Vụ trao đổi gián điệp: Tính thực dụng mới trong quan hệ Nga - Mỹ

Thứ Hai, 19/07/2010, 22:55
Vụ án gián điệp Mỹ - Nga gây xôn xao dư luận quốc tế đã kết thúc ngày 9/7 vừa qua với cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Mỹ đổi 10 điệp viên Nga bị bắt hồi tháng trước để lấy 4 công dân Nga đang thụ án tù vì tội làm gián điệp cho phương Tây.

Nhiều nhà phân tích nhìn nhận tính thực dụng mới trong quan hệ Nga - Mỹ. Việc nhanh chóng, dễ dàng giải quyết các vấn đề hóc búa về gián điệp vừa rồi cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hiện tại của 2 quốc gia này.

Theo Hãng Thông tấn AFP, hôm 9/7, 2 chiếc máy bay của Nga và Mỹ đã rời khỏi sân bay Vienna (Áo).

Trước hết là chuyến chuyên cơ của Nga chở 10 nhân viên tình báo đã bị Mỹ trục xuất đêm 8/7 về Moskva. Chiếc máy bay này đã cất cánh khỏi sân bay quốc tế Vienna vào lúc 10h30’ sáng, giờ GMT.

Khoảng 15 phút sau đến lượt một chiếc máy bay của Mỹ lên đường để bay về New York. Trong chuyến bay này có 4 hành khách người Nga, và 3 trên tổng số 4 người này đã bị chính quyền Moskva kết án nhiều năm tù vì tội làm gián điệp cho phương Tây. Như vậy theo AFP, phía Mỹ đã trao lại cho Nga 10 nhân viên tình báo của Nga để đổi lấy 4 điệp viên làm việc cho Mỹ.

Trước đó, vào lúc 9h30’ sáng giờ GMT, một chiếc máy bay của Mỹ đã đậu sát chuyên cơ của Nga. Tiếp theo đó là một vụ trao đổi điệp viên giống y như những gì từng diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh hay ở vào những năm 90 thế kỷ trước.

Vụ việc gây căng thẳng trong quan hệ Moskva - Washington trong những ngày gần đây coi như đã được đóng lại. Tại thủ đô nước Nga, điện Kremlin cuối cùng đã xác định tin đồn trao đổi nhân viên tình báo với Mỹ.

Tổng thống Dmitri Medvedev đã ân xá cho 4 người. Đó là những người đã bị kết án tù với tội danh hoạt động gián điệp chống lại nước Nga. Họ sẽ được trao đổi với những điệp viên bị kết án tại Mỹ.

4 tù nhân được ân xá là: Igor Sutyagin, chuyên gia vũ khí hạt nhân Nga, bị kết án 15 năm tù vào tháng 4/2004 vì cung cấp bí mật quốc gia cho tình báo quân sự Mỹ; Sergei Skripal, cựu đại tá Nga, bị kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì làm gián điệp cho Anh; Gennady Vasilenko, cựu điệp viên KGB, bị bắt năm 1998; Alexander Zaporozhsky, cựu đại  tá của SVR, bị kết án 18 năm tù vào năm 2003 vì tội làm gián điệp cho Mỹ. Liên quan đến 10 người bị trục xuất khỏi Mỹ, họ đã về đến Moskva trong ngày 9/7.

Trước đó, đại diện ngoại giao Nga tại Mỹ đã đến thăm nhóm người này để chuẩn bị cho họ hồi hương, đặc biệt là trường hợp Viky Pelaez. Bà là người Mỹ gốc Peru. Đây là người duy nhất không phải là công dân Nga trong số những người bị trục xuất. Chính quyền Nga đã hứa cấp cho bà một căn hộ, visa nhập cảnh cho con cái và 2.000USD mỗi tháng.

Sở dĩ Vienna được chọn là nơi diễn ra vụ trao đổi gián điệp Nga-Mỹ cũng có lý do riêng. Nổi tiếng là "thủ đô gián điệp" tại châu Âu, Vienna hiện vẫn còn 2.000-3.000 điệp viên hoạt động. Trong Thế chiến II, quân Đức chiếm đóng thành phố này và từ đây thu thập thông tin tình báo về Nam và Đông Âu. Sau năm 1945, Vienna bị chia làm 4 phần và các cơ quan tình báo nước ngoài giành giật ảnh hưởng cũng như thông tin với nhau quyết liệt, chủ yếu là giữa CIA và KGB. Khi Áo tuyên bố trở thành nước trung lập vào năm 1955, nhiều nước rút điệp viên về nhưng vẫn gài một số ở lại.

Trong lịch sử đổi gián điệp giữa Nga và phương Tây có rất nhiều vụ nổi tiếng, chẳng hạn ngày 10/2/1962, Francis Gary Powers (phi công Mỹ) và Rudolf Ivanovich Abel (tình báo Liên Xô ở Mỹ) được trao đổi bí mật ở biên giới giữa Đông và Tây Đức; ngày 11/10/1963, 2 người Mỹ Marvin William Makinen và Walter M. Ciszek được trao đổi với vợ chồng điệp viên người Nga Ivan D. Egorov và Alexsandra.

