Đủ kiểu “siết cổ” người vay của “tín dụng đen”
Mức lãi suất cho vay vô chừng, từ vài phần trăm đến hàng chục phần trăm/tháng, nó như sợi dây thòng lọng sẵn sàng "siết cổ" bất cứ ai chui đầu vào. Biết là vậy, song, có những lúc quá bí bách nhiều người cũng đành phải nhắm mắt đưa chân…
Tự mang dao kề cổ…
Theo thông tin ban đầu thì vụ việc trên do bà Trần Thị Kim Oanh (ngụ phường 10, quận Gò Vấp) làm "đạo diễn". Trước đây bà Oanh có cho bà Đ. (ngụ quận 12, TP HCM) vay 5 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng, mỗi ngày góp 200.000 đồng cho đến khi trả xong cả vốn lẫn lãi. Tuy nhiên, mới góp được 16 lần (3,2 triệu đồng) thì bà Đ. không còn khả năng góp tiếp. Từ đó bà Oanh nhờ Đỗ Tuấn Nhật, Nguyễn Huy Hoàng, Hà Thị Bích Thủy và Trịnh Ngọc Khôi (tạm trú quận Gò Vấp) đòi nợ giùm mình.
Một số đối tượng bị bắt giữ liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. |
Khoảng 19 giờ ngày 16/4, khi thấy vợ chồng bà Đ. đi xe máy trên đường Trường Sa (quận 3) thì nhóm người này chặn xe và buộc bà Đ. viết giấy bán xe máy đang sử dụng lại cho bà Oanh rồi lấy xe bỏ đi. Ngay sau đó vợ chồng bà Đ. đến trình báo Công an quận 3…
Qua truy xét, Công an quận 3 xác định nhóm người trên thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng bà Đ. nên tiến hành bắt khẩn cấp. Riêng bà Oanh, Cơ quan Công an đang điều tra làm rõ hành vi cho vay nặng lãi và xử lý sau. Tiến hành khám xét chỗ ở của bà Oanh, cơ quan chức năng đã thu được một số tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi. Bà Oanh khai, từ tháng 5/2014 đến thời điểm xảy ra vụ án, bà đã cho khoảng 70 người vay tiền (vay từ 2,5 triệu đồng đến 50 triệu đồng) với tổng số tiền cho vay trên 400 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng.
Cũng hoạt động cho vay nặng lãi ở quận Gò Vấp như bà Oanh là Lê Anh Tuấn (SN 1978) cùng đồng bọn là Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1981), Nguyễn Nhật Anh (SN 1995, cùng quê quán Hà Nội), Phạm Văn Hải (SN 1991, quê quán Bắc Giang) và Hoàng Sơn Hà (SN 1983, quê quán Hà Nam) bị Công an quận Gò Vấp bắt giữ cách đây không lâu. Để hành nghề, Tuấn ký hợp đồng thuê nhà số 104 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp để tủ trưng bày bán điện thoại di động nhưng thực chất không hoạt động mà làm bình phong để cho vay nặng lãi với lãi suất từ 20%/tháng trở lên.
Tuấn cho in tờ rơi quảng cáo với nội dung "Quỹ tín dụng 104 cho vay tín chấp thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp. ĐT: 0938399104" rồi thuê người đem dán trong các khu dân cư lân cận. Khi người dân có nhu cầu tìm đến, dù biết lãi suất "cắt cổ" nhưng do quá kẹt tiền đành vay liều.
Tuy nhiên, người vay phải thế chấp giấy tờ (CMND, hộ khẩu, giấy phép lái xe…) và Tuấn sẽ cho người đến kiểm tra nhà xem có khả năng hay không thì mới cho vay. Sau đó, Tuấn in sẵn mẫu hợp đồng vay tiền, ghi tổng số tiền vay và cả tiền lãi suất vào rồi cho người vay ký tên, lăn tay. Khi người vay tiền không đóng tiền góp đúng hạn thì Tuấn sẽ sai Hùng, Hải, Nhật Anh vác mã tấu đến nhà quậy phá, chửi bới, đe dọa, ép buộc họ góp tiền đúng hạn. Ngoài ra, Tuấn còn ép buộc người vay phải đóng thêm tiền phạt từ vài trăm đến vài triệu đồng một ngày tùy theo số tiền vay.
Ngày, góp, gộp, đứng?
Trong giới tín dụng đen thì kiểu cho vay như bà Oanh và Tuấn gọi là vay "góp". Loại vay này phổ biến nhiều trong các khu dân cư, chợ, bến xe… Đối tượng vay chủ yếu là dân lao động nghèo cần tiền gấp để làm vốn buôn bán nhỏ, đóng học phí cho con, chữa bệnh… Số tiền cho vay thường từ vài triệu đến vài chục triệu. Nếu vay ít thì người vay chỉ cần thế chấp giấy tờ tùy thân; còn vay nhiều thì thế chấp giấy tờ nhà, đất, xe cộ… Khi vay, chủ nợ sẽ khống chế thời hạn trả nợ bằng cách cộng cả vốn và lãi vào rồi chia đều cho số ngày để con nợ trả góp từng ngày một đến khi dứt nợ.
