Ai đã tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng phòng hộ ở Nghệ An?
Ngày 18/7 vừa qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sau một thời gian dài huy động tối đa các lực lượng Dân quân tự vệ, Công an xã Mậu Đức và phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm, Trạm Kiểm lâm huyện Con Cuông, đến nay, lực lượng CSMT Công an tỉnh Nghệ An đã đưa được 92 khúc gỗ, tương đương 30m3 do "lâm tặc" khai thác tại các cánh rừng thuộc xã Mậu Đức và giáp ranh với xã Đôn Phục ra đến trung tâm huyện, giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Con Cuông quản lý.
Tuy nhiên, vấn đề đang được cơ quan chức năng làm rõ đó là ai đã tiếp tay cho "lâm tặc" vận chuyển hàng chục mét khối gỗ từ cửa rừng ra khỏi địa bàn, cũng như đơn vị, cá nhân nào đã bật "đèn xanh" để "lâm tặc" và "đầu nậu" ngang nhiên tàn phá rừng trái phép trong một thời gian dài nhưng không một cơ quan chức năng nào hay biết, bắt giữ? Đây là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm và lấy làm bức xúc…
Để phần nào rộng đường dư luận chúng tôi đã đến tận nơi gặp gỡ người dân địa phương cũng như cán bộ CSMT Công an tỉnh Nghệ An đang có mặt tại huyện Con Cuông để giải quyết vụ phá rừng xảy ra gần một tháng nay.
Trung tá Đào Huy Chiến, Đội trưởng Đội 3, Phòng CSMT cho biết, hiện còn lại 12 khúc gỗ tròn do nhóm "lâm tặc" Nguyễn Mộng Thanh và Lô Hồng Thiện trú tại xã Mậu Đức đốn hạ vẫn đang nằm rải rác tại Tiểu khu 752 và 748 thuộc địa bàn xã Mậu Đức, cách trung tâm xã hơn chục cây số. Hiện tại số gỗ trên vẫn chưa được đưa ra với nhiều lý do. Đó là chưa tính số lượng gần 6m3 gỗ các loại bị Phòng CSMT và cán bộ Kiểm lâm, Công an xã phát hiện và bắt giữ trước đó (ngày 29/6) đang giao cho Hạt Kiểm lâm quản lý.
Cảnh sát Môi trường đánh số thứ tự từng khúc gỗ do lâm tặc tàn phá. |
Điều đáng nói ở đây là, số gỗ lậu nói trên được phát hiện khi đoàn công tác liên ngành gồm CSMT, Kiểm lâm, Công an xã đang trên đường vào "thị sát" tại khu vực rừng phòng hộ, nơi bị "lâm tặc" tàn phá cách trạm kiểm lâm khoảng 2km, cách cửa rừng khoảng 10km, do 2 đối tượng Hà Anh Thủy và Lương Văn Tam, đều trú tại xã Mậu Đức dùng máy kéo vận chuyển từ khe suối lên lán tập kết gỗ của "đầu nậu" buôn bán gỗ ở địa phương cả tuần nay nhưng không bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phát hiện.
Tại hiện trường, 2 đối tượng khai là làm thuê cho một ông chủ chuyên buôn bán gỗ ở địa phương và chiếc máy kéo dùng để kéo gỗ từ cửa rừng ra là của ông chủ trên.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà ông chủ nói trên nằm sát mặt đường chính của xã Mậu Đức. Đây là con đường độc đạo nối liền từ cửa rừng của xã Mậu Đức ra trung tâm thị trấn Con Cuông, nhưng phải đi qua trạm kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ được chốt chặn 2 đầu đường. Đưa một que củi ra khỏi con đường độc đạo này đã khó, huống chi cả một chiếc máy kéo kéo theo sau những phiến gỗ dài cả chục mét đi qua các "cửa ải" trên giữa thanh thiên bạch nhật nhưng lại không bị ngăn chặn, bắt giữ.
Trong đêm, cánh nhà báo chúng tôi cùng lãnh đạo Phòng CSMT đã cuốc bộ từ cửa rừng xã Mậu Đức ra thị trấn huyện hơn chục cây số, qua quan sát của chúng tôi thì con đường độc đạo dài hơn chục cây số, có nhiều đoạn đã bị cày nát, có nơi sâu như đường hào do "đầu nậu" sử dụng máy kéo làm phương tiện kéo gỗ. Điều đó cho thấy, việc "lâm tặc" móc nối với "đầu nậu" để tàn phá rừng phòng hộ tại Tiểu khu 752 và 748 diễn ra không chỉ trong vài tháng mà thậm chí là cả năm.
Một số cán bộ cùng đi trong đoàn để mục sở thị việc tàn phá rừng của "lâm tặc" cũng lấy làm sửng sốt. Tôi hỏi một cán bộ Kiểm lâm lúc cắt rừng vào thung lũng rừng bị tàn phá, vì sao con đường này bị "lâm tặc" cày nát lâu nay không bị phát hiện, nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: Đường sá gập ghềnh, ít khi đi hết…".
Hai đối tượng dùng xe máy kéo để kéo gỗ trái phép bị bắt giữ. |
Theo Trung tá Đào Duy Chiến, Đội trưởng Đội 3, Phòng CSMT được lãnh đạo đơn vị "cắm" tại xã Mậu Đức từ hôm 2 đối tượng "lâm tặc" bị bắt giữ (29/6) để phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương vận chuyển 92 khúc gỗ từ cửa rừng ra giao cho Hạt Kiểm lâm, cho biết: "Trong vụ khai thác gỗ trái phép này, "lâm tặc" tiến hành đốn hạ rừng trên diện rộng, mục đích của chúng là chọn những cây to cao, có đường kính từ 60 - 80 cm. Do đó, việc đánh số thứ tự của chúng tôi trước khi giao cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý bị bỏ sót là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng là phải đưa ra khỏi địa bàn 12 khúc gỗ còn nằm rải rác trong rừng càng sớm càng tốt, nếu không số gỗ trên sẽ bị tẩu tán".
Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Hồ Ngọc Hải, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Con Cuông để làm rõ thêm sự việc, nhưng ông Hải đã từ chối. Còn ông Bốn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cho rằng, trước đó một ngày, ông đã có đợt "thị sát" tại khu vực trên… Nhưng khi được hỏi vì sao việc phá rừng diễn ra hàng tháng trời tại khu vực này nhưng lại không phát hiện ra, ông Bốn đã im lặng và đứng dậy, rời khỏi phòng khách của trạm.
Thiết nghĩ, dù rừng phòng hộ thuộc cơ quan chức năng nào quản lý thì lực lượng Kiểm lâm của huyện Con Cuông vẫn là đơn vị chủ lực trong việc bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm chính trước cơ quan, chính quyền địa phương. Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là, liệu có đơn vị hoặc cá nhân nào đã bật "đèn xanh" để nhóm "lâm tặc" cấu kết với "đầu nậu" tàn sát rừng một cách ngang nhiên, trong một thời gian dài? Chỉ đến khi lực lượng CSMT tỉnh vào cuộc thì ai cũng lấy làm bất ngờ…