Xuất hiện nhiều thiết bị y tế bạc tỉ “đắp chiếu”
Sau những vụ việc xét nghiệm nhân bản, cho mượn máy sinh hóa để bán hóa chất, làm giấy giả để nhập khẩu máy móc, ngành y tế một lần nữa lại hứng chịu búa rìu dư luận vì một số thiết bị do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Công ty CPXNK KS), cung cấp cho hai bệnh viện (BV) là Hoài Đức và Thường Tín, vỏ là của Đức, ruột là Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hỏng hóc triền miên, có máy phải sửa chữa đến… 35 lần chỉ trong 2 năm!
Tại tỉnh Bình Thuận, cũng Công ty này và Công ty Dũng Phương đã hợp đồng cung cấp một số chủng loại máy móc y tế trị giá bạc tỉ nhưng có máy phải đắp chiếu trùm mền!
Được triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hợp đồng cung cấp thiết bị y khoa cho hai BV ở tỉnh Bình Thuận là BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận và BV Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, gồm 19 loại máy móc, phần lớn xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Anh, Ý... với tổng trị giá hơn 7,5 tỉ đồng, do Công ty CPXNK KS, có trụ sở ở Hà Nội và Công ty Dũng Phương, trụ sở cũng ở Hà Nội, chịu trách nhiệm thực hiện.
Tháng 3-2010, việc lắp đặt hoàn tất nhưng hơn một năm sau đó, nhiều loại máy móc vẫn không thể sử dụng được mà nguyên nhân là biên bản bàn giao thì ghi máy của Nhật, Ý, nhưng nhà thầu lại giao máy Trung Quốc hoặc máy mập mờ về xuất xứ.
Trong số những thiết bị lắp đặt cho BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận và BV Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận có máy phân tích sinh hóa tự động công suất 420 kết quả/giờ của Ý với đơn giá chưa tính thuế VAT là hơn 850 triệu đồng, do Công ty Dũng Phương cung cấp, khi vận hành thì bị mắc lỗi và cháy bóng đèn liên tục, máy phân tích huyết học tự động 25 thông số của Pháp trị giá gần 600 triệu đồng hoạt động không chính xác, Công ty Dũng Phương đã 4 lần mang đi sửa chữa mà vẫn không xong, máy ly tâm đa năng 4.000 vòng/phút của Mỹ báo lỗi, không hoạt động.
Đặc biệt nhất là máy rửa phim X-quang tự động loại 90 phim/giờ có giá 119 triệu đồng mà trong hợp đồng lẫn biên bản bàn giao, máy được ghi rõ do Nhật sản xuất. Thế nhưng lúc nhận máy, bác sĩ, kỹ thuật viên khoa X-quang lại thấy nó là máy XP-2000 của... Trung Quốc! Kết quả là khi đưa vào vận hành, máy hỏng ngay nên BS Hồ Phi Long, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận không ký vào biên bản bàn giao.
Khi xảy ra sự cố, BV đã trực tiếp có ý kiến với nhà thầu về xuất xứ của máy nhưng đơn vị này vẫn không thực hiện đúng hợp đồng, mà chỉ tiến hành sửa chữa rất nhiều lần.
Không chỉ có thế, một số thiết bị do nhà thầu cung cấp, lắp đặt, dù hoạt động được nhưng lại thiếu phụ kiện kèm theo, chẳng hạn như máy siêu âm màu 4D, ba đầu dò, cùng máy in màu và máy in đen trắng do Nhật sản xuất có giá trên 1,3 tỉ đồng. Thế nhưng lúc lắp đặt xong, chỉ có trơ trọi mỗi cái máy siêu âm, còn máy in màu, in đen trắng thì phiêu bạt nơi nào, chẳng ai biết!
Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải rắn y tế do Anh sản xuất trị giá hơn nửa tỉ đồng. Lắp đặt xong, đưa vào sử dụng thì thấy thiếu thùng đựng dầu nên máy phải… đắp chiếu!.
![]() |
Máy xét nghiệm Greiner GA240 "đầu Ngô mình Sở". |
Trước những "sự cố" này, từ tháng 8 đến tháng 10/2010, BS Hồ Phi Long, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận liên tục có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, nội dung "Các trang thiết bị được mua mới 100%, có giá trị lớn nhưng sau khi lắp đặt và đưa vào vận hành thì phải chỉnh sửa nhiều lần nên chất lượng không đảm bảo. Để quản lý, sử dụng hiệu quả, BV đề nghị Sở thu hồi các máy không hoạt động trả lại cho bên bán và cung cấp máy khác cho BV…".
