Xử lý các điểm trông giữ xe “móc túi” khách hàng tại Hà Nội

Thứ Ba, 24/05/2011, 22:30

Công an Hà Nội vừa ra quân xử lý một loạt điểm trông giữ ô tô, xe máy vi phạm, chủ yếu thu phí vượt mức quy định của thành phố. Thực trạng vi phạm của các bãi trông giữ xe trên địa bàn thủ đô tồn tại đã lâu nhưng chưa được xử lý triệt để đã khiến người dân hoài nghi về việc buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở...

Trông xe kiếm tiền tỉ!

Những bãi trông giữ xe trông bề ngoài tuềnh toàng nhưng lại có doanh thu tiền tỉ. Đó là điểm trông giữ xe tại 11 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, vừa bị Cảnh sát kinh tế Hà Nội phát giác trong "chiến dịch" tổng kiểm tra các điểm trông giữ xe vi phạm tại Hà Nội trong hai ngày 14 và 15/5 vừa qua. Tận dụng phần đất trống phía sau công trường xây dựng cao ốc của Ban quản lý dự án xây dựng dân dụng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một bãi trông giữ ôtô, xe máy đã "mọc" lên từ tháng 7/2010. Nếu nhìn bề ngoài, rất khó để phát hiện đây là một bãi trông giữ xe có quy mô lớn bởi nó nằm liền với công trường đang thi công.

Theo tường trình ban đầu của ông Ngô Văn Hải, chủ bãi xe trên, ông được Ban quản lý dự án giao khoán quản lý bãi trông giữ xe với giá 20 triệu đồng/tháng nhưng không có hợp đồng. Vào thời điểm sáng 14/5, khi tổ công tác Đội Công nghiệp - Xây dựng Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) tiến hành kiểm tra đã "ghi nhận" nhân viên ở đây thu tiền 2 chiếc ôtô 4 chỗ vào gửi với giá 20.000 đồng/lượt/xe mà không có vé.

Kiểm tra sơ bộ cuốn sổ ghi chép của bãi xe cho thấy giá trông giữ ôtô hàng tháng ở đây dao động từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Việc nhận trông giữ xe không có hợp đồng, cũng không có phiếu thu.

Một điều tra viên tham gia tổ kiểm tra cho biết: "Với khoảng trên 100 xe ôtô gửi cố định thì trung bình,  điểm trông giữ xe này thu về mỗi tháng khoảng hơn 100 triệu đồng. Tính từ tháng 7/2010 đến nay thì việc bãi giữ xe trên thu về tiền tỉ là chuyện đương nhiên. Đó cũng là lý do bãi trông giữ xe này thuê tới 6 nhân viên làm việc, trả lương 2,5 triệu đồng/tháng/người". Không giấy phép trông giữ xe, không mở sổ sách theo dõi hạch toán theo quy định về thống kê kế toán, không kê khai nộp thuế, vi phạm chế độ hóa đơn và vé, thu phí vượt quá mức quy định. Đây là những lỗi vi phạm chính của bãi trông giữ xe 11 Cửa Bắc đã được tổ công tác lập biên bản, tiếp tục điều tra  để truy thu thuế và có hình thức xử lý nghiêm.

Bãi trông xe trái phép tại 11 Cửa Bắc, quận Ba Đình nằm khuất sau công trường xây dựng.

Theo chân các tổ công tác của Phòng PC46 kiểm tra một số bãi trông giữ ôtô, xe máy trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy càng kiểm tra thì càng… ra nhiều vi phạm. Những bãi đất trống thuộc dự án trong khu vực nội thành được tận dụng triệt để làm bãi trông giữ xe.

Tại 15 Thành Công, quận Ba Đình, "tranh thủ" bãi đất 2.000m2 của một đơn vị đang chuẩn bị xây dựng, ông Lê Văn Long, ở quận Tây Hồ đã "mượn" rồi thuê người nhận trông giữ ôtô. Sáng 15/5, khi kiểm tra điểm trông giữ xe không phép này, các trinh sát Phòng PC46 phát hiện, bắt quả tang nhân viên trông giữ xe đang thu phí trông xe ôtô 20.000 đồng/lượt đối với xe gửi trong vòng 20 phút, cao gấp đôi so với quy định.

Tại 2 địa điểm 73 Cầu Gỗ và 1357 Đinh Tiên Hoàng, tổ công tác Đội Giao thông bưu điện đã phát hiện hành vi "móc túi" khách gửi xe máy lên tới 10.000 đồng/xe/lượt (cao gấp 5 lần quy định của thành phố) của các nhân viên bảo vệ cửa hàng, nhà hàng xung quanh khu vực Hồ Gươm thuộc 2 Công ty dịch vụ bảo vệ Hoa Sen và Thành Đạt. Tường trình của các nhân viên này cho thấy sau khi ký hợp đồng, 2 công ty dịch vụ bảo vệ Hoa Sen và Thành Đạt cử nhân viên xuống  làm nhiệm vụ trông giữ xe cho khách hàng vào các cửa hàng trong phạm vi ký hợp đồng bảo vệ. Tuy nhiên, các nhân viên này đã tranh thủ kiếm tiền bằng cách nhận trông xe của những người không phải là khách hàng với giá 10.000 đồng/lượt, sử dụng vé riêng tự làm.