Khác với vay "góp", vay "đứng" là kiểu cho vay mà vốn thì "đứng yên" một chỗ, con nợ phải è cổ ra đóng lãi hàng tháng với mức từ 10% trở lên, cá biệt lên đến trên 50%/tháng. Chủ nợ thường không quan tâm đến việc con nợ bao giờ trả lại vốn vì chỉ cần thu lãi vài tháng là đã đủ vốn. Chính vì tính chất "khốc liệt" của loại cho vay này nên nó tồn tại nhiều trong thế giới của tệ nạn. Đó là ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, các điểm đá gà, đánh bài, đánh bạc bằng hình thức trò chơi điện tử…
Từ thực tế cho thấy, ở những nơi này bao giờ cũng có một trùm cho vay nặng lãi hoạt động. Tuy nhiên, để được vay, con bạc phải cầm cố xe cộ, giấy tờ nhà đất hoặc là con cái trong gia đình khá giả mà chúng biết có khả năng trả nợ thay. Do tâm lý nôn nóng muốn gỡ lại tiền đã thua, nên nhiều con bạc khi cháy túi sẵn sàng vay với lãi suất bao nhiêu cũng được. Kẻ cho vay tha hồ đưa ra mức lãi suất.
Cách đây không lâu, khi Phòng PC45, Công an TP HCM đột kích một sòng bạc ở đường Cao Lỗ (P.4, Q.8) đã bắt giữ V.Châu là một trùm cho vay nặng lãi khu vực chợ An Đông. Châu cho biết, ngoài việc đến đây đánh bạc y còn cho con bạc vay nặng lãi nên thu lợi bất chính rất cao. Một trùm cho vay "đứng" chuyên nghiệp khác là Trần Ngọc Sơn (SN 1991; quê quán Hà Nội, tạm trú Q.3, TP HCM) cũng lấy các đối tượng tệ nạn làm "nồi cơm" cho mình khi cho vay với lãi suất kinh khủng: 45%/tháng.
Tàn bạo không kém vay đứng là vay "gộp". Loại cho vay này chủ yếu với số tiền lớn và có thế chấp tài sản nên kẻ cho vay lúc nào cũng nắm đằng cán. Hầu như con nợ nào khi vay kiểu này cũng bị mất nhà, mất cửa nhưng đành phải chấp nhận chứ không thể lật kèo.
Ông Quang, ngụ quận Bình Thạnh, một nạn nhân vay gộp kể: “Do cần tiền làm ăn nên tôi đánh liều vay 400 triệu đồng với lãi suất 20% tháng. Để được vay tôi phải thế chấp căn nhà (trị giá khoảng 800 triệu đồng) bằng một hợp đồng chuyển nhượng nhưng cho chuộc lại tài sản trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, số tiền thể hiện trong hợp đồng mua bán bao gồm 400 triệu đồng tiền vốn cộng với 6 tháng tiền lãi thêm 240 triệu nữa là 640 triệu đồng. Nếu đến hẹn 6 tháng không trả cả vốn lẫn lãi thì người cho vay có quyền đăng bộ sang tên căn nhà. Trong trường hợp tôi trả nợ trước thời hạn thì tiền lãi được trừ ra. "Thật tình khi vay tôi nghĩ tháng sau mình sẽ trả cả vốn lẫn lãi nhưng do làm ăn không suôn sẻ nên đành mất căn nhà. Khi đến hạn, tôi có nài nỉ người cho vay cho tôi thời hạn 1 tháng nữa để tìm người bán nhà nhưng chủ nợ nhất quyết không cho" - ông Quang đau khổ nói.
Một hình thức cho vay khác nữa là vay "ngày", chủ yếu tồn tại trong hoạt động giải chấp, đáo hạn ngân hàng. Một ai đó khi đến hạn trả nợ ngân hàng nhưng không có khả năng chi trả mà muốn giải chấp để mang tài sản đem bán (để không bị phát mãi) hoặc đáo hạn thì giải pháp tối ưu mà họ phải chọn đó là vay ngày. Tùy nơi, lãi suất cho vay ngày có khác nhau nhưng đều ở mức rất cao. Còn nặng đến mức độ nào thì có thể lướt lại một phần vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện. Tuy chiếm đoạt số tiền "khủng" như vậy nhưng theo các nguồn thông tin cho hay, thật sự tiền đã chảy hết vào túi của các trùm cho vay nặng lãi…
Còn hiện tại, mức cho vay ngày phổ biến nhất hiện nay là 0,5%/ngày (15%/tháng) nhưng rủi ro cho người vay là rất lớn. Rất nhiều người sập bẫy nên cuối cùng cũng đành bán tài sản để trả nợ vay.
