Đài Loan sẽ xét xử Tưởng Giới Thạch?

Thứ Năm, 02/06/2016, 16:00
Đã lâu, người ta không nhắc tới Tưởng Giới Thạch bởi ông qua đời đã hơn 41 năm (5-4-1975), nhưng sau khi một số chính trị gia Đài Loan kiến nghị dỡ bỏ đài tưởng niệm nhân vật này ở trung tâm Đài Bắc, một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến thăm, đã dấy lên những tranh luận khác nhau xung quanh chủ đề này.


Và điều đáng nói là sau khi Tưởng Giới Thạch chết, gia tộc họ Tưởng và Quốc Dân đảng đã gặp nhiều chuyện không may mắn. Việc mất quyền kiểm soát tại Viện Lập pháp và thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua (ông Mã Anh Cửu phải bàn giao quyền lãnh đạo cho bà Thái Anh Văn, người của Dân Tiến đảng vào ngày 20-5) là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.

Không phải bây giờ mới nói

Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch được khánh thành năm 1980 (khoảng 5 năm sau khi ông qua đời). Và từ đó người dân bắt đầu công khai chỉ trích Tưởng Giới Thạch như một nhà lãnh đạo độc tài đã giết chết hàng nghìn người và hàng vạn người bị đàn áp một cách dã man. 

Trong khi một số người đề nghị phá bỏ toàn bộ địa điểm này, thì nhiều người cảnh báo điều đó có thể khiến xã hội bị chia rẽ. Khi đương nhiệm, nhà lãnh đạo Trần Thuỷ Biển từng muốn xét xử Tưởng Giới Thạch về vai trò trong vụ sát hại hàng nghìn người, từng được lịch sử gọi là "sự kiện 28-2-1947". 

Tưởng Giới Thạch.

Ông Trần Thuỷ Biển và Dân Tiến đảng cho rằng, những bức tượng thể hiện sự chuyên quyền của Tưởng Giới Thạch, nên từng gây áp lực để đổi tên "Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch", nhưng đã vấp phải sự phản đối của dư luận, nhất là Quốc Dân đảng. Đầu năm 2007, ông Trần Thuỷ Biển và Dân Tiến đảng quyết định dỡ bỏ tất cả tượng của Tưởng Giới Thạch ra khỏi các trụ sở quân sự, công viên và nhiều nơi công cộng khác.

Khoảng 8,5 năm trước (14-12-2007), Bí thư trưởng Dân Tiến đảng (đảng cầm quyền khi đó) Trác Vinh Thái tuyên bố, trước dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Tưởng Kinh Quốc (13-1-1988 - 13-1-2008), lực lượng vệ binh đang bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch sẽ chính thức bị giải tán vào ngày 31-12-2007. 

Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, một làn sóng phản đối cùng những dư luận khác nhau đã liên tiếp diễn ra. Khi đó, Trưởng huyện Đào Nguyên Chu Lập Luân kiến nghị, kể từ ngày 1-1-2008, huyện Đào Nguyên sẽ tiếp quản lăng của cha con Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc. Nhưng người đứng đầu thị trấn Đại Khê, huyện Đào Nguyên, địa phương đặt lăng Tưởng Giới Thạch, ông Tô Văn Sinh đã phản đối quyết định giải tán lực lượng vệ binh kể trên.

Việc giải tán lực lượng vệ binh bảo vệ lăng Tưởng Giới Thạch cùng dư luận di dời linh cữu ông khỏi đây từng gây tranh luận nảy lửa. Và việc này chỉ được quyết sau khi người nhà họ Tưởng thương đàm với cơ quan chức năng. Điều đáng nói là ông Chương Hiếu Nghiêm, con riêng của Tưởng Kinh Quốc (lấy theo họ mẹ) là người cao niên nhất trong gia tộc họ Tưởng, nhưng lại không nhận được thông báo chính thức từ cơ quan hữu quan. 

