Cuộc đời bi tráng của Vương hậu Triều Tiên cuối cùng (bài 1)

Thứ Sáu, 18/11/2016, 17:08
Được chính thức sắc phong Vương phi của Vương quốc Đại Triều Tiên vào tháng 3-1866, Myeong Seong (tiếng Hán là Minh Thành) trở thành Quốc mẫu vào giai đoạn cuối của triều đại Joseon, khi đất nước đang trong tình cảnh bên ngoài chịu áp lực từ Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước phương Tây, triều chính bên trong bị chi phối bởi nhiều thế lực thủ cựu.

Vương phi Myeong Seong bằng trí tuệ và tầm nhìn xuất chúng được đánh giá là một nhân vật sáng chói trong lịch sử Hàn Quốc cận đại, một nhà cải cách mang tham vọng hiện đại hóa Triều Tiên, nâng cao vị thế quốc gia qua những nỗ lực thiết lập quan hệ với các cường quốc bên ngoài. Sự biến năm Ất Mùi 1895 và cái chết bi thương của bà vì nền độc lập tự cường đã lay động con tim nhiều thế hệ đời sau trên bán đảo Triều Tiên.

Quốc mẫu 16 tuổi

Hoàng đế Gojong (tiếng Hán - Cao Tông), vị vua cuối cùng trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon, đồng thời cũng là hoàng đế đầu tiên của Đại Hàn đế quốc, sinh năm 1852, là con trai thứ 2 của quan nhiếp chính Yi Ha-eung tước hiệu Heungseon Daewongun (Hưng Tuyên Đại Viện Quân).

Một bức ảnh chụp mà người trong ảnh được cho là Vương phi Myeong Seong.

Năm 1863, sau khi Vua Cheoljong (Triết Tông, 1831-1863) băng hà mà không có người nối dõi, Đại phi của Triết Tông là người thuộc gia tộc Kim Andong quyết định chọn một người trị vì vương thất Triều Tiên. Mùa thu năm 1864, con trai thứ hai của nhiếp chính Hưng Tuyên Đại Viện Quân được chọn làm người nối ngôi khi mới 12 tuổi.

Còn Vương phi tương lai tên thật là Min Ja Yeong sinh trưởng trong gia đình quý tộc họ Min (vì thế người đời sau thường gọi bà là Vương phi Min hay Mẫn Vương phi), mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới lên 8 tuổi  và đây chính là "điều may mắn định mệnh" khi Cao Tông được 15 tuổi, vương thất quyết định chọn cho ông một Vương phi.

Vì vua còn nhỏ tuổi nên nắm trọn trong tay mọi quyền hành, Hưng Tuyên Đại Viện Quân có chủ đích tìm kiếm một tiểu thư ít thân nhân để không làm chi phối quyền lực của vương thất và điều này ngẫu nhiên khế hợp với ý nguyện của mẹ vua Gojong cũng là một người trong gia tộc họ Min, từ lâu đã nhắm đến tiểu thư Min Ja Yeong nổi tiếng vì dung mạo đoan trang xinh đẹp và tư chất thông minh hơn người.

Qua một cuộc tuyển chọn và một loạt những nghi thức, đòi hỏi khắt khe của vương triều, ngày 20-3-1866, Min Ja Yeong được vào triều kiến tại đại điện và nhận sắc phong Vương phi, chính thức trở thành quốc mẫu khi mới 16 tuổi.

Từ ngày đầu bước đại vào cung, Vương phi Min đã tỏ ra là người thông minh, nhanh nhạy và vô cùng quyết đoán. Vương phi đặc biệt quan tâm đến chính trị, quan hệ quốc tế, kinh tế… Mặc dù Hoàng gia không khuyến khích nhưng Vương phi vẫn chuyên tâm nghiên cứu khoa học, triết học và tôn giáo.

