Anh: Thông qua luật tình báo gây tranh cãi

Thứ Ba, 06/12/2016, 21:40
Sau nhiều tháng giằng co, tranh luận, Quốc hội Anh đã chính thức thông qua luật do thám mới, trong đó cho phép các cơ quan chức năng, từ cảnh sát, tình báo cho đến các nhà quản lý thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và thanh tra giao thông, có quyền xâm nhập cơ sở dữ liệu và xem xét thông tin duyệt web và cả thông tin cá nhân của người dùng Internet.

Luật mới vừa được thông qua có tên gọi là Dự luật Quyền hạn Điều tra (IPB); giới truyền thông và những người chống lại nó gọi bằng biệt danh "Hiến chương tình báo" - đã được Quốc hội Anh thông qua vào hạ tuần tháng 11 sau hơn một năm tranh luận và sửa đổi. Dự luật này sẽ chính thức trở thành luật và có hiệu lực thi hành sau khi được Nữ hoàng Anh phê chuẩn vào đầu tháng 12.

Luật IPB yêu cầu các công ty dịch vụ viễn thông lưu trữ dữ liệu truy cập Internet của tất cả người dùng Internet trong khoảng thời gian một năm, tạo cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân mà công ty "nghi ngờ" là có thể tạo ra những nguy cơ về tội phạm mạng. 

Cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân được mô tả là "hồ sơ kết nối Internet", trong đó ghi nhận tất cả các Website mà mỗi người truy cập, các phần mềm ứng dụng và dịch vụ nhắn tin mà họ sử dụng. 

Theo luật mới, các cơ quan chức năng, tình báo sẽ không cần phải xin "giấy phép" để truy cập vào cơ sở dữ liệu, và danh sách các tổ chức, cơ quan chức năng này không chỉ gói gọn trong ngành tình báo, cảnh sát mà còn bao gồm cả các bộ ngành, cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh, kể cả các quan chức hải quan, thậm chí Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm (FSA) của Anh.

Luật mới sẽ cho phép các cơ quan tình báo Anh bẻ khóa, đột nhập, thu thập dữ liệu cá nhân dễ dàng hơn, rộng rãi hơn.

Với phạm vi do thám, đối tượng được phép tiếp cận dữ liệu, thông tin cá nhân nhiều như thế, Luật IPB đang khiến cho nhiều tổ chức vận động vì quyền công dân và người dùng Internet bất bình, vì nó tạo ra cơ sở vững chắc cho hoạt động do thám đại trà công chúng Anh, theo dõi không chỉ những đối tượng tình nghi là tội phạm mà ngay cả người dùng vô tội, từ mỗi văn phòng làm việc cho đến phòng khách, phòng ngủ cũng đều bị do thám. Tim Berners-Lee, cha đẻ mạng Internet toàn cầu (World Wide Web) đã thốt lên lời than vãn: "Những ngày đen tối của Internet đang đến".

Chính phủ Anh giải thích rằng, dạng thông tin mà Luật IPB yêu cầu lưu trữ chỉ là dạng gần giống như một hóa đơn tiền cước điện thoại (ghi nhận danh sách các số điện thoại gọi đi và đến), nhưng các tổ chức, các nhà hoạt động vì quyền tự do công dân thì không chấp nhận, cho rằng thông tin hoạt động truy cập Internet mang tính chất như một nhật ký cá nhân, ghi nhận các hoạt động riêng tư của từng cá nhân, vì vậy không thể đánh đồng với hình thức thông tin phải công khai. 

Các quan chức chính phủ Anh cũng khẳng định rằng, luật mới bảo đảm "quyền hạn phù hợp với thời đại công nghệ kỹ thuật số", sẽ thay thế hàng loạt những quy định cũ kỹ, lạc hậu và trao cho các cơ quan thực thi pháp luật các công cụ để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm nghiêm trọng.

Luật mới cũng hợp thức hóa và hợp pháp hóa việc các điệp viên Anh bẻ khóa xâm nhập vào các thiết bị công nghệ và "thu hoạch" vô số dữ liệu của người dùng cả trong và ngoài nước Anh. Với quy định này, luật IPB không chỉ thừa nhận mà còn đặt ra các giới hạn cho các chương trình do thám đại trà, kiểu như từng thực hiện trước đây được Edward Snowden tiết lộ cuối năm 2013.

Chính phủ Anh cho rằng, bên cạnh việc trao nhiều quyền hạn thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng, luật IPB cũng thiết lập các cơ chế chống lại việc đột nhập, bao gồm việc phân công một ủy viên kiểm soát quyền hạn điều tra để giám sát hệ thống, và các thẩm phán thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các giấy phép do Chính phủ Anh cấp cho các cơ quan chức năng, cảnh sát, tình báo đột nhập cơ sở dữ liệu, các thiết bị điện tử hoặc can thiệp vào luồng giao tiếp Internet.

Câu hỏi lớn được đặt ra là luật mới sẽ vận hành như thế nào. Chính phủ Anh thừa nhận các hãng công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ cần 12 tháng để bắt tay vào thực hiện theo yêu cầu của luật, lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó, người ta cũng quan ngại việc áp dụng luật này sẽ khiến cho nước Anh đánh mất vị thế là một quốc gia hàng đầu thế giới về kinh tế kỹ thuật số. 

Ngoài ra, một số khía cạnh của luật cũng còn chưa rõ ràng. Không phải tất cả các công ty công nghệ đều phải tuân thủ theo luật - mà chỉ những công ty được chính phủ yêu cầu. Chính phủ Anh lại không minh bạch rõ ràng danh sách những công ty nào thuộc diện phải thực hiện yêu cầu của chính phủ; còn các công ty liên quan thì được yêu cầu bưng bít thông tin, không được thông báo cho khách hàng của mình biết.

Các nhà cung cấp dịch vụ cũng lo ngại về quy định của luật IPB cho phép các cơ quan tình báo yêu cầu các công ty công nghệ gỡ bỏ mật mã để họ xâm nhập, can thiệp vào các luồng giao tiếp trên mạng. Các công ty lập luận rằng quy định đó có thể làm yếu đi tình trạng an ninh của hoạt động mua sắm trên mạng, hoạt động ngân hàng trực tuyến và nhiều hoạt động khác đòi hỏi phải mã hóa.

Sự phản đối của công chúng có vẻ ít ồn ào hơn, một phần bởi vì những người chủ trương thông qua luật IPB đã khéo léo đưa ra Quốc hội thông qua luật vào đúng thời điểm dư luận quá bận tâm với việc bỏ phiếu trưng cầu nước Anh rời khỏi EU và những hệ lụy ồn ào kéo theo sau nó, nên ít ai quan tâm đến luật IPB.

Tuy vậy, các nhóm bảo vệ quyền riêng tư đã dày công đấu tranh chống lại việc thông qua luật IPB suốt hơn một năm qua, giờ khi luật này đã được thông qua ở Quốc hội, họ tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức đạo luật này ở tòa án.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.