Từ vụ xe tải cẩu tránh rạp cưới dựng dưới lòng đường gây tai nạn chết người:

Đừng để “phép vua thua lệ làng”!

Thứ Năm, 26/11/2015, 14:35
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn quận Thủ Đức, TP HCM trong đêm 21-11 được nhìn từ hai nguyên nhân, trực tiếp và gián tiếp. Đối tượng trực tiếp gây ra tai nạn khiến cô gái 16 tuổi tử vong là người điều khiển chiếc xe tải cẩu bị mất lái nhưng đối tượng gián tiếp gây ra vụ tai nạn này là những người đã bất chấp pháp luật, chiếm dụng lòng lề đường để dựng rạp tổ chức đám cưới. Phân tích cho thấy nếu không có rạp cưới choán toàn bộ phần đường thì tài xế xe tải cẩu có thể có nhiều phương án xử lý khác?

Nếu không có lựa chọn này, có khả năng không chỉ 5 nạn nhân thương vong mà còn nhiều nữa? Trong rạp cưới lúc ấy có cả trăm khách nếu chiếc xe tải cẩu lao vào thì hậu quả không biết sẽ như thế nào? Chuyện ma chay, hiếu hỷ là chuyện riêng của mỗi gia đình nhưng không thể để việc riêng của mình gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Vụ dựng rạp cưới dưới lòng đường gián tiếp gây ra tai nạn chết người này không chỉ riêng ở TP HCM mà ngay các đô thị lớn trong cả nước, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để tổ chức ma chay hiếu hỷ, thôi nôi, đầy tháng vẫn xảy ra thường xuyên. Dường như nếp sống làng xã vẫn được áp dụng triệt để vào cuộc sống đô thị…

"Nhà vẫn đang chờ cơm, con ơi!"

Phờ phạc sau một đêm thức trắng tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức chờ làm các thủ tục để đưa thi thể con gái Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1999) về Kiên Giang an táng, chị Nguyễn Thị Thanh dường như không thể ngồi vững. Từ lúc thấy hình hài đứa con gái bé bỏng không còn nguyên vẹn, chị Thúy đã ngất lên ngất xuống nhiều lần. Gọi tên con trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Thanh luôn miệng kêu trời: "Con nói tăng ca xong rồi về, nhà chờ cơm sẵn, chỉ còn cách nhà có bao nhiêu mét đâu vậy mà con lại không về con ơi?".

Anh Nguyễn Văn Phải, ba của Thúy, vò đầu bứt tóc đau đớn gọi tên con. Buổi tối đi phụ hồ về, anh Phải nhận được điện thoại của con gái kêu ra cổng công ty rước. Anh Phải lấy xe chạy ra thì thấy người dân bu đông tại hiện trường tai nạn. Nghĩ để con chờ lâu nên anh không vào xem mà chạy đến cổng công ty nhưng không thấy Thúy đứng đó.

Gọi điện nhiều lần không thấy con gái bắt máy. Một số công nhân cho ông biết, vụ TNGT có một cô gái trẻ bị tông chết nhưng chưa có người nhà đến nhận. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, anh Phải vội vàng chạy đến rồi chen vào đám đông. Anh Phải dường như ngất lịm khi thấy bộ quần áo trên người nạn nhân chính là bộ đồ mà hồi sáng con gái anh mặc và anh đã chở con đến công ty trước khi ra công trình.

Chị Thanh sinh đôi được hai cô con gái. Gia cảnh khó khăn nên vợ chồng con cái dắt díu nhau từ Kiên Giang lên TP HCM mưu sinh. Chồng chị Thanh phụ hồ còn chị và con gái thứ 2 đi làm thuê cho một sạp trái cây ở chợ Thủ Đức. Thúy chưa đủ tuổi đi làm nhưng muốn phụ giúp cha mẹ nên đã mượn giấy CMND của một người trong dãy trọ làm hồ sơ xin làm công nhân giày. Nơi Thúy gặp nạn sát với rạp cưới mà diện tích của rạp cưới dường như chiếm hết lòng đường.

Tại hiện trường, rạp cưới nhanh chóng được chủ nhà tháo dỡ. Sau khi trấn tĩnh, tại Cơ quan Công an, tài xế Nguyễn Thanh Giang (23 tuổi, quê Đồng Tháp), người điều khiển chiếc xe tải cẩu gây tai nạn đã khai nhận: Chiếc xe tải cẩu chở 20 tấn thép lưu thông trên đường Lê Thị Hoa đến trước số nhà 32, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức thì dừng lại chờ người ra dẫn đường. Dừng được 5 phút tài xế Giang đề máy cho xe chạy tiếp khoảng 2 mét thì nhận được điện thoại nên thắng xe lại. Bất ngờ thắng xe không ăn nên Giang đã sử dụng thắng tay nhưng cũng không thể kìm chiếc xe lại được.

