Bản đồ kế hoạch tấn công Cuba của Tổng thống Kennedy

Thứ Ba, 17/04/2018, 12:15
Một tấm bản đồ năm 1962 về Cuba được đem bán đấu giá ở thành phố Boston (Mỹ) song nó không chỉ là tấm bản đồ bình thường mà là hiện vật nguy hiểm bậc nhất trong những ngày đen tối nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Đó là khi mà cuộc đối đầu giữa Washington và Moskva đạt đến mức bế tắc có thể dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt gây nguy cơ lan rộng toàn cầu.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, tổng thống Mỹ John F. Kennedy thường xuyên nghiên cứu tấm bản đồ - trên đó thể hiện khoảng chục mục tiêu quân sự trải khắp Cuba có thể bị tấn công - để xem xét liệu có nên mở chiến dịch không kích đồng loạt hay không. 

Suốt gần 2 tuần tháng 10-1962, cả thế giới nín thở theo dõi mọi động thái của Washington và Moskva khi cuộc đối đầu căng thẳng giữa 2 siêu cường đã đến mức báo động. Căng thẳng bắt đầu gia tăng đến mức cao nhất sau khi Mỹ phát hiện một loạt vị trí trang bị hệ thống tên lửa hạt nhân của Liên Xô trên đất Cuba.

Tổng thống John F. Kennedy họp bàn với Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.

Điều đáng sợ nhất là những quả tên lửa hạt nhân có thể được phóng đến một số thành phố nước Mỹ trong khoảng thời gian tính bằng phút đe dọa tính mạng của hàng triệu người dân nước này.

Trong cuốn sách "Thirteen Days: A Memoir of the Cuban Missile Crisis" (tạm dịch, 30 Ngày: Hồi ký về cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba) của mình, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lúc đó là Robert F. Kennedy (em trai của John Kennedy) tiết lộ những bức ảnh chụp từ các máy bay do thám Mỹ cho thấy "những quả tên lửa hướng thẳng đến một số thành phố nước Mỹ và ước tính chỉ trong vài phút là chúng sẽ giết chết ngay lập tức khoảng 80 triệu người dân nước này". Lúc đó, Robert Kennedy lãnh đạo một đội đặc nhiệm Nhà Trắng để xem xét khả năng phản ứng của Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa.

Trong khi đó, giới chức lãnh đạo Lầu Năm Góc luôn thúc bách John Kennedy mở chiến dịch tấn công Cuba - động thái được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm có thể gây ra cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc giữa Mỹ và Liên Xô. Các nhà lập kế hoạch chiến tranh ở Lầu Năm Góc ước tính sẽ có khoảng 18.500 binh sĩ thương vong trong vòng 10 ngày đầu tiên phát động cuộc chiến tấn công xâm lược Cuba mà không sử dụng vũ khí hạt nhân - theo tài liệu mật mới được giải mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tấm bản đồ năm 1962 cho thấy 9 địa điểm mục tiêu trên Quốc đảo Cuba.

Robert Kennedy viết trong cuốn sách: "Theo kế hoạch, máy bay chiến đấu Mỹ sẽ xuất kích 500 lần tấn công mọi mục tiêu quân sự bao gồm địa điểm bố trí tên lửa, sân bay, cảng và vị trí pháo binh". Dựa vào những bức ảnh chụp mà các máy bay do thám cung cấp, tấm bản đồ của tổng thống Kennedy thể hiện 9 địa điểm tên lửa trên đất Cuba sẽ bị tấn công lập tức nếu quyết định tấn công được đưa ra. Những vũ khí Liên Xô ở Cuba được thể hiện trên tấm bản đồ bao gồm: máy bay chiến đấu MiG và hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung vũ trang hạt nhân mà các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng sẽ đe dọa trực tiếp Miami, Washington và New Orleans.

Robert Kennedy viết trong cuốn sách:  "Các đơn vị tên lửa Mỹ được báo động đến mức cao nhất. Binh sĩ được điều động đến Florida và khu vực đông nam nước Mỹ… Hải quân triển khai 180 tàu chiến đến khu vực Caribean… Những chiếc máy bay ném bom B-52 được lệnh lắp bom hạt nhân".

Nhưng, cuối cùng kế hoạch tấn công Cuba đã không xảy ra do Washington lo ngại uy tín nước Mỹ bị tổn hại trên khắp thế giới - theo Robert Kennedy. Do đó, thay vì phát động chiến tranh xâm lược, Washington quyết định triển khai tàu chiến phong tỏa xung quanh Cuba. Vào phút cuối cùng, biện pháp ngoại giao được tiến hành để tránh chiến tranh. Washington và Moskva bí mật thỏa thuận: Mỹ cam kết không xâm lược Cuba cũng như triệt thoái hết tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Liên Xô rút hết tên lửa hạt nhân khỏi hòn đảo. Thỏa thuận bí mật này chỉ được giải mật vào hơn 25 năm sau.

Hiện nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tấm bản đồ - trị giá ước khoảng 20.000 USD - được đem ra bán đấu giá bởi RR Auction Company. Sau cuộc khủng hoảng, tổng thống Kennedy trao tấm bản đồ (mà ông gọi là "bản đồ chiến thắng") cho Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.