Vượt qua tăm tối

Thứ Sáu, 01/01/2010, 05:50
Ở tuổi 26, Nguyễn Thế Sơn đã qua 2 lần tù tội, cai nghiện rồi lại cai nghiện, những tưởng cuộc đời Sơn sẽ mãi chìm trong bóng tối của ma túy, tù tội. Sơn hiểu, anh sẽ không bao giờ tồn tại, nếu không là người quyết chí. Sơn tự xích mình vào chân giường để cai nghiện, bỏ quê vào TP HCM để xa lánh những người bạn tù và quá khứ tối tăm…

Giờ, Sơn ngồi trước mặt tôi, vẫn gương mặt phong trần nhưng lịch lãm với veston đen, áo trắng, cavat đỏ. Nguyễn Thế Sơn của tuổi 37 đang điều hành một công ty du lịch tại TP HCM.

Tù tội và ma túy

Tôi bắt đầu biết đến Sơn khi đọc một câu chuyện rất xúc động về một thanh niên tự xích chân mình vào chân giường,  tự giam mình để cai nghiện, câu chuyện được đăng trên chuyên mục "Chuyện đời tự kể" của một tờ báo. Nếu gặp Sơn bây giờ, không nghe chính miệng anh kể, hẳn sẽ chẳng ai tin vào một quá khứ không mấy tốt đẹp của anh. Thú thật, phải thuyết phục mãi, Sơn mới quyết định tiết lộ câu chuyện về cuộc đời mình...

Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1972 ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Là con trưởng trong một gia đình khá giả, bố là “vua lốp”, tại vùng quê nghèo, Sơn lớn lên không thiếu thốn gì, được học đến hết lớp 12. Nhưng khi Sơn chưa hết THPT, bố Sơn vướng vào một vụ kiện, tán gia bại sản, ước mơ đại học của Sơn không thành. Chán nản, thất vọng, Sơn bắt đầu cuộc sống tối tăm...

Một đêm năm 1989, khi Sơn cùng chúng bạn nô đùa tại một khu đất trống, đây là nơi các cặp tình nhân hay đến "tâm sự", tình cờ phát hiện ra bố của bạn mình, một giám đốc, đang thổ lộ những lời yêu thương với thư ký của ông. Sau khi đám bạn khống chế người đàn ông, nghĩ đến những lời rao giảng về đạo đức mà Sơn đã từng nghe từ chính người đàn ông này, Sơn lao đến và đấm thẳng vào mặt ông. 

Sơn (bìa trái) cùng các bạn tù bàn mở Trung tâm rửa xe Hướng Thiện.

Người đàn ông sợ hãi rút 6.000 đồng ra, năn nỉ nhóm Sơn tha cho ông. Những tưởng mọi chuyện sẽ chỉ dừng lại ở đó, ai ngờ, vài ngày sau, Sơn và đám bạn bị công an bắt vì tội "cưỡng đoạt tài sản". Khi hay biết tin này, bố mẹ Sơn đều sửng sốt, họ vẫn không tin con mình lại có thể làm những điều như vậy. Tòa kết án Sơn 6 tháng tù giam. Ra tù, Sơn về nhà gặp bố mẹ một ngày rồi lẳng lặng ra Hà Nội. Chỉ đủ tiền mua vài ổ bánh mỳ, Sơn xin vào làm bốc vác tại bến xe.

Thời gian ở đây, Sơn biết về sự sôi nổi buôn bán giao thương của biên giới Cao - Bắc - Lạng. Cũng chỉ có vài chục ngàn đồng, Sơn quyết định đi khỏi Hà Nội. Trong một dịp tình cờ, Sơn cứu được một tay trùm buôn lậu khét tiếng vùng Hang Dơi và trở thành tay chân đắc lực của tay trùm này. Cũng đâm chém, đấu súng, chiếm đoạt địa bàn, liều lĩnh và tinh quái, Sơn nhanh chóng xác lập vị trí, số má cho riêng mình.

Một lần về thăm nhà, thấy bố mẹ già vò võ, em trai Sơn đã đi nghĩa vụ, Sơn quyết định không trở lại Hang Dơi nữa. Với số tiền ít ỏi đem về, Sơn làm lại cái nhà cho bố mẹ, còn một ít, Sơn quyết định ra Hà Nội lần 2, nhưng lần này, Sơn quyết tâm thi vào đại học...