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, sau khi ký hợp đồng, nhà thầu đã có văn bản thay đổi xuất xứ máy rửa phim X-quang với lý do là Hãng sản xuất Daito, Nhật Bản đã ủy quyền cho Hãng Huqui, Trung Quốc. Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ nhằm mục đích "chữa cháy" vì từ hồ sơ mời thầu đến biên bản bàn giao, đều ghi là máy của Nhật.
Một chiếc máy khác - là máy siêu âm đo độ loãng xương cũng vẫn do Công ty Dũng Phương cung cấp có giá gần 500 triệu đồng. Theo hợp đồng, máy này của Hãng Sunlight, Ý, sản xuất. Tuy nhiên khi bàn giao thì chiếc máy trên lại ra lò từ … Israel!
Do không đúng theo những gì ký kết, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo không tiếp nhận, dẫn đến nhiều năm qua, máy nằm trùm mền tại Văn phòng Sở Y tế. Tuy nhiên, Công ty Dũng Phương đã được thanh toán 50% tổng giá trị hợp đồng.
Tại BV Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận, có 5 thiết bị trị giá gần 2 tỉ đồng đã được Công ty Dũng Phương bàn giao cho BV. Nhưng sau gần 3 năm kể từ ngày bàn giao, các thiết bị này vẫn không hoạt động mà cụ thể là máy phân tích máu, tủ an toàn sinh học không có đèn cực tím, xuất xứ và hãng sản xuất chưa đáng tin cậy. Riêng bộ khám điều trị răng hàm mặt lại thiếu máy hút nước bọt, đường dẫn nước và đường dẫn hơi lại đi chung và máy nén khí có tiếng kêu quá to.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận thì vụ việc đã được giải quyết từ năm 2012: "Khi tiến hành nghiệm thu, phát hiện tình trạng máy móc kém chất lượng, không hoạt động, anh em đã kiên quyết không ký biên bản, yêu cầu nhà thầu phải đổi lại theo đúng hợp đồng" mà cụ thể là máy X-quang tăng sáng truyền hình 500 mA, Công ty CPXNK KS đã lắp đặt tại BV viện Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận và Hội đồng Nghiệm thu trang thiết bị y tế Sở Y tế đã tiến hành nghiệm thu vào ngày 7/8/2012.
Tuy nhiên, do 2 phụ kiện kèm theo máy có xuất xứ không đúng với hợp đồng và 1 thiết bị không thể hiện rõ năm sản xuất nên Sở Y tế không ký biên bản nghiệm thu, đồng thời gửi văn bản đề nghị Công ty CPXNK KS giải trình, yêu cầu Cty CPXNK KS cung cấp lại máy mới 100%, kể cả phụ tùng và hóa chất kèm theo đối với máy phân tích huyết học tự động 25 thông số, máy phân tích sinh hóa tự động cho BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận. Đến ngày 17/8/2012, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận đã ký biên bản nghiệm thu, đưa máy vào sử dụng.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình xử lý, thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế năm 2012, Sở Y tế đã kiểm tra tình hình thực hiện các gói thầu số 29 (mua sắm trang thiết bị y tế cho BV Đa khoa khu vực Nam Bình Thuận), gói thầu số 18, gói thầu số 21 (mua sắm trang thiết bị y tế cho BV Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận). Đến tháng 9/2012, Sở Y tế có văn bản đề nghị Công ty CPXNK KS cam kết bằng văn bản, xác định thời gian chậm nhất giao hàng mới.
Nếu quá thời gian này, nếu Công ty CPXNK KS không thực hiện thì Sở sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng. Có lẽ nhờ vào văn bản ấy nên chiếc tủ sinh học mới được bổ sung đèn cực tím, và bộ thiết bị khám, điều trị bệnh răng hàm mặt được sửa chữa lại.
Cũng cần nói thêm rằng theo quy định của Bộ Y tế, mặt hàng nhập khẩu thiết bị y tế phải được Bộ cấp giấy phép nhập khẩu. Thế nhưng, máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA240 mà Công ty CPXNK KS cung cấp cho BV Đa khoa Vân Đình có vẻ là "Made in China" bởi lẽ trong danh mục mặt hàng của Hãng Greiner, thì không hề có thiết bị nào là GA240.
Theo một số chuyên gia, có khả năng máy này được "mông má" từ nước ngoài, sau đó đóng mác Greiner rồi nhập khẩu dưới dạng máy mới 100%