Xung quanh vụ dẫn độ cựu Tổng thống Radovan Karadzic

Thứ Bảy, 09/08/2008, 11:30
Vụ dẫn độ khá kín tiếng cựu Tổng thống Serbia sáng sớm 30/7/2008 đang là chủ đề thời sự nóng hổi không những đối với người dân Serbia, mà cả dư luận thế giới bởi trong khi bị cáo  buộc là tội phạm chiến tranh, nhưng nhiều người dân Serbia vẫn coi ông Radovan Karadzic là “Người hùng Serbia”, là “Anh hùng dân tộc”.

Cuộc dẫn độ được báo trước

Mặc dù cuộc dẫn độ diễn ra lặng lẽ vào khoảng 3h45’ sáng 30/7, nhưng đoàn xe chở cựu Tổng thống Radovan Karadzic tới sân bay vẫn được giới truyền thông theo sát. Sau khi tới Rotterdam của Hà Lan trên chuyến bay đặc biệt của Chính phủ Serbia, mọi di biến động của ông Radovan Karadzic tiếp tục được giới truyền thông đưa tin và tạm dừng lại ở khu giam giữ Scheveningen của Tòa án Quốc tế ở gần La Haye. 

Khoảng 7h 45’ ngày 30/7 (giờ địa phương), ông Radovan Karadzic đã có mặt tại nhà giam của Tòa án Quốc tế. Theo ông Serge Brammertz, quan chức phụ trách Tòa án Quốc tế, phiên tòa sẽ sớm khai đình vì mọi chứng cứ đã được thu thập đầy đủ. Tòa án Quốc tế The Hague (Tòa án Hình sự quốc tế về Nam Tư cũ) cáo buộc ông Radovan Karadzic phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột sắc tộc tại Bosnia (1992-1995). Mặc dù đối mặt với cáo buộc như vậy, nhưng ông Radovan Karadzic sẽ không bị kết án tử hình, mà cao nhất là chung thân.

Sau khi cuộc dẫn độ diễn ra, đại diện Chính phủ Serbia mới thông báo, Bộ Tư pháp đã ký lệnh đồng ý dẫn độ Radovan Karadzic tới Tòa án Quốc tế bất chấp sự phản đối của đương sự, luật sư, dư luận và hàng chục nghìn người biểu tình trước đó.

Trước khi bị dẫn giải tới Tòa án Quốc tế La Haye, ông Radovan Karadzic không được gặp người thân, không được hưởng những quy chế của một nghi can bị bắt giữ, luôn bị thẩm vấn và giám sát chặt chẽ tại trụ sở Tòa án ở Belgrade, nơi cựu Tổng thống bị tạm giam suốt từ khi bị bắt. Cho đến nay cả vợ, con trai và con gái ông Radovan Karadzic đều không được phép rời khỏi Bosnia - Herzegovina tới Tòa án The Hague ở Hà Lan để thăm thân.

 Với việc bắt giữ và dẫn độ ông Radovan Karadzic, Serbia hy vọng Liên minh châu Âu sẽ sớm chấp thuận để họ trở thành thành viên. Được biết, tại cuộc họp hôm 29/7 ở Brussels, Bỉ, các đại sứ Liên minh châu Âu đã hoãn quyết định thiết lập quan hệ thân thiết hơn với Serbia cho đến khi ông Radovan Karadzic bị dẫn độ. Tổng thống Boris Tadic đang quyết tâm đưa Serbia gia nhập Liên minh châu  Âu “bằng mọi giá”.

Radovan Karadzic có người đóng thế?

Vụ bắt giữ và dẫn độ cựu Tổng thống Radovan Karadzic đã chấm dứt những phiền toái đối với ông Cvitan Curico, 62 tuổi, người Bosnia. Được biết, ông Cvitan Curico có ngoại hình đặc biệt giống cựu Tổng thống Radovan Karadzic nên từng bị cảnh sát Serbia cũng như binh lính gìn giữ hòa bình của NATO và nhiều lực lượng đặc nhiệm khác bắt giữ.

Giới truyền thông theo sát vụ dẫn độ ông Radovan Karadzic.

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây nhất, ông Cvitan Curico cho biết, binh lính Italia là người đầu tiên bắt ông (năm 1997). Năm 1998, ông Cvitan Curico tiếp tục bị bắt và những vụ bắt giữ tiếp tục diễn ra cho tới khi mọi việc được làm sáng tỏ. Dư luận cũng như giới chuyên môn từng đồn rằng, ông Cvitan Curico là người đóng thế để cựu Tổng thống Radovan Karadzic ung dung tự tại cho tới khi bị bắt cho dù bị truy nã khắp thế giới cùng khoản tiền thưởng lên tới 6 triệu USD.

Sau khi ông Karadzic bị bắt, có một số thông tin cho rằng ông đã bị tướng Ratko Mladic “bán đứng” (?).

Mặc dù có cả một đoàn luật sư tên tuổi, nhưng “Người hùng Serbia” vẫn tự bào chữa. Với việc tự bào chữa, ông Radovan Karadzic sẽ có cơ hội thể hiện mình là người hùng trước đám đông ủng hộ ở quê nhà, cũng như tự do xoay sở trước những biến động tại tòa. Nhiều người cho rằng, ông Radovan Karadzic sẽ dùng những “tuyệt chiêu” của cố Tổng thống Slobodan Milosevic. Đó là tự biện hộ trong các phiên tòa để kéo dài quá trình tố tụng. Ông Radovan Karadzic đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Theo ông Svetozar Vujacic, luật sư của cựu Tổng thống Serbia thì ông Radovan Karadzic từng từ chối sử dụng thức ăn được đưa tới kể từ khi bị bắt và luôn giữ thái độ yên lặng và điềm tĩnh bởi ông sợ bị đầu độc giống như cố Tổng thống Slobodan Milosevic. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, tiến trình xét xử ông Radovan Karadzic phải đúng luật.