Năm 1994, Sơn thi đậu vào một trường đại học ở Hà Nội. Ngày bố mẹ tiễn Sơn lên tàu từ Vinh đi Hà Nội, Sơn nhớ mãi khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của họ! Năm học thứ nhất trôi đi trong yên bình, Sơn tham gia hầu hết các hoạt động của trường, rồi Sơn gặp Tr. "bóng nhựa", một công tử ăn chơi bạt mạng, tiêu tiền như rác, với bản lĩnh, vốn sống giang hồ, Sơn nhanh chóng gia nhập vào băng nhóm ăn chơi bậc nhất Hà thành.

Những năm đó, phong trào đua xe diễn ra với quy mô và mức độ ngày càng tăng. Những cuộc đua như vậy thường có mặt 9-10 nhóm, mỗi nhóm 4 tay đua. Nhóm Sơn góp mặt trong tất cả cuộc đua và nhanh chóng nổi tiếng trong giới "yêng hùng xa lộ Hà thành".

Sơn kể: "Để có sự ngông cuồng xem thường mạng sống của chính mình, tất cả chúng tôi đều phải dùng ma túy! Tôi nhớ mãi lần đầu tiên dùng cái thứ chết người ấy. Phê hay sung sướng đâu chẳng thấy, chỉ thấy miệng khô, đắng ngắt, người nóng ran khó chịu và rất khát nước. Uống nước đến mấy cũng không đã khát, chỉ có ngồi lên xe máy chạy hết tốc lực thì cái nóng ở đầu và cơ thể mới dịu đi. Đặc biệt, lúc đó tôi không biết sợ tốc độ là gì. Chúng tôi cũng thường lui tới vũ trường, chọn nơi đó thay giảng đường. Tiếng nhạc đinh tai nhức óc người bình thường không thể chịu nổi, nhưng sau khi đã "ngậm hàng" - dùng thuốc lắc - chúng tôi có thể nhảy nhót, uốn éo man dại suốt đêm. Sau cuộc vui chơi, số lần bỏ học của tôi ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. 800.000đ của bố mẹ chắt chiu gửi ra hàng tháng bị tôi ném không thương tiếc vào những cuộc vui tội lỗi. Đôi lúc tỉnh táo nhìn lại cuộc đời và sự kỳ vọng của bố mẹ vào mình, tôi vô cùng ân hận, nhưng cảm xúc ấy nhanh chóng biến mất khi đám bạn công tử xuất hiện".

Năm 2002, trong một lần công an truy quét tệ nạn xã hội tại một vũ trường, Sơn và đám bạn ăn chơi bị bắt. Bị đuổi học. Sự chán nản và buông xuôi, Sơn lao vào ma túy với mức độ tăng cao.

Sơn kể tiếp: "Có một con người khác bên trong tôi, bắt tôi phải đi cướp, phải trộm, để kiếm ra cái gì đó có thể mua được hêrôin trong lúc này. Còn mọi thứ khác đều vô nghĩa. Bắt gặp một cụ ông đang cầm trên tay mớ tiền lẻ. Không nghĩ ngợi nhiều. Tôi vụt ào đến, giật phăng mớ tiền rồi chạy một mạch vào con hẻm. Tôi cũng không nhớ mình đã đến chợ ma túy bằng cách nào. Sau khi mua được thuốc, tôi ngồi xuống lấy xơranh ra tự tiêm. Trong đời con nghiện, chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi chừng một giờ sau khi phê thuốc là có được những suy nghĩ đúng đắn phần "người", sự ân hận, day dứt, đã có lần tôi tính lao đầu vào xe tải. Thời gian còn lại, nhất là khi đói thuốc, phần "con" chiếm nhiều hơn!".

Cái gì đến sẽ phải đến. Năm 1997, trong một lần giật dây chuyền, mặc dù đã xài hết những ngón vào cua "bó vỉa", những cú lắc, lạng lách qua đầu ôtô, băng nhóm của Sơn vẫn bị Công an TP Hà Nội bắt trọn.

Ngày đầu tiên trong nhà tạm giữ, Sơn vật vã, đau đớn, trong xương trong tủy như có hàng ngàn con giòi, con bọ đang đục, khoét, như có ai dùng kềm sắt kẹp, rứt... Sơn húc đầu vào tường phòng giam rầm rầm mong cho được chết đi. Ba ngày liên tục như vậy, Sơn không ăn uống được gì, bỏ vào miệng bất cứ thứ gì cũng đều nôn thốc nôn tháo.

