhắm hướng đảo Tofua đi tới. Vật chuẩn định hướng cho họ là làn khói bốc lên từ một ngọn núi lửa trên đảo, hiện rõ nơi đường chân trời.

Tranh vẽ mô tả thuyền trưởng Bligh cùng 18 người phải xuống xuồng cứu sinh.

Bligh hy vọng sẽ có thêm nước ngọt và thức ăn từ đảo Tofua để có thể đến đảo Tongatapu gần đó, tìm sự giúp đỡ của chúa đảo Poulaho, người mà Bligh đã từng quen biết trong một lần ghé qua. Theo tính toán của Bligh, ông sẽ nhờ chúa đảo Poulaho cung cấp cho ông một chiếc thuyền đủ lớn cùng lương thực, nước uống để đến Đông Ấn, thuộc địa của Hà Lan.

Tuy nhiên, 2 ngày khi cập đảo Tofua, Bligh nhận thấy thổ dân trên đảo muốn giết tất cả để cướp xuồng. Vì thế, sau bữa ăn trưa, Bilgh bí mật ra lệnh rút lui. Đoán được ý định, hơn chục thổ dân từ trong khu rừng gần đó lao ra giữ chặt sợi dây neo. John Norton, một thành viên trong nhóm Bligh nhảy xuống nước, rút con dao găm cắt đứt dây nhưng lại không kịp leo lên xuồng vì ngay khi sợi dây vừa đứt, những người trên xuồng đã ra sức chèo thật nhanh. John Norton bị thổ dân trói lại rồi ném đá cho đến chết.

Vụ việc xảy ra tại đảo Tofua đã khiến Bligh cùng những người trên xuồng  cân nhắc có nên ghé đảo Tongatapu hay không. Cuối cùng, họ nhận định rằng nếu ghé đảo bằng con tàu lớn - như tàu Bounty chẳng hạn thì họ sẽ được an toàn vì trên tàu có súng đại bác. Nhưng nếu ghé bằng chiếc xuồng cứu sinh thì tình hình có thể sẽ khác, may ít rủi nhiều. Vì vậy, thuyền trưởng Bligh quyết định đi thẳng đến khu định cư Coupang của người Hà Lan ở đảo Timor (nay thuộc Indonesia), đường dài 3.500 hải lý (6.500km). Tính toán lại số thực phẩm trên xuồng, Bligh ra lệnh mỗi người mỗi ngày chỉ được phát 30gam bánh mì và 1/4 lít nước cùng với số cá câu được cho đến khi tìm ra nguồn thực phẩm bổ sung.

Ngay khi ra khơi, chiếc xuồng đã phải hứng chịu mấy cơn bão lớn nhưng nhờ vậy, họ có thêm nước mưa. Lúc đi ngang quần đảo Fiji, tất cả đều không dám ghé vì nơi đây có những bộ lạc ăn thịt người. Đến ngày 28-5, họ tiến vào rạn san hô Great Barrier Reef và cuối buổi chiều, nhóm của Bligh đặt chân lên một hòn đảo mà Bligh đặt tên cho nó là Đảo Hồi sinh. Trong 4 ngày tiếp theo, họ được thổ dân cho ăn uống và cung cấp thêm nhiều loại lương thực cần thiết...

Vũ Cao (theo History)
.
.