Bởi người ta cho rằng, con riêng không đủ tư cách đại diện cho gia tộc họ Tưởng. Khi đó có người nói, một trong những nguyên nhân khiến ông Trần Thuỷ Biển không muốn thương đàm với ông Chương Hiếu Nghiêm bởi chỉ là con riêng! Đời thứ ba của Tưởng Giới Thạch chỉ còn lại duy nhất ông Chương Hiếu Nghiêm.

Người dân Đài Loan đều biết tới danh tiếng gia đình họ Tưởng bởi họ được mệnh danh là "Đệ nhất gia đình" tại Đài Loan. Nhưng kể từ khi Tưởng Kinh Quốc, con trai trưởng của Tưởng Giới Thạch qua đời tới nay, vị thế "Đệ nhất gia đình" đã bị mất đi cùng năm tháng. Gia đình họ Tưởng luôn muốn chôn Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc tại Trung Quốc, nhưng việc này bị cản trở từ những người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Bởi từ tháng 12-1995, Tưởng Vỹ Quốc, con thứ Tưởng Giới Thạch và Tưởng Hiếu Dũng, con thứ Tưởng Kinh Quốc đã chính thức bàn việc sớm đưa linh cữu cha anh mình về chôn tại Trung Quốc.

Ngày 8-7-1996, vấn đề này được Tưởng Vỹ Quốc chính thức đưa ra tại cuộc họp của Quốc Dân đảng. Nhưng sau khi nhận tin này, ông Lý Đăng Huy, nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó tìm mọi cách cản trở. Trung tuần tháng 11-1996, Nghiêm Trác Vân, vợ Cố Chấn Phủ được ông Lý Đăng Huy uỷ quyền bay sang Mỹ xin ý kiến Tống Mỹ Linh về cách giải quyết vấn đề này. 
Đội quân danh dự trước đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc, Đài Loan.

Thứ nhất, tạm nhập thổ tại Đài Loan, chờ cơ hội thuận lợi sẽ đưa về an táng tại Trung Quốc. Thứ hai, không nên đưa về Trung Quốc. Đương nhiên Tống Mỹ Linh phải đồng ý với phương án thứ nhất. Nhưng vấn đề này sau đó bị gác lại bởi cả Tưởng Vỹ Quốc và Tưởng Hiếu Dũng đều lần lượt qua đời trong năm 1997.

Những lý giải khác nhau

Giới truyền thông từng đưa tin, theo nguyện vọng của thân nhân trong gia đình họ Tưởng, thi hài của Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc sẽ được nhập thổ đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Tưởng Giới Thạch (5-4-1975 - 5-4-2005), nhưng bất thành. Mặc dù biết rõ tâm nguyện của Tưởng Giới Thạch là được chôn cất tại Trung Quốc đại lục, nhưng trước thực tế hiện nay, thân nhân họ Tưởng không còn lựa chọn nào khác. Người đưa ra yêu cầu nhập thổ thi thể cha con Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan là Tưởng Phương Lương, vợ Tưởng Kinh Quốc.

Mặc dù đã chọn được những nơi đặt mộ ở Trung Quốc, nhưng sau khi chạy ra Đài Loan và chết (5-4-1975), Tưởng Giới Thạch đã không thể thực hiện được mong muốn được chôn cất tại Tử Kim Sơn cùng với Tôn Trung Sơn. Bởi khi tại chức, Tưởng Giới Thạch đã tìm cho mình 3 nơi để lo việc hậu sự. 

Điểm thứ nhất nằm cạnh đình Chính Nghĩa, Tử Kim Sơn, thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. Điểm thứ hai nằm bên cạnh Nhân Hồ, Khê Khẩu, huyện Phụng Hoá, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Điểm thứ ba nằm cạnh bức tượng phật Di Lặc ở Khê Khẩu, huyện Phụng Hoá, tỉnh Triết Giang. 