Tuy nhiên, trong dân gian vẫn tồn tại lời truyền khẩu cho rằng, Vương phi Myeong Seong không phải là người ngay từ đầu muốn tham dự vào việc triều chính. Dù đã có chính cung, nhưng vua Cao Tông chỉ sủng ái những cung nữ dung nhan quyến rũ mà ít gần gũi nàng, nên nàng thường lấy việc đọc sách làm thú vui cho bớt cô quạnh. Chính những kiến thức thu được qua những cuốn sách này về sau đã trở thành bước đệm để Vương phi tham gia vào việc triều chính giúp vua cai quản đất nước.

Nếu như các vương phi trước đây khi được trọn quyền cai quản hậu cung, họ thường tìm cách tạo vây cánh để củng cố quyền lực nhằm làm bệ đỡ vững chắc cho con cái hoặc người thừa tự thì với Myeong Seong, Vương phi có hướng đi khác.

Chính sử Đại Triều Tiên ghi nhận chính Vương phi Myeong Seong là người luôn đi đầu trong xúc tiến cải cách hệ thống cầm quyền bằng sự sáng suốt và thiên khiếu ngoại giao xuất chúng của mình được vận dụng trong đường lối làm vững mạnh quyền tự chủ quốc gia thông qua việc hiệp thương với các cường quốc trên thế giới.

Tới nay, những ghi chép về Vương phi Myeong Seong vẫn còn được lưu lại trong văn khố nhiều nơi trên thế giới. Isabella Bird Bishop, nhà địa lý học và là Hội viên hội Địa lý Hoàng gia Anh Quốc từng có thời gian sinh sống ở Triều Tiên vào giai đoạn cuối, đã miêu tả Vương phi Myeong Seong "có cặp mắt lạnh và sắc sảo, được người này tiếp chuyện, tôi có ngay ấn tượng về phong thái cao quý và trí tuệ mẫn tiệp".

William F. Sands, Chánh tòa công sứ Mỹ thì nhìn nhận: "Bà là một nữ chính trị gia vĩ đại vượt lên trên thời đại và giới hạn tầm thường của nữ giới vương quốc Triều Tiên". Còn Miura, công sứ người Nhật cũng đã có những ghi chép cho thấy sự cảm phục và dè chừng đối với bà: "Khi tiếp kiến vua, tôi thấy hoàng hậu khẽ đến bên nói giúp vua, hoàng hậu tỏ ra là người có nhiều tài năng, không hề sơ suất".

Vương phi Myeong Seong hạ sinh được 2 người con trai, nhưng hoàng tử đầu sớm qua đời. Rất nhiều lời đồn cho rằng, chính nhiếp chính đại thần Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã ngầm ra lệnh cho thái y kê thuốc sai khiến cho hoàng tử thể lực dần suy kiệt và khi lâm bệnh thì không ai bắt được đúng bệnh. Lời đồn đó lý giải vì sao Vương phi Myeong Seong càng ngày càng bộc lộ rõ thái độ chống lại sự độc đoán, can thiệp cả vào việc nước lẫn việc nhà của người cha chồng này.

Hơn nữa, vào giai đoạn này, Hưng Tuyên Đại Viện Quân cũng đang khiến lòng dân ta thán bởi nhiều quyết định cứng rắn và không thỏa đáng, như chính sách bế quan tỏa cảng, bài xích các ngoại giao đoàn nước ngoài hay lệnh cho xây sửa lại cung Gyeongbok (cung Cảnh Phúc) tiêu tốn một khoản lớn của quốc khố.

Máu chảy cung Cảnh Phúc

Năm 1873, nhân có bản tấu của viên quan tên là Choi Ik-hyeon lên án các chính sách và đường lối sai trái của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, vua Cao Tông và Vương phi Myeong Seong tuyên bố sẽ trực tiếp giải quyết việc triều chính, rút bỏ hoàn toàn quyền lực của cha mình. Vua Cao Tông cùng Vương phi cùng thiết triều, cùng lắng nghe và quyết định những việc quan trọng của đất nước.

Đình tạ nguy nga diễm lệ trong ngự viên cung Cảnh Phúc.