Rạp cưới chiếm lòng đường là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho em Thúy.

Phụ xe là Tạ Phú Vinh (28 tuổi, quê quán Sóc Trăng) nhảy xuống dùng cục canh chèn bánh xe lại nhưng chiếc xe tải cẩu chồm qua cục canh và lao đi. Đoạn đường này dốc thoai thoải khiến chiếc xe lao đi nhanh hơn. Xe trôi đi khoảng 700 mét thì tài xế Giang phát hiện phía trước có rạp đám cưới nên bẻ vô lăng và tông trúng đuôi xe gắn máy khiến xe gắn máy lao vào một quán hủ tíu gõ làm 4 người bị thương.

Chiếc xe trôi tiếp khoảng 15 mét thì đâm vào em Thúy khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Xe tải cẩu không thể dừng lại được nên trôi về khu vực tỉnh lộ 43, tông trúng một xe ba gác rồi đổi hướng tông sập taluy đường dẫn cầu Gò Dưa nằm dưới bãi đất trống.

Đường phố cũng như… đường làng

Anh Trần Trọng Vinh, một người chứng kiến vụ TNGT trên chia sẻ: "Lỗi là do tài xế xe tải nhưng cũng phải nhìn nhận một điều, nếu không có rạp cưới dựng chiếm hết lòng đường thì chắc vụ tai nạn không nghiêm trọng như vậy. Đám cưới là ngày trọng đại của mọi gia đình nhưng chuyện gây ảnh hưởng đến giao thông công cộng có lẽ cũng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm. Nói thật! tài xế cũng nhanh trí bẻ lái tránh được đám cưới nếu không chiếc xe tải mà "lùa" vào rạp thì tai nạn còn thảm khốc đến cỡ nào nữa?".

Những hình ảnh người dân thiếu ý thức, vì lợi ích riêng mà quên đi lợi ích chung của cộng đồng khi tổ chức ma chay, hiếu hỷ rồi thôi nôi, đầy tháng, tiệc liên hoan lấn chiếm lòng đường để dựng rạp, hát hò inh ỏi gây mất trật tự vẫn là chuyện thường thấy trên địa bàn TP HCM, nhất là các quận, huyện xa trung tâm. Vụ tai nạn như thế này tại Thủ Đức có lẽ là vụ đầu tiên? Còn tại các địa phương trên toàn quốc, đã nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc dựng rạp lấn chiếm lòng đường gây ra.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ TNGT trên Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Bình, giữa hai xe tải và xe khách cách đây ít lâu? May mắn trong vụ tai nạn ấy không có thương vong nhưng khiến nhiều người một phen hú vía. Vì muốn tránh một rạp cưới dựng sát quốc lộ, tài xế xe tải đã tăng ga vượt lên tông vào xe khách 16 chỗ khiến chiếc xe khách quay ngang đường, cùng lúc này một xe tải khác lao đến tông trực diện... Hay vụ TNGT trên tỉnh lộ 842 đi qua thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Anh Nguyễn V.T, sinh năm 1980, điều khiển xe gắn máy người có hơi men đã không làm chủ được tốc độ, tông thẳng vào khung sắt dựng rạp đám cưới khiến anh T tử vong tại chỗ…

Chỉ vài giờ sau vụ TNGT khiến em Thúy tử vong, người đi đường ghi nhận trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn TP HCM vẫn thấy người dân sử dụng lòng đường để dựng rạp tổ chức đám cưới. Tại đường số 5, KP2 và đường Tam Châu (KP5 phường Tam Bình, quận Thủ Đức) hai đám cưới diễn ra cùng một lúc. Rạp cưới được dựng lên chiếm hết lòng đường khiến nhiều phương tiện qua khu vực này hết sức vất vả.

Hay tại đường số 72, phường 10, quận 6, một đám thôi nôi với hơn 30 bàn tiệc chiếm khoảng 40m đường, rạp dựng phủ toàn bộ con đường số 72. Người dân muốn qua khu vực này chỉ còn cách lùi xe và… đi đường khác. Nhiều tài xế xe tải khi lưu thông đến đoạn đường này đều lắc đầu ngán ngẩm. Ông T, một người dân ở đây cho biết: "Nhà có ma chay thì người ta còn có thể du di chấp nhận vì tang gia bối rối, chứ kiểu lấy đường làm tiệc tùng thôi nôi, sinh nhật thật khó chấp nhận!".