18 tháng tù giam là cái giá mà Sơn phải trả. Khi lầm lũi cùng đồng bọn bước lên xe về lại trại giam, Sơn ngoái lại nhìn bố mẹ, nét mặt hai người có lẽ đã đến tột cùng đau khổ... Hơn tháng sau, Sơn được chuyển về Trại cải tạo số 6, thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cách nhà Sơn không xa.--PageBreak--

Trong ký ức của Sơn vẫn không quên những ngày đầu trong trại số 6. Sau khi học tập nội quy của trại giam, toàn bộ tù nhân, trong đó có Sơn mới được phân về đội đào đất. Mỗi ngày, mỗi người phải đào ao và đắp lên bờ đủ một khối lượng đất là 1,5m3. Bấy giờ trời bắt đầu vào đông nên thời tiết ở miền sơn cước này rất lạnh, thế mà chỉ mới vác được ba chuyến đất lên bờ ao, người Sơn vã mồ hôi như tắm, đến chuyến thứ tư thì ngã uỵch.

Những ngày tiếp theo, Sơn vẫn không thể đào và đắp đủ số lượng đất được giao khoán. Nhưng số lượng thiếu đã ít hơn! Sơn dần tìm thấy mình trong những ngày lao động nặng nhọc ấy. Những cơn vật vã cũng vơi dần. Ngày thứ mười kể từ khi lên trại, được cán bộ quản giáo gọi lên báo có người thân gặp, không thể tả nổi sự vui sướng của Sơn.

Từ đằng xa Sơn đã nhận ra dáng gầy gò của mẹ, mái tóc đã điểm bạc của bố! Cả nhà Sơn ôm chầm lấy nhau, mẹ khóc, còn bố Sơn chỉ ngồi lặng lẽ! Nhờ cải tạo tốt, không vi phạm kỷ luật nên Sơn được giảm án 3 tháng. Cuộc sống không có ma túy đã giúp Sơn lấy lại phần nào sức khỏe, nỗi thèm nhớ về ma túy bắt đầu nguôi dần. Duy một cảm giác gai gai chạy dọc sống lưng khi có ai nhắc tới việc chơi ma túy hoặc khi Sơn nghĩ về nó. Trước đây cứ nghĩ thích chơi thì chơi còn không thích thì bỏ, nhưng đâu phải vậy, Sơn và những người nghiện khác đã quá sai lầm khi không hiểu hết hậu quả ghê gớm của nó!

Ra tù, Sơn nằm lì ở nhà không bước ra khỏi cửa. Một buổi sáng, tự nhiên Sơn muốn đi ra phố, xui khiến sao gặp lại người bạn mãn hạn tù về trước ít lâu. Sơn giật mình khi nhìn thấy gói hêrôin trên tay bạn tù, mồ hôi bỗng túa ra như tắm, miệng đắng ngắt, Sơn cũng không nhớ lúc đó đã nói những gì, Sơn không có đủ sức lực và tinh thần để chống lại sự cám dỗ. Sơn lại bắt đầu lang thang với người bạn tù, cuộc đời Sơn lại quay về "con đường" cũ.

Đi về ánh sáng

Sơn quyết tâm cai nghiện lần 2, anh biết trước những ngày cai nghiện sắp tới sẽ khó khăn và khổ sở. Sơn kể: "Nếu lần này không vượt qua được chắc chắn tôi sẽ chọn cái chết, bởi thà tôi chết đi bố mẹ tôi chỉ đau đớn một lần. Còn nếu tôi tiếp tục sống cuộc đời nghiện ngập, tù tội thì bố mẹ tôi đau đớn cho đến lúc xuôi tay nhắm mắt...".

Sơn cưới vợ vào năm 1998, cưới người con gái đã chờ đợi, luôn bên Sơn kể cả khi Sơn sống trong vũng lầy ma túy rồi vướng vào tù tội. Cô gái ấy chấp nhận Sơn, chấp nhận cả cái quá khứ tối tăm, và bao giờ, cô gái ấy cũng nắm lấy tay Sơn, thủ thỉ khuyên anh "trở về"!

Một ngày, vợ báo tin vui, cả nhà Sơn ai cũng mừng, chỉ có Sơn vui chốc lát rồi trầm ngâm hẳn. Mới mấy hôm trước, Sơn gặp lại mấy người bạn tù, có cả những lời dụ dỗ Sơn vận chuyển ma túy với tiền công bằng gần 10 tháng lương công nhân Sơn đang làm. Quá khứ, sự ám ảnh của ma túy khiến Sơn lo lắng không yên. Rồi Sơn quyết định, nếu không ra đi, không quyết tâm làm người tử tế, con Sơn lớn lên sẽ thế nào? Đêm ấy, Sơn bàn với vợ, vợ Sơn cũng hiểu, cả hai quyết định vào TP HCM lập nghiệp. Ấy là năm 2000.