Không chỉ các bãi trông xe không phép mới có vi phạm. Ngay cả bãi giữ xe có phép cũng  phớt lờ quy định của thành phố về mức phí trông giữ xe. Tại bãi gửi xe của Hợp tác xã thương mại Láng Hạ ở 95 Vũ Ngọc Phan, đơn vị này niêm yết công khai giá gửi ôtô, xe máy cao quá mức quy định. Khách vào gửi xe dễ dàng nhận thấy 2 bản quy định về giá trông xe, có đóng dấu đỏ của Hợp tác xã được niêm yết ngay tại phòng bảo vệ. Theo đó, giá gửi xe máy là 5.000 đồng/lượt ban ngày và 10.000 đồng/lượt ban đêm. Tương tự như vậy, giá gửi xe ôtô cũng bị cơ sở này "đẩy"  lên tới 30.000 đồng/lượt ban ngày và 50.000 đồng/lượt ban đêm.

Trong khi đó, theo Quyết định số 25/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn Hà Nội quy định giá trông giữ xe đạp ban ngày 1.000 đồng/lượt, ban đêm là 2.000 đồng/lượt và 25.000 đồng/tháng. Đối với xe máy ban ngày là 2.000 đồng/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/lượt và 45.000 đồng/tháng. Đối với xe ôtô có 9 ghế ngồi trở xuống và xe tải từ 1,5 tấn trở xuống: 10.000 đ/xe/lượt. Xe có 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 1,5 tấn trở lên: 20.000 đ/xe/lượt. Còn trông giữ ban đêm không quá 3 lần phí trông ban ngày/ lượt;  phí trông tháng không quá 1 triệu đồng/tháng.

Thu phí vô tội vạ

Chính vì  dễ kiếm tiền như vậy nên ở Hà Nội, có vô số kiểu tận dụng diện tích làm bãi trông giữ xe. Bãi giữ xe ôtô tại phố Hỏa Lò là một trong những điểm thử thách "tay lái lụa" của những người đi ô tô. Để tận dụng tối đa điểm đỗ, các tài xế được nhân viên trông giữ hướng dẫn "lao" nửa sau xe lên vỉa hè chật hẹp; nửa còn lại cắm xuống mặt đường. Ở khu vực phố cổ và các chợ nội thành, nhân viên trông giữ xe phải có sức khỏe để sắp xếp xe sao cho tận dụng tối đa diện tích trông giữ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường vốn dĩ đã chật hẹp. Những vi phạm thu phí giữ xe vô tội vạ, thể hiện rõ nhất trong các dịp lễ hội, những ngày lễ, Tết. Ở những địa điểm tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí xảy ra tình trạng mạnh ai người nấy trông xe. Một đoạn dây thừng và vài cái cọc tre căng ra trở thành bãi trông giữ. Kỷ lục trông giữ xe máy tại lễ hội cao nhất lên tới 100.000 đồng/xe máy. Kẻ cơ hội chộp giật, tranh thủ móc túi khách hàng. Người dân thì méo mặt trả tiền mà không biết kêu ai.

Điểm trông giữ xe 95 Vũ Ngọc Phan niêm yết công khai giá trông giữ vượt quá mức quy định.

Theo điều tra của Phòng PC46 Công an Hà Nội, hiện nay, chỉ riêng tại 10 quận nội thành đã có 1.055 điểm trông giữ ôtô, xe máy, xe đạp thường xuyên hoạt động, trong đó có 746 điểm có phép và 309 điểm tự phát, không có phép. Việc tổ chức trông giữ xe được thực hiện theo nhiều hình thức như doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia trông giữ theo hình thức xã hội hóa, các cơ quan đơn vị tự đứng ra tổ chức trông giữ; cá nhân trông giữ theo hình thức kinh doanh hộ cá thể và hình thức tự phát.

Theo quy định của UBND TP Hà Nội, UBND quận, huyện được giao quản lý hoạt động trông giữ xe trên từng địa bàn. Khi thực hiện trông giữ xe, các đơn vị, cá nhân phải sử dụng đúng biên lai thu phí, hóa đơn GTGT hoặc vé in sẵn theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các điểm trông giữ xe đều có vi phạm như thu tiền không có vé, hóa đơn, biên lai; thu tiền cao hơn mức quy định, không kê khai nộp thuế, không đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, phòng cháy chữa cháy...

