Xung quanh vụ bắt giữ Tướng hai sao của quân đội Hàn Quốc

Thứ Năm, 17/06/2010, 11:40
Vụ bắt giữ Tướng Kim (2 sao) của Quân đội Hàn Quốc đang khiến cho quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng càng trở nên căng thẳng. Hơn nữa, việc này diễn ra đúng thời điểm Nga công bố bản kết luận điều tra vụ chìm tàu chiến Cheonan theo hướng không ủng hộ với những tuyên bố trước đó của Hàn Quốc.

Theo Đài Truyền hình quốc gia KBS của Seoul đưa tin, ngày 9/6, tướng Kim đã bị bắt theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy An ninh Quân đội (DSC), Cơ quan Tình báo quân sự của Hàn Quốc. Ông Kim bị cáo buộc đã tiết lộ nhiều bí mật quân sự cho CHDCND Triều Tiên. Tướng Kim đã cung cấp thông tin bí mật cho cựu nhân viên tình báo Hàn Quốc được biết tới dưới cái tên Park để người này chuyển cho nhân viên tình báo CHDCND Triều Tiên.

Điệp viên Park là một cựu Giám đốc công ty quốc phòng địa phương đã bị bắt từ hôm 3/6 với cáo buộc cung cấp thông tin bí mật cho Bình Nhưỡng. Có tin nói rằng, điệp viên Park nguyên là cựu nhân viên phản gián Hàn Quốc, nhưng đã bị Cơ quan Tình báo CHDCND Triều Tiên mua chuộc khi tới làm việc tại Trung Quốc hồi thập niên 90 (?).

Được biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đang cân nhắc kỷ luật 25 quan chức cao cấp quân đội (13 tướng, 10 cấp tá và 2 quan chức cấp bộ) liên quan đến vụ chìm tàu chiến Cheonan. Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young sẽ quyết định vấn đề nhạy cảm này. Giới truyền thông cho biết, sau vụ chìm tàu chiến Cheonan, nhiều yếu kém trong công tác bảo mật trong quân đội đã bộc lộ như phương án kiểm soát khủng hoảng, sẵn sàng tác chiến của quân đội... Dư luận rất quan tâm tới bản kết luận điều tra của Nga - không có bằng chứng xác thực chứng tỏ Bình Nhưỡng là chủ mưu của vụ chìm tàu chiến Cheonan. Nhóm chuyên gia Nga đã tiến hành điều tra trong một tuần tại Hàn Quốc và trở về nước hôm 7/6.

Theo giới truyền thông, trong những thông tin bí mật đã cung cấp có bản "Kế hoạch tác chiến 5027" giữa Mỹ với Hàn Quốc. Đây là những kế hoạch tác chiến cụ thể nhằm ngăn ngừa và phản công trước một cuộc chiến tranh tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên. Được biết, cách đây 8 năm (2002), bản "Kế hoạch tác chiến 5027" từng bị tiết lộ. Đây là kế hoạch tác chiến cơ bản được Bộ Chỉ huy liên quân Mỹ - Hàn vạch ra.

Theo "Kế hoạch tác chiến 5027", Mỹ chưa bao giờ từ bỏ một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên và được Chính phủ Mỹ - Hàn bổ sung, điều chỉnh định kỳ 2 năm một lần. Năm 1994, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương đã có điều chỉnh lớn đối với kế hoạch 5027.

4 năm sau, kế hoạch 5027-1998 ra đời. Theo đó, để lật đổ Chính phủ Bình Nhưỡng, quân đội Mỹ - Hàn cần tập trung tiêu diệt các căn cứ quân sự, đặc biệt là cơ sở vật chất của lực lượng pháo tầm xa, căn cứ không quân của CHDCND Triều Tiên. Theo "sách trắng quốc phòng" phát hành ngày 4/12/2000, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận, nếu chiến sự nổ ra thì trong vòng 90 ngày, Mỹ phải tăng viện cho Hàn Quốc ít nhất 690.000 quân cùng 160 tàu và 1.600 máy bay các loại mới "giữ vững được trận địa". Con số này lớn hơn nhiều so với dự tính của Mỹ - chỉ cần 480.000 quân.

Đến tháng 2/2002, Mỹ lại thay đổi kế hoạch 5027-2002. Việc này diễn ra sau vụ khủng bố 11/9/2001. Trọng điểm của lần thay đổi này là bất ngờ tập kích cơ sở hạt nhân, cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học của Bình Nhưỡng mà không cần thương lượng trước với Hàn Quốc. Kể từ đó đến nay, "Kế hoạch tác chiến 5027" đã có nhiều thay đổi theo những biến chuyển của tình hình trong và ngoài khu vực.

Nhóm chuyên gia Nga rời Hàn Quốc về nước hôm 7/6.

Vụ bắt giữ Tướng Kim diễn ra trong bối cảnh Seoul tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chỉ trích Bình Nhưỡng liên quan đến vụ chìm tàu chiến Cheonan khiến 46 thủy thủ bị chết. Ngày 9/6, Hàn Quốc đã lắp đặt xong hơn 100 loa phóng thanh dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên, sẵn sàng nối lại chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng không những đe dọa bắn phá hệ thống loa phóng thanh nếu cuộc chiến tâm lý được khởi động, mà còn gửi khuyến cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo đó, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ bị đe dọa nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc xem xét những cáo buộc của Seoul xung quanh vụ việc trên. CHDCND Triều Tiên yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ chìm tàu Cheonan.

Ngày 12/1/2006, ông Cheong Sun-mok, người phát ngôn của Cơ quan Mua sắm trang thiết bị quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng thừa nhận: Việc để rò rỉ thông tin mật xảy ra khi các nhân viên của họ sao chép lại bản kế hoạch quốc phòng theo định kỳ để kiểm tra và do bất cẩn nên những tài liệu này đã bị đưa lên website và tồn tại trên mạng trong suốt 4 ngày liền (từ 1 đến 4/1/2006).

Đây là một kế hoạch tuyệt mật khá tổng thể về mua sắm, nâng cấp, phát triển kho vũ khí nhằm đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc quân sự trong khu vực vào năm 2020. Vì đây là kế hoạch tăng cường tiềm lực quân sự lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc nên vụ tiết lộ thông tin kể trên cũng được coi là lớn nhất trong lịch sử nước này. Được biết, đã có hơn 250 tài liệu mật liên quan đến các chương trình mua sắm vũ khí bị đưa lên mạng

Trịnh Thị Phương Anh (tổng hợp)
.
.