Như trường hợp của bà Th, ngụ quận 12. Bà vay ngày 3 tỉ đồng để đáo hạn ngân hàng. Tuy nhiên, khi tất toán xong phần nợ thì ngân hàng viện nhiều lý do để không cho vay tiếp. Hết cách, bà buộc phải rao bán nhà nhưng mãi đến 2 tháng sau mới có người mua, lúc này số tiền lãi đã lên đến 900 triệu đồng!
Phình vay đè chết… con nợ
Sống bằng nghề cho vay nặng lãi tất nhiên phải là người "có máu mặt" vì chuyện con nợ bị kiệt quệ, mất khả năng chi trả rất thường xảy ra. Mà đã hoạt động tín dụng đen thì không có khái niệm thưa kiện, thường là sử dụng "luật ngầm" để giải quyết nợ nần?
Bà M., ngụ quận 1, TP HCM có người làm công tên H. vay nóng của Phạm Công Luận (SN 1987, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) số tiền 95 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng. Tuy nhiên khi mới trả vốn được 10 triệu đồng thì bà H. bỏ trốn. Luận ngang ngược tìm đến nhà bà M. và buộc bà M. phải có trách nhiệm trả nợ thay cho người làm công. Vì mình chẳng liên quan gì đến chuyện nợ nần nên bà M. nhất quyết không chịu trả, Luân hậm hực bỏ đi. Ít ngày sau, y điện thoại báo cho bà M. và yêu cầu trả cả vốn lẫn lãi là 200 triệu đồng. Nếu không Luận sẽ cho giang hồ cắt đứt gân tay, gân chân bà H. và 3 người con của bà.
Để gây sức ép hơn, Luận nhiều lần đến nhà đe dọa và đánh đập bà M. gây thương tích nặng. Quá sợ hãi trước hành động côn đồ của Luận, bà M. đem giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay 150 triệu đồng và đưa hết cho Luận. Chẳng bao lâu sau, Luận lại tiếp tục yêu cầu bà M. đưa thêm 50 triệu đồng nữa nếu không sẽ giết chết cả nhà. Không thể chịu đựng nổi, bà M. làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an và Luận bị bắt ngay sau đó.
Trong thời gian vừa qua, lực lượng Công an các cấp ở TP HCM đã bắt nhiều đối tượng như Luận. Tuy nhiên điều đáng lưu ý là các đối tượng này chỉ bị bắt giữ do thực hiện các hành vi phạm tội khác như "bắt giữ người trái pháp luật", "cưỡng đoạt tài sản", "cố ý gây tương tích" chứ rất hiếm khi bị bắt về hành vi "cho vay nặng lãi".
Lý giải về vấn đề này, một lãnh đạo Phòng PC45, Công an TP HCM, cái khó nhất khi điều tra các vụ án "cho vay nặng lãi" là chứng minh mức lãi suất của người cho vay. Bởi lẽ, người chuyên sống bằng hành vi cho vay nặng lãi rất khôn ngoan trong việc che giấu hành vi của mình. Mà cách đơn giản nhất là khi tiến hành giao dịch cho vay nặng lãi, chủ nợ thường tính luôn tiền lãi và trừ vào nợ gốc của người đi vay.
Ngoài ra, còn có các trường hợp trong giấy vay nợ không thể hiện lãi vay nhưng thực tế có thu lãi cao nhưng giữa hai bên cũng không có chứng từ giao nhận tiền lãi. Hay vay mượn nợ nhưng thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà thì kẻ cho vay đã gộp cả vốn lẫn lãi vào thành nợ gốc nên khó có thể buộc tội được họ.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Dương Luật - Đoàn luật sự TP HCM, một trong những nguyên nhân chính là quy định mức lãi suất cho vay để có thể xử lý hình sự là quá cao. Cụ thể, theo Điều 163, Bộ luật Hình sự là mức lãi suất phải cao hơn gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định tại Bộ luật Dân sự và Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 thì mức lãi suất tối đa cho vay hợp pháp là 13,5%/năm. Như vậy mức lãi suất cho vay phải lớn hơn 135%/năm (hơn 11%/tháng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cho vay với mức lãi suất từ 11% trở xuống là… an toàn. Mà với mức lãi suất này thì một khoản vay nhỏ bé cũng sẽ nhanh chóng phình lên đè chết con nợ!
Đặc biệt, cũng theo luật sư Công, Điều 163 Bộ luật Hình sự còn quy định rõ, hành vi cho vay nặng lãi phải mang tính chất chuyên bóc lột mới cấu thành tội phạm. Tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tuy nhiên, khái niệm "bóc lột" là thuật ngữ văn học chứ không phải thuật ngữ pháp lý nên khá trừu tượng.
Vì vậy để xác định được chuẩn nghĩa pháp lý thì còn nhiều mâu thuẫn, phụ thuộc nhiều ở việc xét đoán của người xử lý, của các cơ quan tố tụng. Do đó để có thể xác định người cho vay nặng lãi có hay không có tính chất chuyên bóc lột hay không để có thể cấu thành tội phạm cho hành vi vay nặng lãi thì cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể thì việc xử lý mới chính xác và mạnh tay.