Yakuza ngày càng làm "đen" Nhật Bản

Thứ Tư, 09/05/2007, 09:45
Ở nước Nhật quyền sở hữu vũ khí được quy định rất chặt chẽ vì thế mà vụ sát hại Thị trưởng Nagasaki - được Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá là “sự thách thức nền dân chủ”  đã gây sốc cho người dân nước này.

Ngày 17/4, Thị trưởng Nagasaki - ông Iccho Ito, 61 tuổi - bị bắn vào lưng và chết vào sáng hôm sau trong bệnh viện. Nhật Bản vốn được xem là quốc gia có tỉ lệ tội phạm thấp nhất trong các nước công nghiệp và Nagasaki không phải là Palermo nên nạn nhân Iccho Ito đã không có cảnh sát hộ tống trên đường thực hiện chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 4 trong mùa bầu cử ở địa phương vào ngày 22/4. 

Ở nước Nhật quyền sở hữu vũ khí được quy định rất chặt chẽ vì thế mà vụ sát hại Thị trưởng Nagasaki - được Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá là “sự thách thức nền dân chủ”  đã gây sốc cho người dân nước này.

Bọn Yakuza hoạt động trong mọi lãnh vực không khác gì các tổ chức mafia trên thế giới: mại dâm, cờ bạc, buôn lậu ma túy (chủ yếu là amphétamine), bắc cóc tống tiền, cho vay nặng lãi, làng giải trí v.v... Chúng cũng ngày càng xuất hiện nhiều trong lĩnh vực kinh tế hợp pháp: truyền thống là ngành xây dựng và buôn bán, ngành bất động sản và chứng khoáng.

Theo Mitsuhiro Suganuma, nguyên Giám đốc Phân khu 2 của Cơ quan tình báo nội địa, băng đảng Kodo-kai mạnh không thua kém băng Nagoya, đang là tổ chức giàu nhất Nhật Bản. Tháng 8/2005, "bố già" Shinobu Tsukasa trở thành ông chủ của Yamaguchi-gumi, nghiệp đoàn tội phạm đầu tiên của Nhật Bản. Hiện nay, Shinobu Tsukasa đang ngồi tù vì tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp và “phó tướng” Kiyoshi Takayama phải tạm thời thay thế hắn cai quản tổ chức.

Theo số liệu của cảnh sát, khoảng 20 băng Yakuza lớn quy tụ dưới trướng 41.000 thành viên, trong đó một nửa thuộc về các gia đình gia nhập Yamaguchi-gumi. Lãnh địa của Yamaguchi-gumi là vùng Kansai (Osaka-Kobe-Kyoto), nhưng từ vài năm nay tổ chức Yakuza này bắt đầu lên kế hoạch tiến về phía đông và ngày càng có mặt khắp lãnh thổ Nhật Bản!

Sự “phát triển” này đôi khi làm bùng nổ những cuộc chiến đẫm máu giữa các băng đảng. Như là vụ đụng độ giành lãnh địa xảy ra trong tháng 2 năm nay ở Tokyo, giết chết thủ lĩnh băng Sumiyishi-kai (8.000 thành viên) của nghiệp đoàn tội phạm thành phố này.

Nếu như số lượng tội phạm Yakuza được cảnh sát đánh giá có xu hướng giảm dần, thì con số các tên găngxtơ Nhật “nghiệp dư” lại tăng cao (khoảng 43.000 tên). Trong số đó, những tên bị cảnh sát điểm mặt tỏ ra hung hãn nhất. Một số tên (có bề dày “thành tích” gây án) đã rời khỏi băng nhóm để trở thành những “con sói đơn độc”.

Những tên khó xác định nhất chính là những “anh em làm ăn”, tức là bọn hoạt động theo yêu cầu của các băng nhóm nhưng không chính thức nằm trong băng nào. Chúng hoành hành trên thị trường chứng khoán, trong đầu tư bất động sản và đây là nguồn gốc của sự mở rộng một vùng xám của ngành kinh tế mà ở đó tính hợp pháp và bất hợp pháp sống chung với nhau.

Trong quá khứ, từ sau năm 1945 và cho đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bọn Yakuza “liên kết” với giới chính khách để đổi lấy sự khoan dung của chính quyền, nếu như họ không vượt quá giới hạn cho phép. Và có những người đứng “đằng sau bức rèm đen” làm trung gian cho chính khách và bố già. Với sự kết thúc chiến tranh lạnh, sự thụt lùi của cánh tả và các tổ chức, cánh hữu càng ít cần đến bọn Yakuza phục vụ cho công việc của họ.

Sau khi luật chống băng nhóm tội phạm có hiệu lực năm 1992, các nghiệp đoàn tội phạm lớn của Nhật Bản buộc phải co vòi lại. Và, thế giới Yakuza trở nên bí hiểm hơn đối với cảnh sát - chúng trở nên “thông minh” hơn bằng cách thâm nhập nền kinh tế hợp pháp. Xây dựng là ngành ưa thích của bọn Yakuza. Các công ty xây dựng hay vận tải trang thiết bị nằm trong vòng ảnh hưởng của Yakuza được hưởng những đấu thầu gian lận bảo đảm cho công việc làm ăn của mình.

Trong vòng vài năm sau này, nhiều vụ làm ăn đã cho thấy có sự nương nhờ một cách hệ thống đến bạo lực: bọn Yakuza xử những đối tượng “ương ngạnh” không chịu nhường bước chúng. Năm 1996, Xã trưởng Mitake bị một tên găngxtơ tấn công bằng gậy đánh bóng chày dẫn đến bị thương nặng chỉ vì lý do hết sức kỳ cục: hắn không có được khu vực... lấy rác công cộng!

Năm sau, một viên chức tỉnh Saitama bị tấn công vì dám chống đối Tòa thị chính cấp phép mở các điểm bán vé đi xuồng máy. Năm 2001, một viên chức Tòa thị chính Kanuma (tỉnh Tochigi) bị bắt cóc rồi giết chết vì “tội” dám phản đối cơ quan này cấp phép cho một doanh nghiệp của Yakuza hoạt động xử lý rác thải... Tháng 2 năm nay, một nghị sĩ bị đe dọa vì đã đưa ra Quốc hội bàn luận về sự liên can của một băng đảng trong dự án nhà ở của khu giàu có Minami Aoyama ở Tokyo.

Theo luật truyền thống của giới giang hồ, Yakuza không “động chạm” đến công dân bình thường. Nhưng với sự ra đời của luật chống tội phạm băng nhóm, sự xuất hiện của mafia Trung Quốc vốn không cùng “chuẩn mực” v.v... đã khiến tổ chức Yakuza không còn tính chất “danh dự” như xưa nữa, và cách hành xử bạo lực của chúng cũng khác đi. Vụ sát hại Thị trưởng Nagasaki là một minh họa

Trần Thanh Phong (Theo Le Monde)
.
.