Lật lại hồ sơ vụ lấy cắp tài liệu mật lớn nhất lịch sử tình báo Mỹ

Thứ Sáu, 04/11/2016, 10:35
Trong lịch sử tình báo Mỹ, vụ án sĩ quan tình báo thám không Brian Regan lấy cắp hàng trăm ngàn trang tài liệu mật để bán cho nước ngoài xảy ra tại Văn phòng Thám báo Quốc gia (NRO) cách đây 15 năm được xem là vụ việc lớn nhất.

Mặc dù việc cung cấp tài liệu cho nước ngoài chưa được thực hiện, nhưng Regan vẫn bị đề nghị mức án tử hình, sau đó hạ xuống còn chung thân sau khi ông đồng ý khai ra vị trí chôn giấu tài liệu đã lấy cắp.

BÀI I: ĐIỆP VIÊN KHÔNG BIẾT ĐỌC CHỮ

"Gián điệp" Brian Regan sinh tháng 10-1962 trong một gia đình công nhân nghèo. Điểm đặc biệt ở Brian Regan chính là ông mang một chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp mà khoa học gọi là "chứng khó đọc" (dyslexia). Vì chứng bệnh này, thời đi học của Regan là chuỗi ngày dài khổ sở, buồn chán trong suy nghĩ rằng "mình thật ngu ngốc". Sự tự ti đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của Regan cho đến khi ông trưởng thành. Nó làm cho ông không thể học lên cao hơn nữa.

Khu rừng cây sồi trong Công viên Quốc gia Thung lũng Patapsco gần thành phố Baltimore, nơi Brian Regan chôn hàng chục nghìn trang tài liệu mật lấy trộm nhưng chưa kịp bán.

Nhờ vóc người cao lớn, Regan được cho nhập ngũ vào Không quân. Ông dần dần lấy lại sự tự tin khi được thăng lên các cấp hàm sĩ quan, để từ đó tự học bằng cách nghe sách nói mượn từ thư viện. Regan luôn luôn tự nhủ với bản thân là phải tự hoàn thiện bản thân mình. Ông viết những điều tâm niệm ra giấy và dán khắp nhà, nội dung đại loại như: "Mỗi ngày tự học một ít để đạt mục tiêu!", "Hãy mở rộng đầu óc học hành để tiến bộ", "Sự lặp đi lặp lại sẽ đẻ ra kỹ năng tốt"…

Việc Regan trở thành "gián điệp" lấy cắp tài liệu mật diễn ra một cách tình cờ. Đầu năm 1999, Regan đã làm việc trong Văn phòng Thám báo Quốc gia (NRO) được 4 năm, và gần chạm mốc 20 năm phục vụ trong Không quân phải nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp hàm như ông. Ông cảm thấy không được tôn trọng, bị rẻ khinh và không được thăng cấp như ý muốn.

Trong khi đó, Không quân lại muốn điều động ông sang trú đóng ở châu Âu, và Regan không muốn đi vì lo ngại xa gia đình. Khi Không quân bác bỏ yêu cầu xin ở lại của Regan, ông đã chọn lựa phương án xin giải ngũ ở tuổi 37.

Lại thêm một khó khăn bức bách nữa đang thúc sau lưng ông: Gia đình khó khăn, vợ làm hộ lý lương thấp, phải nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học, bản thân Regan đang ôm khoản nợ 16.000 USD trong khi khả năng kiếm việc làm ở khu vực tư nhân hầu như không thể được vì phạm vi công việc được giao khá hạn hẹp.

Càng gần đến ngày phải nghỉ hưu theo quy định, tinh thần Regan càng trở nên bấn loạn. Cuối cùng ông cũng tìm được "cọng rơm" để bám víu. Đó là khai thác kho tài liệu mật của cơ quan. Một ngày kia, Regan tình cờ phát hiện một chiếc tủ có khóa trong văn phòng làm việc và suy nghĩ liệu mình có thể khai thác nó được không?

Thời gian gần 20 năm đi làm việc đã dạy cho Regan một điều rằng "muốn đạt được điều mình muốn đôi khi cũng phải vi phạm luật". Đã từng lấy trộm tranh của nhà hàng xóm, rồi khai gian dối khi nhập ngũ, nhưng Regan chưa bao giờ phải đối mặt với hậu quả tiêu cực do những hành vi đó gây ra. Regan cho rằng, điều quan trọng là "đừng để bị bắt". Nếu làm trót lọt, việc lấy trộm tài liệu mật sẽ là cứu tinh cho hoàn cảnh khó khăn của ông.

Brian Regan.

