Kenya: ATPU – Cảnh sát chống khủng bố đứng trên luật pháp

Thứ Ba, 05/05/2015, 19:40
Có bằng chứng mạnh mẽ tiết lộ Lực lượng cảnh sát chống khủng bố Kenya (ATPU) đã bí mật tiến hành hàng loạt vụ giết người mà không qua xét xử trước tòa án cũng như gây ra nhiều vụ mất tích. Chính quyền Kenya bị buộc phải tiến hành cuộc điều tra khẩn cấp về những cáo buộc vi phạm nhân quyền trầm trọng chống lại ATPU đồng thời các tổ chức viện trợ quốc tế cũng được kêu gọi tạm ngưng hỗ trợ cho lực lượng tàn bạo này.

Leslie Lefkow, Phó Giám đốc châu Phi của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), phát biểu: “Lực lượng chống khủng bố Kenya giết người và gây ra những vụ mất tích ngay trước mũi các quan chức cao cấp của nước này, các đại sứ quán và cả Liên Hiệp Quốc. Hành vi khủng khiếp này không bảo vệ được người dân Kenya trước mối đe dọa khủng bố mà ngược lại còn hủy hoại luật pháp”.

Trong cuộc điều tra ở Kenya vào trung tuần tháng 11/2013 và tháng 6/2014, HRW và Tổ chức Người Hồi giáo về Nhân quyền (MUHURI) ghi nhận có ít nhất 10 vụ giết người, 10 vụ mất tích bí ẩn và 11 vụ ngược đãi các nghi can khủng bố liên quan đến ATPU chủ yếu xảy ra ở thủ đô Nairobi nước này từ năm 2011.

Căn cứ vào 22 cuộc phỏng vấn đối với các thành viên gia đình, nạn nhân, nhân chứng, nhà báo, luật sư, giáo sĩ Hồi giáo, sĩ quan cảnh sát và cả các nghi can khủng bố ở vùng lân cận Majengo của Nairobi; các nhà điều tra HRW thu được bằng chứng cho thấy các nghi can bị bắn chết tại nhiều địa điểm công cộng khác nhau, bị giam cầm trong những khu nhà biệt lập và hoàn toàn không được tiếp xúc với gia đình hay luật sư để được bảo vệ theo quy định luật pháp.

Trong một số trường hợp, thành viên các lực lượng chống bạo động nổi tiếng của Kenya như là đơn vị bán quân sự GSU của Cảnh sát Quốc gia và Cục Tình báo Quốc gia (NIS) cũng liên can đến những vụ vi phạm nhân quyền của ATPU.

ATPU trực thuộc Cục Điều tra Hình sự (CID), được thành lập năm 2003 nhằm phản ứng nhanh trước những vụ tấn công khủng bố như hai vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi năm 1998 và khách sạn Mombasa của Israel năm 2002.

Thời gian gần đây, những vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp ở Kenya nhất là sau khi nước này gửi binh sĩ đến quốc gia láng giềng Somalia vào tháng 10/2011 để chống lại nhóm  Al Shabaab.

Theo báo cáo từ Đại sứ quán Mỹ, có ít nhất 70 vụ tấn công bằng lựu đạn và súng ở Nairobi, Mombasa và Garissa từ năm 2011 đến 2014.

Cảnh sát GSU ngăn cản những người biểu tình phản đối vụ giết chết giáo sĩ Hồi giáo Aboud Rogo Mohammed tại Monbasa.

Tháng 9/2013, các tay súng được cho là liên quan với nhóm chiến binh Hồi giáo Al Shabaab ở Somalia tấn công trung tâm mua sắm Westgate Mall ở Nairobi giết chết 67 người và làm bị thương hàng trăm người khác.

Gần đây nhất là vụ tấn công Trường đại học Garissa của Kenya nằm gần biên giới với Somalia diễn ra vào lúc 5h sáng ngày 2-4 theo giờ địa phương

ATPU không chính thức chịu trách nhiệm về những cáo buộc giết người, mặc dù vào tháng 12/2013 một thành viên giấu tên của lực lượng này tuyên bố với Hãng tin Anh BBC: "Hệ thống tư pháp Kenya không có ích cho công việc của cảnh sát, thế nên chúng tôi chọn cách loại bỏ những nghi can. Chúng tôi nhận dạng chúng, bắn chết chúng ngay trước mặt gia đình và sau đó bắt đầu với bọn thủ lĩnh".

HRW yêu cầu bàn luận vấn đề với chỉ huy ATPU Bonuface Mwaniki nhưng đã bị từ chối. Người phát ngôn của ATPU khẳng định rằng, các nghi can bị giết chết trong 3 vụ khác nhau do "đấu súng" với cảnh sát. Nhưng HRW tìm thấy bằng chứng ngược lại. Ví dụ, trong 2 vụ liên quan đến Hassan Omondi Owiti và

Shekha Wanjiru, một số nhân chứng cho biết vào tối ngày 18/5/2013, các thành viên ATPU và GSU bất ngờ vây ráp khu nhà của hai đối tượng này và bắn chết họ.

Một ví dụ khác, Lenox David Swalleh và một người khác bị bắn chết ngày 13/11/2013 khi họ rời khỏi giáo đường Hồi giáo sau buổi cầu kinh sáng ở vùng Eastleigh. Ngoài ra, cảnh sát cũng biện hộ vụ giết 2 người khác với lý do là họ sắp sửa cướp ngân hàng, trong khi phía gia đình nạn nhân và nhân chứng khai báo hai người không hề vũ trang và bị bắn mà không có sự cảnh báo nào trước đó.

ATPU bị tố cáo giết chết mà không qua xét xử 3 giáo sĩ Hồi giáo cao cấp - Aboud Rogo Mohammed bị bắn chết tháng 8/2012, Ibrahim Omar (người thay thế Rogo lãnh đạo giáo đường Masjid Musa) bị bắn chết vào tháng 10/2013, và Abubakar Shariff (tức Makaburi) bị giết chết ngày 1/4 vừa qua.

Chính quyền Kenya không tích cực điều tra những vụ giết người vô cớ này cũng như những hành vi vi phạm nhân quyền của bất cứ sĩ quan cảnh sát nào. 

ATPU nhận được sự hỗ trợ đáng kể về tài chính cũng như huấn luyện đặc biệt từ Mỹ và Anh. Báo cáo năm 2013 của Vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết năm 2012 Washington đã cung cấp 9 triệu USD trong chương trình Hỗ trợ chống khủng bố (ATA) cho Kenya và một phần trong số đó dành cho huấn luyện ATPU.

Trong nhiều năm qua, chính quyền Mỹ không hề giảm bớt sự hỗ trợ của mình cho ATPU hay mở cuộc điều tra chính thức nào đối với hàng loạt cáo buộc ATPU vi phạm nhân quyền trầm trọng. Do đó, ông Leslie Lefkow đề nghị Mỹ và Anh tạm ngưng chương trình hỗ trợ và mở cuộc điều tra về ATPU.

Về phía mình, giới chức Mỹ ở Nairobi yêu cầu các tổ chức nhân quyền cần cung cấp thêm bằng chứng về các sĩ quan phạm tội để họ có biện pháp rút lại chương trình hỗ trợ chống khủng bố đối với Kenya.

Trên thực tế, việc xác định danh tính của các sĩ quan là vô cùng khó khăn, nhất là các cá nhân (mặc thường phục khi thực hiện chiến dịch) liên quan đến những vụ giết người trái pháp luật!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.