Đáng chú ý, tại những điểm trông giữ xe do các doanh nghiệp được giao bằng hình thức khoán thu, đấu thầu xảy ra vi phạm thường xuyên hơn, mức độ vi phạm nhiều hơn. Trong đó, những khu vực trông giữ xe gây nhiều bức xúc trong dư luận bởi sự "chặt chém" quá tay là khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, chợ, đền chùa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi, giải trí và bệnh viện.

Đánh giá về nguyên nhân của những vi phạm này, Thượng tá Nguyễn Văn Nông, Trưởng phòng PC46 cho rằng, trước hết là sự lỏng lẻo trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động trông giữ xe. Việc khoán trắng cho các cá nhân, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chủ quản đã dẫn đến tình trạng tự tung tự tác của nhiều điểm trông giữ xe, làm sao để thu về thật nhiều, bất chấp các quy định của thành phố. Điển hình như giữa năm 2010, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện việc trông giữ xe của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khoán thầu cho một cá nhân với mức giá năm 2009 là 52 triệu/tháng. Đến năm 2010, mức trúng thầu đã tăng vọt lên tới 150 triệu/tháng (tức 1,8 tỉ đồng/năm).

Đương nhiên, với mức thầu cao như vậy, người trúng thầu chỉ có cách tăng giá vé trông giữ xe, hậu quả đổ lên đầu người nhà bệnh nhân, đã khốn khó vì chăm sóc người bệnh, nay lại phải gánh thêm một khoản không nhỏ từ việc gửi xe hàng ngày. Mà đã chăm sóc bệnh nhân thì một ngày, người nhà ra vào bệnh viện vài lượt là ít nhất.

Phần lớn việc trông giữ xe tại các bãi tự phát được theo dõi qua sổ ghi chép, không có vé, hóa đơn theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, mức xử phạt hiện nay trong lĩnh vực phí, lệ phí vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mức phạt cao nhất hiện nay đối với các bãi trông giữ xe vi phạm mới có 12,5 triệu/lần. Với doanh thu lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng thì nhiều điểm trông giữ xe sẵn sàng nộp phạt để được… tiếp tục vi phạm, thậm chí còn thu cao hơn nhằm bù đắp vào khoản tiền đã nộp phạt.

Cần một giải pháp đồng bộ và toàn diện

Từ thực trạng vi phạm của các điểm trông giữ xe nêu trên cho thấy Hà Nội đang thiếu trầm trọng những điểm trông giữ xe có quy mô được bố trí phù hợp với quy hoạch và sự phát triển của các khu dân cư. Chính vì vậy, không thể không ghi nhận mặt tích cực của những điểm trông giữ xe tự phát, dù của cơ quan Nhà nước hay tư nhân quản lý, đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân trong bối cảnh phương tiện giao thông ngày một gia tăng. Những điểm gửi xe mà cơ quan chức năng chưa "sờ đến" trong đợt kiểm tra này không có nghĩa là không vi phạm.

Theo lãnh đạo Phòng PC46, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Hà Nội,  sau khi kiểm tra, xử lý điểm những bãi trông giữ xe vi phạm, đơn vị sẽ hướng dẫn Công an các quận, huyện, thị xã thuộc Công an TP Hà Nội rà soát, tiếp tục kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn quản lý, trong đó gắn trách nhiệm của Công an phường đối với việc quản lý địa bàn xảy ra vi phạm. Đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm phải lập hồ sơ xử lý để khi phát hiện tái phạm sẽ đề nghị cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép trông giữ xe. Trường hợp vi phạm có dấu hiệu hình sự, phải tổ chức thu thập chứng cứ để điều tra, truy tố trước pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền cơ sở tuyên truyền, phòng ngừa các hành vi vi phạm.

Công an Hà Nội cũng có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội và Sở Tài chính kiểm tra, đánh giá lại hoạt động đấu thầu trông giữ xe nhằm chấn chỉnh, đưa vào hoạt động nền nếp; cương quyết rút giấy phép đối với cá nhân, doanh nghiệp để xảy ra vi phạm.

Việc kiểm tra, xử lý những điểm trông giữ xe vi phạm tuy là động thái tích cực từ phía cơ quan chức năng nhưng khi không được thực hiện đồng loạt trên toàn thành phố thì cũng chỉ là biện pháp có tính  chất "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi. Về lâu dài, Hà Nội cần một giải pháp tổng thể và đồng bộ về giải quyết bãi gửi xe đáp ứng nhu cầu của người dân bởi thực trạng vi phạm như hiện nay dễ khiến dư luận nhân dân hồ nghi về sự thông đồng giữa các bãi gửi xe với chính quyền cơ sở (?)

Hương Vũ
.
.