Xung quanh âm mưu đánh bom Quảng trường Thời đại tại New York

Thứ Tư, 12/05/2010, 14:50
Quả bom trên thực tế đã được kích hoạt, nhưng may mắn là đã không nổ theo đủ công suất đã định của những kẻ chủ mưu vì một số nguyên nhân. Dù không có ai trở thành nạn nhân trong âm mưu khủng bố táo tợn này, nhưng vụ việc một lần nữa lại cho thấy, các thành phố lớn trên khắp thế giới có thể dễ dàng bị tổn thương thế nào trước âm mưu của những kẻ khủng bố…

Phản ứng kịp thời

Mọi chuyện bắt đầu khi hai người bán áo thể thao trên đường phố chú ý thấy khói phát ra từ một chiếc xe Nissan Pathfinder, đậu ngay góc phố giao nhau giữa đại lộ số 7 và đường số 45. Các tiểu thương này đã báo ngay cho Wayne Rhatigan, một cảnh sát đang trực gần đó. Sau khi đi vòng quanh chiếc xe để quan sát, viên cảnh sát này đã gọi điện đàm yêu cầu hỗ trợ. Chỉ 3 phút sau mọi người được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Lính cứu hỏa và công binh của Cục Cảnh sát New York được khẩn cấp điều đến. Theo lời một người lính cứu hỏa, khi tiến sát tới chiếc xe có đặt bom, anh ta nghe thấy những tiếng nổ lốp bốp nhỏ ở bên trong. Ban đầu, người ta triển khai một robot đặc biệt để kiểm tra phần trong chiếc xe cũng như khoang để hàng, trước khi một chuyên gia bom mìn mặc bộ đồ bảo vệ đặc biệt được cử vào tác nghiệp.

Khi cơ cấu nổ tự tạo bị vô hiệu hóa, cũng như đám cháy nhỏ trong xe được dập tắt, cảnh sát đưa chiếc Nissan Pathfinder tới Trung tâm Hình pháp học ở Queens. Tại New York, các đội tuần tiễu của cảnh sát được tăng cường. Các biện pháp an ninh bổ sung cũng được triển khai tại tất cả các sân bay trên khắp nước Mỹ.

Những kết quả điều tra ban đầu

Cảnh sát đã có những dấu vết của một kẻ tình nghi đáng chú ý đầu tiên. Đó là một người đàn ông da trắng khoảng chừng 40 tuổi. Một chiếc camera quan sát phía ngoài đã cho thấy, đối tượng này đi dọc theo đường số 45 tới hướng tây (tức là cùng hướng và thời điểm chiếc Nissan Pathfinder tới và đậu ở đó).

Raymond Kelly.

Còn theo một đoạn video khác được một nhân chứng tình cờ cung cấp cho cảnh sát, cũng nhân vật này đã quay ngoặt về hẻm Shubert Alley, ngoái cổ lại đầy vẻ đáng ngờ, cởi chiếc áo thể thao màu nâu (bên trong còn một chiếc áo tương tự màu đỏ) rồi nhét vào chiếc túi xách mang theo. Dù cảnh trên chỉ kéo dài có 20 giây, nhưng cảnh sát đã cử người bay tới Pensylvania để trực tiếp gặp gỡ nhân chứng đã cung cấp đoạn video này.

Chiếc Nissan Pathfinder qua điều tra đã được khẳng định mang biển số giả. Biển số trên thuộc về một chiếc xe đã được gửi đi sửa chữa tại Stratford, một thành phố thuộc bang Connecticut nằm kề New York

Theo Cảnh sát trưởng Raymond Kelly, trên chiếc xe có 3 bình chứa khí propan, 2 can xăng màu đỏ, 1 chiếc hộp đựng súng trường bằng kim loại. Trong chiếp hộp này có tất cả 8 gói hỗn hợp phân hóa học, một chiếc nồi áp suất trong chứa pháo hoa. Có một đoạn dây dẫn được nối từ hộp đựng súng này tới một chiếc đồng hồ chạy pin.

Các điều tra viên còn chú ý tới một chi tiết: chiếc hộp đựng vũ khí rỗng nặng tới 25kg, sau khi nhét các gói phân hóa học đã thành 70kg. Như vậy, có nhiều khả năng tên khủng bố không phải chỉ là một cá nhân đơn lẻ.

Các giả thuyết

Faisal Shahzad, kẻ tình nghi đầu tiên bị bắt giữ.

Các phóng viên Mỹ đã tập trung chú ý tới việc, chiếc Nissan Pathfinder đã đậu ngay sát tòa nhà văn phòng của Hãng Viacom, chủ nhân của kênh truyền hình Comedy Central. Kênh này đã trở nên nổi tiếng với việc trình chiếu loạt phim hoạt hình South Park, trong đó có kế hoạch đưa vào một nhân vật mới là nhà tiên tri Muhammed. Chính vì điều này, các tác giả của loạt phim đã nhận được nhiều lời đe dọa từ phía các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trên trang YouTube vào ngày 2/5 đã xuất hiện một đoạn băng hình, trong đó các đại diện tại Pakistan của phong trào Taliban khẳng định, vụ nổ không thành tại quảng trường Thời đại là "sản phẩm" của họ. Theo tuyên bố trong đoạn băng trên, đây là hành động trả thù của các tay súng Hồi giáo về cái chết mới đây của 2 chỉ huy chiến trường hàng đầu của họ. Cảnh sát trưởng Raymond Kelly khi được yêu cầu bình luận về đoạn băng trên đã nói rằng, quân Taliban thường có xu hướng nhận lấy trách nhiệm về những vụ việc mà họ chẳng có chút mối liên hệ nào.

Thông tin mới nhất cho biết, các nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ được Faisal Shahzad, một kẻ tình nghi trong vụ đánh bom, khi hắn có mặt tại sân bay quốc tế Kennedy để chuẩn bị bay sang Dubai. Shahzad (30 tuổi) - con trai của một sĩ quan không quân Pakistan đã về hưu - có những bằng chứng cho thấy có khả năng dính dáng tới lực lượng Taliban tại Pakistan.

Thậm chí theo một số quan chức, Shahzad còn được Taliban huấn luyện vài tháng trước khi tung sang nước Mỹ thực hiện vụ đánh bom tại quảng trường Thời đại. Cho tới thời điểm này, Shahzad vẫn kiên quyết phủ nhận việc có dính líu tới lực lượng Taliban tại Pakistan.

Bất kể thủ phạm là ai, các nhà chức trách Mỹ lại thực sự lo ngại ở một khía cạnh khác. Dù đánh bom xe hơi luôn là một thủ đoạn ưa thích của bọn khủng bố trên khắp thế giới, nhưng tại Mỹ lại chưa bao giờ ghi nhận một trường hợp như vậy. Quả bom tự tạo dù không nổ, nhưng âm mưu bất thành trên lại có ý nghĩa cho thấy, chiến thuật thông dụng của bọn khủng bố tại Baghdad và nhiều thành phố khác của Iraq đã bắt đầu "lây lan" sang bên kia bờ đại dương

Linh Nga (tổng hợp)
.
.