Xung quanh những vụ bạo hành trẻ em: Vì trẻ em, xin đừng chỉ nói suông!

Thứ Ba, 16/11/2010, 22:55
Tại TP HCM vừa thêm một vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện khiến dư luận hết sức búc xúc và phẫn nộ. Dĩ nhiên, mức độ bạo hành đến đâu vẫn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra mới có thể biết chính xác.

Nhưng, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy những khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ trẻ em về mọi mặt của những cơ quan chuyên trách bỗng dưng biến thành vô nghĩa. Và đã đến lúc, thay vì cứ nói và căng khẩu hiệu, dư luận đang trông chờ vào việc thực hiện đúng trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho trẻ em của các cơ quan chức năng chuyên trách.

1. Trưa ngày 8/1/2010, nhiều người dân sinh sống tại khu vực đường Hùng Vương, phường 4, quận 5, TP HCM phát hiện một nhóm trẻ có khả năng bị bạo hành đang đi vất vưởng trên đường. Thông tin trên ngay lập tức được chuyển đến Cơ quan Công an địa phương. Nhận thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng, Công an phường 4, quận 5 đã nhanh chóng phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ xã hội (TT HTXH) TP HCM tiếp nhận nhóm trẻ này.

Cháu lớn tuổi nhất nhóm có tên là Nguyễn Văn Bé Hai, 13 tuổi. Ba cháu còn lại lần lượt là Diệp Hiếu Trung (4 tuổi), Lê Giang Huy (5 tuổi) và Diệp Tấn Khoa (6 tuổi). Toàn bộ các cháu trong nhóm đều được nuôi dưỡng tại Nhà mở Đồng Nai, nhưng (theo các cháu kể) do sự hà khắc của cô giáo Lê Thị Thanh Lan, Phó chủ nhiệm Nhà mở Đồng Nai (phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đồng thời cũng là người trực tiếp chăm sóc các cháu nên các cháu đã bỏ trốn khỏi Nhà mở vào rạng sáng ngày 8/1. Khi tiếp nhận các cháu, phát hiện tay của Lê Giang Huy và Diệp Tấn Khoa bị gãy, các nhân viên của TT HTXH đã đưa hai cháu vào BV Nhi đồng 1 cấp cứu.

Nhà mở Đồng Nai - nơi có khả năng xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em.

Từ lời khai ban đầu này cộng với những vết bầm tím, trầy xước trên cơ thể, khuôn mặt sưng húp... nên khi truyền thông phản ánh vụ việc, rất nhiều người đã bị sốc trước những gì mà nhóm trẻ trên phải chịu đựng. Theo bản tường trình được viết với con chữ xiêu vẹo, đầy lỗi chính tả, Bé Hai khai rằng bản thân mình và các bạn khác trong nhà mở thường xuyên bị cô Lan và chồng cô là ông Thanh đánh đập bằng những phương cách khác nhau, như: túm tóc, bạt tai, đập đầu vào tường, nhấn đầu vào lu nước, bị bóp cổ, bị bỏ đói...

Không dừng lại ở đó, vụ việc ngày càng được đẩy lên với mức độ cao hơn và nhiều tình tiết cao trào bắt đầu xuất hiện.

Bé Hai kể cuộc đào tẩu của 5 thành viên ở Nhà mở Đồng Nai được diễn ra vào rạng sáng 8/11. Sau khi vượt được cổng bảo vệ khá cao có rào chắn của Nhà mở, một thành viên trong nhóm đào thoát là cậu bé tên Quyết, 14 tuổi đã bị lạc do trời quá tối. Sau này, khi bị phát hiện và đưa trở về Nhà mở Đồng Nai, Quyết đã tích cực phản đối những lời khai của nhóm bạn đã đào tẩu thành công.  Quyết nói nhóm bạn của mình đào thoát khỏi nhà mở là để đi biển chơi, chứ không phải là do bị ngược đãi.

Ngày 9/11, sau khi một vài tờ báo đưa tin về sự việc thì ngay chiều hôm ấy, một đoàn cán bộ của tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện tại BV Nhi Đồng 1 với ý định xin cho Khoa và Huy xuất viện. Sau đó họ lặng lẽ mang hai cháu về lại Nhà mở Đồng Nai. Tuy nhiên, Công an phường phát hiện và ngăn chặn.

Tiếp đến, vào khoảng 17h cùng ngày, bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên, Chủ nhiệm Nhà mở Đồng Nai đã mang theo công văn của Tỉnh đoàn Đồng Nai đến TT BTXH TP HCM yêu cầu được mang toàn bộ 4 cháu trở về lại Nhà mở.

