Xung quanh hàng loạt vụ nổ bom ở Trung Quốc
- Trung Quốc lại rúng động vì nổ bom khu tự trị Choang
- Trung Quốc: Nổ bom tại Tân Cương, 125 người thương vong
Khoảng 15 giờ 45 phút ngày 30/9, huyện Liễu Thành, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã bị rung chuyển bởi 17 vụ nổ liên hoàn. 7 người chết và hàng chục người bị thương. Quang cảnh huyện Liễu Thành như bãi chiến trường.
Chỉ một ngày sau, trong khi người dân chưa hết hoang mang thì vào lúc 8 giờ ngày 1/10, một chung cư đã bị nổ bom cũng tại Liễu Châu.
Theo những phát ngôn ít ỏi từ phía Cảnh sát Trung Quốc thì những vụ nổ này là do một cá nhân thực hiện với động cơ là “xích mích” với ngành y tế của huyện Liễu Châu. Theo các trang mạng xã hội Trung Quốc thì hôm 1/10, cảnh sát nước này đã tiến hành bắt giữ một nghi can họ Vi. Có báo thì đăng chi tiết hơn nói rằng, nghi phạm vụ nổ bom hàng loạt ở Trung Quốc gây chấn động miền Nam nước này là Vi Ngân Dũng, nam giới, người dân tộc Choay, cư trú tại huyện Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây.
Sức công phá ghê gớm từ những quả bom được cho là để trả thù những "xích mích" với ngành y tế của "một đối tượng". |
Theo thông báo của Công an Quảng Tây đăng trên các phương tiện truyền thông địa phương, Vi Ngân Dũng rời Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái để sang Thái Lan. Sau đó, Vi trở về Liễu Thành hồi tháng 7 vừa qua và đang làm công nhân khai thác đá ở một xí nghiệp thuộc huyện Liễu Thành. Cảnh sát Trung Quốc mô tả đây là một “trường hợp tội phạm” và loại trừ “hành động khủng bố”. Một cuộc điều tra hình sự về vụ việc đã được mở.
Cảnh sát Quảng Tây còn chua thêm rằng đối tượng này từng có xích mích với cơ quan y tế của huyện Liễu Châu, nhưng không cho biết chi tiết cụ thể đó là mâu thuẫn gì.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế cho đây là một vụ tấn công khủng bố do một mạng lưới thực hiện. Đài Channel News Asia (Singapore) dẫn lời Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố Liễu Châu cho biết những quả bom được giấu trong các kiện hàng chuyển phát nhanh, gửi đến các trạm xe buýt, bệnh viện, nhà nghỉ, trung tâm mua sắm, văn phòng chính quyền thành phố.
Nhìn chung những mục tiêu tấn công đều là các cơ sở công cộng. Nếu chỉ vì “xích mích” với cơ quan y tế Liễu Châu thì theo lý bình thường đối tượng sẽ chỉ tấn công các cơ sở y tế chứ sao lại đánh bom cả trạm xe buýt hay trung tâm mua sắm..., những nơi có đông người tập trung!
Còn nữa, nhà chức trách Trung Quốc nói rằng gần 20 vụ đánh bom ở Liễu Châu trong 2 ngày 30/9 và 1/10 là do một đối tượng thực hiện. Thông tin này khó có thể tin được ngay cả với một người dân bình thường chứ đừng nói là các chuyên gia tội phạm. Cách thức đánh bom hàng loạt với gần như cùng một thời điểm là hành vi của một nhóm người có chuyên môn cao về chất nổ. Trước hết hãy xem những gì báo chí Trung Quốc tường thuật.
Theo tờ Nam Phương đô thị báo, có hai cách mà đối tượng Vi Ngân Dũng đã dùng để gây ra những vụ nổ khiến 7 người thiệt mạng, 51 người bị thương và 2 người còn đang mất tích. Cách thứ nhất là Vi gửi bưu kiện có chứa chất nổ tới địa điểm cần đến rồi bám theo nhân viên chuyển phát bưu kiện, sau đó hắn kích nổ bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Ngày 30/9, các vụ nổ đã xảy ra liên tiếp tại huyện liễu thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. |
Cách thứ hai là Vi đặt thuốc nổ trong gói bưu kiện với những thiết bị cảm ứng để khi có người mở ra, thuốc nổ bên trong bưu kiện sẽ bị kích hoạt.
