Xin một lần được gặp con

Thứ Tư, 06/02/2013, 16:10

Tháng Chạp, ông ra tòa. Đối diện với tội danh “Giết người”. Căn nguyên của hành vi dẫn đến tội ác ấy hết sức phi lý. Ông ngủ vạ vật ở vỉa hè, thì một người đàn ông khác cũng sống bám vào vỉa hè như ông đến kéo chăn, rủ ông uống rượu. Ông từ chối, gã dùng gạch đập vào mặt ông, máu chảy tràn nơi khóe mắt. Ông phản ứng lại… và bi kịch đã xảy ra.

Tòa án nhân dân TP HCM trong phiên sơ thẩm này, đã tuyên phạt ông mức án 10 năm tù giam. Ông không chối tội, ông cũng không kêu oan. Ông chỉ bảo: “Tôi không cố ý khiến nạn nhân thiệt mạng”. Ông chỉ nói vậy, rồi thôi.

Không có người thân nào của ông tham dự phiên tòa. Mà từ lâu rồi, đã rất lâu rồi, ông không có người thân.

1. Ông nhớ loáng thoáng, ông sinh năm 1954 ở Sài Gòn. Huyết thống của ông là ai, ông không biết nữa bởi cha mẹ quẳng ông ở vệ đường khi ông còn đỏ hỏn. Những người thiện tâm đi ngang thấy ông nằm khóc thét, tím tái. Thương tình, họ đưa ông vào cô nhi viện Thủ Đức để được cưu mang. Tuổi thơ ông in hằn sự mặc cảm của một cậu bé không gia đình. Cái tên của ông là do các xơ chăm sóc trẻ cô nhi như ông đặt cho.

Thiếu niên, ông trốn khỏi cô nhi viện. Dạt về Sài Gòn mưu sinh bằng tất cả những ngón nghề mà đời sống dạy cho ông. Sài Gòn, ập vào ông thời điểm ấy là những ngày ly loạn. Ông không có gì để bấu víu, hoàn toàn không có gì…

Một năm sau ngày đất nước thống nhất, ông rời thành phố đi khẩn hoang theo chính sách kêu gọi lao động ở vùng Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Từ đây, trong căn cước của ông có thêm dòng chữ, hộ khẩu thường trú: Dương Minh Châu, Tây Ninh. Trước đó, ông không hề có căn cước.

Không có động lực trong những ngày quần quật lao động ở vùng kinh tế mới như các gia đình khác, ông lại lần hồi về TP HCM. Hè phố chào đón ông bằng những trò bầm dập, nơi ông bán sức để có được các bữa ăn ít chất dinh dưỡng.

Chốn phồn hoa đô hội có quá ít cơ hội dành cho những cá nhân như ông. Ngoại trừ một lần, nó mở lòng với ông. Đó là khi, ông gặp và yêu cô gái bán nước giải khát ở bến xe.

Yêu là yêu thôi, là dọn đồ về sống chung trong căn nhà trọ tồi tàn, là gọi nhau anh anh em em, xem nhau như chồng như vợ. Gần mười năm, ba người con ra đời. Một đêm, ông tìm về tổ ấm, bàng hoàng nhận ra vợ đã mang con đi đâu đó, tuyệt không một dấu tích để lại.

Ông sốc, sốc khủng khiếp. Sốc đến mức không biết mình là ai. Đời sống hôn nhân của bất cứ vợ chồng nào đều tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. Đời sống hôn nhân bấp bênh về kinh tế như gia đình ông lại càng có nhiều nguy cơ tan vỡ hơn.

Ấu thơ, ông bị quẳng ngoài phố. Trung niên, ông mất vợ con. Tự dưng, mặc cảm ký ức ngày xưa lại quay trở về. Ông sống mà như không hiện hữu, chỉ là còn tồn tại. Ông tự vấn mình đến bạc tóc, vì sao vợ con lại bỏ ông mà đi. Ông tự vấn mãi, cho đến lúc dạt ra khu chợ Bảo Ngọc Tú, phường 15, quận Tân Bình, TP HCM để kiếm sống mà vẫn chưa có câu trả lời.

2. Ngày bán sức ở chợ, đêm ngủ ở vỉa hè gần chợ. Những hộ kinh doanh trong con chợ này quen nhẵn mặt ông. Họ không biết ông từ đâu đến, họ cũng không quan tâm đến điều đó. Chợ nào ở thành phố lại không là cứu cánh cho những phận người như ông.