Nhưng, do trước những câu hỏi liên quan đến thương tích của các cháu mà phía TT BTXH TP HCM đã đặt ra và bà Hiền không có câu trả lời thỏa đáng nên TT BTXH TP HCM tiếp tục giữ các cháu lại trung tâm để chữa trị những vết thương trên cơ thể và các sang chấn tâm lý nếu có xảy ra.

Ngày 10/11, cô giáo Lan bị đình chỉ chức vụ để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, cô giáo kiêm Phó chủ nhiệm Nhà mở Đồng Nai liên tiếp phản bác lời khai của các cháu đã bỏ trốn khỏi Nhà mở. Theo cô Lan thì thỉnh thoảng khi tức giận, cô có dùng thước đánh khẽ vào tay hoặc mông các cháu. Bản thân cô và chồng coi các cháu như con.

Hai anh em Diệp Hiếu Trung va Diệp Tuấn Khoa tại TT BTXH TP HCM

Thậm chí, vợ chồng cô Lan cũng đang chuẩn bị xúc tiến các thủ tục để nhận cháu Lê Giang Huy làm con nuôi. Những vết thương trên người của các cháu có khả năng là do khi đùa giỡn các cháu bị chấn thương hoặc trong quá trình tẩu thoát khỏi Nhà mở các cháu đã gặp phải trên đường đi.

Chiều ngày 11/11, Cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai cùng đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có mặt tại TT BTXH TP HCM để lấy lời khai của nhóm trẻ trốn khỏi Nhà mở Đồng Nai.

Diệp Tấn Khoa là cháu đầu tiên được mời lên lấy lời khai với người giám hộ là nhân viên Trung tâm. Khoa vẫn khai chuyện bị chồng cô Lan đánh bằng dây xích. Và người đàn ông này sau khi đánh Khoa xong đều căn dặn: "Có ai hỏi thì nhớ nói là bị té". Buổi lấy lời khai kéo dài khá lâu, hơn 3 giờ đồng hồ, mãi cho đến khi Khoa kêu đau ở bộ phận sinh dục, nhân viên của Trung tâm đã yêu cầu được chuyển buổi làm việc tiếp sang sáng  ngày 12/11 để đảm bảo sức khỏe cho Khoa.

2. Vụ việc có khả năng là một vụ bạo hành nghiêm trọng tại Nhà mở Đồng Nai khiến dư luận hết sức quan tâm bởi nó gợi cho người ta nhớ đến chuyện buồn quá khứ, chuyện về Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật Tia Sáng tại thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là ngôi trường do ông Tô Tuấn Anh, người bị bắt vì tàng trữ hàng kho vũ khí trong nhà mình tại quận Tân Phú, TP HCM sáng lập ra.

Cách đây gần 2 năm, những vụ việc liên quan đến Trường Tia Sáng là tâm điểm của mọi sự chú ý. Bởi không ai có thể ngờ được việc những kẻ bề ngoài khoác áo lương thiện bên trong lại ngầm... đi buôn bán trẻ em.

Trong số 31 trẻ em được nuôi dưỡng tại trường, ngoài những trẻ bị bại não và bệnh tật, Ban giám hiệu (Thật ra không có Ban giám hiệu được bổ nhiệm chính thức thông qua bầu bán hoặc tín nhiệm, chỉ có chức Hiệu trưởng được ông Tuấn Anh "sắc phong" của Trần Văn Hữu khi "giao dịch" bán trẻ con với người khác. Hữu nguyên là lái xe của Công ty Anh Nga do Tô Tuấn Anh làm chủ. Sau khi Hữu "mất chức" lãnh đạo, Tô Tuấn Anh đưa Nguyễn Văn Mạnh lên làm Hiệu trưởng. Mạnh nguyên là công nhân của trường, do các lãnh đạo được Tô Tuấn Anh chỉ đạo đều lần lượt nghỉ làm, nên Mạnh được "đôn" từ nhân viên lên làm Hiệu trưởng - PV) của ngôi trường quái đản này, sẵn sàng bán các cháu khỏe mạnh cho những ai có nhu cầu muốn xin con nuôi với giá từ 20-25 triệu đồng/cháu. Cho đến khi bị các cơ quan chức năng phát hiện, hai ông "hiệu trưởng" Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Mạnh cấu kết cùng nhân viên kịp bán vài cháu cho những gia đình có nhu cầu.