Và mặc dù chỉ chọn nơi an nghỉ tạm thời, nhưng từ tháng 6-1949, Tưởng Giới Thạch đã ngắm được nơi ưng ý tại Bi Vỹ, Đại Khê, huyện Đào Nguyên, Đài Loan bởi nơi đây có phong cảnh, địa thế giống với Khê Khẩu, huyện Phụng Hoá, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Khi đó, Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh đổi tên Bi Vỹ thành Từ Hồ và linh cữu của ông cùng con trai Tưởng Kinh Quốc được quàn tại đây. 

Được biết, việc bảo quản di hài Tưởng Kinh Quốc khó hơn Tưởng Giới Thạch bởi khi còn sống ông mắc bệnh đái đường. Tưởng Kinh Quốc muốn được chôn cất bên cạnh mộ bà Mao Phúc Mai, mẹ đẻ của ông. Ngôi mộ này nằm bên trong sân vận động của một trường học tại Khê Khẩu, huyện Phụng Hoá, tỉnh Triết Giang.

Giới chuyên môn cho rằng, Tưởng Giới Thạch đã phất lên nhờ chôn mẹ đúng long mạch? Vì là vợ thứ ba nên trước khi chết, mẹ Tưởng Giới Thạch trăng trối: sau khi ta chết, không được chôn chung với cha con. Nên sau khi mẹ mất nửa năm, Tưởng Giới Thạch mới cho mai táng vì còn phải tìm mộ huyệt tốt ở thung lũng Ngư Lân cách thị trấn Khê Khẩu khoảng 3 dặm. 

Sau khi nắm quyền, Tưởng Giới Thạch đã trả ơn thầy phong thủy bằng cách bổ nhiệm Tiêu Huyên làm Tỉnh trưởng Hà Bắc, rồi Ủy viên Viện Giám sát (chỉ ngồi hưởng lộc chứ không phải làm việc). Theo quan niệm của nhiều người Trung Quốc, nhất là những người có quyền lực, việc chọn huyệt mộ cho mình là vô cùng quan trọng. Vốn là người mê phong thủy, Tưởng Giới Thạch rất coi trọng vấn đề này và đến nay người ta vẫn lưu truyền nhiều giả thuyết khác nhau xung quanh việc chọn huyệt mộ.

Sau khi kết hôn với Tống Mỹ Linh (năm 1927), Tưởng Giới Thạch đã bỏ đạo Phật để theo đạo Cơ đốc, nhưng việc này chỉ là hình thức. Nên sau khi Tưởng Giới Thạch chết, Tống Mỹ Linh đã đặt vào quan tài của chồng một quyển Kinh thánh. Ngoài quyển Kinh thánh, Tống Mỹ Linh còn đặt 3 quyển sách khác, đó là "Chủ nghĩa tam dân" của Tôn Trung Sơn, "Thơ Đường" và "Suối trong sa mạc". Và tang lễ của Tưởng Giới Thạch được cử hành trang trọng, hoành tráng và đình đám hôm 16-4-1975. 

Theo nghi lễ của người Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch được mặc 7 cái quần, 7 áo lót, bên ngoài là một chiếc áo choàng dài, chân được đi một đôi giày đen. Linh cữu của Tưởng Giới Thạch được ướp và quàn tại Từ Hồ, cách Đài Bắc khoảng 60km về phía Nam.

Tháng 7-1982, Liêu Thừa Chí, Phó Chủ tịch đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã viết thư gửi Tưởng Kinh Quốc đề cập tới vấn đề đưa linh cữu Tưởng Giới Thạch về Trung Quốc an táng sau khi thống nhất đất nước.

20 năm sau (2002), Trần Chiêu Điển, Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Triết Giang, Trung Quốc tuyên bố, nếu gia đình họ Tưởng muốn an táng người thân tại quê nhà thì phải làm theo đúng trình tự. Và khu lăng mộ cùng di sản của họ Tưởng tại Khê Khẩu, Phụng Hoá đã được chính phủ Trung Quốc bảo hộ thoả đáng.

Năm 1949, khi giải phóng tỉnh Triết Giang, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã chỉ thị, không được phá nhà ở, từ đường và những kiến trúc khác của nhà họ Tưởng.

Phạm Huy Anh
.
.