Hai bàn tay trắng, vợ đang mang bầu, Sơn làm quần quật, ngày Sơn làm lơ xe buýt, tối Sơn phụ bàn cho một quán cà phê, Sơn cũng dành một thời gian ít ỏi còn lại trong ngày để học lái xe. Không ít ngày, Sơn qua bữa bằng những ổ bánh mỳ. Sau khi sinh con, vợ Sơn tìm được việc làm, phụ bán quán cho một cửa hàng, kinh tế của vợ chồng Sơn bắt đầu ổn định, cuộc sống cũng vơi bớt khó khăn...

Năm 2002, Sơn được nhận vào làm lái xe tại một công ty nhà nước, lương tháng ổn định, con Sơn đã cứng cáp, Sơn quyết định trở lại giảng đường đại học. Anh thi vào khóa tại chức Đại học Luật TP HCM. Năm 2004, Sơn chuyển qua làm cho một công ty du lịch, với tri thức và bản lĩnh, từ một nhân viên bình thường, Sơn nhanh chóng được giữ chức vụ giám đốc điều hành công ty.

Nhưng khi Sơn nhận ra những khuất tất đằng sau công ty du lịch này, từ nhận hướng dẫn du học, tổ chức những chương trình du lịch chui, sau một lá thư gửi ban giám đốc, nói rõ những khuất tất nhưng không được hồi âm, Sơn quyết định nghỉ việc. Sau khi Sơn bỏ việc, anh em dưới quyền Sơn cũng lần lượt xin nghỉ theo.

Như thấy mình có lỗi, Sơn bàn với anh em hùn vốn mở công ty, một công ty du lịch kinh doanh và làm ăn đàng hoàng. Mọi người đồng ý. Công ty Cổ phần Du lịch Ánh Sáng Vàng ra đời, dù là người góp vốn ít nhất, Nguyễn Thế Sơn vẫn được anh em tín nhiệm bầu làm giám đốc điều hành...

Mới rồi Sơn về thăm quê, nghe chuyện những bạn tù của Sơn vẫn còn trong vòng tù tội, ma túy. Sơn thức trắng đêm. Ngày hôm sau, Sơn tìm đến 2 bạn tù thân thiết, dẫn cả hai người ra trung tâm xe máy, mua cho họ 2 chiếc Honđa để chạy xe ôm, khuyên họ hãy "làm người tử tế".

Sơn chỉ có một yêu cầu, mỗi khi kiếm được 10 đồng, họ hãy bỏ vào ống heo 2 đồng để có thể giúp đỡ những người khác. Sơn cũng đang xây dựng trạm rửa xe mang tên Hướng Thiện ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, Sơn hy vọng đây sẽ là nơi để những bạn tù có một công việc ổn định, tìm lại mình...

Phật Thích Ca có dạy:  "Trên thế gian này có những người sinh ra trong bóng tối và tiếp tục đi trong bóng tối, có những người sinh ra trong bóng tối nhưng đi về phía ánh sáng, có những người sinh ra trong ánh sáng lại đi về bóng tối và lại có những người sinh ra trong ánh sáng và tiếp tục đi về ánh sáng".

Nguyễn Thế Sơn sinh ra trong ánh sáng nhưng đã đi vào tăm tối, rồi lại từ tăm tối đi về ánh sáng. Nhiều người có quá khứ như Sơn có lẽ ít ai dám công khai kể chuyện đời mình. Còn Sơn? Sơn chân thành, đã có lúc anh không đủ bản lĩnh, không có cái đầu già dặn, không đủ tỉnh táo, nhưng những người có một quá khứ tù tội, ma túy như Sơn không phải đều bỏ đi, Sơn mong những người như anh được nhìn bằng ánh mắt vị tha, họ cần những bàn tay giúp họ vượt qua tăm tối, còn những người đang trong tăm tối, cố vượt lên chính mình, sống cho tử tế, không tử tế nghĩa là mình đang sống mà không tồn tại. Đừng nhìn quá khứ thật lâu mà hãy nhìn ở hiện tại thật gần...

Thuận Thiên
.
.