Vụ trộm báu vật ở Bảo tàng Khuất Nguyên
Đền Khuất Nguyên nằm ở thị trấn Quý Châu, huyện Tỷ Quy, thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc được hoàn thành vào năm 1979 và mở cửa cho công chúng vào xem một năm sau đó. Nhà tưởng niệm có hai tầng, tầng 1 là nhà tưởng niệm, tầng 2 để trưng bày các di tích văn hóa khai quật được ở địa phương. Đền Khuất Nguyên có một lịch sử rất lâu đời, được xây dựng vào năm thứ 15 Đường Nguyên Hòa (năm 820) và được đổi tên thành đền Thanh Liệt Công vào thời Bắc Tống.
Ngôi đền được sửa chữa nhiều lần qua các triều đại nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh, và được bảo tồn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ngôi đền Khuất Nguyên bây giờ không phải là địa điểm ban đầu. Khi dự án đập thủy điện Cát Châu được xây dựng vào năm 1978, nó được chuyển đến vị trí hiện tại và được xây dựng lại đúng như hình dáng ban đầu.
Các di vật văn hóa trong bộ sưu tập của ngôi đền rất nhiều và không ít cổ vật có giá trị lớn. Các cổ vật từ thời đại đồ đá mới đến thời nhà Thanh tổng cộng có hơn 1.000 di tích, trong đó có hơn 800 di tích cổ được khai quật là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu văn hóa Chu và là nơi học tập của các học giả về văn hóa Chu.
Trong phòng trưng bày rất nhiều báu vật, chẳng hạn như thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn là bảo vật quốc gia. Thanh kiếm này khai quật được vào năm 1980, kiếm bằng đồng nhưng lưỡi kiếm còn rất sắc, ngày nay khó có thể bắt chước được tay nghề thủ công của nó, ở gần lưỡi kiếm có khắc hai dòng chữ: Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Kiếm (Kiếm Việt Vương Câu Tiễn tự chế để dùng) gồm 8 ký tự, rất rõ ràng và rất đẹp.
Chiếc đỉnh đồng bị trộm đem bán đấu giá ở Mỹ. |
Trong bộ sưu tập của đền Khuất Nguyên thì những bộ phận tinh hoa nhất chủ yếu là đồ đồng chẳng hạn như chuông, vạc, đỉnh, gươm và giáo thời Chiến Quốc. Đây là những di tích văn hóa đã bị đánh cắp vào đêm 5 tháng 6 năm 1988. Thời gian này có 412 di vật văn hóa được trưng bày ở trên tầng hai của ngôi đền.
Bọn tội phạm sử dụng công cụ bình thường để thực hiện vụ trộm, đó là dùng thang để trèo lên cửa sổ tầng 2 ở phía Bắc rồi cạy cửa chui vào. Sau khi vào được phòng triển lãm, bọn trộm dùng kìm, xà beng và dao cạy tủ trưng bày. Đầu tiên chúng cạy tủ trưng bày số 3 lấy thanh kiếm đồng, sau đó cạy tủ trưng bày số 4 lấy một số cổ vật bằng đồng quý giá.
Theo phân tích của cảnh sát khi tiến hành điều tra họ thấy dưới sàn nhà cạnh tủ số 4 có mũi kiếm để trong tủ số 3 bị gãy. Vụ trộm này bọn trộm đã lấy đi 9 di vật bằng đồng gồm 1 thanh kiếm, 2 cái đỉnh, 3 quả chuông, 3 cái bình, trong đó có chiếc đỉnh hoa văn rồng được khai quật từ Lăng mộ số 1 thời Chiến Quốc ở Khuất Gia Bình vào ngày 30 tháng 10 năm 1974 thuộc loại văn vật cấp 2, cấp quốc gia, loại đỉnh này ở thời điểm đó toàn Trung Quốc chỉ có hai cái, một cái ở Tùy Châu và một cái ở đền Khuất Nguyên.
Bọn trộm hành động rất táo bạo nhưng lại không cẩn thận nên để lại dấu giày và nhiều đồ vật ở hiện trường. Cảnh sát cho rằng vụ án được thực hiện bởi một nhóm từ hai người trở lên, thời điểm gây án vào khoảng 4 giờ sáng, lúc mà người ta buồn ngủ nhất. Bọn trộm đã khá quen thuộc với ngôi đền và khu vực xung quanh.
Cảnh sát phân tích rằng đây là bọn trộm cắp chuyên nghiệp đã lên kế hoạch gây án từ lâu và nhiều khả năng đó là người địa phương. Cảnh sát đã tiến hành thẩm vấn những người đã ở đây 3 ngày trước khi vụ án xảy ra và toàn bộ nhân viên của ngôi đền cũng như hơn một chục người là công nhân đang làm việc ở đây, thậm chí cả dân làng xung quanh bảo tàng cũng được thẩm vấn nhưng không tìm thấy manh mối khả nghi nào.