Được làm chủ trong chính sự, vua Cao Tông đã bỏ chính sách đóng cửa trước đây của Hưng Tuyên Đại Viện Quân. Trước tình cảnh nền kinh tế đất nước bị đình đốn do thương nhân trong nước không cạnh tranh nổi với thương nhân Nhật Bản, Vương phi Myeong Seong đã có ý muốn hiện đại hóa vương quốc Triều Tiên vốn đã quá lạc hậu. Năm 1881, sau chuyến thăm Nhật Bản, được sự đồng tình của Vua Cao Tông, bà đã âm thầm đấu tranh ngoại giao với các cường quốc Nhật, Trung Quốc, Nga; đưa ra kế sách hiện đại hóa quân sự và nghiên cứu sâu rộng các mô hình kinh tế phương Tây.

Nhà vua cảm phục tài cầm quyền khôn ngoan của vợ nên tình cảm giữa họ ngày càng gắn bó. Một mặt, Vương phi Myeong Seong tích cực quan hệ với nhà Thanh nhằm giảm bớt ảnh hưởng của người Nhật tại vương quốc Triều Tiên; mặt khác, bà cũng đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm đưa ngành công nghiệp Triều Tiên vượt qua Nhật.

Tuy nhiên, tình hình chính sự ngày càng rối ren bởi sự công khai đối lập với nhiếp chính vương đã khiến ông được thể kích động những mâu thuẫn với thế lực cũ trong vương thất. Năm 1882 còn xảy ra cuộc nổi dậy "quân loạn năm Nhâm Ngọ", thể hiện sự bất mãn của lực lượng binh sĩ triều đình đối với giới cầm quân theo hình thức mới du nhập vào từ phương Tây. Vương phi Myeong Seong bấy giờ phải đối đầu trước nhiều khó khăn đến mức bà phải rời khỏi cung để lánh nạn.

Chính trong tình cảnh ấy, bà càng thể hiện khả năng quyền biến của mình qua việc gửi thư cầu viện nhà Thanh hỗ trợ dẹp loạn quân và giành lại vương quyền. Không chỉ thế, sau sự kiện chiếm đảo Geomun của Anh vào năm 1885, Vương phi Myeong Seong đã cử cố vấn ngoại giao người Đức là Paul Georg von Mllendorff sang Nhật Bản hiệp thương với Anh để giải quyết vấn đề.

Năm 1894 trải qua các cuộc nổi dậy của phong trào nông dân Donghak (Đông học), qua cuộc chiến giữa nhà Thanh (Trung Quốc) và Nhật, người Nhật ngày càng can thiệp sâu hơn vào tình hình chính trị của Triều Tiên. Để ngăn chặn dã tâm xâm chiếm của Nhật, Vương phi Myeong Seong đã táo bạo kết thân với nước Nga Sa hoàng, thể hiện rõ ý chí đối đầu với Nhật. Thế kỷ XIX là giai đoạn xảy ra nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của các nước lớn trên thế giới. Một nước nhỏ yếu và kinh tế đang kiệt quệ như Triều Tiên lúc bấy giờ chỉ còn cách tận dụng mối mâu thuẫn giữa các nước lớn này.

Để làm được điều đó, người đứng đầu vương quốc phải có một năng lực hoạt động chính trị hết sức sắc bén, làm sao vừa có thể tận dụng các mối bang giao để gây dựng được thanh thế cho quốc gia lại vừa tránh sa vào cảnh vong nô cho ngoại bang. Nhận thấy Vương phi chính là vật cản lớn nhất cho việc thực hiện ý đồ xâm chiếm Triều Tiên, đế quốc Nhật đã gây nên "Sự biến năm Ất Mùi".

Ngày định mệnh 8-10-1895, một nhóm thích khách đột nhập cung Cảnh Phúc sát hại nhiều người một cách dã man, trong đó có Vương phi Myeong Seong. Cho đến gần đây vẫn còn nhiều uẩn khúc không có lời giải trong vụ Vương phi bị sát hại ở tuổi 43.