Regan có một điều kiện thuận lợi để thực hiện hành động lấy trộm tài liệu là ông được giao nhiệm vụ duy trì hoạt động cho trang Web của bộ phận mình trên mạng nội bộ cơ quan Intelink.

Ông biết rằng trong hàng ngàn trang và cơ sở dữ liệu trên mạng Intelink chắc chắn có rất nhiều thông tin bí mật mà nước Mỹ đã phải tiêu tốn hàng tỉ USD để thu thập. Intelink là cổng vào cả một kho báu đang chờ đợi Regan khai thác. Và ông bắt đầu khai thác "kho báu" đó ngay tại bàn làm việc của mình. Ông dò tìm những nội dung thông tin vượt ngoài trách nhiệm xử lý của mình.

Điều lạ là, Regan chưa hề biết gì về gián điệp. Ông vừa dò tìm tài liệu mật, vừa tra cứu trên mạng Internet để nghiên cứu các bài báo phân tích về việc các điệp viên trong lịch sử Mỹ đã lấy trộm tài liệu mật và chuyển cho nước ngoài như thế nào, họ đã bị phát hiện và điều tra ra sao.

Hình ảnh Brian Regan sao chép tài liệu mật tại bàn làm việc.

Ông còn dành thời gian trong lúc làm việc tại NRO để theo học một khóa học về phản gián và được các cựu điệp viên CIA và FBI giảng giải các tình huống phản gián. Regan muốn tránh các sai lầm mà những kẻ phản bội trước mình đã phạm phải.

Nhìn thấy trước tương lai sẽ như thế nào, Regan tự nhủ rằng sẽ vạch một kế hoạch thật hoàn hảo. Regan dự định sẽ làm một điệp viên hoàn hảo nhất mà tất cả mọi đồng nghiệp cũng như bạn học cũ đều không ngờ tới.

Suốt mùa thu, đông năm 1999, Regan đã truy cập vào nhiều báo cáo tình báo và hình ảnh liên quan - trong đó có hồ sơ về một vị tướng Libya, năng lực của Mỹ phá hủy các vị trí quân sự dưới lòng đất, một quyển sổ tay hướng dẫn về chiến tranh bằng vũ khí sinh học. Ông sử dụng máy in của cơ quan để in ra hàng trăm trang thông tin mật từ Intelink.

Khi ông thu thập đống tài liệu mật này, Regan bắt đầu suy nghĩ đến bước tiếp theo của kế hoạch. Hầu hết gián điệp phản bội nước Mỹ đều được nước ngoài mua chuộc và yêu cầu lấy trộm thông tin mật, nhưng Regan thì ngược lại. Ông không có liên hệ gì với tình báo nước ngoài. Ông tự thiết kế cho mình cách thức để liên hệ với một cơ sở nước ngoài và "tiếp thị" thông tin mà mình lấy trộm được.

Regan bắt đầu nhắm đến các mục tiêu "tiếp thị" tài liệu mật ở Trung Đông và Bắc Phi, là những địa bàn trọng tâm của công việc ông làm trong cả sự nghiệp. Regan bắt đầu điều chỉnh cách thức dò tìm trên mạng Intelink theo hướng tập trung vào khu vực này. Ông gõ từ khóa "Tối mật Iran" và lựa chọn thông tin trong các kết quả hiện ra.

Rồi ông gõ tiếp các từ khóa "Tối mật Libya". Sau đó ông tìm kiếm những thông tin có giá trị đối với chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein và Muammar Gaddafi của Libya. Ngoài ra, ông còn thu thập tất tần tật những thông tin và năng lực quân sự của các quốc gia láng giềng của Iraq và Libya trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi, như Israel, với hy vọng các quốc gia "mục tiêu" có thể quan tâm và chịu mua.

Với số tài liệu in ra ngày càng nhiều, Regan không thể để chúng trên bàn làm việc mãi, cho nên ông chất chúng vào chiếc tủ có khóa. Bây giờ đến công đoạn mang chúng ra khỏi cơ quan. Vào một ngày tháng 3-2000, Regan bắt đầu lấy ra những xấp tài liệu đầu tiên để mang ra ngoài. Ông đặt chúng dưới đáy một chiếc túi đựng đồ thể thao, bên trên là quần áo thể thao và áo khoác.

Khoảng 5 giờ chiều, Regan dọn dẹp bàn làm việc, tắt máy vi tính và lấy chiếc túi thể thao và ra về. Tim đập thình thịch, Regan lo sợ bị phát hiện, nhưng vẫn cố gắng đi một cách bình tĩnh, không gấp vội.