Theo tường thuật của Nam Phương đô thị báo, một nhân viên chuyển phát nhanh họ Quảng đã bị mất toàn bộ ngón tay, bỏng nặng phần mặt, ngực, bụng theo cách thứ hai. Nạn nhân được thuê mang bưu kiện tới một địa điểm ở Liễu Thành. Người được nhận bưu kiện không trực tiếp nhận mà yêu cầu Quảng cứ mở ra xem trước. Kết quả là vụ nổ xảy ra ngay khi Quảng mở bưu kiện.
Theo Tân Hoa xã, nguyên nhân nổ xuất phát từ các gói bưu kiện chuyển phát nhanh ở 13 địa điểm khác nhau bao gồm một trung tâm mua sắm, nhà giam, văn phòng chính quyền huyện, siêu thị, bến xe, khu nhà ở của người làm trại chăn nuôi, chợ rau và trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Bốn vụ nổ còn lại, được cho là bị Vi Ngân Dũng dùng thiết bị điều khiển từ xa kích hoạt sau khi đã đặt sẵn thuốc nổ.
Hiện trường một vụ nổ ngày 1/10. |
Phát biểu tại một cuộc họp báo vào tối 1/10, giới chức an ninh huyện Liễu Thành cho biết, sau các vụ nổ, khoảng 60 bưu kiện khả nghi cũng bị phát hiện tại nhiều địa điểm ở huyện này.
Với cách thức bố trí đầy tính toán và quy mô của sự việc trên, ai có thể tin là do một mình tên Vi Ngân Dũng thực hiện?
Chưa hết, khi các cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa tin và phân tích theo hướng khủng bố thì lập tức bị gỡ bài. Ban đầu, bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV nói đây là một vụ khủng bố. Nhưng vài tiếng sau, các trang báo điện tử của nước này dẫn lời cảnh sát nói những vụ nổ trên do một cá nhân gây ra do bất mãn với ngành y tế địa phương. Sina, trang tin tức đông người truy cập nhất Trung Quốc cũng dẫn nguồn tin cảnh sát loại trừ khả năng khủng bố.
Tin về vụ việc nhanh chóng xuất hiện trên nhiều trang báo điện tử Trung Quốc, nhưng sau đó một số tờ báo đưa tin đầu tiên đã gỡ bản tin mà không thông báo lý do. Sự bưng bít thông tin như vậy càng khiến nhiều người hoài nghi về động cơ của vụ việc này.
Những năm gần đây, Trung Quốc luôn xảy ra các vụ tấn công đẫm máu, một số vụ có động cơ khủng bố, một số khác là do các băng nhóm tội phạm địa phương hoặc do cá nhân làm liều. Nhiều vụ tấn công bằng xe hơi, bom và dao diễn ra ở các khu vực thắng cảnh, bến tàu và chợ búa ở Bắc Kinh, Côn Minh và Urumqi (thủ phủ khu tự trị Tân Cương). Năm 2013, một loạt vụ đánh bom nổ ra đã khiến một người thiệt mạng và 8 người bị thương ở thành phố Thái Nguyên (thủ phủ tỉnh Sơn Tây).
Ngày 1/10 cũng là ngày đánh dấu 60 năm thành lập khu tự trị Tân Cương, nơi có nhiều người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi sinh sống. Tham dự lễ kỷ niệm, Du Chánh Thanh, nhân vật thứ 4 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuyên trách về cộng đồng tôn giáo và các sắc tộc thiểu số đã đánh giá tình hình tại đây là “rất nghiêm trọng”.
Ngày 1/10, Trung tâm Thông tin vì Nhân quyền và Dân chủ, có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng bom được sử dụng ở Liễu Thành do các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ chế tạo. Căng thẳng và bạo lực đã nhiều lần diễn ra ở Tân Cương, làm gia tăng lo ngại về quan hệ giữa phần tử Duy Ngô Nhĩ cực đoan và các nhóm khủng bố quốc tế khác.