Mấy hôm sau một thuyền nhân đến báo tin là rạng sáng ngày xảy ra vụ án có hai người gọi ông ta chở họ đến đập Cát Châu. Cả hai nói tiếng địa phương Kinh Châu, một người béo thấp và một người cao gầy, người cao khoảng 1,7m chừng 30 tuổi, đeo một chiếc ba lô to và nặng.
Phía trước đền Khuất Nguyên là bức tượng mô tả ông. |
Manh mối phá án đã xuất hiện, cảnh sát lập tức đến kiểm tra dấu chân trên thuyền và thấy rằng nó hoàn toàn giống với dấu chân bọn trộm để lại hiện trường. Từ đây có thể khẳng định rằng trộm đã trốn bằng đường thủy qua đập thủy điện Cát Châu nhưng cảnh sát đã theo dõi con đường này hơn mười ngày mà không tìm thấy tung tích gì.
Vụ trộm ở đền Khuất Nguyên là một vụ trộm di tích văn hóa rất nghiêm trọng, công an tỉnh Hồ Bắc đã thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra vụ án. Trước tình hình này, tỉnh yêu cầu công an tăng cường công tác an ninh ở các khu di tích, tụ điểm văn hóa và tăng cường công tác chống buôn lậu di tích văn hóa.
Trong thời gian hoạt động này, bảy băng nhóm buôn lậu di tích văn hóa đã bị phát hiện cùng và 21 tên buôn lậu di tích văn hóa thời Chu đã bị bắt giữ nhưng không phát hiện được tên tội phạm nào liên quan đến vụ trộm ở đền Khuất Nguyên. Qua điều tra cảnh sát đã phát hiện được một viên pin Vạn Quang ở trên chiếc thuyền, vụ án lại có thêm một manh mối.
Viên pin này được sản xuất ở huyện Vạn tỉnh Tứ Xuyên và được người dân địa phương sử dụng rất nhiều. Cảnh sát đoán rằng hai tên trộm này là người huyện Vạn hoặc đã từng gây án ở đó. Cảnh sát lập tức đến huyện Vạn điều tra, quả nhiên là vào ngày mùng 5 tháng 3, một vụ trộm cắp di tích văn hóa đã xảy ra ở đền Trương Phi thôn Vân Dương chỉ cách huyện Vạn chưa đến 10 km. Trong vụ trộm này bọn trộm đã lấy đi một chiếc chuông đồng và một chiếc gương đồng thời Chiến Quốc.
Nhìn vào hồ sơ vụ án ở đền Trương Phi thấy rằng ngay cả phương thức phạm tội cũng giống hệt vụ trộm ở đền Khuất Nguyên: Bọn trộm dùng thang trèo lên tầng 2 phá cửa sổ chui vào lấy đồ vật rồi tẩu thoát bằng đường thủy. Vụ án này cảnh sát huyện Vạn vẫn chưa phá được và không ngờ hai tháng sau cảnh này lại được dàn dựng tại đền Khuất Nguyên.
Vụ án không được phá nhưng di tích văn hóa bị đánh cắp lại hé lộ: Thông tin từ nước ngoài báo về là vào ngày 29 tháng 11 năm 1988, chiếc đỉnh bằng đồng có văn hoa rồng bị đánh cắp ở đền Khuất Nguyên sẽ được bán đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby ở Hoa Kỳ. Các di vật văn hóa bị đánh cắp đã rời khỏi đất nước nhanh như vậy và chúng lại được bán đấu giá công khai, vấn đề trở nên lớn hơn và càng phức tạp hơn.
Áp lực đối với cảnh sát Hồ Bắc đã đột nhiên tăng lên nhưng may mắn thay, trước khi biết được tin tức về cuộc đấu giá ở Mỹ thì cảnh sát Hồ Bắc từ manh mối quan trọng đã bắt được một nghi phạm trong vụ án này!