Khi ra đến chiếc cửa xoay, Regan nhìn các nhân viên an ninh canh gác cửa ra vào đang mải mê trò chuyện với nhau, trong khi mọi người đang hối hả ra về. Những nhân viên an ninh này có quyền chặn bất cứ ai để kiểm tra túi xách, khám xét người. Chỉ cần một người trong số họ muốn kiểm tra chiếc túi thể thao thì coi như Regan chắc chắn bị lộ.

Nhưng các nhân viên an ninh này đã quen nhìn thấy Regan mang chiếc túi thể thao đi làm hàng ngày nên họ không hề nghi ngờ ông. Thế là trót lọt. Và Regan có cảm giác việc mang lậu hồ sơ tài liệu ra khỏi cơ quan dễ vô cùng.

Trong nhiều tuần lễ sau đó, Regan đã mang hàng trăm trang tài liệu từ văn phòng làm việc ra ngoài bằng chiếc túi thể thao đó, mang chúng về cất dưới tầng hầm nhà riêng ở Bowie. Và ngoài các tài liệu in ra giấy, Regan còn sao chép thông tin từ các máy vi tính của NRO vào đĩa CD và mang cả những băng video ghi hình huấn luyện của NRO. Giữa đêm khuya, khi vợ và các con ngủ say, Regan âm thầm xuống tầng hầm để sao chép các băng video đó.

Khoảng tháng 4-2000, Regan bắt đầu vạch kế hoạch "tiếp thị" các tài liệu mật vừa lấy được. Từ những bài học về gián điệp mà ông tra cứu trên mạng, Regan biết rằng mình cần phải liên hệ với cơ quan tình báo của những quốc gia mục tiêu.

Nghĩ là làm. Regan viết một bức thư dài 13 trang gửi cho người đứng đầu cơ quan tình báo Libya. Tự giới thiệu mình là một chuyên viên phân tích tình báo của CIA, Regan nêu ra một số thông tin bí mật muốn bán với giá 13 triệu USD. Để bảo đảm "an toàn" cho bức thư, Regan quyết định viết bức thư bằng ký hiệu mật mã.

Vào tháng 7 năm đó, khi vợ đưa các con đi du lịch ở Thụy Điển, Regan mở cửa kho tầng hầm để rà soát hơn 20.000 trang tài liệu mật kèm băng video và đĩa CD. Ông sắp xếp các tài liệu theo từng quốc gia mục tiêu, gộp chung các tài liệu giấy cùng với đĩa CD và băng video thành một gói dành cho Libya và Iraq, hai quốc gia Regan cho là dễ tiếp thị nhất. Rồi ông đựng các tài liệu này trong những chiếc hộp nhựa, sau đó bỏ những chiếc hộp vào những chiếc túi đựng rác không thấm nước.

Vào một ngày mưa tháng 7-2000, Regan lái xe đến Công viên Quốc gia Thung lũng Patapsco gần thành phố Baltimore, cách nhà khoảng 48km. Dừng xe và quan sát xung quanh không thấy bóng người, Regan đi sâu vào rừng cây, dừng lại và tiếp tục quan sát xung quanh.

Biết không có ai, Regan lấy ra chiếc xẻng và đào một hố con nằm giữa các gốc cây. Xong, ông bỏ một gói tài liệu xuống hố rồi lấp đất lại. Rồi ông đi đến một cái cây cách đó vài mét, đóng một chiếc đinh làm dấu. Sau đó, Regan lấy trong túi xách ra chiếc máy định vị GPS lấy từ cơ quan để xác định tọa độ vị trí hố chôn tài liệu, sau đó ghi ra một tờ giấy.

Sau thêm hai lần đi đến Công viên, Regan đã chôn xong tất cả 7 gói tài liệu mà ông cho là rất nhạy cảm, ghi lại tọa độ vị trí chôn chúng. Những gói tài liệu này Regan không định mang đổi lấy tiền, vì giá trị của chúng lớn hơn nhiều. Ông dùng chúng như một kế hoạch bảo hiểm.

Giữa trưa ngày 23-5-2001, Regan nhấn ga xe ra khỏi nơi làm việc mới. Ông đã rời khỏi Không quân từ tháng 8-2000 và vài tháng sau gia nhập Công ty thầu quốc phòng TRW, làm việc tại văn phòng công ty ở Chantilly, bang Virginia.

TRW dự định phân công ông trở lại làm việc ở NRO dưới dạng nhân viên hợp đồng để làm công việc cũ mà ông đã từng làm hàng chục năm. Nhưng bây giờ, ông buộc phải đợi để được cấp lại chứng nhận an ninh, và trong lúc chờ đợi đó Regan bắt đầu tưởng tượng về một tương lai "triệu phú" nhờ bán số tài liệu lấy trộm.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.