Những sai lầm chết người của ông Karadzic

Vụ dẫn độ ông Radovan Karadzic diễn ra sau khi Đài Truyền hình Serbia (29/7) cho công bố những đoạn băng ghi hình mới về cựu Tổng thống - một tuần trước khi bị bắt. Khi đó ông Radovan Karadzic đi dự tiệc ở Novi Banovci gần Belgrade và bác sĩ Sava Bojovic, chủ nhà đã đón tiếp rất ân cần. Trong khi mọi người coi đây là những thước phim “tình cờ” được quay thì giới chuyên môn lại cho rằng, đó chỉ là phần nổi của chuyên án theo dõi, bắt giữ  ông Radovan Karadzic.

Ông Radovan Karadzic tuy bị phát lệnh truy nã quốc tế từ ngày 25/7/1995, nhưng vẫn sống ung dung, thậm chí di chuyển tới nhiều quốc gia châu Âu. Theo tờ Kronen Zeitung của Áo, ông Radovan Karadzic từng thoát khỏi một cuộc vây bắt năm 2007 khi cảnh sát nước này lục soát một căn hộ ở thủ đô Vienna. Khi đó (4/5/2007) chẳng ai biết rằng, họ vừa bỏ qua một nghi phạm bị truy nã quốc tế đang sở hữu cuốn hộ chiếu Croatia dưới cái tên Petar Glumac.

Theo tiết lộ của một sĩ quan tình báo Serbia (giấu tên), sự cải trang tài tình của ông Radovan Karadzic tuy giúp cựu Tổng thống thoát khỏi sự truy lùng, nhưng nó lại giúp cơ quan tình báo, an ninh xác định chính xác đối tượng đang bị họ theo dõi.

Được biết, mấy tháng trước ngày bắt giữ ông Karadzic, Cơ quan An ninh Serbia nhận được một cuộc điện thoại nặc danh. “Người các vị muốn bắt có nhiều đặc điểm, nhất là giọng nói giống với cựu Tổng thống Radovan Karadzic, đó là bác sĩ Dragan David Dabic”. Ngay sau khi nhận được tin này, Cơ quan An ninh Serbia đã phái người đi xác minh và họ nhanh chóng có được câu trả lời. Ông

Radovan Karadzic không thể ngờ một trong những “bệnh nhân” từng được tư vấn, chữa bệnh cách đây không lâu đã lấy được mấy sợi tóc của mình. Qua xét nghiệm ADN, Cơ quan An ninh Serbia khẳng định, bác sĩ Dragan David Dabic chính là cựu Tổng thống Radovan Karadzic.

Vẫn theo lời sĩ quan tình báo kể trên, từ cuối tháng 5/2008, gần 50 nhân viên tình báo và an ninh Serbia nhận lệnh giám sát mọi di biến động của bác sĩ Dragan David Dabic, nhưng họ không hề hay biết đó là nhân vật đang bị truy nã quốc tế, cựu Tổng thống RadovanKaradzic.

Chính quyền Serbia đã phủ nhận thông tin nói rằng, việc bắt giữ ông Radovan Karadzic là do tin tức tình báo của một cơ quan tình báo nước ngoài. Có tin nói rằng, cơ quan an ninh và tình báo Serbia tình cờ phát hiện ra ông Radovan Karadzic khi đang theo dõi di biến động của tướng Ratko Mladic.

Giới chuyên môn nhận định, việc bổ nhiệm ông Sasha Vukadinovic thay thế người tiền nhiệm Rade Bulatovic, đứng đầu Cơ quan Tình báo Serbia có một ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện và bắt giữ ông Radovan Karadzic. Vụ bắt giữ ông Radovan Karadzic được giữ bí mật tới phút chót, chỉ có Tổng thống, Thủ tướng và Giám đốc Cơ quan An ninh biết chi tiết vấn đề này.

Hiện Cơ quan An ninh Serbia đang thẩm vấn người cháu của ông Radovan Karadzic bởi chính người này đã công khai thừa nhận giúp đỡ bác ruột mình thuê 5 căn hộ ở khu nhà tồi tàn tại Novo Belgrade, ngoại ô thủ đô Belgrade. Cũng chính cú điện thoại hồi tháng 5/2008 của người cháu mà hành tung của ông Radovan Karadzic bị bại lộ. Về phần mình, ông Radovan Karadzic cũng đã thừa nhận phạm sai lầm khi xuất hiện công khai quá mức cần thiết.

Giới chuyên môn nhận định, chính sự tự tin có phần thái quá của ông Radovan Karadzic - lập một website riêng và trao đổi danh thiếp nên ông đã phải trả giá đắt. Tuyên bố của các công tố viên Serbia cũng khiến cho vụ bắt giữ ông Radovan Karadzic trở nên bí ẩn – chỉ tiết lộ chi tiết sau khi bắt được tướng Ratko Mladic, “phó tướng” của cựu Tổng thống Serbia

Trịnh Thị Phương Anh (Tổng hợp)
.
.