Tiết lộ mới về việc điệp viên CIA tham gia vụ Watergate

Thứ Ba, 13/09/2016, 07:15
Một tài liệu lịch sử vụ bê bối chính trị Watergate do Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) soạn nhằm tẩy sạch những vết bẩn của chính mình do dính líu trong vụ bê bối chính trị Watergate đã được giữ kín suốt hơn 40 năm qua. Mới đây, tài liệu này đã được công khai, tiết lộ một số thông tin về việc một điệp viên hai mang của CIA tham gia vào nhóm những kẻ đột nhập nhằm theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của họ.

Tài liệu nghiên cứu của CIA mang tên "Working Draft - CIA Watergate History" dày 155 trang do một sĩ quan CIA tên là John C. Richards soạn thảo. Nhưng ông Richards đã đột ngột qua đời năm 1974 khi công trình đang soạn thảo dở dang, vì vậy một số đồng nghiệp không rõ danh tính của người đã chấp bút bản thảo.

E. Howard Hunt, cựu sĩ quan CIA, người đã tuyển chọn Eugenio Martinez vào nhóm đột nhập (ảnh trái); cựu Giám đốc CIA Richard M. Helms.

Đầu năm 2016, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết Chính phủ Mỹ phải chuyển tài liệu đó cho tổ chức phi đảng phái Giám sát Tư pháp (Judicial Watch) theo quy định của Luật Tự do thông tin (FOIA) và tháng 7-2016, một phần lớn nội dung tài liệu đã đến tay Judicial Watch, vẫn còn trong tình trạng bản thảo.

Theo Fox News, tập bản thảo tài liệu chứa đựng câu chuyện đầy đủ nhất về vụ Watergate. Vụ việc lần đầu xuất hiện trước công chúng vào rạng sáng ngày 17-6-1972. Đó là khi cảnh sát Washington mặc thường phục ập đến sau cú điện thoại của một nhân viên bảo vệ và bắt giữ 5 kẻ đột nhập bên trong trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) tại khu phức hợp Watergate ở Washington. Những người bị bắt mặc comple doanh nhân và mang găng tay cao su, mang theo người các thiết bị nghe lén.

Công tác điều tra đã nhanh chóng xác định rằng một trong số họ là người của ủy ban vận động tái tranh cử của Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon, và 4 trong 5 người tuyên bố từng có thời làm việc cho CIA. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện một trong những người bị bắt vẫn còn lĩnh lương của Langley (tức CIA) và có nhiệm vụ thông tin cho sĩ quan giám sát về hoạt động của nhóm đột nhập trong suốt thời gian đột nhập.

Điệp viên CIA trong nhóm đột nhập bị bắt có tên là Eugenio R. Martinez, một cựu sĩ quan CIA từng tham gia sự kiện Vịnh Con Lợn năm 1961, được tuyển chọn tham gia nhóm đột nhập bởi E. Howard Hunt, cựu sĩ quan CIA kiêm nhà tiểu thuyết tình báo cũng từng tham gia vụ Vịnh Con Lợn và về sau vào làm cố vấn trong Nhà Trắng của ông Nixon. Hunt cùng với một cựu đặc vụ FBI là G. Gordon Liddy vạch kế hoạch cho vụ đột nhập cài máy nghe lén tại trụ sở DNC. Hunt và Liddy cùng 5 kẻ đột nhập bị bắt đã bị đưa ra xét xử và tuyên án tù.

Eugenio Martinez (phải) và Tổng thống Richard Nixon tháng 10-1973.

Các học giả về Watergate trước đây luôn cho rằng Martinez là một chỉ điểm viên cho CIA trong thời gian ông ta làm việc cho Hunt và Liddy. Ông ta được các sử gia đánh giá là một điệp viên ranh mãnh, mệnh danh là "Musculito", đã xâm nhập để lấy thông tin tình báo về cộng đồng người Cuba di cư ở Miami và cung cấp cho Langley. Mỗi tháng, Martinez cùng với 3 người khác trong nhóm đột nhập được CIA trả khoảng 100 USD tiền công cho việc cung cấp thông tin này.

Vào tháng 10-1973, những nỗ lực của Tổng thống Nixon nhằm che đậy nguồn gốc chủ mưu vụ đột nhập Watergate đã thất bại hoàn toàn, các luật sư từ Lực lượng Tố tụng Đặc biệt Watergate (WSPF) đã đến gặp luật sư trưởng của CIA và yêu cầu được tiếp cận các tài liệu liên quan đến Martinez.

Đặc biệt là, các luật sư WSPF muốn xem một báo cáo trước đó do một trong những sĩ quan liên lạc của Martinez ở Miami soạn thảo và một bản tập ghi chép trao đổi thảo luận của Martinez với Hunt từ tháng 4-1972, một tháng trước khi xảy ra vụ đột nhập Watergate. Tổng tư vấn CIA lúc đó là John S. Warner đã quyết liệt từ chối việc này, cho rằng CIA không thể cung cấp những thông tin như thế cho bên ngoài, vì làm như thế là vi phạm sự tin cậy của một điệp viên.

