Xung quanh vụ án cảnh sát Tunisia cưỡng bức phụ nữ

Thứ Ba, 22/04/2014, 21:30

Tunisia được thế giới ca ngợi khi thông qua một hiến pháp trong đó có điều khoản bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực. Nhưng vụ án sĩ quan cảnh sát cưỡng bức một phụ nữ trong thời gian qua cho thấy những thách thức về quyền phụ nữ ở nước này.

Nạn nhân trong vụ án là một phụ nữ Tunisia 29 tuổi được gọi tên là Meriem Ben Mohammed. Vẫn còn quá nhiều điều để nói sau phiên tòa. Hai sĩ quan cảnh sát bị buộc tội cưỡng bức và mang án tù 7 năm. Sĩ quan thứ 3 lĩnh án 2 năm tù vì tội tống tiền chồng chưa cưới của nạn nhân.

Nhưng theo các luật sư của Meriem Mohammed: "Bản án cho tội cưỡng bức ở Tunisia trung bình là từ 10 đến 15 năm tù và tối đa là chung thân. Thẩm phán nên xem xét tình tiết các hung thủ là sĩ quan cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Họ bị trừng phạt với bản án quá nhẹ. Chúng tôi sẽ chống án".

Theo hồ sơ tòa án, vào ngày 3/12/2012, Meriem đi chơi tối với người bạn trai. Trên đường về nhà, xe của họ bị cảnh sát chặn lại ở Ain Zaghouan, ngoại ô thủ đô Tunis. Lúc đó, có 3 người đàn ông tự xưng là cảnh sát yêu cầu Meriem và bạn trai ra khỏi xe. Bạn trai của Meriem bị một người còng tay ngay lập tức và buộc đi đến máy rút tiền ATM - hành động được cáo buộc là tống tiền.

Khi bạn trai bị dẫn đi xa, Meriem bị hai cảnh sát còn lại lôi vào xe của họ. Diễn biến sau đó là Meriem bị ép buộc quan hệ tình dục với hai người đàn ông này.

Cảnh sát Tunisia nổi tiếng luôn sử dụng bạo lực với những người biểu tình.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhóm gồm 4 luật sư, cuối cùng Meriem đã làm đơn kiện ra tòa đối với 3 sĩ quan cảnh sát. Tuy nhiên, căn cứ vào bằng chứng của các bị cáo, ban đầu công tố viên đã có sự buộc tội ngược, chống lại Meriem và bạn trai của cô. Sau cơn giận dữ của người dân nổ ra trên mạng truyền thông xã hội cũng như cuộc biểu tình bên ngoài tòa án, sự buộc tội ngược lại nạn nhân cuối cùng mới được hủy bỏ.

Nhưng Meriem cho biết, trong khi vụ án chưa được giải quyết thì các chi tiết cá nhân của cô bị rò rỉ trên các mạng xã hội đến các thành viên gia đình hung thủ. Điều đó, khiến cho Meriem lo sợ bị tấn công trả thù. Meriem hiện nay đang sống ở Pháp cùng với bạn trai của cô. Nhưng vụ cưỡng bức đã khiến cô mắc chứng trầm cảm và ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống.

Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, vụ án của Meriem là minh chứng cho thấy thực tế vẫn chưa có thay đổi gì nhiều cho nền dân chủ ở Tunisia.

Bà Amna Guellali, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) ở Tunisia, bình luận: "Hiện vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ những nạn nhân bị cưỡng bức. Trong khi đó, phản ứng của cảnh sát và tòa án thường tùy tiện".

Meriem thì cho rằng, hiến pháp mới chẳng có ý nghĩa thay đổi gì cả và cô bày tỏ mong muốn những phụ nữ nạn nhân khác hãy dũng cảm tố cáo tội ác bạo lực giống như cô đã làm

Duy Ân (tổng hợp)
.
.