Cảnh sát phát hiện một người họ Lý bỗng nhiên giàu lên nhanh chóng. Lý là một người dân ở huyện Tỷ Quy, trong nhà có một chiếc tivi lớn và một chiếc tủ lạnh đời mới đắt tiền, đây là những đồ dùng thông thường ngày nay nhưng đối với những gia đình thuộc tầng lớp lao động thời đó thì là điều không thể. Khi tiến hành điều tra thêm cảnh sát phát hiện người họ Lý đã phải ngồi tù 3 năm vì tội trộm cắp, gần nhà anh ta, trinh sát tìm thấy một chiếc cờ lê cũ. Sau khi lấy dấu vân tay trên chiếc cờ lê do người họ Lý để lại, cảnh sát đã khẳng định tên kẻ trộm đầu tiên trọng vụ án đã lộ diện! Khi bị bắt Lý đã khai nhận tất cả về vụ trộm cắp ở đền Khuất Nguyên cùng một đồng phạm họ Lật. Vụ án đã hoàn toàn rõ ràng nhưng tên đồng phạm họ Lật ở đâu?
Thật trùng hợp, hóa ra tên họ Lật đã bị cảnh sát huyện Giám Lợi bắt được trong một vụ án khác nhưng hắn không khai gì về vụ trộm ở đền Khuất Nguyên. Khi được xem ảnh Lý và Lật người chủ thuyền báo manh mối lúc đầu xác định rằng hai người thuê thuyền vào rạng sáng ngày xảy ra vụ trộm tại đền Khuất Nguyên chính là hai tên này.
Bên trong đền Khuất Nguyên. |
Lật là thủ phạm chính, nguyên là khi Lật nghe nói có một thôn ở Hàm Dương, Thiểm Tây dựa vào việc đào trộm mộ cổ lấy cổ vật bán đi nên nhà nhà phát tài. Thời đó, trong xã hội lưu truyền rằng, muốn giàu có đi đào trộm mộ, làm giàu chỉ trong một đêm.
Hồ Bắc thuộc đất nhà Tần, Chu và cũng là tỉnh có nhiều di tích văn hóa dưới lòng đất, gần nhà Lật có rất nhiều ngôi mộ cổ nhưng Lật không biết đào trộm mộ. Đào trộm mộ cũng cần nhiều dụng cụ, phải mua mất khá nhiều tiền mà đào trộm mộ rất mệt, lúc được lúc không nhưng lại muốn làm giàu vậy đi trộm của báu ở bảo tàng vẫn dễ hơn!
Lật tìm gặp người bạn của mình là Lý và nói về con đường làm giàu của mình, Lý cũng đang muốn làm giàu nhưng chưa có cửa. Hai tên ý hợp tâm đầu cùng nhau đến Bạch Thành Đế để tìm đường và liên hệ trước với những người buôn lậu đồ cổ. Bọn chúng khai rằng ngày 31 tháng 5 năm 1988, hai tên ngồi thuyền đến Tỷ Quy thì xuống, mục tiêu của bọn chúng là đền Khuất Nguyên nên đến đó để thăm dò tình hình rồi sau đó lại trở về.
Ngày 4 tháng 6 bọn chúng mua vé đi Tỷ Quy mang theo cờ lê, đèn pin, tua vít, dao găm, dao cắt kính... Khi đến Tỷ Quy thì đã nửa đêm, sự việc không thể chậm trễ, ngay trong đêm hôm đó bọn chúng hành động. Khi vào đền thấy có trực ban, bọn chúng vòng qua phòng trực ban lên tầng 2 cạy cửa nhưng không cạy được. Khi đến thăm dò bọn chúng biết ở sân phía Tây có một cái thang và bọn chúng dùng chiếc thang này leo lên cửa sổ tầng 2 cắt kính chui vào.
Lật đứng dưới làm nhiệm vụ canh chừng còn Lý mang đồ nghề vào phòng cạy tủ số 3 và số 4 lấy 9 thứ đồ đồng. Nhưng khi cạy tủ số 4 bằng thanh kiếm đồng đầu thanh kiếm bị gãy và rơi xuống đất tạo ra một tiếng động lớn làm hắn hoảng sợ nên hắn vội vàng xách túi trở ra theo đường cũ. Khi ra đến bờ sông cái túi rất nặng, chúng giấu cái bình đồng vào trong khe đá ngụy trang lại để sau này đến lấy, về đến nhà Lật giấu bớt một số thứ ở nhà bố vợ.
Sau này, bọn chúng bán chiếc đỉnh bằng đồng cho một người ở Quảng Châu được 38.000 nhân dân tệ. Trong vòng mấy ngày, chiếc đỉnh đồng đã được bọn buôn lậu mang đến Hong Kong rồi sau đó được bán cho người Mỹ và nhanh chóng trở thành vật bán đấu giá. Tất nhiên, chiếc đỉnh đồng của đền Khuất Nguyên bị đánh cắp xuất hiện trong nhà đấu giá Mỹ đã được thu hồi về Trung Quốc.
Trong vụ án này tên Lật thủ phạm chính đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hồ Bắc kết án tử hình và thi hành án ngay lập tức, còn tên Lý bị kết án tù chung thân.