Đây là lần đầu tiên trong tài liệu của CIA nhắc đến Martinez với tư cách là một điệp viên (agent), khác với thân phận chỉ điểm (informant) được đề cập trước đó. Thông tin này cũng cho thấy CIA đánh giá "tài sản" Martinez có giá trị như thế nào.

Nhiều đoạn trong tài liệu dự thảo đó cho đến nay vẫn còn được giữ bí mật, không được công bố kể cả sau khi có phán quyết của tòa án vừa qua. Ngoài ra, dự thảo tài liệu cũng thuật lại việc các quan chức cấp cao CIA, kể cả Giám đốc khi đó là Richard Helms, đã ém giữ thông tin FBI cung cấp về Martinez ngay từ khi cuộc điều tra về vụ đột nhập mới bắt đầu.

Vào ngày 19-6-1972, hai ngày sau khi nhóm đột nhập bị bắt, ông Helms đã nhận được một báo cáo tóm tắt từ Giám đốc An ninh CIA Howard Osborn cung cấp "các chi tiết tiểu sử" về từng thành viên nhóm đột nhập. Tuy nhiên, ba ngày sau, ông Helms bảo quyền Giám đốc FBI L. Patrick Gray III rằng "không ai trong số họ (những kẻ bị bắt) đã từng làm việc cho CIA trong vòng hai năm qua". Điều đó là không đúng đối với trường hợp của Martinez.

Năm nay 94 tuổi và hiện đang sống ở Miami, ông Martinez hầu như chưa bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí. Một thời gian dài, ông luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử vụ Watergate, không chỉ vì vai trò của ông trong nhóm đột nhập mà còn vì một chi tiết đắt giá đó là chiếc chìa khóa mà ông mang theo trong lúc đột nhập và bị bắt đã không giấu được cảnh sát tra vừa vặn ổ khóa bàn làm việc của Thư ký DNC Ida "Maxie" Wells.

Trong vụ việc đó, duy nhất chỉ có đường dây điện thoại của bà Wells là bị cài nghe lén. Ngoài Martinez, không một thành viên nào khác trong nhóm đột nhập có được chiếc chìa khóa như thế, và cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng làm thế nào và tại sao ông Martinez lại có được chiếc chìa khóa đó.

Jim Hougan, tác giả của công trình nghiên cứu mang tên "Secret Agenda: Weatergate, Deepthroat and the CIA" do nhà xuất bản Random House ấn hành năm 1984, đã đánh giá dự thảo tài liệu mật của CIA là "một sản phẩm lạ", nhưng "nó mang một hương vị nồng nàn, được mang đến cho độc giả sau một thời gian quá dài bị giấu kỹ".

Ông Hougan điểm qua nhiều khía cạnh của vụ Watergate - tất cả đều có dính líu đến CIA nhưng đã không được nêu ra trong bản dự thảo. Những sự thiếu sót đó bao gồm: việc một sĩ quan CIA tên Lee Pennington và một nhân viên của cựu Thượng nghị sĩ Robert F. Bennett (từng là một điệp viên hai mang của CIA) thủ tiêu các giấy tờ, tài liệu liên quan đến Wategate ngay sau vụ bắt người. Ông Bennett từng huênh hoang tuyên bố mình là người đã cung cấp thông tin cho nhà báo Bob Woodward của tờ Washington Post viết bài về vụ Watergate.

Một lĩnh vực mà bản dự thảo tài liệu của CIA quyết tâm gạt bỏ nhằm xóa dấu vết sự liên quan của CIA trong vụ Watergate là phần nói về sĩ quan Rob Roy Ratliff, liên lạc viên về Hội đồng An ninh Quốc gia.

Trong một bản tự khai năm 1974 nộp cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện khi ủy ban này xem xét các yếu tố luận tội Tổng thống Nixon, Ratliff đã tuyên thệ và khai rằng E. Howard Hunt, dù đã nghỉ làm ở CIA và chuyển sang làm cố vấn trong Nhà Trắng của ông Nixon, nhưng vẫn sử dụng các phương tiện truyền tin an ninh của CIA để gửi những túi niêm phong tài liệu cho Giám đốc Helms của CIA, và việc này diễn ra thường xuyên, kéo dài cho đến ngay trước khi xảy ra vụ Watergate.

Các nguồn tin nội bộ Nhà Trắng thời đó nói rằng, các túi tài liệu đó chứa những "lời bàn tán" về tình hình giới tính trong các quan chức Nhà Trắng có thể sử dụng cho mục đích xây dựng hồ sơ sinh lý học - một việc vi phạm điều lệ hoạt động của CIA. Chính Hunt cũng từng giúp CIA soạn thảo một hồ sơ tương tự về Daniel Ellsberg, nhà phân tích đã tiết lộ Hồ sơ Lầu Năm Góc (Pentagon Papers) cho tờ báo New York Times.

Nguyên Khang (theo Fox News)
.
.