Sau khi những khuất tất vô lương tâm được phanh phui, Trường Tia Sáng bị giải thể, các trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây đều được các trung tâm khác nhận cưu mang. Điều khá lạ là sau khi sự việc xảy ra, người ta mới phát hiện rằng, mặc dù  có sự giám sát của khá nhiều các cơ quan ban ngành nhưng phải chờ đến khi báo chí lên tiếng thì vụ việc bán trẻ em tại Trường Tia Sáng mới được điều tra làm rõ.

Hàng loạt vụ việc bạo hành trẻ em đã xảy ra trong thời gian qua đã minh chứng cho một nguyên tắc rất đau lòng là trẻ em có thể bị bạo hành bất cứ ở đâu, vào bất cứ lúc nào... Một Hồ Thị Bông bị mẹ nuôi ép đi ăn xin bằng cách đổ nước sôi lên người tại quận 2, TP HCM, một Hào Anh bị biến thành nô lệ khổ sai thời Trung cổ tại Cà Mau, một Như Ý bị mẹ ruột cùng bạn trai hành hạ như những kẻ biến thái thích hành hạ người khác ở Đồng Tháp, một Lê Quang Vinh bị cô giáo ở nhà trẻ tư thục nhốt vào thang vận chuyển thức ăn do biếng ăn khiến bé bị chấn thương cơ thể lẫn tinh thần nghiêm trọng...

Bản tường trình với con chữ xiêu vẹo sai chính tả của bé Hai.

Tất cả các vụ bạo hành trẻ em trước đây đều có thể đổ thừa đó là những trường hợp xảy ra ở các nhà trẻ tư nhân, ở những nơi heo hút khi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Thế nên, nếu chẳng may ở ngay thành phố Biên Hòa, lại xuất phát từ một cơ sở như mái ấm thiện nguyện trực thuộc quản lý của Tỉnh đoàn mà xảy ra việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng đúng như lời khai của các thành viên trong nhóm đào thoát thì đúng là "bi kịch" cho nhiều phía(!).

Nhưng hẳn nhiên, điều mà dư luận hết sức mong đợi vào lúc này chính là một kết luận hoàn toàn đúng sự thật, không bao biện, dẫu rằng Nhà mở Đồng Nai chính là "Công trình Thanh niên", được xây dựng vào năm 1998 nhờ sự đóng góp của Đoàn thanh niên các tỉnh miền Đông Nam Bộ nhân dịp Liên hoan Thanh niên tiên tiến Cụm miền Đông Nam Bộ lần IV được tổ chức tại Đồng Nai.

Với mục đích rất hướng thiện là chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp tìm việc làm cho trẻ, đưa trẻ tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng, giúp đỡ trẻ tránh những rủi ro trên đường phố, ngăn ngừa các tội phạm và tệ nạn xã hội đến với các em: trộm cắp, ma túy và bị lạm dụng tình dục.

3. Hơn 10 năm trước, phải lâu lắm mới xảy ra một vụ bạo hành khiến dư luận ầm ĩ. Còn nếu khoảng cách là 15 năm, hầu như chẳng có vụ việc nào đáng chú ý. Vấn đề bạo hành ở trẻ em chỉ được quan tâm đúng mức vài năm trở lại đây, nhưng điều đáng tiếc là hầu như đa phần những vụ việc gây chấn động đều được báo chí thông tin trước thì cơ quan chức năng mới bắt đầu vào cuộc. Rất ít khi những đoàn thanh kiểm tra phát hiện được vụ việc rồi chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền nhằm bảo vệ các quyền lợi thích đáng của trẻ em.

Và đã đến lúc các cơ quan, ban, ngành chuyên trách về bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho trẻ em hãy hành động bằng trách nhiệm lẫn tình thương dành cho trẻ, thay vì cứ vin vào khẩu hiệu hoặc các buổi hội thảo diễn ra chớp nhoáng nhưng nhì nhằng để chứng minh cho dư luận thấy chuyện "trẻ em đang được bảo vệ và chăm sóc tốt".

Nếu họ không chuyển đổi nhanh từ trạng thái "nói" sang "làm" thì  sẽ chẳng bao giờ có chuyện ngăn chặn hiệu quả thực trạng bạo hành trẻ em đang diễn ra ở cấp độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trẻ em không bao giờ là một "toa thuốc" để "căn bệnh" thành tích có thể sống ký sinh trên đó. Không bao giờ!

K.Hữu
.
.