Không chỉ dựng rạp, bày biện bàn ghế ra lòng đường, chủ nhân của những bữa tiệc này còn cho mình cái quyền cấm các phương tiện qua lại bằng những tấm biển thông báo viết tay nguệch ngoạc, hay dùng các vật dụng phi chức năng để chặn đường. Người đi đường khổ vì lối lưu thông bị bịt kín còn phải khổ sở vì trở thành khán giả bất đắc dĩ khi phải nghe những âm thanh chát chúa phát ra từ các dàn loa công suất lớn trong bữa tiệc.

Khi được hỏi tới, nhiều người dân phàn nàn: "Đường phố đô thị chứ đâu phải nhà hàng, nhà riêng đâu mà họ ngang nhiên chiếm dụng. Mấy vụ này chỉ thích hợp với làng quê nơi nhà cửa đất đai rộng rãi! Chứ lấn chiếm lòng đường để đãi tiệc, ngay cả người dự tiệc cũng phải nơm nớp lo sợ bởi, chẳng may một chiếc xe nào vô tình lạc tay lái tông vào rạp thì không mất mạng cũng thương tật?".

Phải xử lý theo luật

Hành vi dựng rạp của chủ nhà, người dựng rạp sẽ bị xử lý hình sự về hành vi lấn chiếm, chiếm dụng lòng đường được quy định rõ ràng tại Điều 203 Bộ luật Hình sự "Tội cản trở giao thông đường bộ". Nhưng trên thực tế nhiều người có vẻ như vẫn chưa biết hoặc phớt lờ đi quy định này và khi được hỏi đến thì đều cười xòa "cả năm mới có một lần nên thông cảm"?

Nhiều vụ vi phạm dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường cũng khiến chính quyền khó xử, bởi những rạp người nhà dựng lên để tổ chức ma chay, "nghĩa tử là nghĩa tận" nên khó có thể sử dụng luật xử lý hoặc tháo dỡ rạp vi phạm vì lấn chiếm lòng đường? Những vụ dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường diễn ra nhiều nhất là các khu vực vùng ven, đa phần rơi vào những ngày cuối tuần. Lấn chiếm lòng lề đường để tổ chức tiệc tùng, thực hiện cho mục đích cá nhân đang là một thực trạng tồn tại ở các khu đô thị. Việc thiếu ý thức của những gia chủ đã vô tình khiến an toàn giao thông không được đảm bảo.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một điều, tại các khu đô thị do đất chật người đông chưa có nhiều khu sinh hoạt cộng đồng, chưa có sự hướng dẫn cụ thể từ chính quyền, địa phương nên đa phần người dân đều hoạt động một cách tự phát gây ảnh hưởng đến tình hình an toàn giao thông, gây mất mỹ quan và văn minh đô thị.

Người nhà đau buồn trong khi chờ đưa thi thể em Thúy về quê an táng.

Ông Huỳnh Thanh Nhân - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thủ Đức thừa nhận rằng, việc quản lý những người dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường gây mất an toàn giao thông, dẫn đến tai nạn (điển hình là vụ tai nạn đáng tiếc đối với em Thúy) là do cách xử lý của cán bộ địa phương còn nể nang, xuề xòa. Qua vụ việc này, UBND quận Thủ Đức sẽ siết chặt hơn và nghiêm cấm hành vi lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp tổ chức tiệc tùng, đám giỗ, cưới hỏi. Phường nào còn để xảy ra tình trạng trên sẽ xử lý kỷ luật người đứng đầu để không còn những vụ tùy tiện vi phạm lòng lề đường gián tiếp gây ra những vụ TNGT oan uổng nữa.

Mong rằng sau vụ tai nạn đau lòng với gia đình em Thúy sẽ không còn những người khác trở thành nạn nhân của việc tùy tiện dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường phục vụ mục đích cá nhân mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng. Sống trong đô thị, cần bỏ dần nếp nghĩ của văn hóa làng xã, hành xử một cách tùy tiện, đường ta ta cứ đi, bất chấp luật pháp hay nhiều khi là kiểu tư duy "phép vua thua lệ làng" một cách tai hại.

Mạnh Đức
.
.