"Phát ngôn viên không chính thức" của Anonymous bị kết án

Thứ Ba, 17/02/2015, 07:40
Barrett Brown là nhà báo kiêm "phát ngôn viên không chính thức" tự xưng của nhóm tin tặc Anonymous. Bị bắt giam với 8 cáo buộc nhưng chỉ bị kết án với 3 điểm buộc tội gồm: đồng lõa trong tiếp cận máy tính được bảo vệ mà không có thẩm quyền, đe dọa nhân viên công vụ, can thiệp trong quá trình khám xét. Tổng cộng, Brown có thể phải ở tù thêm 2 năm nữa và phải nộp tiền phạt 890.000USD.

Brown bị bắt năm 2012 tại nhà riêng ở thành phố Dallas, chỉ vài giờ sau khi tung một đoạn video lên YouTube đe dọa ông Robert Smith, một đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Trong đoạn video có tiêu đề "Lý do tại sao tôi sẽ hủy hoại đặc vụ FBI Robert Smith". Anh ta dọa sẽ đâm bất kỳ một đặc vụ FBI nào dám quấy nhiễu anh ta hay mẹ anh ta, dọa sẽ tàn phá cuộc sống của Robert Smith và tìm "mấy đứa con chết tiệt của ông ta".

Anh ta nói: "Cuộc sống của Robert Smith đã chấm dứt. Khi tôi nói cuộc sống của ông ta kết thúc, không có nghĩa là tôi sẽ giết ông ta, nhưng tôi sẽ hủy hoại cuộc đời ông ta".

Ngoài ra, Brown cũng đưa ra một số lời đe dọa trên Twitter với đặc vụ Smith như dọa sẽ công bố địa chỉ và các thông tin khác về đặc vụ này trên mạng trừ khi FBI trả lại máy tính xách tay và các tài sản khác mà họ đã tịch thu của anh ta.

Anh ta viết ngày 10/9/2012: "Nếu không nhận được cuộc gọi từ đặc vụ Smith nói rằng máy tính của tôi đang trên máy bay về Dallas thì tôi sẽ công bố thông tin".

Trước đó, Brown còn bị cáo buộc tội chia sẻ một đường dẫn có địa chỉ thư điện tử và số thẻ tín dụng ăn cắp từ một diễn đàn này sang một diễn đàn khác.

Địa chỉ thư và số thẻ tín dụng này là những thứ mà AntiSec, một chi nhánh của nhóm tin tặc Anonymous, ăn cắp từ công ty tình báo tư nhân Stratfor ở Texas.

Cáo buộc này gây tranh cãi và vì sau bị bác bỏ. Bên công tố cho rằng hành vi chia sẻ đường dẫn không khác nào tội buôn hàng hóa ăn cắp.

Còn bên bào chữa cho rằng đó chỉ đơn giản là đưa lại một đường dẫn và ví von "chỉ cho người khác biết chỗ tìm tranh khiêu dâm trẻ em không phải là hành vi buôn bán tranh khiêu dâm trẻ em". Về sau, cáo buộc này bị tòa bác bỏ năm 2013.

Brown tự coi mình là phát ngôn viên không chính thức của nhóm tin tặc Anonymous.

Về mối liên hệ với nhóm tin tặc Anonymous, công tố viên đã khiến nhóm bào chữa của Brown "ngớ người" khi công bố tới 500 trang bằng chứng nhằm khép anh ta vào khung hình phạt cao nhất.

Bằng chứng mới là hàng trăm đoạn hội thoại mà Brown trao đổi với các tin tặc được FBI tìm thấy trong máy tính của Brown.

Qua đó, họ cho rằng Brown là nhân vật trung tâm của một trong những vụ tấn công mạng nổi tiếng nhất của nhóm Anonymous từ trước đến nay vào Công ty Stratfor.

Mọi việc bắt nguồn từ khi Brown thành lập một công ty tư vấn Internet tên là Project PM năm 2009 nhằm điều tra các nhà thầu tư nhân làm việc trong một số lĩnh vực nhạy cảm như an ninh mạng, tình báo và giám sát.

Sau đó, năm 2010, trang WikiLeaks công bố hàng nghìn tài liệu mật của Chính phủ Mỹ. Cùng thời điểm đó, Anonymous bắt đầu hoạt động mạnh mẽ.

Nhóm này tấn công mạng nhằm vào Church of Scientology (Nhà thờ Khoa học giáo), tuyên bố bảo vệ WikiLeaks bằng cách tuyên chiến trên mạng với các hãng thẻ thanh toán như Paypal và Visa - hai hãng đã chặn nguồn tài chính của trang WikiLeaks dưới sức ép của Chính phủ Mỹ.

Brown cho rằng giữa Project PM, WikiLeaks và Anonymous có cùng quan điểm, mục đích. Anh ta tin rằng WikiLeaks đang phụng sự loài người một cách vĩ đại.

Đối với Anonymous, Brown coi nhóm tin tặc này là chưa từng có tiền lệ. Từ lâu, anh ta đã liên hệ trực tiếp với Anonymous.

Đầu năm 2011, anh ta phối hợp cùng với một số tin tặc lão luyện nhất của nhóm này với tư cách kiểu như là một nhân viên báo chí.

Brown không biết kỹ năng về xâm nhập máy tính nhưng có khả năng viết lách thiên bẩm và tài hùng biện. Thỉnh thoảng, các tin tặc ăn cắp dữ liệu và gửi cho anh ta.

Brown tự coi mình là phát ngôn viên không chính thức của nhóm tin tặc Anonymous.

Anh ta sẽ vùi đầu ngày đêm ở nhà để tìm hiểu tài liệu, viết blog, gửi thông tin cho báo chí. Anh ta cũng thực hiện phỏng vấn trên truyền hình để công kích các sáng kiến an ninh mạng của chính phủ mà huênh hoang rằng Anonymous sẽ đập tan.

Khi nhóm AntiSec của Anonymous gây chấn động với cuộc tấn công mạng vào hệ thống của Stratfor hồi tháng 12/2011, tấn công công ty luật ở Virginia, Brown đã hô hoán với phóng viên toàn thế giới về vụ việc.

Anh ta nói với tờ Time rằng hàng triệu thư điện tử bị đánh cắp có thể là "đầu mối giải quyết một số vụ án có tầm quan trọng bất thường".

Phần lớn những gì Brown nói đều bị phóng đại nhưng với tài nói năng của mình, thông tin của Brown vẫn được quan tâm.

Khi nhóm này tung hàng nghìn số thẻ tín dụng của khách hàng Stratfor lên mạng, Brown đã chia sẻ đường dẫn tới kho số thẻ này và đây là một hành vi khiến anh ta bị kết án.

Khi công khai ủng hộ nhóm tin tặc bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi tội phạm trên không gian mạng, Brown tự đẩy mình vào tầm ngắm của pháp luật. Đến lúc đó, mọi thứ đã quá muộn với Brown.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.