Vào năm 2005, trên báo Hàn Quốc Chosun Ilbo, nhà sử học Lee Tae-jin thuộc Đại học Quốc gia Seoul đã công bố tài liệu năm trang về vụ sát hại Vương phi, do Phái bộ Ngoại giao Nhật Bản thời điểm đó tại Seoul gửi về Tokyo, 3 tháng sau khi vụ này xảy ra. Trước đây, giới nghiên cứu vẫn cho rằng Vương phi Myeong Seong bị sát hại ngay tại nơi ở của bà trong cung Cảnh Phúc, căn cứ theo lời tường thuật của một viên sĩ quan người Nga phụ trách đội vệ binh hoàng cung.

Tuy nhiên, theo các tài liệu mới này, những kẻ được lệnh hạ sát Vương phi đã đưa bà ra ngoài sân và sát thủ vung kiếm chém ngang thân bà. Tài liệu cũng ghi rõ: các sát thủ đã đưa thi thể của Vương phi Myeong Seong lên một ngọn đồi bên cạnh hoàng cung rồi hỏa thiêu.

Vào thời điểm đó, dưới áp lực của các cường quốc, Nhật Bản đã buộc phải tiến hành điều tra và tổ chức phiên tòa xét xử kẻ được coi là thủ phạm, nhưng rốt cuộc bị cáo được tha bổng. Theo nhà sử học Hàn Quốc Lee Tae-jin, việc đưa Vương phi Myeong Seong ra bên ngoài rồi xuống tay giết hại cho thấy đây không phải là một vụ ám sát, mà có thể xem là "một sự can thiệp quân sự có chủ ý" của chính quyền Nhật lúc đó.

Người Nhật ép Vua Cao Tông ban bố lệnh cắt tóc, buộc người dân Triều Tiên phải thay đổi phong tục tập quán, cắt ngắn tóc, sửa lại quần áo. Nhân dân hết thảy đều căm phẫn. Việc Vương phi bị thế lực bên ngoài giết hại đã khiến tình hình trong nước sôi sục, dấy lên phong trào rửa hận chống Nhật như phong trào "Nghĩa binh năm Ất Mùi" và sau này được tiếp nối, phát triển thành phong trào vận động độc lập của vương quốc Đại Triều Tiên.

Tháng 2-1896, Vua Cao Tông đã lẻn ra khỏi hoàng cung, chạy đến tòa công sứ Nga tại Triều Tiên xin tị nạn. Năm 1897, sau khi quay lại hoàng cung, Cao Tông liền đổi quốc hiệu thành Đại Hàn đế quốc và truy phong Vương phi đã ngã xuống vì nền độc lập tự cường quốc gia thành Hoàng hậu Myeong Seong.

Gyeongbokgung hay còn gọi Cung Cảnh Phúc là một hoàng cung nằm ở phía bắc Seoul, Hàn Quốc. Xây dựng lần đầu vào năm 1394, đây là cung điện chính và lớn nhất trong năm cung điện của triều đại Triều Tiên. Năm 1553 cung bị hỏa hoạn, cháy mất một phần và được tu bổ trở nên nguy nga hơn 3 năm sau đó.

Khi Nhật Bản xâm lăng Triều Tiên vào cuối thế kỷ XVI, cung Cảnh Phúc bị phá hủy hoàn toàn. Triều đình Triều Tiên phải dùng Xương Đức cung trong suốt 270 năm cho đến khi cung Cảnh Phúc được xây lại vào năm 1868. Sau sự biến sát hại Vương phi Myeong Seong, Vua Cao Tông cùng hoàng gia phải rời bỏ cung Cảnh Phúc và không bao giờ trở lại đó nữa. Cung điện ngày nay phần lớn được phục dựng bắt đầu từ năm 1995.

Năm 2005, chính phủ cho chuyển Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc vào cung Cảnh Phúc. Đây là tuyệt tác kiến trúc kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên, khuôn viên vườn cảnh có đình tạ mỹ lệ, hoa cỏ cắt tỉa công phu điển hình cho nghệ thuật vườn cảnh Hàn Quốc. Ngày nay, để làm sống lại phong cảnh huy hoàng của triều đại phong kiến xa xưa, các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân thường diễn ra ở cung Cảnh Phúc.

Mạnh Quân (tổng hợp)
.
.