Bản án tù chung thân của cựu Tổng thống Hissene Habre

Thứ Hai, 06/06/2016, 14:46
Mặc dù đã được Tòa án đặc biệt châu Phi ở Senegal bỏ cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, nhưng cựu Tổng thống Chad Hissene Habre vẫn bị tòa án này tuyên mức án chung thân với tội danh tấn công tình dục, giết người có chủ ý, buôn người, bắt cóc và tra tấn.


Cựu Tổng thống Chad còn bị tòa cáo buộc đã cưỡng hiếp một tù nhân nữ 4 lần. Ông Hissene Habre bị Tòa án đặc biệt châu Phi quy trách nhiệm gây ra cái chết của khoảng 40.000 người trong thời kỳ nắm quyền ở Chad, trở thành nguyên thủ quốc gia châu Phi đầu tiên bị tuyên án và cũng là lần đầu tiên Thẩm phán của một quốc gia truy tố cựu lãnh đạo của một quốc gia khác.

Bản án kể trên được Tòa án đặc biệt châu Phi ở Senegal ra phán quyết hôm 30-5 và cựu Tổng thống Chad có 15 ngày để kháng án. Và nếu tòa vẫn giữ nguyên mức án kể trên, ông Hissene Habre sẽ trở thành nhà độc tài cuối cùng của Cộng hòa Chad và châu Phi phải sống những ngày tháng cuối cùng trong tù.

Cựu độc tài người Chad Hissene Habre phản ứng tại phiên xử ở Dakar, Senega, ngày 30-5-2016.

Ông Hissene Habre đã bác bỏ những cáo buộc của Tòa án đặc biệt châu Phi và tẩy chay tính hợp pháp của tòa án này. Những nạn nhân châu Phi dưới thời cai trị của cựu Tổng thống Hissene Habre đã ăn mừng bên ngoài tòa án ở thủ đô Dakar.

Human Rights Watch, tổ chức đã giúp các nạn nhân đưa ông Hissene Habre ra tòa, coi bản án chung thân của cựu Tổng thống Chad là thông điệp "những ngày mà các tên bạo chúa có thể đàn áp người dân, cướp bóc tài sản của họ rồi bỏ trốn ra nước ngoài để hưởng cuộc sống vương giả, đang đến hồi kết". Và phiên tòa này có thể mở cửa cho nhiều vụ án về tội ác thời chiến trong tương lai.

Hồi kết kể trên của cựu Tổng thống Chad được định hình sau khi ông Hissene Habre bị đương kim Tổng thống Idriss Deby Itno lật đổ, và phải chạy sang Senegal lánh nạn, nhưng vẫn bị bắt gần 3 năm trước (30-6-2013) tại tư dinh ở Dakar.

Đài phát thanh tư nhân RFM của Senegal khi đó đã trích lời luật sư và phu nhân của ông Hissene Habre cho biết, cựu Tổng thống Chad đã bị lực lượng cảnh sát của Senegal áp tải và đưa đến một địa điểm chưa rõ.

Và luật sư của ông Hissene Habre đã gọi việc bắt giữ là một vụ "bắt cóc" và yêu cầu thả cựu Tổng thống Chad ngay lập tức. Cựu Tổng thống Chad Hissene Habre bị bắt (30-6-2013) sau khi sống lưu vong hơn 22 năm ở Senegal.

Sau khi bị bắt, cựu Tổng thống Hissene Habre đã phải hầu tòa trong 56 ngày, cùng sự làm chứng của 93 người. Và công tố viên của Tòa án đặc biệt châu Phi (được Liên minh châu Phi thành lập theo thỏa thuận với Senegal) đã kiến nghị với hội đồng xét xử mức án chung thân và tịch thu toàn bộ số tài sản của cựu Tổng thống Hissene Habre, người đã lãnh đạo Cộng hòa Chad trong 8 năm (1982-1990).

Ông Hissene Habre (còn gọi là Hissen Habre), sinh ngày 13-9-1942 tại Faya-Largeau, miền bắc Cộng hòa Chad, được gọi là "Pinochet của châu Phi" và từng có phương án đưa cựu Tổng thống Chad ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở Hague, Hà Lan.

Khi tòa khai đình xét xử ông Hissene Habre (từ 20-7-2015 đến 22-10-2015), cựu Tổng thống Chad trở thành cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới phải đứng trước vành móng ngựa ở một quốc gia khác của châu Phi.

Và đây cũng là sự kiện lịch sử tại châu Phi khi lần đầu tiên một cựu độc tài ở một quốc gia của châu lục này bị đưa ra xét xử công khai. Các Thẩm phán là người Senegal cùng một số nước châu Phi khác và đứng đầu Hội đồng xét xử là Chánh án người Burkina Faso.

Kinh phí được tài trợ bởi các quốc gia Pháp, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Cộng hòa Chad.

Tuy đứng thứ 21 về diện tích (1,284 triệu km2), nhưng Cộng hoà Chad lại là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Sau khi được Pháp trao trả độc lập năm 1960, ông Francois Tombalbaye trở thành Tổng thống kiêm Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Chad, nhưng nước này luôn sống trong cảnh nội chiến.

Ngày 13-4-1975, ông Felix Malloum đã tiến hành đảo chính quân sự lật đổ ông Francois Tombalbaye, nhưng hơn 3 năm sau (21-8-1978) buộc phải nhường quyền cho chính phủ đoàn kết dân tộc. Và ông Hissene Habre làm Tổng thống trong hơn 8 năm (từ 21-10-1982 đến 1-12-1990).

Đến ngày 1-12-1990, ông Idriss Deby Itno, lãnh đạo của Phong trào cứu quốc đã lật đổ nhà độc tài Hissene Habre và trở thành Tổng thống từ đó tới nay. Ông Idriss Deby Itno được ông Hissene Habre bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh quân đội sau khi lên nắm quyền khoảng 1 năm.

Và quan hệ giữa 2 người rạn nứt vào năm 1989 khi có bất đồng xung quanh việc gia tăng quyền lực cho lực lượng bảo vệ Tổng thống. Ông Idriss Deby Itno bắt đầu hoạt động chống lại ông Hissene Habre từ tháng 10-1989 và cuộc tấn công quyết định diễn ra vào ngày 10-11-1990. Tới ngày 1-12-1990, quân đội của ông Idriss Deby Itno đã tiến vào thủ đô mà không có sự kháng cự nào.

Tuệ Sỹ
.
.