Đánh sập sàn vàng ảo IMMS: Kẻ lập sàn vàng ảo là ai?

Thứ Bảy, 03/10/2015, 10:25
Khi Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao (C50) phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an và Cục An ninh, tài chính - tiền tệ (A84) Bộ Công an khám xét trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Tiếp thị Sài Gòn (IMMS JSC) ra lệnh bắt giữ đối với Đặng Hữu Trung - Giám đốc Công ty IMMS và 3 người khác về hành vi "Kinh doanh trái phép" thì nhiều người mới ngã ngửa vì đang dùng tiền thật để kinh doanh vàng ảo, tưởng là đầu tư tiền bạc vào các dự án nước ngoài nhưng thực chất là đem tiền bỏ vào túi người khác…

Không phải đến khi các đơn vị chức năng khám phá ra hành vi của Đặng Hữu Trung và 3 đối tượng khác dùng phần mềm mua của nước ngoài (MT4) rồi tổ chức giao dịch vàng ảo với khách dưới mô hình đầu tư online vào vàng và nhiều sản phẩm khác thì khách hàng mới biết mình bị lừa. Trước đó sau khi nộp tiền lên sàn, tài khoản của họ không giao dịch trên sàn mà bị đóng, khách hàng đã ngờ ngợ mình đang "ăn" quả lừa. Hàng trăm tỉ đồng của khách hàng giao dịch trên phần mềm (1.500 tài khoản) thực tế đã bị Trung và đồng bọn rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân.

Biển hiệu của Công ty IMMS.

Anh T. tham gia sàn IMMS từ năm 2014 với số tiền đầu tư cả tỉ đồng. Mọi việc giao dịch diễn ra suôn sẻ cho đến tháng 6/2015, sàn vàng BBG bị đánh sập, người tham gia bên sàn IMMS của Trung nghi ngờ đã muốn đóng lệnh và rút tiền nhưng tài khoản của Công ty IMMS cũng luôn trong tình trạng bị khóa. "Vì nghĩ khi đến với IMMS, khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với đối tác nước ngoài chứ không ai ngờ sàn IMMS không liên kết với bất cứ một đối tác nào mà tất cả tài khoản đều bị Trung và đồng bọn giữ lại. Bây giờ sàn vàng bị đánh sập, các đối tượng chủ chốt bị bắt, tài khoản của tôi bị phong tỏa, không biết số phận tiền mình đầu tư vào ra sao? Chắc mất trắng quá!" - anh T. than thở.

Kiểm tra giấy tờ bên trong Công ty IMMS.

Theo một người có "kinh nghiệm" trong giới kinh doanh vàng ảo trên mạng, thực tế người đầu tư kinh doanh vàng trên mạng ảo biết tất cả các sàn trên mạng đều không được cấp phép hoạt động, một hình thức kinh doanh phạm pháp nên khi tham gia giao dịch hết sức mạo hiểm bởi sàn vàng dễ bị đóng cửa bất cứ lúc nào. Còn việc Công ty IMMS huy động vốn cao hơn so với các công ty khác để đầu tư vào các dự án nước ngoài, lãi suất 2%/tháng (24%/năm) đã khiến nhiều nhà đầu tư "mờ mắt" nên ồ ạt đổ dồn vốn đầu tư. Nhưng thực tế, trong thời điểm hiện tại, lãi suất huy động 24%/năm là huyễn hoặc và thấy rõ tính chất lừa đảo ngay trong lãi suất này.

Về đường dây giao dịch trên sàn vàng ảo của Đặng Hữu Trung và đồng bọn cho thấy Trung rất "nhạy bén" trong lĩnh vực kinh doanh nhưng những "ý tưởng" tài chính của Trung lại… không hợp pháp. Bởi vậy dù đầu quân cho ba công ty quảng cáo trong nhiều năm với nhiều "ý tưởng" độc nhưng Trung vẫn bị các công ty quảng cáo sa thải vì hành vi bất chính của mình. Tự nhận thấy trình độ của mình không thể làm công ăn lương, Trung tập hợp một nhóm bạn góp vốn thành lập công ty quảng cáo nhưng không cạnh tranh lại với các công ty quảng cáo khác nên phá sản.

Đối tượng Đặng Hữu Trung.

Năm 2011 Nhà nước cấm kinh doanh sàn vàng trên mạng và nhiều sàn vàng ảo đã bị công an triệt phá  nhưng nhu cầu giao dịch của khách hàng vẫn cao. Nhận thấy cơ hội làm ăn đã đến, năm 2012, Trung cùng nhóm bạn thành lập lại công ty lấy danh nghĩa là công ty quảng cáo nhưng thực tế là kinh doanh sàn vàng trên mạng. Để đánh lừa khách hàng, Trung đặt mua phần mềm của nước ngoài và sau một thời gian nghiên cứu, Trung yêu cầu phía đối tác xây dựng hệ thống phần mềm quản trị theo một sản phẩm tài chính toàn diện của Công ty IBFX tại Australia.

Thông qua phần mềm này, khách hàng khi giao dịch tài khoản cứ nghĩ mình giao dịch với hệ thống chung của một sàn vàng ở nước ngoài, được phép kinh doanh vàng. Những người giao dịch thắng nhỏ trên sàn đều được chi trả sòng phẳng, nhưng đối với những khách giao dịch đặt lệnh thắng lớn trên sàn, Trung và đồng bọn đã sử dụng nhiều "thủ thuật" để  khách hàng vừa thắng trên sàn không có cơ hội nhận tiền lời. Riêng về phần huy động vốn của khách hàng mà Trung hứa hẹn sẽ đầu tư cho các dự án công ty nước ngoài nên lãi suất rất cao khiến nhà đầu tư đã đổ dồn tiền vào, thực chất  tất cả các dự án này đều là dự án mà Trung và đồng bọn tự dựng lên để lừa đảo.

Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông - C50 - Bộ Công an cho hay, khách hàng bị rơi vào bẫy của Trung chỉ vì sàn IMMS được chạy phần mềm MT4 nên người giao dịch cứ tưởng đang giao dịch và đặt lệnh với sàn vàng nước ngoài. Ngoài giao dịch vàng ảo, khách hàng còn bị Trung và đồng bọn cho ăn bánh vẽ từ  các chương trình huy động vốn để đầu tư vào các công ty tài chính lớn của nước ngoài, lãi suất lên đến 24% /năm nên nhiều người dính bẫy. Số tiền mà khách hàng đầu tư đều được chuyển thành phương tiện đi lại, nhà cửa của cá nhân Trung.

Sàn vàng trên mạng đa phần là sàn vàng ảo không được cấp phép không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận nên khi đầu tư đồng tiền "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" tích cóp hàng chục năm làm việc mới có được vào các sàn ảo này thì rủi ro rất cao. Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp giấy phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm kinh doanh trên sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản. Vì vậy người đầu tư cần tỉnh táo, hiểu rõ quy định để không bị chiêu dụ bởi những lời quảng cáo có cánh như thu siêu lợi nhuận từ sàn vàng ảo… để rồi ôm hận.

PV
.
.