Thời gian bào mòn sức khỏe của ông nhanh khủng khiếp, tóc ông bạc trắng, gương mặt khắc khổ, làn da nhăn nheo… Nhưng đó chưa là gì so với sự dằn vặt về tinh thần.

Ông tâm sự hết những u uất của đời ông cho người bạn cũng bế tắc như mình, đó là ông Nguyễn Văn Tường. Ông Tường có tốt không, chắc là cũng tốt. Không tốt thì ông đã không xem ông Tường là bạn hữu.

Một khuya cuối tháng 5/2012, ông đang trùm kín chăn để chống muỗi ngủ trên vỉa hè đường Huỳnh Văn Nghệ, đoạn gần chợ Ngọc Bảo Tú thì ông Tường chân nam đá chân chiêu xuất hiện.

Ông Tường giọng lè nhè, vừa nói vừa giật mạnh cái chăn mà ông đang đắp: "Dậy, dậy nhậu với tao mày. Già sắp chết rồi, mà cứ co ro ngủ hoài". "Tao mệt quá, Tường ơi. Mày uống đi, cho tao ngủ một lát rồi sáng còn phải đi bốc hàng", ông trả lời. Cò kè vài phút, không thể rủ ông đi uống rượu tiếp cùng mình, ông Tường hậm hực bỏ đi. Tưởng vậy là xong, ông ngủ tiếp.

Ngờ đâu, độ hơn 10 phút sau, ông Tường quay lại nơi ông ngủ, trên tay là một cục gạch mà ông Tường nhặt bên đường. Lần này, ông Tường không rủ ông nhậu nữa, ông Tường cật vấn: "Ê, hôm trước lâu rồi, mày đòi đánh tao, nhớ không? Giờ tao ở đây nè, mày đánh tao đi". Nghe ông Tường nói vậy, ông biết là đã có chuyện. Ông bật dậy, chắp tay nói như khóc: "Tường ơi, là tao sai. Tao xin lỗi mày, mày thương mà bỏ qua cho tao". "Thương yêu gì cái thằng chết nhát như mày, mày không đập tao thì tao sẽ đập mày", vừa nói ông Tường vừa táng thẳng cục gạch vào đầu ông. Máu tóe từ khóe mắt, ông vùng bỏ chạy. Ông Tường đuổi theo…

Ông chạy vào chợ, dự tính là cầu cứu mấy anh bảo vệ, nhưng tiếc là ông Tường đuổi theo ông sát quá. Cùng đường, ông lục tìm con dao xếp bằng bạc, loại dao có nhiều công năng mà trước đây người ta vẫn sử dụng. Có dao trong tay, ông nói với ông Tường: "Mày đừng ép tao nữa, Tường ơi". Mặc kệ lời ông, ông Tường vẫn lao đến. Ông vung tay lên, ông Tường gục ngã. Vết đâm chí mạng vào ngực đã khiến ông Tường tử vong trên đường đi cấp cứu…

Ông bị Cơ quan Công an bắt giữ ngay trong đêm ấy.

3. Ông bị tạm giam nhiều tháng, trước khi đưa ra xét xử vào sáng ngày 21/1/2013.

Phiên tòa kết thúc nhanh bởi ông không chối tội, ông khai nhận rất thành khẩn. Ông chỉ đau đáu khi nói lời sau cùng: "Bao nhiêu năm rồi, tôi không được thấy vợ con mình. Những ngày trong tù, tôi cứ hy vọng là vợ con mình vô tình nghe được tin tôi phạm tội, sẽ đến dự phiên tòa để tôi được nhìn mặt họ một lần. Vậy mà, không có ai đến".

10 năm tù dài dằng dặc, không cần phải suy luận vẫn biết được rằng không có ai đón ông trước cánh cổng trại giam. Chắc chắn là không có ai…

Ông tên là Nguyễn Thành Long. Tôi vẫn hy vọng, vô tình vợ con ông sẽ đọc được bài báo này và nghĩ lại để ông được trông thấy họ như là một sự ban ơn mà đời sống dành cho ông. Dẫu cho, phận ông hoang vu như cỏ cây mùa hạn

Kinh Hữu
.
.