Ngày 22/4/1964, Greville Maynard Wynne, người Anh, được trao đổi với Konon Trofimovich Molody, sĩ quan Nga; ngày 27/4/1979, Liên Xô thả 5 tù nhân Mỹ để đổi lấy 2 điệp viên Valdik A. Enger và Rudolf P. Chernyayev; ngày 11/6/1985, Mỹ và khối Đông Âu trao đổi 29 người bị buộc tội làm gián điệp; tháng 9/1986, nhà báo Mỹ Nicholas Daniloff và Gennady Zakharov, người Liên Xô bị buộc tội làm gián điệp, được trao đổi.

Sau khi việc trao đổi gián điệp vừa qua thành công, giờ đây báo chí mới có thêm bằng chứng để khẳng định việc Tổng thống Mỹ Obama đã biết vụ bắt giữ ổ điệp viên của Nga trước cả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga Medvedev.

Ngày 11/7, Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của một quan chức giấu tên của Nhà Trắng cho biết, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu xem xét tới việc thực hiện một cuộc trao đổi gián điệp từ ngày 11/6, khá lâu trước khi 10 gián điệp Nga bị bắt và trước cả chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Nga Medvedev.

Theo AFP, một tuần sau, ông Obama chủ trì cuộc họp tại Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận các bước tiếp theo.

Ý tưởng trao đổi điệp viên khởi nguồn từ các quan chức trong Hội đồng An ninh từ trước khi tiến hành bắt giữ các điệp viên. Những điệp viên của Nga chưa bao giờ xâm nhập được vào Chính phủ Mỹ, nên chính quyền Washington có thể sẽ có lợi hơn nếu dùng để đổi người thay vì bỏ tù họ nhiều năm. Tổng thống Obama đã chấp thuận.

13 ngày sau, Tổng thống Obama gặp Tổng thống Medvedev tại Nhà Trắng lần đầu tiên. Chuyến thăm thành công tốt đẹp và không hề có dấu hiệu gì về vụ bê bối gián điệp. Tuy vậy, việc bắt giữ vẫn được tiến hành 3 ngày sau đó.

Theo báo Wall Street Journal, vụ trao đổi đã được tiến hành ở cấp cao nhất giữa lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ và Nga.

Hai chiếc máy bay đã đến thủ đô nước Áo cách nhau vài phút và đậu cạnh nhau trong lúc diễn ra vụ trao đổi.

"Ngay sau khi Mỹ bắt giữ điệp viên Nga ngày 27/6, Giám đốc CIA Leon Panetta đã cung cấp cho Mikhail Fradkov - Giám đốc Tình báo của Nga - tên của 4 tù nhân đang bị giữ ở Nga mà Mỹ muốn trao đổi. Thương lượng nhanh chóng hoàn tất vào ngày 4/7 sau 3 cuộc điện thoại giữa hai bên"- Wall Street Journal cho biết.

Sau đó là chuyện thủ tục hành chính. Nga yêu cầu có bản nhận tội có chữ ký từ 4 điệp viên phương Tây đang bị giam giữ để Tổng thống Medvedev có thể ký lệnh ân xá. Còn phía Mỹ lập tòa án, nhanh chóng quyết định trục xuất điệp viên Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Washington được đáp ứng mọi yêu cầu.

Trong quan hệ với Mỹ, chính quyền Nga vui mừng là hồ sơ này kết thúc. Người ta nói rằng việc 2 nước có mức độ tin tưởng nhau cao đã giúp đạt được thỏa thuận giải quyết vụ việc.

Về phía Mỹ, để làm dịu Nga và để tranh thủ sự ủng hộ của Nga trong cuộc chiến ở Afghanistan và vấn đề hạt nhân Iran, Washington đã nhượng bộ Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa và việc mở rộng NATO về phía đông.

Mỹ cũng giữ khoảng cách với Gruzia, nhất là sau khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008. Về phía Nga, Điện Kremlin xích lại gần hơn với lập trường của Mỹ về Iran và cũng đã tái ký với Mỹ thỏa thuận giải giáp vũ khí chiến lược.

Tuy vậy, giới quan sát cho rằng việc đó không có nghĩa là tất cả các vấn đề đã được giải quyết. 20 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga và Mỹ vẫn đối mặt với vấn đề hạt nhân.

Nga luôn xem việc mở rộng khối NATO về phía đông của Mỹ là yếu tố nguy hại cho khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga. Còn Mỹ thì lo ngại về vũ khí hạt nhân mà Nga nắm trong tay.

Do vậy, mặc dù vụ trao đổi gián điệp trên được coi là một bước tiến quan trọng thể hiện sự tin tưởng ngày càng lớn giữa hai cựu thù Chiến tranh lạnh, nhưng theo các nhà phân tích, Moskva và Washington còn chưa đạt tới được giai đoạn ngọt ngào của tuần trăng mật

Đan Kô (tổng hợp)
.
.